Dự luật khoáng sản nhiều khiếm khuyết

Thứ Năm 14:36 28-10-2010

Dự luật khoáng sản nhiều khiếm khuyết

TT - Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật khoáng sản. Theo nhiều đại biểu, đây là dự luật được cử tri quan tâm chỉ sau Luật đất đai nhưng dự thảo vẫn chưa giải quyết được tình trạng khai thác tràn lan, cấp phép tiêu cực...

Để thất thoát tài nguyên phải chịu tội

Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), dự luật khoáng sản đang được cử tri kỳ vọng sẽ loại bỏ tình trạng khai thác tràn lan như hiện nay nhưng thực tế với dự thảo này, ông Xuân đánh giá sẽ không thể làm được điều đó. Theo ông Xuân, nếu muốn quản lý được khoáng sản, Nhà nước phải nắm được trữ lượng để quy hoạch rồi giao cơ quan chức năng cụ thể đứng ra bảo đảm quyền sở hữu.

Ông Xuân nói: “Chính quyền, lực lượng vũ trang rất mạnh, đánh giặc còn thắng, sao không đánh bại được sa tặc, than tặc, titan tặc... Vấn đề nằm ở chỗ không quy định được quyền sở hữu, trách nhiệm địa phương”.

Theo ông Xuân, để tránh tình trạng khai thác tràn lan, cần quy định rõ trách nhiệm: người quản lý để thất thoát tài nguyên thì phải chịu tội.

Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng yếu tố khiến khoáng sản “chảy máu” vẫn hiện diện trong dự luật mới: chưa thấy có chế tài các cơ quan quản lý. Theo ông Danh, cần quy định rõ mức xử lý cán bộ, cơ quan nếu không quản lý được khoáng sản. Đặc biệt, ông Nguyễn Danh cho rằng tài nguyên VN đa dạng chủng loại nhưng hạn chế về tiềm năng. Than, dầu đã khai thác gần cạn, việc khai thác các khoáng sản trong thời gian tới cần tính đến việc chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các thế hệ.

Ông Trần Đình Nhã, phó chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng an ninh, đồng quan điểm nếu để dự luật này được thông qua sẽ không giải quyết được vấn đề bức xúc của đất nước hiện nay là tài nguyên bị khai thác tràn lan, lợi ích không công bằng, kéo theo bất lợi về an sinh xã hội. Theo ông, những vấn đề mấu chốt ban soạn thảo đưa vào trong luật để điều chỉnh thực tế thì hoặc không rõ, hoặc không đến nơi đến chốn.

Phải dành 30% nguồn thu cho địa phương

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) khẳng định khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, nghĩa là ít nhất phải đảm bảo quyền lợi người dân vùng có khoáng sản, nhưng luật, văn bản dưới luật mới bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước mà chưa rõ cho dân. Cho rằng có tình trạng doanh nghiệp thu lợi nhuận cao nhưng người dân lại không được chia sẻ lợi ích, trong khi môi trường sống, hạ tầng xuống cấp dễ xảy ra xung đột xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng nếu luật không quy định rõ quyền lợi cho người dân địa phương thì việc lấy quyền về cho dân rất khó khả thi. “Nói là sẽ điều tiết cho địa phương có khoáng sản nhưng thực trạng những nơi khai thác khoáng sản, đời sống người dân rất khó khăn. Nên quy định rõ tỉ lệ phân chia trên doanh thu: địa phương 30%, Nhà nước 40%, còn lại của doanh nghiệp” - ông Tuyết nói.

Nhấn mạnh đến hai sự cố trong khai thác tài nguyên là vụ sập hầm ở Chile và vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng dự luật còn thiếu sót khi không nêu trách nhiệm của doanh nghiệp khi có sự cố môi trường xảy ra. Ông Hùng khẳng định Thái Nguyên đã có những vụ sụt lún, vỡ hồ đập trong quá trình khai thác tài nguyên.

CẦM VĂN KÌNH - Thứ Năm, 28/10/2010,

Cùng ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng chống mua bán người. Theo nhiều đại biểu, các hành vi mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau, vì vậy luật cần phải thiết kế kín kẽ để không bỏ lọt các hành vi phạm tội.

Theo bà Ngô Minh Hồng (TP.HCM), sẽ sơ hở nếu quy định việc mua bán bộ phận trên cơ thể người mà trái với ý muốn của người ấy thì mới phạm tội. Bà Hồng nói: “Vừa qua chúng ta phá một số vụ án mua bán bào thai, đây cũng là hành vi mua bán người, luật không thể nói rằng để khi đứa trẻ sinh ra và người ta trao tiền cho nhau thì mới bắt được”.

Ông Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề nghị đưa các hành vi lợi dụng việc xuất khẩu lao động đi nước ngoài, đưa người đi du học, xin làm con nuôi... vào phạm vi điều chỉnh của luật chứ không chỉ là việc bóc lột tình dục, mua bán bộ phận cơ thể.

Ông Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) nói hiện nay không chỉ phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới cũng bị buôn bán. Ông cho rằng trong trường hợp cần thiết, nạn nhân không chỉ được chính quyền cơ sở tạo điều kiện cho tạm lánh, hỗ trợ kinh phí đi lại... mà họ phải được quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự riêng tư của mình. Hành vi từ chối giúp đỡ nạn nhân, hoặc thấy nạn nhân mà không cứu giúp cũng phải bị xử phạt.

LÊ KIÊN

 

Các văn bản liên quan