Rà soát VBPL về Tlập, Tchức, Hđộng của DN

Thứ Sáu 10:11 26-05-2006
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU RÀ SOÁT CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ THÀNH LẬP TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Để phục vụ quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất và kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang tiến hành Nghiên cứu Rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến Thành lập, Tổ chức và Hoạt động của Doanh nghiệp với các tư tưởng chỉ đạo xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung được Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trình và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Kết quả rà soát sẽ được trao cho Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan để sử dụng trong quá trình theo dõi, đóng góp vào việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung và trình Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan.
Nhóm Nghiên cứu của Ban Pháp chế - VCCI đã tiến hành rà soát trên 800 văn bản và đã có kết quả Tổng hợp sơ bộ dưới đây.

Để kết quả rà soát này được chính xác và đầy đủ, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp, phản biện của quý vị trên Diễn đàn này (mục trả lời) hoặc theo địa chỉ e-mail: bpc-vcci@hn.vnn.vn hoặc trangnt@vcci.com.vn.

Ý kiến đóng góp của quý vị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và tôn trọng quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp.

Dưới đây là Tóm tắt Kết quả rà soát

TÓM TẮT KẾT QUẢ RÀ SOÁT
DỰ ÁN RÀ SOÁT CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP VỚI CÁC TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT DOANH NGHIỆP THÔNG NHẤT
1. Tiêu chí rà soát
Rà soát lấy tiêu chí là các tư tưởng chỉ đạo xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất do Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trình và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận:

(i) Xoá bỏ các khác biệt bất hợp lý giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau
(ii) Tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và Thay đổi phương pháp quản lý của Nhà nước
(iii) Quản trị doanh nghiệp hợp lý, hiệu quả
(iv) Khuyến khích đầu tư nước ngoài, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia/ký kết
[b]2. Giới hạn rà soát

[b]Việc rà soát được tiến hành trên các văn bản pháp luật:

- Điều chỉnh trực tiếp việc thành lập, tổ chức và điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
- Điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp trong 3 lĩnh vực chủ yếu : Thuế, Tài chính và Đất đai
3. Kết quả rà soát sơ bộ

Dưới đây là tóm tắt các kết quả rà soát sơ bộ theo tiêu chí và giới hạn rà soát nói trên mà Nhóm nghiên cứu đã tiến hành trên khoảng 800 văn bản có liên quan đến Thành lập, Tổ chức và Hoạt động của Doanh nghiệp
[b]Phần A. Các qui định khác biệt bất hợp lý giữa Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau

A1. Khác biệt trong các qui định pháp luật về Thành lập, Tổ chức (Quản trị) Doanh nghiệpHiện tại còn những khác biệt lớn, bất hợp lý trong việc thành lập, tổ chức giữa các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau, biểu hiện cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu sau :
1. Loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể lựa chọn
2. Cách phân loại các nhóm ngành nghề được phép kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và cấm kinh doanh; Cách phân loại địa bàn được phép kinh doanh và cấm kinh doanh
3. Thủ tục gia nhập thị trường (đăng ký hay xin cấp giấy phép đầu tư)
4. Thời hạn hoạt động (không qui định thời hạn hoặc ấn định thời hạn tối đa)
5. Thủ tục cần tiến hành khi tạm ngừng kinh doanh (thông báo hay phải xin phép)
6. Cơ cấu quản lý của Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty Nhà nước và DN 100% vốn đầu tư nước ngoài của 1 nhà đầu tư nước ngoài (về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, về thẩm quyền của HĐQT, GĐ, Chủ tịch Công ty, Ban Kiểm soát)
7. Cơ cấu quản lý của Công ty TNHH có 2 thành viên trở lên (về thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, GĐ, Ban Kiểm soát)
8. Thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp (tự chủ hay phải xin phép cơ quan có thẩm quyền)
A2. Những khác biệt bất hợp lý trong lĩnh vực Thuế

Hầu hết các qui định về Thuế, phí, lệ phí đều được áp dụng chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Những khác biệt chỉ còn tồn tại giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực sau:

1. Ưu đãi thuế nhập khẩu (về phạm vi hàng hoá được xét miễn thuế, tiêu chí phân biệt dự án và danh mục địa bàn)
2. Giá điện (trong chi phí hợp lý để Thuế thu nhập doanh nghiệp)
3. Ưu đãi thuế Thu nhập Doanh nghiệp (thời gian ưu đãi)
4. Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (về mức khởi điểm chịu thuế giữa người Việt Nam và người nước ngoài.
A3. Những khác biệt bất hợp lý trong lĩnh vực Tín dụng trong Doanh nghiệp

Hầu như không có qui định phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trừ các qui định sau có khác biệt giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài:
1. Chế độ ưu đãi trong lĩnh vực xây nhà ở để bán và cho thuê (về ưu đãi và miễn tiền thuê đất)
2. Chính sách ưu đãi tín dụng (về chi phí sử dụng vốn)
3. Loại vốn góp (bên nước ngoài không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất)
4. Lương tối thiểu của người lao động.
A4. Những khác biệt bất hợp lý trong lĩnh vực Đất đai có liên quan đến Doanh nghiệp

Những qui định khác biệt bất hợp lý giữa DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong lĩnh vực Đất đai hiện chỉ còn tồn tại trong những lĩnh vực sau:
1. Tiền thuê đất (loại đồng tiền sử dụng để tính giá thuê đất, mức giá cho thuê đất, mức miễn giảm, thời hạn miễn giảm)
2. Cơ chế trả tiền thuê đất của DN có vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao
Phần B. Những qui định của pháp luật hạn chế quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp

Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu là quyền của Doanh nghiệp được tự quyết các vấn đề trong các hoạt động kinh doanh. Mọi hạn chế đối với quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều là không tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải bất kỳ khi nào sự hạn chế này cũng là bất hợp lý, nó chỉ bất hợp lý nếu mức độ hạn chế không tương ứng với lợi ích cần bảo vệ. Vấn đề là ở Việt Nam chưa có những ý niệm cụ thể về các loại lợi ích cần bảo vệ và tiêu chí bảo vệ đến đâu. Báo cáo chỉ dừng lại ở việc đưa ra các qui định có tính hạn chế quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp mà không đánh giá tính hợp lý hay bất hợp lý của các qui định này (do chưa có tiêu chí để đánh giá).

[b]B1. Các hạn chế quyền tự do kinh doanh dưới dạng các Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề

Hiện có khoảng 271 loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề đang có hiệu lực (Xem chi tiết trên trang www.vcci.com.vn). Về cơ bản, các loại giấy phép này đều nhằm mục đích bảo vệ một hoặc một số nhu cầu nhất định, đều có qui định khá rõ ràng về trình tự, thủ tục, điện kiện cấp và rút lại giấy phép, chi phí…
B2. Các hạn chế quyền tự do của Doanh nghiệp thể hiện trong các hạn chế về thành lập, tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp tại các văn bản pháp luật kinh doanh chuyên ngành
Có khoảng 15 lĩnh vực hiện đang có các qui định đặc thù về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp theo hướng hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực đó nhằm bảo vệ những lợi ích nhất định trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rất khó xác định đâu là lợi ích cần bảo vệ làm căn cứ cho những hạn chế này.

1. Tín dụng ngân hàng (loại hình DN, thủ tục cấp phép thành lập, quản trị, lập chi nhánh-VPĐD)
2. Dầu khí (loại hình DN, thủ tục phê chuẩn)
3. Hàng không dân dụng (thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp vận chuyển hàng không)
4. Kinh doanh bảo hiểm (loại hình DN, các loại hoạt động được phép, vốn pháp định)
5. Báo chí
6. Xuất bản
7. Bưu chính viễn thông (hạn chế loại hình doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, dịch vụ chuyển phát thư trong nước, dịch vụ chuyển phát thư quốc tế)
8. Du lịch (thủ tục chấp thuận khi thành lập DN liên doanh, ĐKKD của DN liên doanh và DN khác có kinh doanh du lịch ; thủ tục cấp phép khi thành lập chi nhánh – VPĐD của DN Du lịch nước ngoài ; hạn chế DN kinh doanh lữ hành nội địa không được kinh doanh lữ hành quốc tế ; giới hạn mức phụ thu cước viễn thông tại các khách sạn)
9. Quảng cáo (thủ tục xin cấp phép thành lập chi nhánh của DN kinh doanh quảng cáo nước ngoài)
10. Tư vấn pháp lý (loại hình DN, thủ tục đăng ký thành lập, thủ tục mở chi nhánh, thủ tục cấp phép hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài tại Việt Nam)
11. Hàng hải (loại hình DN)
12. Kiểm toán độc lập (loại hình DN, các loại dịch vụ được phép kinh doanh, điều kiện lựa chọn DN kiểm toán cho Tổ chức niêm yết - phát hành hoặc kinh doanh chứng khoán)
13. Dịch vụ Bảo vệ (những chủ thể không được thành lập DN kinh doanh dịch vụ bảo vệ, DN không được kinh doanh dịch vụ này)
14. Chứng khoán (thủ tục xin cấp phép liên doanh thành lập Công ty chứng khoán hoặc Công ty quản lý Quỹ đầu tư, thủ tục xin cấp phép thành lập Chi nhánh của Công ty Quản lý Quỹ đầu tư nước ngoài)
15. Sản xuất thuốc lá (loại hình DN, điều kiện hoạt động)
16. Kinh doanh trò chơi có thưởng cho người nước ngoài (thủ tục xin cấp phép đầu tư hoặc xin cấp phép đăng ký KD, các điều kiện cấp phép)
17. Thăm dò khoáng sản (loại hình DN)
18. Xuất khẩu lao động
B3. Những qui định hạn chế quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp trong Luật DN, Luật DNNN và Luật Đầu tư nước ngoài

Về cơ bản, các quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp đã được đảm bảo trong LDN. Đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật DNNN, do sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước nên DN phải chịu một số hạn chế tương đối đến quyền tự do kinh doanh do Nhà nước áp đặt với tư cách chủ sở hữu. Bất cập lớn nhất trong vấn đề này nằm chủ yếu ở Luật ĐTNN.

Dưới đây là những qui định không tôn trọng quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp
1. Tiêu chí để xác định ngành, nghề cấm kinh doanh khó định tính (LDN)
2. Nghĩa vụ ưu tiên sử dụng lao động trong nước (LDN)
3. Qui định buộc các thành viên hợp danh trong Công ty hợp danh trực tiếp đảm nhiệm các chức trách quản lý (bao gồm cả giám đốc) mà không có cơ chế thuê cán bộ quản lý (LDN)
4. Qui định về nghĩa vụ bảo toàn vốn nhà nước và vốn công ty tự huy động, nghĩa vụ kinh doanh có lãi của Công ty NN (Luật DNNN)
5. Qui định về sự tham gia của đại diện cấp chính quyền địa phương trong một số cuộc họp của HĐQT Công ty NN (Luật DNNN)
6. Qui định chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn 2 hình thức DN liên doanh và DN 100% vốn (Luật ĐTNN)
7. Qui định về cấp giấy phép đầu tư đối với mọi DN có vốn đầu tư nước ngoài, cấp giấy phép đầu tư điều chỉnh đối với mọi thay đổi trong giấy phép đầu tư ban đầu (Luật ĐTNN)
8. Thời hạn hoạt động của DN (Luật ĐTNN)
9. Thủ tục mở chi nhánh của DN (Luật ĐTNN)
10. Thủ tục tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án (Luật ĐTNN)
11. Qui định về thành phần thành viên Hội đồng quản trị trong DN liên doanh (Luật ĐTNN)
12. Qui định về Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc thứ nhất (Luật ĐTNN)
13. Qui định về những quyết định phải được HĐQT thông qua theo nguyên tắc nhất trí trong DN liên doanh (Luật ĐTNN)
14. Qui định về sử dụng lao động nước ngoài (Luật DTNN)
B4. Những qui định hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực Thuế

Hiện chỉ còn một số qui định hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN liên quan đến Chi phí hợp lý và sự khống chế các chi phí trong Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp
1. Chi phí quảng cáo, tiếp thị bị không chế tối đa không quá 10% tổng chi phí
2. Khoản chi bồi dưỡng cho lao động nữ khi sinh con không quá 300.000 VND/ 500.000 VND (tùy thuộc từng địa bàn)
3. Khoản chi bảo hộ lao động hoặc chi trang phục không quá 500.000 VND/người/năm
B5. Những qui định hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực Tài chính
Những qui định dưới đây còn thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp, không tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp
1. Qui định cấm DN có vốn đầu tư nước ngoài không được giảm vốn pháp định trong quá trình kinh doanh
2. Khống chế tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam không quá 30% vốn điều lệ
3. Khống chế tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các Công ty niêm yết không quá 30% tổng số cổ phiếu của Công ty niêm yết
4. Qui định về phần vốn góp của Bên nước ngoài vào vốn pháp định trong DN liên doanh không dưới 30% vốn điều lệ (Luật ĐTNN)
5. Qui định bên nước ngoài tham gia liên doanh nếu góp vốn bằng tiền Việt Nam thì đó phải là tiền có nguồn gốc từ đầu tư tại Việt Nam (Luật ĐTNN)
6. Qui định về việc tiến độ góp vốn của các bên trong liên doanh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận (Luật ĐTNN)
7. Qui định về việc máy móc, thiết bị dùng để góp vốn phải được tổ chức giám định độc lập cấp chứng chỉ giám định (Luật ĐTNN)
8. Qui định về tỷ lệ vốn pháp định không thấp hơn 30% trong vốn đầu tư (Luật ĐTNN)
9. Thủ tục cơ cấu lại vốn đầu tư, vốn pháp định (Luật ĐTNN)
B6. Những qui định hạn chế quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp trong lĩnh vực Đất đai
Những qui định sau đây hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai:
1. Qui định về quyền của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (các quyền rất hạn chế)
2. Qui định về quyền của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (các quyền rất hạn chế)
3. Quyền của nhà đầu tư nước ngoài và người VN định cư ở nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Phần C. Những qui định bất cập trong về cơ cấu tổ chức và quản trị trong Doanh nghiệp
C1. Các lĩnh vực còn bất cập trong quản trị các Doanh nghiệp hoạt động theo LDN

Về cơ bản, các mô hình quản trị và cơ chế vận hành của DN hiện tại được xây dựng trên cơ sở các mô hình truyền thống và được sử dụng rộng rãi trên thế giới nên có thể xem là khá chuẩn mực. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm bất cập về cơ cấu tổ chức trong DN cần được xem xét chính sửa nhằm đảm bảo cơ chế quản trị hợp lý và hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực cơ bản sau:
1. Bảo vệ thành viên/cổ đông thiểu số (các loại quyền còn hạn chế, cơ chế thực hiện quyền không rõ ràng)
2. Cơ chế cung cấp và tiếp cận thông tin, minh bạch hoá cho cán bộ quản lý và thành viên/cổ đông (không qui định hoặc qui định sơ sài)
3. Trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp quản lý nói chung (không qui định hoặc qui định thiếu chi tiết ; không có biện pháp xử lý khi vi phạm)
4. Giao dịch với những người liên quan (phạm vi « người liên quan » hẹp, cơ chế kiểm soát giao dịch với người liên quan không rõ ràng)
5. Cơ cấu và hoạt động của Ban Kiểm soát (không qui định hoặc qui định không rõ ràng, không có cơ chế hoạt động cụ thể)
6. Cơ chế chịu trách nhiệm của cán bộ quản lý Doanh nghiệp (hoặc là không qui định hoặc là qui định quá khắt khe gây sức ép lớn cho cán bộ quản lý khi hành động)
7. Hoạt động của Hội đồng thành viên trong Công ty TNHH có 2 thành viên trở lên (trình tự thủ tục triệu tập họp thiếu chi tiết ; các tỷ lệ tối thiểu để tiến hành họp và biểu quyết thấp ; thiếu biện pháp xử lý trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ)
8. Mô hình quản trị trong Công ty TNHH 1 thành viên (qui tắc lựa chọn mô hình quản trị không rõ ràng ; cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm của các chức danh quản lý còn mâu thuẫn ; không qui định nghĩa vụ trung thực, mẫn cán và vì lợi ích của Công ty của các chức danh quản lý)
9. Chức năng và Hoạt động của Đại hội đồng cổ đông trong Công ty Cổ phần (thẩm quyền quá lớn ; cơ chế triệu tập thiếu rõ ràng ; thiếu minh bạch về danh sách cổ đông dự họp ; không có cơ chế proxies-uỷ quyền biểu quyết ; không có cơ chế bầu gộp thành viên HĐQT)
10. Chức năng và Hoạt động của Hội đồng quản trị trong Công ty Cổ phần (chức năng giám sát chung còn mờ nhạt ; thiếu cơ chế đề cử ; không qui định cơ chế bổ nhiệm từng phần HĐQT ; cơ chế triệu tập còn phụ thuộc quá nhiều vào Chủ tịch HĐQT)
11. Chế độ chịu trách nhiệm, phân chia lợi ích và quản lý trong Công ty Hợp danh (cơ chế chịu trách nhiệm thiếu chi tiết ; không cho phép thuê người quản lý ; thiếu cơ chế giám sát)
12. Chế độ chịu trách nhiệm và quản lý trong Doanh nghiệp tư nhân (cơ chế chịu trách nhiệm chưa rõ ràng ; trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý của việc bán, cho thuê DNTN chưa đầy đủ)
13. Quyền lợi của các chủ thể liên quan trong quá trình tổ chức lại Doanh nghiệp (thiếu các thủ tục cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ nợ, người lao động)
C2. Các lĩnh vực còn bất cập trong quản trị Công ty Nhà nước hoạt động theo Luật DNNN

Kết luận sơ bộ: Quản trị trong Công ty Nhà nước còn rất nhiều qui định bất cập, khó có thể đảm bảo được quyền lợi của chủ sở hữu đích thực và sự vận hành có hiệu quả của Công ty, tập trung trong các lĩnh vực sau :
1. Quan hệ giữa chủ sở hữu thực (toàn dân) với các đại diện chủ sở hữu (không có cơ chế chịu trách nhiệm ; không có cơ chế thu hồi quyền lợi từ hoạt động của Công ty NN)
2. Thẩm quyền của các đại diện chủ sở hữu (cơ chế phân cấp thẩm quyền không rõ ràng ; không có bộ máy chuyên nghiệp ; nhầm lẫn với chức năng quản lý hành chính)
3. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan quản lý trong Công ty NN (nhầm lẫn giữa quyền và nghĩa vụ của cơ quan quản lý Công ty và Công ty)
4. Cơ chế cung cấp và tiếp cận thông tin trong Công ty NN (qui định không đầy đủ)
5. Cơ chế giám sát hoạt động của Công ty NN (qui định không đầy đủ)
6. Giao dịch với người có liên quan (phạm vi « người liên quan » hẹp ; cơ chế giám sát và xử lý giao dịch với người có liên quan không cụ thể)
7. Quản trị trong Công ty NN có Hội đồng quản trị (phân cấp thẩm quyền giữa UBND tỉnh/Bộ quản lý ngành và HĐQT không rõ ràng ; chức năng, vị trí của HĐQT không rõ ràng, yếu thế so với TGĐ)
8. Ban Kiểm soát (là cơ quan của HĐQT, không thể giám sát HĐQT ; không qui định về cơ chế làm việc)
9. Các hình thức tham gia quản lý của người lao động (nhiều hình thức tham gia quản lý ; không qui định cơ chế hoạt động cụ thể)
10. Tổng Công ty Nhà nước (mọi vấn đề về hình thành, kết cấu, quản trị trong Tổng Công ty NN đều không rõ ràng, có nhiều điểm mâu thuẫn)
C3. Các lĩnh vực còn bất cập trong quản trị Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài

Kết luận sơ bộ: Quản trị trong Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (hoạt động tương tự như Công ty TNHH) tập trung chủ yếu vào việc cân bằng quyền lực quản lý giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài nên còn rất nhiều bất cập. Đặc biệt, Luật Đầu tư nước ngoài đã tạo ra một khoảng trống pháp lý lớn khi không đề cập gì đến quản trị trong DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các vấn đề bất cập tập trung vào các lĩnh vực sau:

1. Quản trị trong DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (không qui định gì)
2. Hội đồng quản trị trong DN liên doanh (Quá nhiều ngoại lệ trong vấn đề số lượng thành viên dẫn đến không bình đẳng giữa các nhà đầu tư ; không qui định về thẩm quyền và nhiệm vụ ; không qui định về trình tự triệu tập cuộc họp ; các tỷ lệ cần thiết để thông qua quyết định không hợp lý)
3. Phiên họp đầu tiên của HĐQT trong DN liên doanh (can thiệp quá nhiều vào quyền tự do của DN liên doan)
4. Phân cấp quản lý giữa Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc thứ nhất (qui định về chia sẻ thẩm quyền là bất hợp lý)./

Các văn bản liên quan