Dự thảo Luật Đầu tư: Bước lùi?

Thứ Sáu 14:08 26-05-2006
Dự thảo Luật đầu tư: Bước lùi?

T.TUYỀN, Báo Tuổi trẻ ngày 12/08/2005


TT - Những điều khoản quản lý đầu tư trong dự thảo Luật đầu tư (LĐT) chung, theo ý kiến nhiều chuyên gia, là một bước lùi so với pháp luật hiện hành.

Với những điều khoản đó, doanh nghiệp (DN) sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục rắc rối, tốn kém... Nhận xét này đã được nêu ra tại nhiều hội thảo góp ý cho dự thảo LĐT.

Lùi như thế nào?

Theo dự thảo LĐT chung, dự án của nhà đầu tư trong nước có vốn dưới 5 tỉ đồng chỉ cần đăng ký theo mẫu, không cần giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thế nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), luật khuyến khích đầu tư hiện hành qui định không có giấy phép này và từ bao năm qua DN không mất thời gian và tiền bạc để lấy giấy phép.

Trong khi điều 42 của dự luật lại qui định “cơ quan thẩm quyền về quản lý đầu tư xem xét và cấp ưu đãi đầu tư và các ưu đãi này được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Như vậy, các dự án dưới 5 tỉ đồng muốn có ưu đãi đầu tư vẫn phải “xin”, vì vậy số dự án và DN phải “xin” sẽ tăng lên rất nhiều.

Dự thảo LĐT yêu cầu nhà đầu tư phải nộp hồ sơ để cơ quan quản lý thẩm định mới được cấp giấy phép đầu tư, quá trình thẩm định có thể kéo dài vì cho phép “thẩm định lại”. Quá trình triển khai dự án là lúc thể hiện rõ nhất quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, nhưng Nhà nước sẽ can thiệp một cách bất hợp lý vào quyền tự quyết của DN khi buộc “nhà đầu tư phải giám định giá trị, chất lượng trước khi nhập khẩu hoặc lắp đặt; yêu cầu nhà đầu tư phải có xác nhận của tổ chức giám định và phải báo cáo để được xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…”.

Theo ông Nguyễn Văn Kích, thủ tục thẩm định chỉ được áp dụng cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng nay đã được áp dụng cả cho các dự án dân doanh là lẫn lộn giữa cái chung và cái riêng.


Theo dự thảo LĐT chung, sắp tới đây DN khi xây dựng khách sạn, cao ốc, văn phòng phải xin thêm thủ tục của các bộ, phải chờ thẩm định mới có giấy phép đầu tư. Trong khi hiện nay đa số DN chỉ cần làm thủ tục ở UBND tỉnh, TP là đủ. Hay như trường hợp nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hàng xuất khẩu trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao có qui mô trên 300 tỉ đồng và giải quyết hàng ngàn lao động, theo dự thảo LĐT, các dự án này được đặc biệt khuyến khích nhưng về thủ tục vẫn phải qua khâu thẩm định.

Cái gì cũng đòi quản lý

Các chuyên gia khi nghiên cứu dự thảo LĐT đã phát hiện dự thảo đưa vai trò Nhà nước tham gia hoạt động đầu tư của DN quá nhiều, quản lý chặt chẽ quá trình ra quyết định đầu tư, có mặt mọi lúc mọi nơi, từ khâu ra quyết định đầu tư, thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư...

Theo các chuyên gia, khi Nhà nước can thiệp quá sâu vào quá trình đưa ra quyết định đầu tư của DN như thế, vô hình trung đã xóa bớt hoặc vô hiệu hóa các biện pháp khuyến khích đầu tư. Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng cách quản lý ôm đồm như trong dự thảo, cái nào cũng xem là “dự án quan trọng” có thể dẫn đến quá tải cho mọi nhà quản lý, kể cả Chính phủ.

Dự thảo LĐT qui định sau khi đã được cấp phép “mọi thay đổi của dự án về mục tiêu, qui mô, công suất, địa điểm, thời hạn... nhà đầu tư đều phải xin và phải được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận”. Trong khi theo pháp luật về khuyến khích đầu tư trong nước hiện hành, các dự án đầu tư trong nước không phải làm các thủ tục này. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, qui định này sẽ gây khó cho các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, vì việc DN thay đổi dự án cho phù hợp với thị trường là bình thường.

Cùng quan điểm với VAFI, Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) cho rằng cách quản lý nêu trong dự thảo LĐT là tràn lan mà không hiệu quả, không chỉ tốn kém tiền của Nhà nước mà còn làm tăng chi phí xã hội do nhà đầu tư phải tốn tiền bạc, thời gian để làm thủ tục. VCCI khẳng định dù tốn kém nhưng hiệu quả quản lý không có vì cách quản lý đối với dự án phổ thông sẽ không giúp Nhà nước quản lý được chất lượng của dự án.

Theo VCCI, vấn đề đặt ra là cần quản lý cái nào và quản lý như thế nào cho hiệu quả, trong khi dự thảo LĐT không giải quyết tốt cả hai vấn đề này. VAFI kiến nghị không nên làm phức tạp bộ luật, cần loại bỏ những thủ tục không cần thiết.

Trong văn bản góp ý dự thảo Luật đầu tư gửi Ủy ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI - cho rằng bất cập lớn nhất dường như nằm ở quan điểm tiếp cận của cơ quan soạn thảo: quá trình nhất thể hóa các qui định về đầu tư giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã được thực hiện nhưng lại trái chiều.

Lẽ ra phải thống nhất về phía các qui định có lợi cho nhà đầu tư, cơ quan soạn thảo lại đi theo hướng thống nhất về phía các qui định bất lợi cho nhà đầu tư.

Từ quan điểm này, cơ quan soạn thảo đã thiết kế hầu hết các chế định lớn của dự thảo theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, vốn là điều bất hợp lý của pháp luật về đầu tư nước ngoài hiện hành (ví dụ như điều kiện đối với dự án đầu tư, quá trình thẩm định dự án để ra quyết định đầu tư, thủ tục đăng ký và thẩm định dự án đầu tư, sửa đổi giấy phép đầu tư…).


Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng LĐT chung:

- Xóa bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

- Hạn chế sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào các quyết định của nhà đầu tư; tôn trọng quyền tự do kinh doanh của DN.

- Đổi mới chức năng của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, DN là chính.



T.TUYỀN

Các văn bản liên quan