Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thị Tâm Đan – Chủ nhiệm Ủy ban VHGD, TN, TN và NĐ

Thứ Năm 09:19 17-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Về luật này, phải nói rằng sau khi có sự chỉnh lý, Thường vụ giao cho bên chị Hoài Thu và Ban soạn thảo chúng tôi thấy phong phú lên rất nhiều và cụ thể được tất cả các chế tài. Tôi thấy cũng rất cơ bản, tôi rất hoan nghênh.
Tuy nhiên tôi thấy có băn khoăn sau:
Thứ nhất, luật lần này điều chỉnh cả cá nhân đi, tôi có thể nói lần trước luật tập trung vào việc tổ chức đi lao động, thực sự nó có một cơ quan dịch vụ hay nói cách khác là có công ty dịch vụ họ tổ chức đi, tức họ sẽ liên hệ với nước ngoài để nắm bắt nhu cầu.
Thứ hai là họ làm việc ở bên nước ngoài để tập hợp những người lao động đồng ý để rồi họ đưa đi. Như vậy, việc người đi lao động nước ngoài trách nhiệm là người lao động phải tự chịu trách nhiệm, nhưng tự chịu trách nhiệm trong mối quan hệ với công ty họ đưa đi. Vì vậy cho đến khi xảy ra tất cả các sự cố đều có công ty sử dụng lao động hay là người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công ty ở Việt Nam, quan hệ ấy là quan hệ tay ba.
Từ quan hệ tay ba dẫn đến những lợi ích của ba bên, ví dụ như người đưa đi được thu phí, nhưng chuyện người đưa đi được thu phí hoặc là người đi lao động phải nộp một khoản tiền cho cơ quan đưa đi gọi là tiền đặt cọc. Đến khi xảy ra sự cố gì thì lợi ích của người lao động cũng có quan hệ với tổ chức đưa đi về mặt lợi ích, xem ai phải chịu bao nhiêu, người lao động phải chịu bao nhiêu. Nói chung ba tổ chức ấy, tổ chức nơi nhận lao động, tổ chức đưa đi và người lao động thì ngay cả về mặt lợi ích cũng có quan hệ giữa ba nơi đó.
Tất cả những quan hệ này tôi nghĩ rằng nó sẽ thể hiện trên hợp đồng, hợp đồng của tổ chức đưa đi với tổ chức nhận và hợp đồng của tổ chức đưa đi với người lao động. Trong luật này có đưa ra những chuyện, ví dụ công ty là phải mất tiền đi marketing, công ty phải mất tiền chi phí trong quá trình đưa người lao động đi được. Người lao động phải nộp dịch vụ, tiền dịch vụ mà người lao động nộp nó phải trang trải tiền mà tổ chức đưa đi lao động, thậm chí người ta phải có lãi, vì người ta có lãi thì người ta mới có thể chi phí trao trả lương cho những nhân viên trong công ty đấy, đồng thời người ta mới có thể làm. Thực chất một công ty đưa đi là một công ty dịch vụ, tôi không rõ được bây giờ chi phí đi liên hệ này khác mà trong luật lại đưa vào quy định mức độ, tôi không biết sẽ như thế nào, bởi công ty mà đã hoạt động dịch vụ thì theo Luật Doanh nghiệp, tất nhiên hiện nay trong tình trạng nước ta số người đi nhiều, cho nên công ty có thể làm đủ các kiểu mà người lao động buộc phải đi. Nhưng đến một lúc nào đó, việc đưa đi phát triển một cách hiện đại, tôi nghĩ rằng giá cả sẽ rất cạnh tranh, ai có tín nhiệm thì người đó được đi, đương nhiên để giải quyết vấn đề cạnh tranh này thì tôi cũng đồng ý trong luật có chuyện là mỗi một tỉnh hoặc mỗi vùng, miền nên thành lập bao nhiêu công ty. Nhưng tôi cho rằng điều này đề nghị Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc, có nên đưa vào luật không? Là phải giới hạn thành lập không? Còn chuyện giới hạn theo tôi nghĩ là có, nhưng cái đó là quyền của cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ tuỳ thuộc vào tình hình để mình quyết định tỉnh này có thể thành lập 2 công ty, 3 công ty. Còn bây giờ đưa ra một tiêu chuẩn như thế nào trong luật thì tôi thấy khó.
Ở đây, trong bản giải trình có nói phân biệt cả đấu thầu với không đấu thầu hoặc tự tìm được. Tôi nghĩ chuyện đó là chuyện chẳng qua chỉ là biện pháp để đạt được những hợp đồng để đưa người lao động đi thôi, chứ nó cũng không có vấn đề gì quan trọng khác biệt.
Vì vậy, tôi băn khoăn ở chỗ trong luật cứ nói rằng quy định thế này, thế kia, tôi nghĩ các đồng chí nên tính thêm, làm sao cho nó khả thi và quyền của các doanh nghiệp.
Ý thứ hai, tôi hoàn toàn nhất trí nên coi doanh nghiệp này là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, việc thành lập phải theo Luật Doanh nghiệp là có cấp Giấy đăng ký kinh doanh, nhưng đồng thời theo tôi là phải có giấy thoả thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, trên cơ sở những điều kiện như thế nào, thì mới được thành lập. Giấy của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động thì giấy đó phải chứng nhận rõ rằng ông bà này đủ điều kiện hay doanh nghiệp này đủ điều kiện. Nội hàm phải rõ như vậy.
Dự thảo trước tôi thấy các đồng chí chưa điều chỉnh, nhưng lần này điều chỉnh cả lao động cá nhân. Tôi thực sự rất băn khoăn, ví dụ đây là một hiện tượng rất nhiều hiện nay, một số nước như Nhật hoặc một vài nước khác họ cần những lao động kỹ thuật và khi các cháu sinh viên tốt nghiệp, tôi thấy họ đã sang họ ký hợp đồng trực tiếp với từng cá nhân các cháu đó, lương bao nhiêu? Sang đó chỗ ở như thế nào, chi phí chỗ ở ra sao? Phải làm việc trong mấy năm, đại khái một thỏa thuận ký giữa các cháu với cơ quan đó hoặc với doanh nghiệp đó. Như vậy, cháu ấy đi hoàn toàn tự chịu trách nhiệm tất cả, chứ không liên quan đến ai. Tôi cũng nghĩ rằng trong tương lai, trong hợp tác giữa các trường đại học người ta cũng có thể hợp tác với nhau là người ta đưa sinh viên tốt nghiệp sang bên đó làm việc ở một trường nào có mối quan hệ hợp tác. Thực sự, đấy là một quan hệ rất khác, chứ nó không phải là quan hệ dịch vụ hoàn toàn giống như chỗ này. Vì vậy, lần này các đồng chí đưa vào các đồng chí điều chỉnh, ý kiến tôi như sau.
Phương án 1, không điều chỉnh, phương án 2 nếu có điều chỉnh thì chỉ nên nói nguyên tắc là những cá nhân ký hợp đồng với các cơ quan này thì tự chịu trách nhiệm theo luật pháp và có thể tuân thủ luật này, nhưng chỉ tuân thủ ở những điều, ví dụ, ra nước ngoài thì không được vi phạm pháp luật, không này, không khác, nhưng tôi nghĩ rằng những quy định đấy thông thường người ta tự chịu trách nhiệm rất nhiều. Chỗ này tôi xin nói thật các đồng chí đưa vào điều chỉnh những dạng này tôi còn băn khoăn, còn băn khoăn đến lúc nào thì từ nay đến khi ra Quốc hội sẽ nói thêm. Nhưng tôi xin nói thực lòng là điều chỉnh rộng ra những đối tượng ấy tôi cảm thấy không ổn lắm, cũng không cần thiết lắm. Bởi vì người ta tự giải quyết tất cả, còn bây giờ lý do mà các đồng chí nói rằng những người sang bên ấy nếu có xảy ra sự cố gì thì Đại sứ quán cũng phải giải quyết. Thưa các đồng chí, đây lại là việc khác, đây là nhiệm vụ của công tác lãnh sự của Đại sứ quán và Đại sứ quán có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công tác lãnh sự không phải chỉ đối với người đi lao động, mà đối với bất kỳ ai là công dân Việt Nam đi ra nước ngoài mà có sự cố xảy ra gì thì Đại sứ quán cũng phải có trách nhiệm về khía cạnh lãnh sự.
Tôi thấy không nên gán cho Đại sứ quán những việc phải đi tìm hiểu thị trường lao động, phải thế này thế khác, không được. Việc ấy chẳng qua Đại sứ quán trong công tác ngoại giao của mình, trong việc thực hiện ngoại giao về kinh tế mà Đại sứ quán phát hiện ra được chỗ nọ chỗ kia thì tốt thôi. Nhưng quan hệ của Đại sứ quán với việc đưa người đi lao động là quan hệ trách nhiệm về mặt lãnh sự. Tôi xin nói rõ như vậy, còn mặt tìm hiểu thị trường chẳng qua cũng rất mức độ, còn doanh nghiệp nào đưa người lao động đi thì anh phải tự tìm hiểu thị trường, anh phải tự xác định tất cả các điều kiện. Tôi thấy những thứ ấy bây giờ mà đổ lên đầu cho Đại sứ quán hết thì chưa ổn. Chỗ ấy tôi đề nghị phải rõ ràng ra, vì vậy cho nên người lao động đi cá nhân thì người ta xảy ra sự cố gì thì đương nhiên người ta có quyền đến Đại sứ quán để người ta đề nghị giải quyết những vấn đề thuộc về công tác lãnh sự. Nếu vì lý do đó các đồng chí điều chỉnh cả vào đối tượng này tôi cảm thấy còn băn khoăn, tôi tin rằng vấn đề hợp tác lao động trên các mặt ngày càng phát triển và có thể việc hợp tác lao động của các trường đại học, của các cá nhân, thế này, thế khác mà họ tự giải quyết v.v... có thể chúng ta giải quyết bằng một văn bản khác, văn bản luật đầu tiên ra để rút kinh nghiệm hãy là văn bản đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài mà bên này có một tổ chức kinh doanh dịch vụ hẳn hoi, bên kia có nơi nhận người thông qua một chủ thể dịch vụ này.
Ý kiến tôi cũng phải xin nói, tôi băn khoăn thôi chứ còn các đồng chí Ban soạn thảo với Ban thẩm tra thấy rằng cứ đưa vào hết thì ra Quốc hội tôi không phát biểu gì đâu, nhưng ở đây tôi xin nói thật. Bởi vì vấn đề này nó là vấn đề rất phức tạp, bước đầu hãy làm văn bản gọn gàng cho những doanh nghiệp dịch vụ, cho đông đảo người lao động đi lao động nước ngoài, còn những diện khác xin thưa các đồng chí chưa có luật này từ xưa người ta đi vẫn êm ấm. Thực ra các trường người ta vẫn đưa giáo sư đi nước này, nước kia nhiều, nhưng người ta đi bằng một hình thức khác.
Còn tên, thưa các đồng chí, tôi không nặng nề về tên tuổi lắm, các đồng chí muốn đặt tên gì thì tên chứ còn cho nó gọn, cho nó quen thôi, chứ tôi vẫn quan tâm nhiều đến nội dung. Nếu các đồng chí thấy ngần ngại từ Luật Xuất khẩu lao động nghe ra có vẻ gì đó không nhân văn lắm thì các đồng chí dùng tên Luật đưa người lao động đi nước ngoài cũng được, chỗ ấy tôi thấy đồng chí Hoài Thu thích gì thì đồng chí cứ để, tôi cũng không nặng nề. Còn bây giờ tôi nghĩ rằng trong mối quan hệ của việc tổ chức đi lao động này cần xác định rõ quyền hạn trách nhiệm của tổ chức dịch vụ trong nước. Thứ hai là nơi họ nhận và thứ ba là trách nhiệm của người lao động. Ba ý lớn tôi thấy trong luật này thể hiện rất rõ, còn vấn đề các đồng chí thể hiện thêm trách nhiệm của đại sứ quán, tôi đề nghị tập trung thể hiện trách nhiệm về mặt lãnh sự, còn những trách nhiệm khác thì nó thêm được bao nhiêu thì thêm, đại sứ quán của mình thì rất nhiều việc khác.

Các văn bản liên quan