Những vướng mắc của Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp – Bà Phạm Như Quỳnh – Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam

Thứ Năm 08:56 24-02-2011

Theo thư mời số 0240/PTM-PC ngày 14/02/2011 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tham gia Hội thảo về những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp, tôi xin trình bày ở đây một số ý kiến đóng góp liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp như sau:

 

1.       Về Đối tượng áp dụng (Điều 2):

 

Điều 2 quy định đối tượng áp dụng là “Công ty cổ phần; các doanh nghiệp được chuyển đổi thành công ty cổ phần” có thể dẫn đến cách hiểu Nghị định chỉ áp dụng cho loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005. Trong khi đó, Điều 6 của Nghị định lại phân loại các cơ quan có thẩm quyền quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ theo từng loại hình doanh nghiệp (tổ chức tín dụng, bảo hiểm, …) thì lại có thể hiểu rằng việc chào bán cổ phần riêng lẻ của tổ chức tín dụng hay công ty bảo hiểm phải tuân theo Nghị định này. Như vậy, Nghị định chưa thể hiện sự thống nhất về đối tượng áp dụng.    

 

2.       Về đối tượng được chào bán cổ phần riêng lẻ (Điều 3):

 

Việc định nghĩa “chào bán cổ phần riêng lẻ là việc chào bán cổ phần hoặc quyền mua cổ phần trực tiếp và không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho các đối tượng sau: các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dưới 100 nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” nhưng lại không đưa ra tiêu chí xác định như thế nào là nhà đầu tư không chuyên nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Đề nghị Nghị định cần chỉ rõ tiêu chí xác định các đối tượng này .

 

3.       Về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần chào bán  (Điều 8)

 

Nghị định quy định rằng “hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán”. Đây là một bất cập đáng kể của Nghị định, cụ thể là:

 

·       Thứ nhất, quy định này trái với quy định của Luật doanh nghiệp 2005 mà theo đó, các cổ phần được tự do chuyển nhượng trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần của cổ đông sáng lập.

 

·        Thứ hai, bản chất cổ phần được chào bán là để huy động thêm vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc có thay đổi cổ đông do chuyển nhượng không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn và hoạt động của công ty. Nhà đầu tư có chuyển nhượng hay không thì tiền từ đợt chào bán cổ phần cũng là tiền của Công ty cổ phần nên ai nắm giữ cổ phần rõ ràng không ảnh hưởng đến số tiền đó. Việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần được chào bán riêng lẻ đã giảm sức hút với nhà đầu tư khi quyết định tham gia đầu tư vào cổ phần riêng lẻ vì thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm là có thể xuất hiện nhiều rủi ro, nên thay vì tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư mua chứng khoán trên thị trường tập trung hoặc kênh đầu tư khác để vừa tránh được rủi ro thanh khoản, vừa không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng. Như vậy, rõ ràng quy định này đang ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của hàng chục ngàn Công ty cổ phần.

 

·        Thứ ba, quy định này không chặt chẽ, dễ dẫn đến một cách hiểu rằng không được chuyển nhượng cổ phần nhưng được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó.

 

·        Kiến nghị: vì vấn đề này đã được quy định trong Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán (có hiệu lực 1/7/2011)-áp dụng đối với công ty đại chúng. Do đó, kiến nghị đối với việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng thì có thể xem xét bỏ hạn chế này hoặc nếu hạn chế chuyển nhượng thì có thể giới hạn một số đối tượng nhất định (nhà đầu tư chuyên nghiệp, thành viên hội đồng quản trị...) chứ không nên giới hạn với đối tượng là nhà đầu tư không chuyên nghiệp.  

 

4.       Về thời gian chào bán cổ phần riêng lẻ

 

·        Hầu hết các doanh nghiệp luôn phải huy động vốn liên tục để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với hạn chế “các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng” sẽ hạn chế “tạo nguồn vốn” và kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

 

·        Kiến nghị: vì vấn đề này đã được quy định trong Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán (có hiệu lực 1/7/2011)-áp dụng đối với công ty đại chúng. Do đó, kiến nghị đối với việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng không nên giới hạn các đợt chào bán cổ phần riêng lẻ.

 

5.       Về thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ

 

·         Trước đây các Công ty cổ phần khi thực hiện tăng vốn bằng việc chào bán cổ phần, sau khi hoàn tất việc tăng vốn chỉ cần khai báo thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở. Nhưng nay, theo quy định mới Công ty cổ phần lại phải làm hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ gửi lên Sở kế hoạch đầu tư xem xét. Tuy nhiên, Nghị định chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan quản lý và lúng túng trong việc giải quyết làm ảnh hưởng đến tiến độ huy động vốn của doanh nghiệp.

 

·         Liên quan đến hồ sơ đăng ký:

 

              Nghị định quy định Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ gồm rất nhiều loại giấy tờ: báo cáo, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án chào bán, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua tiêu chuẩn đối tác, Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua danh sách đối tác, tài liệu chứng minh khác. Xét về mặt thực tế, việc yêu cầu hồ sơ như vậy không thực sự khả thi vì không những gây khó khăn cho Công ty cổ phần do có các thành viên ở những nơi khách nhau khi phải tổ chức các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị mà còn tốn kém chi phí để phục vụ cho việc chào bán cổ phần riêng lẻ. Trong khi đó, theo Luật doanh nghiệp để thực hiện chào bán cổ phần chỉ cần có quyết định của Hội đồng quản trị quyết định thời điểm, phương thức, giá chào bán. Nghị định nên linh hoạt và điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục chào bán cổ phần nhanh chóng và thuận lợi hơn. 

 

Các văn bản liên quan