Ý kiến của Ông Trương Hồng Dương – Vụ Pháp luật, VPCP về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 00:50 15-04-2011

Kính thưa Đoàn chủ tọa, các đại biểu. Hôm nay tôi xin góp ý kiến với tư cách là chuyên gia pháp luật và cũng là những người tham gia soạn thảo, phối hợp cùng với Bộ Y tế và các Bộ liên quan soạn thảo Luật An toàn thực phẩm.

Trước hết, tôi nhận thức được rằng đây là Nghị định rất quan trọng không chỉ liên quan đến an toàn sức khỏe cho con người mà còn liên quan đến giao lưu thương mại của Việt Nam với các đối tác nước ngoài hiện nay, liên quan đến vấn đề ngoại giao và góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cho nên, đây là Dự án liên quan đến nhiều khía cạnh mà đặc biệt là an toàn sức khỏe. Tôi có 2 ý muốn góp vào nội dung của Dự thảo Nghị định này.

Đó là vấn đề quản lý nhà nước và thủ tục hành chính.

* Tôi rất tâm đắc với ý kiến của hai vị giáo sư và phó giáo sư công tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trước đây. Đó là quản lý nhà nước bên cạnh nghĩa chúng ta đang hiểu còn một nghĩa không chỉ được quy định trong luật. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề của anh Bá Anh là nội dung của Nghị định này chỉ quy định những gì mà Luật cho phép, không quy định những gì ngoài. Ở đây có vấn đề đặt ra là, trong Điều cuối cùng của Luật An toàn thực phẩm: "Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn các điều khoản được giao trong Luật và hướng dẫn những nội dung cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Vậy những gì mà trong Luật đã giao cho các cơ quan quản lý thì đã được Điều 72 khẳng định cần được chi tiết hóa trong Nghị định này, nhưng đồng thời những gì Luật chưa quy định nhưng cần thiết. Vậy thì vấn đề chúng ta đặt ra lúc nãy: trước khi tiêu dùng thực phẩm đó là do Bộ Y tế là cơ quan quản lý. Tôi cho rằng Điều 72 là cơ sở pháp lý để đưa vào những gì Luật còn thiếu sót vào Nghị định này.

Thứ hai, có ý tưởng về những nội dung cần thiết mà trong Dự thảo không đặt ra như thức ăn đường phố. Tôi cho rằng Dự thảo cần phải quan tâm đến điều đó, mặc dù có khó khăn nhưng không thể buông xuôi để rồi gây hại cho cộng đồng.

Quản lý như thế nào? Tôi hình dung ra cái bánh, trong đó có 3 phần: phần thứ nhất Bộ Nông nghiệp, phần thứ 2 Bộ Công thương, phần còn lại là tất cả những gì Luật quy định cho Bộ Y tế và những điều mới phát sinh, những cái chưa quy định, chồng chéo. Đó là nhiệm vụ của Bộ Y tế, thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước. Vậy nội dung quản lý của Bộ Y tế là về những vấn đề gì? Bộ Y tế phải quản lý những gì mà các bộ khác đang có tranh chấp, đan xen nhau. Quản lý những vấn đề mới phát sinh mà luật chưa lường trước được.Khi thanh tra, kiểm tra bên cạnh các bộ ngành khác thì Bộ Y tế sẽ là cơ quan phối hợp với các bộ đó thanh tra. Khi phát hiện các vi phạm pháp luật, đã kiến nghị với các Bộ khác mà các bộ đó không chịu làm thì lúc đó Bộ Y tế sẽ là cơ quan độc lập ra phán xét.

* Về cải cách thủ tục hành chính, tôi hoàn toàn đồng ý rằng trong xu thế hội nhập và giao lưu thương mại như hiện nay thì bên cạnh quản lý nhà nước cần đẩy mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Vậy thì, chúng ta cần tìm những cách tăng cường quản lý nhà nước (chẳng hạn như đăng ký hợp chuẩn, hợp quy, công bố hợp quy) nhưng vẫn phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đừng đặt ra vấn đề là tạo ra lợi ích cục bộ của mỗi bộ ngành. Xuất phát là những chuyên gia, phối hợp với các bộ ngành, giúp Chính phủ xây dựng Dự thảo Nghị định này, tôi xin có những đóng góp đó. Và mong rằng những ý kiến của các đại biểu ngày hôm nay sẽ là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu phục vụ tốt cho công tác quản lý, đóng góp cho doanh nghiệp.

Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan