Một vài ý kiến về Nghị định 01/NĐ-CP/2010 ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ – Ý kiến của TS. Vũ Đặng Hải Yến – Đại học Luật Hà Nội

Thứ Năm 09:00 24-02-2011

Chào bán cổ phần riêng lẻ là một phương thức chào bán chứng khoán trong phạm vi một số nhà đầu tư nhất định và đôi khi có tính chất đặc biệt như các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực về vốn, các công ty đầu tư chứng khoán, các quỹ tín thác đầu tư... Hầu hết pháp luật các nước trên thế giới đều có quy chế pháp lý riêng điều chỉnh hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ. Nội dung cơ bản của những quy chế này là tạo cho chủ thể chào bán quyền tự định đoạt những nội dung liên quan đến đợt chào bán như giá cổ phần dự kiến chào bán, thời điểm thích hợp để đợt chào bán thành công, số lượng cổ phần dự định chào bán tương ứng với số vốn mà công ty dự kiến huy động. Ở Việt Nam, hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần được quy định tại Điều 87 Luật Doanh nghiệp. Các quy định trong Điều 87, Luật Doanh nghiệp Việt Nam tạm thời được coi là quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với những loại công ty cổ phần thành lập và hoạt động theo luật này. Bên cạnh đó, Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ cũng đưa ra định nghĩa về chào bán cổ phần riêng lẻ, theo đó, chào bán cổ phần riêng lẻ là việc chào bán cổ phần hoặc quyền mua cổ phần trực tiếp và không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho một trong các đối tượng sau: (i) các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; (ii) dưới 100 nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” (Khoản 1, Điều 4, Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ)

Về mặt nội dung, pháp luật điều chỉnh hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần bao gồm các nội dung chủ yếu như: (i) điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ; (ii) thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ; (iii) quyền ưu tiên mua cổ phần của các nhà đầu tư; (iv) xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần.

Sau đây, xin nêu một vài phân tích, bình luận về Nghị định 01/NĐ-CP/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ.

1.     Quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ

Ở Việt Nam, theo quy định của Điều 8, Nghị định 01/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/1/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ thì các chủ thể gồm các công ty cổ phần được thành lập theo pháp luật Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện cụ thể mà pháp luật đã đặt ra như sau để được tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ, bao gồm: (i) Có quyết định thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; (ii) Phương án chào bán phải xác định rõ đối tượng và số lượng nhà đầu tư được chào bán dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán; (ii) Có hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ; (iv) Các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng; (v) Đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ góp vốn, hình thức đầu tư, trong trường hợp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Với quy định như trên, pháp luật Việt Nam dường như vẫn còn thể hiện sự nặng nề trong các yêu cầu về thủ tục hành chính mà một công ty cổ phần phải thực hiện khi chào bán cổ phần riêng lẻ. Thiết nghĩ, quyền chào bán cổ phần là quyền có tính chất tự nhiên, tạo nên đặc trưng của công ty cổ phần. Do đó, pháp luật chỉ nên can thiệp vào quyền này ở một mức độ nhất định nếu việc chào bán riêng lẻ đã được nhận diện thông qua mối quan hệ giữa công ty chào bán và hầu hết các nhà đầu tư (thông thường là người lao động trong công ty, cổ đông hiện hữu của công ty hoặc các nhà đầu tư có mối quan hệ kinh doanh với công ty).

Bên cạnh việc đưa ra một loạt các yêu cầu để một công ty cổ phần có thể thực hiện được đợt chào bán cổ phần riêng lẻ, pháp luật Việt Nam còn đặt ra những điều kiện khá chặt chẽ đối với một số chủ thể có quyền chào bán đặc biệt. Xuất phát từ quyền thực hiện các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, các ngân hàng thương mại cổ phần khi thực hiện chào bán chứng khoán riêng lẻ thường chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các quy định pháp luật. Về cơ bản, bản chất pháp lý của các ngân hàng thương mại cổ phần là các công ty cổ phần, do đó, khi thực hiện hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ trước hết, các chủ thể đặc biệt này phải tuân theo những quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Ngoài ra, do đặc thù về ngành nghề kinh doanh, chủ thể này phải chịu sự điều chỉnh của các Luật khác như : Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) 2003, Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2003 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ cũng khẳng định : hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện phải tuân thủ quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật chuyên ngành (Điều 3, Nghị định 01/2010/NĐ-CP của Chính Phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần). Vì vậy, theo quy định này, khi tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ, ngân hàng thương mại cổ phần còn phải tuân thủ thêm các điều kiện mà Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý trực tiếp của ngân hàng thương mại trong hoạt động chào bán cổ phần) đặt ra bên cạnh những điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ dành cho các chủ thể là các công ty cổ phần khác. Hiện tại, sau vài tháng áp dụng Nghị định 01/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ, các phòng đăng ký kinh doanh tỉnh đang lúng túng trong việc giải quyết, theo thông lệ thì sẽ xin ý kiến cấp trên, chờ tham vấn, chờ văn bản hướng dẫn... Về phía doanh nghiệp chỉ biết chờ, trong lúc các kế hoạch huy động vốn, tăng vốn, các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh cần vốn cũng chờ theo, thiệt hại về kinh tế là điều khó tránh khỏi

   Nghiên cứu quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ, chúng ta có thể nhận thấy:

Quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần theo Nghị định 01/2010/NĐ-CP còn có những điểm bất cập, một số chỗ còn trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp, cụ thể là:

   Thứ nhất, đối với điều kiện về việc buộc công ty cổ phần khi tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ phải có phương án sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt chào bán. Tuy nhiên, nội dung của phương án này chưa được xác định trong Nghị định, có nghĩa là việc nhận diện ra phương án này còn chưa được pháp luật đề cập tới.

   Thứ hai, khi quy định về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần sau đợt chào bán như một điều kiện đối với các nhà đầu tư tối thiểu trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán (Khoản 2, Điều 8, Nghị định 01/2010/NĐ-CP), đồng thời với việc yêu cầu công ty cổ phần trở thành các công ty đại chúng do việc chào bán riêng lẻ, trong thời gian thực hiện đăng kí công ty đại chúng, công ty cổ phần không được phép chứng nhận chuyển nhượng cổ phần (Khoản 2, Điều 12, Nghị định 01/2010/NĐ-CP). Nghị định 01/2010/NĐ-CP đã vi phạm các quy định có tính nguyên tắc trong Luật Doanh nghiệp 2005. Cụ thể là, tại khoản 5, Điều 84 của Luật Doanh nghiệp 2005, pháp luật cho phép cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ trường hợp đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần phổ thông do cổ đông sáng lập nắm giữ trong 3 năm đầu tiên kể từ khi công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông cho phép).

Trên thực tế, ở Việt Nam, đã có những quy định pháp luật hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần của một số loại cổ đông nhất định. Khi quy định về cổ đông chiến lược đối với những doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cổ phần hóa, pháp luật cho phép doanh nghiệp được ràng buộc các cổ đông này ở việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong một thời hạn xác định. Quy định này thể hiện tính hợp lý ở chỗ, khi tiến hành mua cổ phần, các cổ đông chiến lược được hưởng các điều kiện mua khá đặc biệt so với các cổ đông khác (điều kiện về giá mua cổ phần hoặc điều kiện về tỷ lệ cổ phần được phép mua), vì vậy, chủ thể chào bán cổ phần có thể đưa ra các điều kiện hạn chế chuyển nhượng cổ phần đối với những cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, trường hợp mà Nghị định 01/2010/NĐ-CP quy định lại hoàn toàn khác biệt. Nhà đầu tư tiến hành mua cổ phần của công ty chào bán theo Nghị định này hoàn toàn không được hưởng các ưu đãi đặc biệt, vì vậy, việc hạn chế các cổ đông này được chuyển nhượng cổ phần là bất hợp lý trong khi việc chuyển nhượng cổ phần này không có dấu hiệu nào làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty chào bán.

Như vậy, việc pháp luật Việt Nam can thiệp quá sâu vào việc phân phối cũng như xử lý đối với các cổ phần đã có chủ sở hữu là trực tiếp làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư, của công ty cổ phần trong khi quyền tự do kinh doanh được coi là một trong những quyền quan trọng nhất của mọi hoạt động có tính chất thương mại, pháp luật Việt Nam cũng chưa có cơ chế để các nhà đầu tư và tổ chức phát hành tự thỏa thuận với nhau về việc chuyển nhượng cổ phần để tránh rủi ro cho chính các chủ thể này là một bất cập không nhỏ.

   Thứ ba, về mệnh giá cổ phần chào bán trong một đợt chào bán riêng lẻ, khoản 2, Điều 5, Nghị định 01/2010/NĐ-CP quy định: “Mệnh giá cổ phần chào bán riêng lẻ là 10.000 (mười nghìn) đồng Việt Nam”. Quy định này, còn thiếu căn cứ và chưa hợp lý. Việc quy định mệnh giá chung đối với cổ phần thông thường được các quốc gia áp dụng đối với những cổ phần cần được quy chuẩn để giao dịch trên một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng của hàng hóa. Tuy nhiên, chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần chỉ cung cấp hàng hóa cho thị trường phi tập trung, mang tính tự do rõ rệt, vì vậy, việc quy chuẩn mệnh giá của cổ phần như vậy không thực sự cần thiết. Hơn nữa, trên thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều công ty cổ phần đã phát hành các cổ phần với mệnh giá khác 10.000 đồng Việt Nam. Vì vậy, để đáp ứng quy định này, khi các công ty cổ phần nói trên tiến hành phát hành thêm đợt chào bán riêng lẻ mới, các công ty này buộc phải thực hiện việc quy đổi lại mệnh giá cổ phần đã phát hành ở các đợt trước, tạo ra những công việc phát sinh không cần thiết đối với công ty cổ phần, làm hạn chế quyền tự do ấn định mệnh giá cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Vì vậy, việc quy định về mệnh giá cổ phần đối với đợt chào bán cổ phần riêng lẻ là không cần thiết, chỉ khi nào công ty cổ phần tiến hành niêm yết cổ phần trên thị trường giao dịch tập trung thì mới cần thiết phải quy chuẩn mệnh giá ở mức 10.000 đồng Việt Nam.

2.     Quy định về thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ, thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần được quy định như sau:

   (i) Công ty cổ phần chào bán cổ phần riêng lẻ phải có hồ sơ xin phép phát hành cổ phần riêng lẻ được lập theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính Phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần;

(iii) Gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(iv) Cung cấp thông tin về đợt chào bán cho các nhà đầu tư theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính Phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần;

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, trường hợp công ty cổ phần tiến hành phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán cổ phần đó cho các cổ đông phổ thông tương ứng với tỷ lệ mà họ đang nắm giữ trong vốn điều lệ thông qua phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty cổ phần phải thực hiện các thủ tục đối với các cổ đông trong công ty, cụ thể là trước khi tiến hành đợt chào bán, Đại hội đồng cổ đông quyết định về đợt chào bán, sau đó, công ty phải gửi thông báo về việc phát hành thêm cổ phần phổ thông tới từng cổ đông phổ thông, trong đó diễn giải về đợt chào bán, số lượng cổ phần, giá, quyền ưu tiên mua cổ phần (Điểm a,b, khoản 2, Điều 87, Luật Doanh nghiệp 2005).

Trước khi có Nghị định số 01/2010/NĐ-CP của Chính Phủ ngày04/-01/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần, nhiều nhà khoa học cũng như giới đầu tư đã đánh giá cao việc quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng trong Luật chứng khoán 2006. Luật này đã đưa ra khái niệm công ty đại chúng, đó là công ty đã thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng (kể cả đã chào bán chứng khoán ra công chúng trước khi Luật chứng khoán 2006 có hiệu lực); công ty có cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; công ty do phát hành riêng lẻ nhiều lần mà có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu và có vốn điều lệ thực góp từ 10 tỷ đồng trở lên.

Để ngăn chặn thực tế là có rất nhiều công ty cổ phần hoạt động với số vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng có trên 100 nhà đầu tư sở hữu cổ phần nhưng họ chỉ thực hiện chào bán chứng khoán riêng lẻ để lẩn tránh nghĩa vụ công bố thông tin. Vì vậy mà năng lực của chủ thể chào bán và chất lượng cổ phần chào bán cũng không được quản lý một cách chặt chẽ khi mà về bản chất, các công ty đại chúng đã có hàng hóa là cổ phần bán trên thị trường chứng khoán tập trung.

Trong bối cảnh đó, quy định về nghĩa vụ phải công bố thông tin của công ty đại chúng trong Luật Chứng khoán 2006 được đánh giá là một trong những quy định góp phần minh bạch hoá các thông tin trên thị trường chứng khoán, hướng đến một thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả, góp phần đắc lực vào việc phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, với sự ra đời của Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ, nghĩa vụ công bố thông tin hiện tại không chỉ còn là nghĩa vụ của các tổ chức chào bán cổ phần ra công chúng mà là nghĩa vụ chung của tất cả các chủ thể khi áp dụng mọi phương thức chào bán cổ phần, cho dù đó là đợt chào bán cổ phần riêng lẻ hay chào bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, tinh thần của việc quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của các chủ thể đặc biệt trên thị trường chứng khoán tỏ ra không còn nhiều ý nghĩa.

Mặc dù, tính hợp lý của việc bổ sung điều kiện đăng kí và công bố thông tin đối với chủ thể chào bán khi tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ thể hiện ở mục đích bảo vệ tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, với một sự ảnh hưởng hẹp, đối tượng đầu tư có thể xác định hoặc giới hạn được, chúng tôi cho rằng pháp luật không cần thiết phải can thiệp quá sâu, cụ thể là không cần thiết phải đặt ra các yêu cầu về điều kiện đăng kí chào bán và công bố thông tin đối với các đợt chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần. Hơn nữa, quyết định cuối cùng của việc mua cổ phần của một công ty cổ phần thuộc về các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn mua hay không mua cổ phần từ một đợt chào bán riêng lẻ dựa trên sự đánh giá chủ quan của nhà đầu tư đó về năng lực của tổ chức chào bán. Hơn nữa, bản thân nhà đầu tư, với tư cách cá nhân cũng có quyền yêu cầu công ty cổ phần cung cấp thông tin trước khi quyết định đầu tư. Như vậy, với sự lựa chọn của mình, nhà đầu tư sẽ chấp nhận đối mặt với khả năng rủi ro trong đầu tư, vì thế, pháp luật không nhất thiết phải can thiệp quá sâu, làm hạn chế quyền huy động vốn của các chủ thề chào bán cổ phần.

Các quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam vô hình chung đang xóa mờ đi khoảng cách giữa phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ và phương thức chào bán cổ phần ra công chúng của công ty cổ phần, việc làm này đi ngược với các quy luật xác định bởi bản chất kinh tế của hai phương thức huy động vốn khác nhau của công ty cổ phần, mặt khác làm hạn chế quyền tự do kinh doanh và giảm hiệu quả huy động vốn của các công ty cổ phần trong nền kinh tế.

3.     Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ

Ở Việt Nam, trước khi có Nghị định số 01/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần, do có khoảng cách khá lớn về quy định của pháp luật về chào bán riêng lẻ và chào bán ra công chúng, thay vì chào bán công khai, nhiều công ty cổ phần, mặc dù có đủ điều kiện phát hành ra công chúng đã tổ chức phát hành riêng lẻ để thành lập công ty cổ phần mới hoặc thu về khoản thặng dư vốn lớn. Làn sóng phát hành riêng lẻ nhiều nhất trong ngành dầu khí, điện xây dựng và bất động sản. Do thực trạng chuyển đổi từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần, ở Việt Nam, có trường hợp, công ty nhà nước ngay sau khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần đã đầu tư thành lập ra nhiều công ty cổ phần con với những ngành nghề kinh doanh tương tự như công ty mẹ, mang tên của công ty mẹ trong tên kinh doanh của công ty con. Chủ trương của việc thành lập các công ty con này là để chào bán cổ phần riêng lẻ. Thực chất của việc chào bán cổ phần riêng lẻ này là để thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ công ty và thu về một khoản thặng dư vốn rất lớn cho những cổ đông lớn ở công ty con (đồng thời là cổ đông lớn của công ty mẹ) mới thành lập. Thông qua chào bán riêng lẻ, những cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu của mình, chuyển sang cho các nhà đầu tư khác và thu về khoản thặng dư vốn của đợt phát hành. Thực trạng này đem lại cho nhà đầu tư những rủi ro rất lớn đối với khoản đầu tư mua cổ phần của công ty cổ phần.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần thiết phải có cơ sở pháp luật rõ ràng, minh bạch, chính xác để áp dụng đối với hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ. Các quy định điều chỉnh hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ trong công ty cổ phần trong Nghị định 01/2010/NĐ-CP đã phần nào giải quyết được những hạn chế của pháp luật điều chỉnh hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ. Tuy nhiên với khiếm khuyết cơ bản, Nghị định 01/2010/NĐ-CP vẫn chưa đáp đứng được nhu cầu được điều chỉnh bằng một khung pháp luật hợp lý và đầy đủ hơn đối với hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, Nhà nước cần ban hành những quy định sửa đổi, thay thế các quy định của Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ với những nội dung cơ bản cần hướng tới như sau:

Một là, làm rõ nội hàm của khái niệm “phương án sử dụng vốn” mà Nghị định 01/2010/NĐ-CP đã đặt ra theo hướng quy định rõ nội dung cần phải có trong phương án này và những điều kiện cụ thể đối với phương án sử dụng vốn. Cụ thể là, pháp luật cần quy định các đầu mục chi tiết của phương án sử dụng vốn mà công ty cổ phần cần thể hiện trong phương án sử dụng vốn. Trong các trường hợp cụ thể, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể ban hành Phương án sử dụng vốn mẫu. Làm được điều này, công ty cổ phần tiến hành chào bán sẽ nắm được rõ ràng việc phải làm để đáp ứng điều kiện mà nhà nước đặt ra, tránh tình trạng giải thích không đúng tinh thần pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền nhằm hạn chế quyền và gây ra những rắc rối không đáng có cho công ty cổ phần khi tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ.

Hai là, bỏ quy định về thủ tục đăng kí chào bán cổ phần riêng lẻ. Nhà nước chỉ dừng lại ở việc giám sát gián tiếp các hoạt động này thông qua việc yêu cầu các chủ thể chào bán cổ phần riêng lẻ tiến hành công bố một số thông tin cần thiết chứ không can thiệp một cách trực tiếp và trái với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của nhà nước Việt Nam như hiện nay.

Ba là, sửa đổi các quy định mâu thuẫn với các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, cụ thể là: (i) bỏ quy định về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần sau khi kết thúc đợt chào bán, giành việc hạn chế này cho các chủ thể có liên quan, đó chính là chủ thể chào bán và nhà đầu tư; (ii) bỏ quy định về mệnh giá cổ phần trong đợt chào bán riêng lẻ là 10.000 (mười nghìn) đồng Việt Nam cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và phù hợp với các quy định có tính nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp 2005.

Bốn là, giảm bớt quyền can thiệp của Bộ Tài Chính vào hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ, trả quyền tự do kinh doanh về cho công ty cổ phần và trao trả quyền quản lý các công ty cổ phần chưa phải là công ty đại chúng về cho cơ quan đăng ký kinh doanh quản lý. Theo đó, pháp luật cần bỏ quy định yêu cầu các công ty cổ phần chào bán phải gửi thông tin cho Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, nhà nước cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 01/2010/NĐ-CP, trong đó xác định rõ một số nội dung liên quan đến cơ quan đăng kí kinh doanh như: Nghị định 01/2010/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp (trừ loại hình công ty chứng khoán, ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm) phải nộp hồ sơ xin chào bán cổ phần riêng lẻ lên sở Kế hoạch đầu tư . Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư không có nghĩa vụ tiếp nhận loại hồ sơ này do hiện nay, Sở kế hoạch và đầu tư chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ theo cách thông thường, không phải là chào bán cổ phần.

 

Các văn bản liên quan