Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thị Tâm Đan – Chủ nhiệm Ủy ban VHGD, TN, TN và NĐ

Thứ Tư 09:27 16-08-2006

Kính thưa Hội nghị,
Tôi nghĩ rằng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thì Thường vụ sẽ tiếp thu và sẽ sửa chữa thế nào cho nó phù hợp. Nhân đây, tôi cũng xin trình bày lại một số vấn đề:
Thứ nhất, nhiều đại biểu phát biểu về vấn đề mục tiêu, tôi cũng xin nói rằng riêng cá nhân hầu như tôi không ủng hộ những luật mà có mục đích, ví dụ như Luật Điện ảnh, Luật di sản văn hóa phần lớn các Bộ đưa sang đều ghi, nhưng mục đích của các luật thường hay nói đến vị trí, vai trò, chúng tôi thấy không nên đưa vào luật. Mục tiêu của giáo dục thì nó không phải để nói đến mục đích, hoặc tầm quan trọng hoặc cái gì mà mục tiêu đây là trong giáo dục mục tiêu nhằm xác định những tiêu chí trong đào tạo phải thực hiện, thậm chí trong giáo dục xưa nay đó là Pháp lệnh.
Thưa các đồng chí, văn bản cơ bản nhất của giáo dục, kể cả đào tạo, đó là văn bản về chương trình đào tạo, kết cấu của nó bao giờ mục đầu tiên cũng phải xác định mục tiêu. Ví dụ giáo dục phổ thông, mục tiêu từ lớp 1 đến lớp 12 đều đạt mục tiêu là trí, đức, thể, mỹ. Vì vậy, cái đó nó nằm trong nhiệm vụ đào tạo chứ không phải là mục tiêu để nói lên tầm quan trọng.
Trong giáo dục dạy nghề cũng vậy, mục tiêu của giáo dục dạy nghề bao gồm những nội dung kỹ năng, kiến thức, sức khoẻ, đến tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, nói chung là đạo đức, phẩm chất của một người lao động. Đối với giáo dục, tính chất hệ thống của nó rất cao. Ví dụ bây giờ đào tạo từ lớp 1 cho đến lớp 12, mục tiêu của nó bao giờ cũng rất trùng nhau là phải giáo dục trí, đức, thể mỹ, nhưng lớp 1 thì trí, đức, thể, mỹ khác lớp 12 thì phương pháp giáo dục trí đức, thể, mỹ nó phải khác.
Cho nên, việc trùng nhau trong giáo dục nó xuất phát từ tính phát triển hệ thống của các trình độ. Cho nên, khi đọc vào đây, các đồng chí cảm thấy mục tiêu chỗ nào nó cũng trùng nhau cả. Thưa các đồng chí, có viết đến mấy nó cũng trùng nhau, kiến thức, kỹ năng, tiến tới là ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, đạo đức.
Chúng tôi muốn trình bày ý đó, tại sao đối với từng trình độ cũng phải viết riêng ra, bởi sau này ví dụ như trường trung cấp nghề, văn bản đầu tiên cơ bản nhất của một trường trung cấp nghề là anh phải có một văn bản xác định chương trình đào tạo nghề. Đã là chương trình đào tạo nghề thì Mục 1 phải xác định rõ là mục tiêu.
Cho nên, mục tiêu xác định như thế nào thì trong luật này quy định như thế nào thì mục tiêu trong văn bản của trường dạy nghề đó cũng phải nói đúng thế, chỉ có điều khác tên nghề đúc, nghề hàn. Vì vậy, xin phép các đồng chí cho giữ lại vì ý nghĩa này rất quan trọng đối với các nhà trường, còn ở đây các trình độ nó chỉ khác nhau về mức độ tức là mức độ kiến thức và mức độ về kỹ năng. Vì vậy, cho nên các đồng chí cho giữ, còn đối với dạy nghề sơ cấp thì có cần tác phong công nghiệp không. Tôi nghĩ nó sẽ đúng trong những trường hợp, ví dụ mình đào tạo một nghề, hoàn chỉnh trong 6 tháng, 8 tháng, 9 tháng thậm chí trong 3 tháng còn tất nhiên sơ cấp thì thưa các đồng chí nó còn bao gồm cả những chương trình, cập nhật kiến thức chuyển giao công nghệ, thật ra những chương trình này nó có thể chỉ có 7 ngày, có một tuần thì đương nhiên chuyện rèn luyện kỹ năng, rèn luyện tác phong công nghiệp hoặc ý thức tổ chức kỷ luật thì đương nhiên nó không thể có nhiều được.
Vì vậy, nếu nói chúng ta không để cho sơ cấp, vậy thì những trình độ đào tạo tới 12 tháng thì đào tạo một nghề hoàn chỉnh. Chúng tôi nghĩ rằng chỗ này nó sẽ tùy thuộc, nếu bỏ thì thiếu nhưng để thì các đồng chí cảm thấy thừa. Nó chỉ thừa với những trường hợp chuyển giao công nghệ, cập nhật kiến thức, phổ biến kỹ thuật còn những trường hợp đào tạo một nghề hoàn chỉnh thì hoàn toàn hết sức cần thiết. Vì vậy, các đồng chí ủng hộ cho là thừa còn hơn thiếu thì nó tốt hơn. Chúng tôi đề nghị như vậy.
Còn danh từ modul, thưa các đồng chí modul cũng có trong nhiều môn học. Ví dụ, vật lý cũng nói đến nhưng modul trong dạy nghề theo định nghĩa này thì các đồng chí biết rồi, nó là một đơn vị học mà đảm bảo kiến thức và kỹ năng, tác phong để anh có thể hoàn thành được công việc này.
Có đồng chí nói là học phần, thưa các đồng chí, ở đại học hiện nay người ta dùng khái niệm là học phần, học phần của giáo dục đại học là gồm 15 tiết, như vậy, nó có những đơn vị học trình, đơn vị một học trình có thể có 2 đơn vị học phần, có thể có 3 đơn vị học phần, 4 đơn vị học phần. Mỗi một đơn vị học phần là 15 tiết học, nếu bây giờ chúng ta dùng học phần cho dạy nghề, chúng tôi cho rằng không phù hợp, bởi trong dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành nó xen kẽ nhau.
Thực ra, nếu các đồng chí làm trong lĩnh vực dạy nghề, modul người ta không hề xa lạ, nhưng đối với xã hội thì xa lạ thật. Nhưng trong nhà trường, trong đào tạo, không xa lạ. Nhưng bây giờ bảo là có thể tìm từ nào thay thì thưa các đồng chí Bộ Lao động thương binh và xã hội đã để mấy tháng tìm, cuối cùng các đồng chí tìm, định đưa ra một từ, gọi là từ "đơn nguyên", ngồi bàn mãi chữ "đơn nguyên" lại hiểu như đơn nguyên xây dựng thì càng dở hơn. Thành ra đó là điều chúng tôi cũng xin đề nghị các đồng chí là nếu trong trường hợp không tìm ra được từ nào chính xác hơn, hay hơn, thì các đồng chí cho phép chúng ta phải Việt hoá một từ nước ngoài, nếu dùng mãi nó sẽ trở thành quen. Cái này chúng tôi cũng xin nói thật với các đồng chí là trong thuật ngữ khoa học, trong danh pháp khoa học, phải nói rằng rất nhiều từ chúng ta phải mượn của nước ngoài. Chúng tôi xin tiếp thu và cũng giao lại để Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghĩ tiếp, nhưng nếu từ nay cho đến khi Quốc hội họp mà nghĩ không ra được, mong các đồng chí ủng hộ cho là dùng, vì cũng quen rồi.
Thứ hai, các đồng chí góp rất nhiều về những chính sách, về cụ thể chúng tôi xin tiếp thu. Còn riêng về những chính sách tôi xin trình bày, Điều 7 nằm trong Chương I là những chính sách chung thì phần lớn Chương I đều quy định những chính sách chung mang tính định hướng, còn khi đi vào các chương cụ thể thì nó mới có chính sách cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến các đồng chí để sửa lại những từ ngữ cho phù hợp.
Bây giờ chúng tôi đề nghị tinh thần là cố gắng nếu cái gì trong Luật Giáo dục người ta đã quy định đủ, thì trong luật này không nên nhắc lại và chỉ nên dẫn chiếu. Như thế nó gọn hơn và thứ hai nó gắn bó giữa Luật Dạy nghề với Luật Giáo dục. Còn tên Luật thì trong này có đồng chí nói rằng nên đặt tên là Đào tạo nghề.
Thưa các đồng chí, nếu đặt tên là Đào tạo nghề thì hoàn toàn đúng, chẳng có gì sai nhưng bây giờ tại sao lại giữ dạy nghề thì bên Chính phủ cũng rất muốn từ dạy nghề này dùng rất lâu, rất quen và nó cũng giản dị. Thứ hai, trong Luật Giáo dục cũng nói là dạy nghề mà Luật Giáo dục thì Quốc hội mình vừa thông qua xong, bây giờ mình lại phủ nhận nó thì cũng không ổn lắm. Cũng mong các đồng chí mọi thứ cũng đã quen và để nó thống nhất với Luật giáo dục thì các đồng chí ủng hộ cho tên luật là Luật dạy nghề.
Ý kiến thứ ba, các đồng chí nói rằng vậy thì trung học chuyên nghiệp có được dạy nghề không. Thưa các đồng chí tuy tên luật là Luật dạy nghề bởi vì trong Luật giáo dục có đoạn là giáo dục nghề nghiệp thì có hai phần, phần thứ nhất là trung học chuyên nghiệp, phần thứ hai là dạy nghề. Có đồng chí bảo thế thì có điều chỉnh lương trung học chuyên nghiệp không. Thưa các đồng chí điều chỉnh lương trung học chuyên nghiệp thì có cái không ổn, trung học chuyên nghiệp người ta đào tạo cả nghề đã đành, nhưng người ta còn đào tạo nhiều. Ví dụ trung cấp y, trung cấp kinh tế v.v.... thường thường thì trung học chuyên nghiệp rộng hơn rất nhiều còn nói về lĩnh vực dạy nghề thì thực chất là đào tạo công nhân. Nhưng đào tạo công nhân hiện nay ở cả trình độ cao hơn, đó là có trình độ cao đẳng, trước đây hay dùng khái niệm dạy nghề dài hạn.
Các đồng chí nói hiện nay có một số trường là trường công nhân có thể tuyển sinh trung học phổ thông dạy đến 2 năm nhưng vẫn gọi là trường công nhân, nhưng thực chất trường ấy chính là trường trung cấp nghề. Hiện nay xét hệ thống nghề theo tinh thần phát triển là có sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, nhưng thực chất mục tiêu là đào tạo công nhân. Chúng tôi xin nói rõ như vậy, luật này thì không điều chỉnh giáo dục chuyên nghiệp, nếu điều chỉnh giáo dục chuyên nghiệp thì phải điều chỉnh rộng ra nữa, ra tất cả các loại hình đào tạo khác nhau, các ngành nghề khác nhau. Nhưng trong luật này có để cho trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề không, thưa các đồng chí luật này với một thái độ hết sức cởi mở và hết sức mở rộng. Cho nên trong luật này tại Điều 22, Điều 29 đã quy định trường Trung cấp chuyên nghiệp, trường Cao đẳng chung và trường Đại học nếu muốn dạy nghề đều được dạy nghề. Tức là nếu các trường này muốn mở các chương trình dạy nghề thì đều được hết và các trường này phải đăng ký với Bộ Lao động thương binh và xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng tôi nghĩ, nó sẽ giải tỏa được cả chuyện vậy thì có để cho trường trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề không? Thưa các đồng chí thoải mái và hiện nay trên thực tế rất nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp người ta thấy nhu cầu dạy nghề rất lớn, cho nên người ta xin mở cả các chương trình dạy nghề. Hiện nay Bộ Lao động thương binh và xã hội vẫn giao cho các trường trung cấp chuyên nghiệp được dạy nghề. Theo tôi về bản chất những vấn đề đã được giải quyết trong luật này.
Còn các đồng chí có góp ý kiến trong trường dạy nghề phải hết sức quan tâm đến cơ sở vật chất và đối với giáo viên dạy nghề rất quan tâm đến đội ngũ dạy nghề. Thưa các đồng chí trong luật này đối với phần nói về giáo viên. Đối với giáo viên thực hành thì trong luật này cho phép cả nghệ nhân, cả công nhân có tay nghề cao, đều là giáo viên thực hành, thưa các đồng chí trong này rất mở rộng.
Về xây dựng trường dân tộc nội trú, có lẽ chúng tôi sẽ tiếp thu để thể hiện lại cho rõ hơn. Mục tiêu thì sẽ cố gắng thực hiện việc dạy nghề cho dân tộc nội trú, còn dạy bằng cách nào thì chúng tôi nghĩ rằng có thể các trường nghề ở đấy có thể tiếp nhận cũng được, nếu nơi nào có nhu cầu phải mở thì chúng ta cũng vẫn mở. Nhưng quan trọng là về chế độ, chế độ học sinh học nghề thì được hưởng như chế độ học sinh dân tộc nội trú, để đảm bảo cho các cháu về địa phương có điều kiện làm ăn tốt hơn.
Các đồng chí có hỏi Điều 18 có trái với Luật Giáo dục không? Chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Bởi vì tinh thần khi sửa luật này là cố gắng nhất quán với Luật Giáo dục, nếu có gì trái thì sẽ xin sửa.
Một số đồng chí nhấn mạnh rất nhiều về chuyện nên gắn với doanh nghiệp. Thực ra tiếp thu ý kiến các đồng chí đại biểu Quốc hội trước đây có thể nói ở Bộ đã có thiết kế hẳn một Chương V là chương quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề. Trong chương này có mấy ý cơ bản như sau:
Doanh nghiệp có quyền thành lập các trung tâm dạy nghề, các trường nghề.
Thứ hai, doanh nghiệp có quyền mở những lớp đào tạo nghề cho chính mình.
Thứ ba, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề có thể hợp tác với nhau trong công tác dạy nghề. Ví dụ trường thì dạy lý thuyết, đến phần thực hành thì đến doanh nghiệp.
Thứ tư, doanh nghiệp còn được mời vào các Hội đồng để thẩm định các chương trình nghề.
Thứ năm, đối với các doanh nghiệp được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với các khoản chi phí mà các đồng chí nói cần viết lại, nhưng ý thì như sau:
Thứ nhất là các khoản đầu tư chi phí hợp lý của doanh nghiệp để thành lập và duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề, chi phí dạy nghề của doanh nghiệp cho những người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp, chỗ này được trừ vào chi phí hợp lý khi mà tính thuế. Như vậy có 5 điểm rất quan trọng để nói mối quan hệ của trường nghề hay của cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp.
Trong này cũng có xác định là trách nhiệm của doanh nghiệp là tiếp nhận người học nghề đến tham quan, thực tập kỹ năng nghề tại doanh nghiệp và thông qua hợp đồng với các cơ sở nghề. Chúng tôi nghĩ đây cũng rất hợp với một số ý kiến mà hôm nay các đồng chí cũng có nhấn mạnh thêm.
Tại Điều 59, Khoản 2, Điểm a: "Đối với giáo viên dạy nghề được đi thực tế sản xuất tiếp cận với công nghệ mới" Ý kiến của các đồng chí phát biểu hôm nay chúng tôi thấy ở mức độ nào thì văn bản cũng đã được thể hiện, sau đây chúng tôi sẽ rà soát lại nếu có gì để kết hợp giữa doanh nghiệp và dạy nghề tốt hơn nữa thì sẽ tiếp tục bổ sung. Có ý kiến đồng chí nói với tôi ví dụ như đối với các trường tư thục mà người ta thực hiện những chính sách xã hội dạy nghề thì Nhà nước có giải quyết gì không?
Tôi xin báo cáo với các đồng chí, gần đây Chính phủ đã ra một Nghị định nếu đối với các trường tư thục nhận học sinh, sinh viên là các đối tượng chính sách, ví dụ như phải mất tiền thế này, thế kia thì Nhà nước sẽ chuyển tiền ấy cho các trường. Như vậy, tôi thấy Nghị định ấy cũng thể hiện sự tiến bộ là không phải chỉ thực hiện chính sách ấy đối với trường công lập mà trường tư thục cũng có thể thực hiện, nếu thực hiện được thì Nhà nước sẽ trả những chi phí đó. Tôi thấy trong Luật Giáo dục hiện nay, trong các văn bản của Chính phủ hiện nay cũng đã có.
Còn một số ý kiến các đồng chí nói rằng góp một số ý kiến cụ thể trong một số điều. Ví dụ, khi chấm dứt hợp đồng vì sức khỏe, vì này khác thì phải có chứng nhận thì xin tiếp thu.
Còn hiện nay có đồng chí hỏi tôi xin nói thôi chứ ở Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thì chúng tôi trình bày ngọn ngành kỹ hơn, khi ra Quốc hội thì chắc chắn sẽ bản khác, bản trình bày văn phong chắc chắn sẽ mềm mỏng hơn, đối với đại biểu chuyên trách thì cũng phải nói kỹ hơn. Ví dụ, các đồng chí hỏi cụm từ "giáo dục kỹ thuật dạy nghề" thì nó từ đâu mà có, thưa các đồng chí tôi nhớ từ thời bác Phạm Văn Đồng còn là Thủ tướng thì lúc đó có bàn đến giải quyết vấn đề hình thành Tổng cục Dạy nghề thì thực chất cuả nó lúc bấy giờ đặt vấn đề giáo dục kỹ thuật và dạy nghề. Dùng từ rất dài, nhưng chính bác Phạm Văn Đồng nói rằng dài dòng làm gì, nói gọn một câu là dạy nghề. Từ đó mới gọi gọn lại, cho đến nay thấy nó cũng hợp còn nói giáo dục kỹ thuật. Nếu giáo dục kỹ thuật cho đến nơi, đến chốn thì thực tế dẫn đến dạy nghề được, cho nên sở dĩ trong văn bản chúng tôi muốn trích dẫn dài dòng văn tự vì có nhiều người nói dạy nghề xuất phát từ đâu, từ ngày đầu khi hình thành Tổng cục Dạy nghề và do đó chúng tôi muốn giữ lại, xin báo cáo với các đồng chí như thế.
Có đồng chí nói, nên có chính sách hỗ trợ vốn, cho vay vốn. Thưa các đồng chí để chúng tôi sẽ nghiên cứu và cố gắng thể hiện được thì tốt.
Ý của các đồng chí có nói bây giờ dạy nghề thì chỉ là cấp giấy phép thôi, thưa các đồng chí trong Luật Giáo dục, luật này cũng áp dụng chung, đối với trường công lập, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải gia quyết định thành lập, đã là trường công lập thì phải tiêu tiền của ngân sách. Cho nên cơ quan có thẩm quyền phải gia quyết định, từ quyết định ấy thì mới giải quyết được nhiều vấn đề.
Đối với trường tư thục, Nhà nước chỉ cấp giấy phép thôi. Vì vậy, cho nên cũng xin các đồng chí cho giữ hai cụm từ đó là đối với công lập thì quyết định, đối với tư thục thì cấp giấy phép. Nhìn chung, hôm nay chúng tôi thấy rằng những ý kiến của các đồng chí làm cho chúng tôi rõ thêm và sáng thêm, để rồi cố gắng sẽ hoàn chỉnh luật này một bước nữa rồi trình ra Quốc hội.

Các văn bản liên quan