Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Thanh Phú – Tỉnh Thái Nguyên

Thứ Tư 09:26 16-08-2006

Kính thưa các đồng chí chủ tọa phiên họp,
Kính thưa các đồng chí,
Trước hết, tôi đề nghị Mục 4, Chương II về dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên nếu đưa vào mục này thì nó lạc lõng so với Chương II, Chương II là các trình độ dạy nghề. Cho nên hình thực đào tạo nghề đề nghị chuyển về Chương I thành một điều có 3 khoản, Điều 31 thành một khoản, Điều 32 thành một khoản và Điều 33 thành một khoản.
Liên quan về vấn đề đào tạo nghề, đào tạo nghề phải xem xét hai vấn đề; Một là vấn đề phân luồng; Hai là vấn đề đầu ra. Thể hiện phân luồng ở đây không rõ, cho nên tôi đề nghị việc tuyển sinh không nên thi đối với dạy nghề, kể cả trình độ cao đẳng, tuyển sinh vào trong các trường, các cơ sở dạy nghề chỉ là tuyển chọn.
Vấn đề rất quan trọng liên quan đến đầu ra, tôi đề nghị thêm vào Điều 7 về chính sách là khuyến khích các doanh nghiệp hợp đồng với các nhà trường để đào tạo lao động của mình. Đây là một trong những vấn đề quan trọng, đầu ra là các doanh nghiệp, bây giờ nói gì chăng nữa, tất cả số này đào tạo đầu ra là doanh nghiệp thì phải khuyến khích các doanh nghiệp làm vấn đề này.
Trên cơ sở đó tại hợp đồng quy định tại Điều 35, ở đây có hai loại hợp đồng. Một là hợp đồng giữa nhà trường với cá nhân người học, cái đấy đi riêng lẻ. Hợp đồng thứ hai là giữa các doanh nghiệp với nhà trường để đào tạo nghề. Cần có hợp đồng đó để thu hút các doanh nghiệp người ta đào tạo số lượng lớn, để phục vụ cho mình, cái này cần khuyến khích tất cả các doanh nghiệp. Chứ bây giờ ta không thể cứ bỏ mãi tiền ra, tất cả các thứ để đào tạo, mà đưa các doanh nghiệp để đào tạo việc này. Khi tôi làm Giám đốc thì toàn bộ gần như công nhân của tôi, tôi tuyển vào hết rồi bắt đầu tôi tuyển đào tạo. Việc này đỡ cho Nhà nước và đỡ cho cái kia. Cho nên, nên có hợp đồng liên quan đến việc tuyển chọn thì khuyến khích các doanh nghiệp.
Ý thứ ba, về tổ chức dạy nghề, tôi đề nghị xem xét lại vấn đề chính sách dạy nghề, tại Khoản 2, trang 2, Điều 7, có nêu vấn đề như thế này: "Tập trung xây dựng một số trường cao đẳng nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và trên thế giới". Thưa các đồng chí, bây giờ ta chưa đưa ra chính sách này thì hiện nay đang có xu hướng là cao đẳng hóa các trường dạy nghề, chắc nghề thì chị Hằng đang vất vả liên quan đến xét duyệt các hồ sơ của các trường dạy nghề hiện nay lên cao đẳng, việc này ta có nên cao đẳng hóa hay không? Cho nên chính sách liên quan đến vấn đề chuyển đổi, nếu không sau này ta sẽ chỉ có trường cao đẳng dạy nghề thôi mà hiện nay đang chuyển rồi, đã có một số trường đang dạy nghề nhưng chuyển sang cao đẳng rồi, có nên hay không? Cho nên tôi đề nghị ghi chính sách chung là tập trung xây dựng một số cơ sở dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và thế giới. Dạy nghề nói chung thôi sau đó chọn, đừng cụ thể vào cao đẳng là chết, sẽ đua theo và cao đẳng hóa tất cả các trường dạy nghề cái đó sẽ có sự lệch hướng. Đó là cơ sở dạy nghề nói chung phải tiếp cận cái đó.
Ý thứ hai, tại Điều 41 có quy định thẩm quyền thành lập, có một mâu thuẫn trong đổi mới về vấn đề quản lý của ta là hiện nay đối với doanh nghiệp thì chúng ta muốn bỏ Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân hành chính chủ quản. Nhưng đối với các cơ sở đào tạo nếu quy định theo Điều 41 này thì vấn đề chúng ta lại vẫn tiếp tục chấp nhận và vẫn tiếp tục hình thành Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân chủ quản đối với các trường đào tạo thì có nên hay không.
Theo tôi Điều 41 nên chuyển tất cả các trường đăng ký thành lập chuyển sang hình thức cấp giấy phép đào tạo nghề. Anh được đào tạo nghề gì? trình độ gì? là trên cơ sở cấp giấy phép, còn thẩm quyền cấp giấy phép thì ta sẽ có quy định chứ không nên Bộ quyết định thành lập cái này, Bộ quyết định thành lập cái kia nữa. Thưa các đồng chí chúng tôi cũng gặp phải trường hợp một số anh ở trường thuộc doanh nghiệp muốn qua quá trình hoạt động doanh nghiệp xin về trường trực thuộc Bộ. Mục đích xin về trường trực thuộc Bộ là lấy ngân sách Nhà nước trong đào tạo, sẽ chuyển theo hướng ấy. Cho nên theo tôi không nên duy trì mãi hình thức Bộ chủ quản đối với các trường và Ủy ban nhân dân chủ quản đối với các trường mà chuyển sang cấp giấy phép thành lập các trường này.
Thẩm quyền cấp giấy phép thuộc ai? Ví dụ cao đẳng có thể là Bộ cấp giấy phép, anh đăng ký những cái này tôi đồng ý, tôi chấp nhận thì tôi cấp giấy phép cho anh chứ tôi không quyết định thành lập. Để phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của anh này, nếu anh đã thành lập thì anh chịu trách nhiệm cái đó, anh đã chủ quản thì anh phải chịu trách nhiệm cái đó. Điều 41 tôi đề nghị xem xét.
Liên quan đến chính sách đối với các nhà trường, tôi đề nghị bổ sung thêm một chính sách đối với Điều 50 là đối với các nhà trường được sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về thực hành dạy nghề mà tạo ra, trong quá trình thực hành nó sẽ xuất hiện ra sản phẩm. Ở đây tôi đồng ý có thể anh thành lập doanh nghiệp, nhưng thành lập doanh nghiệp sản xuất riêng, nhưng bản thân quá trình những xưởng thực hành nó có tạo ra sản phẩm thì anh được phép kinh doanh cái này. Tôi đề nghị nên có chính sách khuyến khích các trường như thế để lấy thu bù chi. Có nghĩa là trong quá trình học sinh làm ra sản phẩm này, có những học sinh có thể sẽ được phụ cấp, không nhất thiết Nhà nước phải bù vấn đề này. Tức là từ nó làm sản phẩm ra thì nó nuôi sống anh đó, chỗ này phải khuyến khích cái đó để nó tạo ra sản phẩm trong quá trình thực hành để tiêu thụ sản phẩm. Chính sách khuyến khích tôi đề nghị như vậy.
Đối với một số chính sách thuế, chúng tôi thấy Điều 53 ghi vào đây là ưu đãi lãi suất thì không còn nữa, bởi vì bây giờ mình chuyển sang thương mại rồi, vay mướn là thương mại rồi, chỉ có Ngân hàng phát triển bây giờ có cho vay ưu đãi, chắc là trường không đến mức độ phải sử dụng hết cái này. Thứ hai là chính sách liên quan đến Ngân hàng chính sách. Cho nên bỏ chữ "ưu đãi về lãi suất" vì ngân hàng không cho đâu, mình có ghi vào đây cũng không được đâu, nó kinh doanh thì không bao giờ nó ưu đãi cái này.
Thứ ba, miễn, giảm thuế không nên quy định trong luật này. Miễn, giảm thuế đối với sản phẩm được quy định, tôi đề nghị không nên quy định vào đây. Đấy là cái tôi đề nghị như vậy.
Tiếp nữa, tại Điều 55 cái này muốn ưu đãi nhưng ghi ngược, Khoản 5, trang 17 ghi: "Được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi phí sau: các khoản đầu tư, các khoản chi phí trong quá trình dạy nghề" Cái này viết là ngược, mà phải viết lại: "Được tính vào chi phí chịu thuế thu nhập" tức là nó tính chi phí rồi trừ đi chứ không được tính vào cái này. Đó là cái viết ngược thì đề nghị viết lại thôi.

Các văn bản liên quan