Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Hoàng Anh – Thành phố Hải Phòng

Thứ Hai 09:28 05-06-2006

Có một vấn đề tồn tại về mặt hành chính tôi xin góp ý: tiêu đề là Chính phủ mà dưới là Bộ Tài chính và không ai ký.
Không biết luật này ra đời có giải quyết được tồn tại của 4200 tỷ thuế đang nợ đọng hay không. Thực tế có nhiều hình thức nợ đọng khác nhau, có loại doanh nghiệp họ cố tình làm những loại hàng có thuế để họ trốn thuế và họ chiếm đoạt thuế chứ không phải trốn thuế. Có những loại doanh nghiệp do khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh không có hiệu quả, không có tiền nộp thuế. Đặc biệt có một số nợ đọng thuế hiện nay chiếm tương đối lớn đó là loại thuế do bất cập về chính sách thuế của chúng ta, tức là chính sách của chúng ta lúc thế này, lúc thế khác dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không xoay sở ra sao. Điển hình những việc như ô tô, xe máy vừa qua và đây là tỷ lệ rất lớn. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như Chính phủ xem xét lại, nếu mà những tồn tại 4 nghìn 200 tỷ thuế này mà chúng ta xem xét thấy rằng không có khả năng hoặc có những vấn đề còn băn khoăn giữa luật pháp và với doanh nghiệp thì chúng ta nên xem xét lại một cách công minh. Trước khi luật này thông qua hoặc trước khi luật này có hiệu lực thì chúng ta nên giải quyết dứt điểm 4 nghìn 200 tỷ thuế này. Có như vậy sau này chúng ta mới có cơ sở để đánh giá hiệu quả, hiệu lực của luật thuế mới này, nó có tốt hơn, nó có hoàn thiện hơn và hiệu quả hơn so với những văn bản pháp luật trước hay không?

Về thanh tra thuế, các đại biểu cũng đã nói nhưng tôi xin làm rõ thêm. Thực ra trong thanh tra thuế chúng ta có một số hành vi trong dự thảo luật đã quy định là vi phạm, nhưng thực ra có những hành vi như chúng tôi phân tích chủ yếu nó ở mức độ xử lý hành chính. Nếu chúng ta quy định chung chung như vậy, trước đây với khái niệm của Việt Nam mình nghe từ thanh tra tức có vi phạm, sai phạm chúng ta mới thực hiện. Chứ ở đây quy định không cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng như các đại biểu khác đã nói tức cán bộ thuế lợi dụng danh nghĩa của tổ chức sẽ làm thế này, làm thế khác, để làm khó cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, một số chương và một số điều về hình thức thanh tra thuế cần phải làm thế nào quy định rõ hơn, nên quy định ở một số hình thức cụ thể. Đặc biệt, tôi cũng tán thành với ý kiến của đại biểu Thắng phát biểu trước, tức là không nên quy định, vì thực sự hiện nay có tình trạng như thế này, báo cáo đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính, tức là ngành thuế chỉ nắm những doanh nghiệp có tóc, chứ không nắm những doanh nghiệp trọc đầu. Tức là anh càng làm có hiệu quả thì người ta quản lý càng chặt, hàng tháng đều xuống kiểm tra, giám sát, đấy cũng là hình thức thanh tra rồi, tại sao chúng ta lại phải đưa ra những biện pháp thanh tra đột xuất đối với những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, những doanh nghiệp nộp thuế lớn, báo cáo thật với các vị đại biểu sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai, trang thiết bị cho ngành thuế, hiện nay luật nào ban hành ra đối với ngành nào cũng đều có một câu, Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư phát triển ngành đó. Tôi nghĩ đối với ngành thuế chúng ta cần phải cụ thể hơn, đó là phải một mặt đào tạo đội ngũ cán bộ và rèn luyện tác phong, một điều rất quan trọng chúng ta phải tiếp cận với thế giới, đó là trang thiết bị tin học công nghệ cho ngành thuế. Ví dụ như các nước khác chẳng hạn như Trung Quốc nước gần chúng ta nhất, mặc dù là nước lớn nhưng nói về đời sống cũng không hơn chúng ta bao nhiêu, bây giờ bất kỳ một cửa hàng nào vào mua hàng thì đều tính tiền qua máy và rút ra một tờ giấy chỉ ghi mấy dòng thôi nhưng thực ra máy đã được nối với cơ quan thuế rồi thì sẽ được tính thuế hết. Thế thì tại sao chúng ta không làm.

Thực ra trong tình trạng quản lý thuế hiện nay, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn và còn lại các doanh nghiệp tư nhân doanh đặc biệt là các hộ kinh doanh thì đều ở hình thức khoán thuế và để thất thoát thuế rất lớn. Thực ra nhiều hộ không đăng ký kinh doanh nhưng doanh số kinh doanh của họ lớn hơn rất nhiều. Thế mà chúng ta không quản lý được hết thì đây cũng là những thất thoát thuế rất lớn. Cho nên tôi đề nghị đối với trang thiết bị cho ngành thuế một mặt đầu tư về cán bộ thì cũng cần phải có đầu tư máy móc, thiết bị, hệ thống thông tin để làm sao quản lý được tốt hơn và tận thu được mức thuế nhiều hơn. Đặc biệt là chúng ta chuẩn bị tham gia vào WTO rồi thì thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm đi rất nhiều và thuế nội địa của chúng ta lại cần thiết phải quản lý chặt chẽ hơn. Vì vậy tôi đề nghị phải có quy định rõ trong luật để chúng ta có cơ sở thực hiện.

Về vấn đề cưỡng chế thuế thì trong đó có một là cưỡng chế làm thủ tục. Báo cáo với các vị đại biểu là thực tế trong năm vừa qua chúng ta cưỡng chế hình thức này, nhưng vô hình chung một là chúng ta bóp chết các doanh nghiệp Nhà nước vì doanh nghiệp Nhà nước không thể thành lập được doanh nghiệp khác để kinh doanh, hai là bóp chết những doanh nghiệp ở các loại hình kinh tế khác nhưng người ta làm ăn nghiêm túc đứng đắn, người ta không thành lập doanh nghiệp mới, còn lại hầu hết những doanh nghiệp mà có vấn đề về thuế đều có cơ quan thuế giám sát, quản lý các doanh nghiệp này, cưỡng chế doanh nghiệp này thì người ta thành lập doanh nghiệp khác để người ta làm ăn mà cơ quan thuế cũng như các cơ quan chức năng khác cũng không làm gì được.

Về biện pháp chế tài tôi cũng đề nghị cần quy định rõ hơn đối với công chức, tổ chức cá nhân quản lý thuế cũng như các đối tượng chịu trách nhiệm về thuế để làm sao mục đích răn đe, phòng ngừa chứ không nên để người ta làm rồi bắt đầu mới xiết người ta lại dẫn đến tình trạng làm người ta rất khó.

Vấn đề cuối cùng, tôi thấy rằng khi tham gia vào Dự thảo Luật hải quan, tôi có hỏi đồng chí lãnh đạo Tổng Cục hải quan là tại sao những tình trạng vướng mắc như tình trạng ô tô như vừa rồi thì cơ quan hải quan không có một bộ phận tư vấn cho doanh nghiệp, tức doanh nghiệp người ta có yêu cầu đến hỏi về thủ tục cần những giấy tờ gì thì đủ đối với mặt hàng này, loại hình này và mức thuế hàng hoá tôi kinh doanh mua lô hàng này, giá A đây anh có chấp nhận không, nếu chấp nhận tôi nhận về, không chấp nhận thì thôi. Vậy Tổng Cục hải quan các anh nói rằng hiện nay chưa có cơ chế đó, bên hải quan chưa thể làm được. Tôi nghĩ Luật Quản lý thuế này là một bộ luật mang tính chất tập hợp lại tất cả những vấn đề thuộc về thuế của các luật khác thì chúng ta có nên thành lập một bộ phận tham vấn về thủ tục hải quan cũng như thủ tục về kinh doanh, cũng như thủ tục về thuế để cho doanh nghiệp khi có nhu cầu người ta kinh doanh mặt hàng gì, đến anh yêu cầu người ta thủ tục gì thì người ta sẽ chuẩn bị từng đó thủ tục, người ta thấy thiếu người ta không làm nữa. Nếu người ta nghiêm túc, đứng đắn người ta bảo tôi kinh doanh mặt hàng A, giá như thế này, anh đồng ý thì tôi làm, không đồng ý thì tôi thôi. Như thế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và bình đẳng trước pháp luật, tránh tình trạng cứ đưa về như hiện nay, ô tô về đến cảng mười mấy ngày nay không làm sao phân định được ai đúng, ai sai. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng đề nghị Ban soạn thảo xem xét và nghiên cứu. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan