Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên

Thứ Năm 14:16 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Thái Nguyên là tỉnh nhiều khoáng sản, cho nên trong quá trình xây dựng luật chúng tôi cũng đã có đóng góp ý kiến. Chúng tôi thấy rằng trong dự thảo luật cũng có những tiếp thu. Tuy nhiên, với mong muốn để dự thảo luật của chúng ta đầy đủ hơn tôi xin phép nêu một vài ý kiến đóng góp thêm ở 2 nội dung mà chúng tôi thấy cần phải quan tâm thêm.

Thứ nhất là vấn đề bảo vệ môi trường. Chúng tôi thấy rằng trong dự thảo luật cũng đã quy định khá rõ, nhưng tôi xin nêu thêm 3 ý kiến để bổ sung.

Thứ nhất, tại Điều 24 có quy định tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí để bảo vệ, cải tạo phù hợp môi trường nhưng lại đóng khung những giải pháp và chi phí bảo vệ, cải tạo phù hợp môi trường này phải được xác định trong 3 tài liệu: Một là dự án đầu tư; Hai là báo cáo đánh giá tác động môi trường; Ba là bản cam kết bảo vệ môi trường. Nếu nói như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường vừa nói, ví dụ đối với Bôxit ở Tây Nguyên thì đó mới chỉ là lý thuyết thôi bởi vì nó chỉ là dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường hay bản cam kết. Nhưng ai dám đảm bảo thực tế khi bắt đầu khai thác thì nó còn phát sinh những gì về vấn đề môi trường nữa. Cho nên tôi nghĩ nếu chỉ quy định những giải pháp, chi phí này chỉ đóng khung trong 3 tài liệu đó thì có lẽ tay ta lại buộc ta. Tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản ghi trong điều này về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý những vấn đề phát sinh về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác.

Thứ hai, về xử lý sự cố, vừa rồi chúng ta thấy trên thế giới có 2 sự cố mà dư luận rất quan tâm: Một là 33 thợ mỏ ở Chilê; Hai là vỡ và tràn bùn đỏ ở Hungari. Tôi nghĩ trong Điều 58 đã quy định khá rõ về trách nhiệm xử lý, giải quyết sự cố về an toàn lao động. Nhưng trong toàn bộ dự thảo luật không có nội dung nào nói về quy định trách nhiệm xử lý giải quyết khi có sự cố về môi trường xảy ra mà những sự cố này có thể xảy ra. Ví dụ ở Thái Nguyên chúng tôi thấy đã có, đặc biệt là sụt lún, cũng có thể vỡ hồ đập chứa chất thải trong quá trình khai thác. Vì thế tôi đề nghị bổ sung một điểm về vấn đề môi trường là quy định trách nhiệm xử lý, giải quyết sự cố về môi trường khi việc này xảy ra.

Thứ ba, về môi trường, trong dự thảo luật có một số nội dung giao cho Chính phủ quy định, ví dụ như vấn đề ký quỹ về cải tạo phục hồi môi trường. Nhưng tôi có đọc dự thảo nghị định kèm theo thì không thấy có nội dung nào quy định việc này. Tôi đề nghị làm rõ việc này áp dụng những văn bản trước như Nghị định 63 hay các văn bản khác hay quy định luôn trong dự thảo nghị định này. Theo tôi nên theo hướng quy định luôn trong dự thảo nghị định mới về hướng dẫn và thi hành một số các điều trong Luật khoáng sản (sửa đổi) này. Đó là 3 ý về môi trường tôi xin bổ sung thêm.

Thứ hai, về vấn đề quyền lợi của địa phương và người dân nơi có họat động khoáng sản. Tôi thấy có nhiều đại biểu quan tâm, tôi muốn nói thêm bởi vì tôi nghĩ suy nghĩ của mình cũng là suy nghĩ của nhiều đại biểu. Tôi xin đề xuất thêm 3 ý.

Thứ nhất, tôi tán thành việc quy định rõ tỷ lệ phần trăm trích từ nguồn thu do họat động khoáng sản mang lại để phát triển kinh tế - xã hội địa phương nơi có họat động khoáng sản. Vấn đề này đồng chí Tuyết ở Yên Bái có nêu nhưng theo tôi cũng không nên quy định cứng là 30-40-30 mà có thể quy định việc này giao cho Chính Phủ. Nhưng nên có điều, có nội dung quy định là phải có tỷ lệ để đầu tư trở lại đối với các địa phương nơi có hoạt động khoáng sản.

Thứ hai, quy định doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp việc đầu tư, xây dựng hạ tầng hoặc có trách nhiệm đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương nơi có hoạt động khoáng sản. Trong dự thảo tôi thấy có dùng từ hơi nhẹ, đó là hỗ trợ. Hỗ trợ thì không thể hiện đúng trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc này. Theo tôi, thay từ "hỗ trợ" bằng từ "đóng góp" như thế trách nhiệm rõ hơn.

Thứ ba, đối với người dân. Tôi thấy tại sao người dân như đồng chí Quý ở Tuyên Quang có nói nhiều khi không mặn mà với việc khai thác này, bởi vì người ta không được hưởng lợi trực tiếp nhiều lắm. Có thể nói là lợi bất cập thiệt thì người ta ảnh hưởng đến môi trường, đến việc làm, thu nhập. Tôi thấy quan trọng nhất là vấn đề việc làm, thu nhập của người dân. Ở Thái Nguyên có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này. Nhưng không phải ai và gia đình nào cũng có người lao động được tiền giúp vào doanh nghiệp khai thác đó. Bởi vì khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường đưa ra những điều kiện. Tôi thấy có những điều kiện, thí dụ tùy từng nơi, nhưng mà phải bị thu hồi 400, 600 hay 800 mét vuông đất thì mới được tuyển dụng một lao động, hay là người lao động đó phải là độ tuổi bao nhiêu, trình độ như thế nào thì mới được tuyển dụng. Cho nên theo tôi phần lớn người dân ở các vùng có hoạt động khoáng sản không được tuyển dụng vào các doanh nghiệp này, vì thế phải quan tâm đến vấn đề chuyển đổi việc làm cho người dân. Lần trước tôi cũng đã phát biểu. Có lẽ chúng ta phải có một quan điểm, một nguyên tắc trong vấn đề này. Xưa nay chúng ta vẫn nói là giải phóng mặt bằng, tái định cư thì nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Theo tôi trong việc bố trí, chuyển đổi việc làm, tạo thu nhập cho người dân cũng phải theo nguyên tắc là việc làm mới, thu nhập mới phải bằng hoặc tốt hơn việc làm và thu nhập cũ.

Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan