Trích ý kiến phát biểu của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân

Thứ Hai 09:33 05-06-2006

Tôi xin phát biểu một số ý kiến sau đây:

Trước nhất về tên gọi, tôi còn phân vân về tên vấn đề quản lý thuế, tôi nghĩ khi nói quản lý thuế chúng ta nặng về phía bên chúng ta thu là bên Nhà nước. Do đó tôi nghĩ muốn đề xuất tên để các đồng chí nghiên cứu là tên rất đơn giản là "Luật về nộp và thu thuế" nó nói lên hai đối tượng.
- Một là những người phải nộp thuế.
- Hai là những người thu thuế.
Còn quản lý thu như thế nào, chuyện đó chúng ta để trong luật, nhưng tên Luật nộp và thu thuế nó thể hiện được sự cân đối giữa hai đối tượng nộp và thu trong xã hội.

Vấn đề thứ hai, trong Chương I, những quy định chung tôi đề nghị bỏ vấn đề mục đích ở Điều 1, cũng như mục đích của việc điều tra thuế v.v... ở Điều 83 chẳng hạn, những vấn đề nó không mang tính chất pháp quy thì không nên đưa vào thành điều.

Vấn đề thứ ba, trong Chương quy định chung, tôi đề nghị thêm một điều nội dung là tất cả mọi hành vi nộp, thu thuế đều phải thông qua tài khoản tại ngân hàng. Như vậy để chúng ta hạn chế tối đa việc thu bằng tiền mặt, đây là khe hở cho những tiêu cực về hai phía.

Vấn đề thứ tư, ở Điều 44 vấn đề hoàn thuế. Tôi muốn đề nghị Bộ Tài chính nên xem lại quy định là chúng ta thu trước, hoàn sau. Ví dụ thuế thu nhập cao, bộ phận thu thuế trừ trước phần thuế thu nhập cao rồi nói sau này chúng tôi sẽ hoàn lại sau. Việc này xâm phạm vào quyền của người công dân, về tài sản của người ta. Đến thời hạn phải nộp thuế thì người ta sẽ nộp và Bộ Tài chính sẽ thu. Đi thu từng vụ một sẽ gây những khó khăn trong điều hành ngân sách gia đình của người ta. Các đồng chí cũng biết, khi nộp thì dễ nhưng khi hoàn lại thì cực kỳ khó. Vì vậy nên bỏ tập tục bắt nộp trước thời hạn phải nộp thuế, sau đó hoàn lại sau.

Điều 44, quy định phải nộp lại lần nộp thuế tiếp theo, lần nộp thuế tiếp theo là lúc nào, trong trường hợp người nộp thuế yêu cầu hoàn thuế thì thực hiện hoàn thuế, nộp số thuế chênh lệch đã nộp, chỗ này nhiêu khê vô cùng trong thực tế. Cho nên, tôi đề nghị nên xem lại Điều 44, đề nghị cơ quan thuế nên bỏ tập quán trừ trước của người ta sau đó sẽ nộp lại.

Vấn đề thứ năm, tôi không đồng tình với việc giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và các thủ trưởng cơ quan thuế xoá nợ, tôi cho việc này thuộc phạm vi trách nhiệm của Quốc hội, nếu có những trường hợp đột xuất, thời hạn nộp thuế, năm thuế khoá cũng đủ dài nên không bắt buộc gì những chuyện đột xuất hay bất khả kháng phải giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và thủ trưởng cơ quan thuế quyết định vấn đề xoá nợ, tôi cho chuyện này nên dành thẩm quyền cho Quốc hội.
Mặt khác, vấn đề miễn và giảm tôi đồng ý có thể làm, nhưng phải quy định một điều phải được kiểm toán, nếu miễn giảm sai thì biện pháp chế tài đối với những người ra quyết định này như thế nào, phải nói rõ.

Ý kiến thứ sáu, Chương IX, Điều 65, khi nói về mục đích, hệ thống thông tin, có cụm từ tôi nghĩ nên dời ra chỗ khác thì đúng hơn, các đồng chí xem Điều 65, Khoản 3 nghiêm cấm hành vi làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá huỷ hệ thống thông tin về người nộp thuế. Bởi vì đây nói đến hệ thống thông tin nó là tất cả những dữ liệu mà mình vào, còn sử dụng sai mục đích thì nó nằm ở trong Điều 69.

Thứ bảy, chương về khen thưởng và xử lý vi phạm. Ở Điều 103, có cụm từ, ở Khoản 2: Cơ quan quản lý thuế, công chức thuế, công chức hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý thuế thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Việc khen thưởng theo quy định của pháp luật là khen thưởng như thế nào? Hiện nay chúng ta biết có một quyết định giao cho ngành thuế và ngành hải quan tiền lương thì được khoán thu và tiền khoán thu này được trả theo tổng số thu thuế. Như tôi đã có dịp nói trước đây thì vấn đề thu thuế nó đi vào ngân sách, chúng ta không có quyền mà lấy khoán cái thu trên tổng thu thuế. Bởi vì chúng ta dùng ngân sách của Nhà nước để ưu đãi cho một số người ở trong bộ máy thu thuế thì như vậy không đúng đạo lý. Chúng ta khen thưởng thì chúng ta khen thưởng như cách nào đó, nhưng không được du di trong tiền ngân sách Nhà nước để mà ưu đãi cho tổng cục, cho nhân viên thuế và nhân viên hải quan. Cũng cùng đạo lý đó tôi cũng đã phát biểu không nên dùng 3% của bảo hiểm xã hội để trả lương cho bộ máy bảo hiểm xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị bãi bỏ chuyện trả lương cho ngành thuế và hải quan theo khoán thu, theo phần thu ngân sách và thu thuế.

Vấn đề cuối cùng, tôi đề nghị nên cân nhắc xem năm, chúng ta có 3 loại năm, năm hành chính, năm ngân sách, năm thuế khoá, 3 năm này có cùng mục đích với nhau không, trùng hợp với nhau hay không, ở một số nước các năm thuế khoá người ta tính khác, vì Tết tây và Tết ta nó trùng với khoảng hoạt động kinh doanh rất sôi nổi. Nếu chúng ta phải kê khai tất cả những cái đó vào năm thuế khoá mà nó cùng với năm hành chính thì chúng ta sẽ có những công việc rất dồn dập, sẽ có rất nhiều sơ hở. Vì vậy, tôi xin gợi ý suy nghĩ về năm thuế khoá, nó diễn ra ở thời điểm hoạt động kinh doanh tương đối ít nhộn nhịp hơn, để chúng ta có đủ điều kiện chúng ta làm không bị gấp gáp, không bị sơ hở.

Các văn bản liên quan