Một số góp ý về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ

Thứ Hai 09:33 05-06-2006
I. Về các vấn đề nêu tại công văn 2802/BGTVT –VT ngày 19/5/2006

1. Một số nội dung khác cần đưa thêm vào dự thảo:
-         Xử phạt những tổ chức cá nhân vận tải để rơi vãi hàng hóa, vật thể trên đường giao thông: đá, cát, sỏi, rác...;
-         Xử phạt những tổ chức cá nhân không thu dọn những vật thể mình làm đổ vãi trên đường giao thông mà bỏ đi như đánh đổ hàng hoá (hoa quả, thực phẩm, lương thực...) vỡ kính sau khi có vụ va chạm, đổ xăng dầu nhớt...;
-         Xử phạt những tổ chức có nhiệm vụ duy trì bảo dưỡng không kịp thời khắc phục hậu quả thiếu sót của các công trình giao thông gây mất an toàn giao thông như: mất hoặc hư hỏng biển báo, sụt lún đường sá, ổ voi ổ gà, ngập úng nước...;
-         Xử phạt những tổ chức có liên quan không kịp thời khắc phục hậu quả gây ùn tắc, tai nạn giao thông như đổ cây, đổ cột điện, chết xe giữa đường giữa cầu...;
-         Xử phạt các tổ chức cá nhân đứng ra hoán cải, chế tạo các loại phương tiện giao thông như nâng trọng tải, nâng số ghế ngồi, xe 3 bánh 4 bánh tự chế không đúng quy định...

2.
Đánh dấu số lần vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ là cần thiết và cần có chi tiết hơn về lỗi vi phạm và tần số vi phạm (kể cả tái phạm) nhưng không nên đục lỗ bằng lái xe mà có 1 thẻ theo dõi riêng phát hành in kèm liền với bằng lái để người sử phạt có thể ghi cụ thể lỗi vi phạm, thời gian vi phạm. Điều này sẽ tiện lợi vì chỉ có cơ quan cấp giấy phép và phát hành loại giấy phép in kèm thẻ theo dõi vi phạm.

3.
Không nên áp dụng tạm giữ phương tiện khi vi phạm hành chính điều này vi phạm quyền sở hữu, quyền khai thác kinh doanh và Luật doanh nghiệp vì nhiều xe lái xe chỉ là người làm thuê chủ xe mới là người sở hữu, xử lý lái xe vi phạm độc lập với việc quyền sở hữu quyền khai thác xe của chủ xe.
Tuy nhiên với trường hợp vi phạm theo quy định mức độ tăng nặng thì thay vì giữ xe có thể phạt tiền nặng hơn.
Việc tạm giữ xe chỉ áp dụng khi xe gây tai nạn nhằm đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân được bồi thường kịp thời và đầy đủ.
Tuy nhiên nếu chủ xe (không hoàn toàn là lái xe) nếu có ký quỹ trên tài khoản Ngân hàng, bảo lãnh của bên thứ ba ( Ngân hàng, công ty bảo hiểm đã bảo hiểm TNDS cho chủ xe đó....) thì vẫn phải giải phóng xe vì đã hết mục đích động cơ giữ xe. 

II. Những ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định quá rắc rối mà mục đích là tuyên truyền vận động thuyết phục người tham gia giao thông người đảm bảo tổ chức giao thông thực hiện tốt luật giao thông. Vì vậy nội dung sử phạt phải là “barem” dễ nhớ, lô gích, dễ hiểu và dễ vận dụng. Các trình bày này đến cả cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ cũng khó có thể nói người tham gia giao thông vi phạm vào điều nào, mức độ xử phạt là bao nhiêu chứ chưa nói gì đến người dân.
Vừa qua Hiệp hội bảo hiểm có tổ chức khảo sát thực tế về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (BHBBTNDS) chủ xe cơ giới và An toàn giao thông từ ngày 21/3/2006 – 31/3/2006 tại Hải phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Gia Lai, Kontum với sự tham dự của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (Vụ Vận tải), Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tư pháp, Vụ Dân nguyện Quốc hội có làm việc với Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông, cảnh sát giao thông, chủ xe cơ giới tại các địa phương nói trên và thấy rằng chủ yếu do NĐ152 xử phạt còn quá nhẹ chưa có tính răn đe nên tình hình vi phạm gây tai nạn giao thông những tháng đầu năm 2006 có chiều hướng phát triển.

Theo chúng tôi nên phân biệt các tiêu thức sau:

1.
Tăng nặng theo loại phương tiện và bằng lái: người đi bộ, người kéo đẩy xe thô sơ, người điều khiển xe xúc vật kéo, người điều khiển xe đạp xe máy, người lái xe mô tô (trên 50 cm) người lái xe ô tô từ loại du lịch và dưới 1 tấn đến loại Đại xa.

2.
Tăng nặng theo lỗi sơ suất và lỗi cố ý. Cố ý như chở quá trọng tải, lạng lách, đua xe, đãnh võng ...

3.
Tăng nặng theo mục đích sử dụng xe: Xe kinh doanh hoạt động thường xuyên phải có ý thức hơn, nắm luật tốt hơn.

4.
Tăng nặng theo cá nhân đến doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải bị xử phạt nhiều tiền mới có tính chất răn đe.

5.
Tăng nặng theo hậu quả vi phạm: Nếu vi phạm gây ra hậu quả tai nạn giao thông thì phải xử phạt tăng gấp 5 hoặc 10 lần, nếu gây tai nạn nghiêm trọng có thể xử phạt mức tối đa. Ví dụ: Xe mô tô gây tai nạn không mua BHBBTNDS của chủ xe cơ giới có thể phạt tới 10 lần số phí bảo hiểm (650.000đ) nếu gây tai nạn nghiêm trọng có thể lên tới 1.000.000đ.

6.
Cuối cùng là nếu gây tai nạn nghiêm trọng gây chết người dứt khoát phải khởi tố hình sự mới có tính chất răn đe, chúng ta cứ để hoà giải, lái xe và những kẻ có tiền thường cậy thế coi thường tính mạng người tham gia giao thông vì nhiều khi người dân vùng nông thôn nghèo khó chỉ phải đền 10.000.000tr –30.000.000trđ cho người bị chết là đã giải quyết xong.

Về mức độ xử phạt theo chúng tôi chỉ đề ra một mức phạt (không để một khung vận dụng sẽ thiếu minh bạch và sẽ phát sinh cơ chế xin cho). Mức xử phạt lên làm tròn ví dụ 20.000đ, 50.000đ, 100.000đ, 150.000đ....

Các văn bản liên quan