Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Năm 14:18 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội.

Kết thúc thảo luận về dự án luật này có 17 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Còn 7-8 đại biểu nữa chưa có điều kiện phát biểu ý kiến thì các đại biểu thông cảm gửi ý kiến cho Đoàn thư ký. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu một cách nghiêm túc để chuẩn bị báo cáo, giải trình và hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trong kỳ họp này.

Chúng tôi xin được nói một số điểm để tạo điều kiện cho các cơ quan hữu quan chuẩn bị báo cáo giải trình và hoàn chỉnh dự án luật này.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu Quốc hội đồng tình như trong dự thảo luật, đối với khoáng sản là dầu khí, là nước thiên nhiên đã có hai luật chuyên ngành điều chỉnh về hai lĩnh vực này.

Vấn đề thứ hai, về quyền lợi của địa phương người dân nơi có khoáng sản được khai thác, một số đại biểu muốn ghi được hưởng quyền lợi gì thật cụ thể ở trong luật. Cũng xin báo cáo với Quốc hội, đối với việc đảm bảo quyền lợi cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản mà các nhà đầu tư tiến hành khai thác thăm dò nó chịu sự điều chỉnh bởi nhiều qui định của pháp luật, với nhà đầu tư cũng chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, các luật thuế khác, cho nên trong luật này cũng chỉ nêu những vấn đề mang tính nguyên tắc, còn không thể nêu thật cụ thể điều tiết lại bao nhiêu nguồn thu từ mỏ này, rồi dùng nó vào việc gì? rồi lao động ở đây thì lấy cả, hay lấy bao nhiêu, lấy từ tuổi nào trở lên, học vấn như thế nào, nam hay nữ v.v... rất là khó. Cho nên cũng nên giao cho Chính phủ căn cứ vào luật này và các luật có liên quan để qui định cụ thể cho nó phù hợp với điều kiện cụ thể của từng mỏ trong quá trình thăm dò khai thác và tổ chức chế biến.

Thứ ba, về chiến lược khoáng sản, trong một số đạo luật gần đây Quốc hội cũng yêu cầu phải có qui định về chiến lược, nhưng chúng ta cũng thống nhất một quan điểm và pháp luật cũng đã thể hiện chỉ nêu những vấn đề có tính nguyên tắc về chiến lược thôi còn những vấn đề cụ thể thì giao cho Chính phủ, cũng mong Quốc hội chấp thuận theo hướng này.

Vấn đề thứ tư, về quy hoạch và thẩm quyền tổ chức quy hoạch, quy hoạch về điều tra cơ bản địa chất khoáng sản đương nhiên ngoài Bộ Tài nguyên và môi trường ra thì không có bộ nào khác, rất rõ là giao cho bộ này. Còn quy hoạch về thăm dò, khai thác, căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội và từ thực tế thấy rằng nên giao cho Chính phủ phân công và phân cấp, phân công cho các bộ và phân cấp cho các địa phương thì hợp lý hơn. Ở cấp quốc gia thì gồm có những quy hoạch gì, giao cho ai làm thì có lợi nhất, đương nhiên chỉ là đầu mối. Một bộ nào đó bất cứ thực hiện một chức năng gì được giao không có sự phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương thì chắc chắn hiệu quả cũng không đạt được như mong muốn, vì bộ của chúng ta là bộ đa ngành cho nên đều có những quy định về bộ đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan thẩm tra phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này cho nên giao cho Chính phủ sẽ phù hợp hơn.

Thứ năm, xoay quanh vấn đề cấp giấy phép, đối với khoáng sản là tài nguyên quốc gia quý hiếm không tái tạo cho nên chúng ta cũng không vội vàng gì trong việc cấp giấy phép nhanh hay chậm. Cho nên phải theo một quy trình chặt chẽ để sử dụng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bây giờ nhưng cũng phải để dành cho con cháu mình sau này để đất nước phát triển đi lên và đảm bảo phát triển bền vững. Chính vì thế cho nên phải quy định những điều kiện rất chặt chẽ trong việc cấp giấy phép, kể cả giấy phép thăm dò và giấy phép khai thác. Từ thực tế vừa qua thì kỳ này những quy định của pháp luật có chấn chỉnh lại để đảm bảo việc cấp phép này chặt chẽ việc quản lý khai thác và sử dụng khoáng sản có hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như yêu cầu về lâu dài.

Việc quy định thẩm quyền cấp phép, đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý như dự thảo quy định ở đây. Còn đối với mỏ nhỏ lẻ đương nhiên cũng phân cấp cho chính quyền địa phương thôi nhưng phải nằm trong khu vực được khoanh vùng của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương trên cơ sở đảm bảo việc thăm dò, khai thác có trật tự và có hiệu quả.

Thứ sáu, về nguồn thu của Nhà nước từ hoạt động khoáng sản. Chúng ta thống nhất với nhau là tất cả những quy định về thu thì nên tập trung vào luật gốc, đó là Luật ngân sách Nhà nước. Còn nó phát sinh trong từng năm khi Luật ngân sách Nhà nước chưa quy định hoặc quy định chưa hợp lý thì khi xây dựng dự toán của năm nào thì Quốc hội cho phép có một số quy định tạo điều kiện cho xây dựng dự toán của năm đó cho phù hợp. Còn khi chúng ta đã sửa Luật ngân sách Nhà nước thì chúng ta sẽ bao quát hết tất cả các khâu, các lĩnh vực để đảm bảo cho tính thống nhất xoay quanh những vấn đề quy định về chính sách thu và những chính sách có liên quan đến tài chính khác của Nhà nước.

Vấn đề thứ bẩy, về thăm dò và khai thác. Đa số đại biểu Quốc hội đề nghị có sự phân biệt rạch ròi giữa thăm dò và khai thác. Khi đơn vị thăm dò đủ điều kiện và có nhu cầu tham gia khai thác thì cũng phải thực hiện những quy định về đấu giá khai thác quy định trong luật này, còn bản thân thăm dò được quyền ưu tiên và cộng thêm một số điểm nào đấy, chứ không thể anh thăm dò đương nhiên được khai thác. Đây cũng là quy định khắc phục tình trạng không bình đẳng, không minh bạch, không công khai trong thời gian vừa qua giữa thăm dò và khai thác. Đối với khai thác chúng ta thực hiện cơ chế đấu giá, còn thăm dò nhiều rủi ro cho nên chúng ta khuyến khích và chúng ta cũng lựa chọn.

Qua quy hoạch điều tra cơ bản địa chất khoáng sản thì cơ bản đã xác định được có khoáng sản hay không có khoáng sản, khoáng sản gì và trữ lượng có thể xác định chính xác đến 50 - 60%, cho nên các bước sau chúng ta phải có quy định chặt chẽ hơn tránh tình trạng mua đi bán lại xảy ra tiêu cực chỗ này, chỗ kia.

Vấn đề thứ tám, về chuyển nhượng quyền thăm dò và quyền khai thác. Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý cho phép quy định vấn đề này nhưng phải có điều kiện rất chặt chẽ, tránh tình trạng mua đi bán lại.

Vấn đề thứ chín, về chính sách xuất khẩu khoáng sản, xin Quốc hội cho phép ghi những quy định mang tính nguyên tắc, không thể ghi trong luật là cho phép xuất khẩu khoáng sản này, chưa cho phép xuất khẩu khoáng sản kia, trường hợp cho phép xuất khẩu nhiều hay ít vào trong đạo luật này tùy theo yêu cầu thực tế, Chính phủ rất trách nhiệm đối với đất nước để có những quyết định cụ thể trong việc cho phép hoặc chưa cho phép xuất khẩu nhiều hay ít, kể cả chế biến tinh và chế biến thô, sơ chế hoặc xuất khẩu thô.

Vấn đề thứ mười, xoay quanh những khu vực cấm hoạt động khoáng sản và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, với tinh thần của các đại biểu Quốc hội đồng ý trong trường hợp công nghệ cho phép thì chúng ta có lựa chọn để có cách khai thác được khoáng sản phục vụ cho yêu cầu của phát triển đất nước. Nhưng nguyên tắc lớn nhất, yêu cầu cao nhất đó là đảm bảo yêu cầu an ninh quốc phòng về lâu, về dài của quốc gia.

Vấn đề mười một, vấn đề gây thiệt hại, chúng ta thực hiện với quan điểm và nguyên tắc là tất cả những thiệt hại do các nhà hoạt động khoáng sản gây ra đều phải bồi thường, bồi thường có những quy định của pháp luật liên quan về vấn đề bồi thường.

Vấn đề về giải thích từ ngữ xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để rà lại một số thuật ngữ sao cho chính xác. Nghiên cứu giải thích thêm một số thuật ngữ trong đạo luật này.

Vấn đề thứ mười ba, xoay quanh vấn đề đảm bảo tính thống nhất giữa các điều khoản và kỹ thuật văn bản thì các cơ quan sẽ rà lại để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của một văn bản pháp lý.

Còn 2 vấn đề nữa sẽ nghiên cứu để cân nhắc có nên đưa vào trong quy định của luật này hay không, đó là trách nhiệm của các địa phương và các cá nhân nơi có khoáng sản được khai thác để đảm bảo bình đẳng giữa quyền lợi, lợi ích được hưởng với trách nhiệm.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước trách nhiệm như thế nào trong việc xử lý sự cố về môi trường và các sự cố về thiên tai và các sự cố khác cũng cân nhắc để có quy định trong luật này, nếu có phải quy định như thế nào cho phải.

Chúng tôi nhận thấy rà lại các đạo luật từ trước đến nay thì đúng là có các nội dung quy định mang tính pháp lý rất rõ ràng, cụ thể. Nhưng cũng có những nội dung ở điều khoản này, điều khoản kia cũng quy định mang tính quan điểm, chủ trương để lãnh đạo, chỉ đạo trên thực tế. Đây cũng là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để cải tiến, hình thành một nội dung của đạo luật như thế nào để tránh những quy định mang tính chất hô hào, khuyến cáo, định hướng v.v..., nói thật rõ những quy định rõ ràng về mặt pháp lý mà mọi sự vi phạm những quy định đã quy định rõ ràng này đều phải xử lý pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm của từng hành vi một. Đây cũng là một vấn đề sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh xây dựng lên một bộ luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn, khi có vi phạm xử lý minh bạch hơn, quy rõ trách nhiệm trong vấn đề này.

Đó là một số nội dung xin báo cáo thêm với các vị đại biểu Quốc hội như vậy. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan