Nên tháo bỏ rào cản đvới DN đầu tư nước ngoài

Thứ Sáu 14:07 26-05-2006
NÊN THÁO BỎ RÀO CẢN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
H.P.T Báo Pháp luật Việt Nam ngày 03/08/2005

Trong gần 20 năm qua, pháp luật về các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam đã nhiều lần được bổ sung, sửa đối và tiếp tục hoàn thiện. Cho đến nay, Luật Doanh nghiệp (1999), Luật Doanh nghiệp Nhà nước sửa đổi (2003) và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cùng với các Nghị định hướng dẫn thi hành tương ứng tạo thành hệ thống luật về các loại hình doanh nghiệp ở nước ta. Về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiện có hai Luật: Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ban hành năm 1994 và sửa đổi, bổ sung năm 1998; và Luật Đầu tư nước ngoài ban hành năm 1987 và các lần sửa đổi, bổ sung. Ngày 29/07 vừa qua, Văn phòng Quốc hội và Trung tâm Thông tin nghiên cứu khoa học đã tổ chức buổi tọa đàm về dự án Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung.

Sự cần thiết có hai Luật mới

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về kinh doanh và đầu tư hiện hành vẫn còn chưa nhất quán, còn sự phân biệt bất hợp lý đối với các nhà đầu tư và các loại hình doanh nghiệp khác nhau, hạn chế quyền tự do kinh doanh, quyền phát huy nguồn lực, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo hai luật: Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung áp dụng chung cho các loại hình pháp lý của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Mục tiêu của việc soạn thảo hai Luật này là góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên. Cụ thể sẽ hướng vào các mục tiêu việc cải thiện môi trường kinh doanh, cũng cố niềm tin của các nhà đầu tư về quyền tự do kinh doanh trong lĩnh vực mà pháp luật không cấm, đồng thời góp phần xóa bỏ nhiều khác biệt bất cập hiện còn tồn tại giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, phát huy mọi nguồn nội lực và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích tối đa các hoạt động đầu tư, kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; giảm thiểu các khống chế về mức sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài và quan trọng hơn nữa là góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thống nhất đã có một bước đổi mới đáng kể. Đó là Luật quy định về thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của 4 loại hình pháp lý của doanh nghiệp áp dụng chung thống nhất không phân biệt thành phần kinh tế, bản chất sở hữu và ngành nghề kinh doanh.

Những ý kiến đóng góp

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng để có được một sân chơi bình đẳng thực sự thì vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí quyết định. Bên cạnh đó, thủ tục đơn giản hóa thủ tục, giảm rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt đối với đầu tư nước ngoài theo hướng phổ biến áp dụng đăng ký kinh doanh thay cho loại hình cấp phép như hiện nay. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có quyền tự chủ cao hơn trong việc thực hiện kinh doanh, cơ cấu lại, mở rộng và đa dạng hóa ngành nghề. Theo Luật sư Nguyễn Chúng: Không nên đặt thêm các rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài mà phải tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các nước tiên tiến đồng thời phát triển khoa học công nghệ trong nước. Mặt khác, cần xây dựng một cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này nhằm tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp trong nước buộc phải phải tự làm mới mình để tồn tại chứ không thể dựa vào những quy định của pháp luật để tạo lợi thế cạnh tranh.

Việc cũng cố quyền của cổ đông, bảo vệ mạnh hơn quyền và lợi ích của cổ đông thiểu số, tăng cường các quy định về quản lý vốn để hạn chế nguy cơ lạm dụng nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn; nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ban kiểm soát, xác định rõ hơn các nghĩa vụ của người quản lý, nhất là đối với thành viên HĐQT, HĐTV, và giám đốc…cũng được đặt ra tại dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất.

Riêng Luật gia Võ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM: “Việc cần làm của chúng ta hiện nay là sửa đổi, điều chỉnh như thế nào để xóa việc phân biệt đối xử, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp để thu hút thêm dòng chảy đầu tư tiền vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đối với Luật Doanh nghiệp thống nhất, về mặt pháp lý Nhà nước nên thống nhất một đầu mối quản lý, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động doanh nghiệp, đồng thời bớt việc cấp giấy phép con từng gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, tốn kém thời gian không đáng có. Bởi theo quy định mới (nếu được Quốc hội thông qua) thì các doanh nghiệp mới được thành lập phải có số vốn trên trên 5 tỉ đồng. Quy định trên có mặt tích cực là nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vốn ít tập họp, liên kết tạo thành tập đoàn nhằm tăng cường sức mạnh cạnh tranh. Tuy nhiên, trước “số phận” của các doanh nghiệp đã hoạt động với số vốn ít hơn quy định, Nhà nước sẽ giải quyết ra sao, bởi theo thống kê hiện có 200.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đa số có vốn trung bình từ 1.7 -1.9 tỷ đồng/doanh nghiệp trong khi hiện có đến 95% các doanh nghiệp trong nước (hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa) hiểu biết về kiến thức pháp luật và tập quán quốc tế rất hạn chế, do đó đã gặp không ít những khó khăn khi phải đối diện với tranh chấp thương mại giữa đôi bên. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng Luật hoàn chỉnh, doanh nghiệp còn cần được hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là các tổ chức tư vấn pháp luật trong và ngoài nước để được hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp chuẩn bị ký kết hợp đồng quan hệ giao thương

Các văn bản liên quan