Luật sư Nguyễn Ngọc Bích – DC Lawyers tại TP Hồ Chí Minh góp ý DT 16 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Thứ Năm 16:55 06-07-2006


GÓP Ý VỚI DỰ THẢO
NGHỊ ĐỊNH HUỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ
 

L.S. Nguyễn Ngọc Bích
DC Lawyers
 

Tôi xin góp ý về (i) cách tiếp cận vấn đề và (ii) từ ngữ sử dụng trong Dự thảo liên quan đến chương 6, mục 2 và hệ quả của nó là chương 2. Khi trình bày qui định thì người ta đi từ chương 2 rồi đến 6, nhưng ở đây tôi suy luận nên đi ngược lại.
 
Cách tiếp cận vấn đề trong Dự thảo
 
Chương 6.2  ấn định thủ tục đăng ký và thẩm tra đầu tư. Hai việc này dựa trên sự phân loại các yếu tố sau:
 

  1. Dự án có điều kiện và không có điều kiện;
  2. Dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư nước ngoài;
  3. Quy mô dự án (trên dưới 300 tỉ đồng).
Kết hợp các yếu tố phân loại trên Dự thảo ấn định các điều kiện và thủ tục. Tôi xin bàn về cách phân loại thứ 2 và coi đó là cách tiếp cận vấn đề. Tôi không bàn về các điều kiện và thủ tục mà theo ý tôi khó lòng có thể đơn giản hơn vì luật chỉ đơn giản khi người bị điều chỉnh ngay thẳng; hơn nữa nhiều thứ ấn định trong luật không được thực hiện đúng trong thực tế, cắt ngắn vài ngày trong luật không có ý nghĩa trong thực tế.  
 
Luật đầu tư cũ, do hoàn cảnh lúc đó, và do sự thuận tiện, đã tiếp cận vấn đề như sau:
 

Gốc 1

Gốc 2

Gốc 3

Người bỏ vốn

Dự án

Loại hình tổ chức

Nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư trong nước

Dự án đầu tư nước ngoài
Dự án đầu tư trong nước

HTKD, 100%, CTLD, BOT
DNTN, HD, TNHH 1&2, CTCP

 
Nhiều loại hình tổ chức đã phát sinh (Gốc 3) là vì luật đã phân biệt theo Gốc 2, mà đã xuất phát từ Gốc 1.
 
Luật đầu tư mới gọi là hợp nhất vì thực sự - và cái duy nhất nó làm được – là hợp nhất các loại hình tổ chức, từ 9 xuống còn 5, theo Luật doanh nghiệp để cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có một khuôn khổ chung, một sân chơi chung. Nó muốn thay đổi cái Gốc 3.  
 
Tuy nhiên, trong chương 6.2 – như đã nêu ở trên - thì Dự thảo vẫn dùng cách tiếp cận cũ! Bởi thế, Dự thảo mới nói đến “tổ chức kinh tế liên doanh” (đ. 8); “doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài” (đ. 6); hợp đồng liên doanh (đ. 62) là những thứ không tìm thấy trong Luật doanh nghiệp! Với cách tiếp cận ấy Dự thảo không làm được điều mà Luật đầu tư mới mong muốn. Nhìn vấn đề như cũ sao Dự thảo đổi mới được?
 
Hơn nữa cách phân loại đó bỏ sót trường hợp này: tôi là nhà đầu tư người Việt, tôi muốn kéo một người Pháp bỏ vốn chung với tôi và vợ lập một công ty cổ phần, anh kia nắm 30%, vợ chồng tôi nắm 70% vậy trường hợp của tôi rơi vào phạm trù nào, cách phân loại nào của chương 6.2? Theo cách cũ thì sẽ nói là dự án đầu tư nước ngoài nhưng nó có đúng với tôi đâu!
 
Đề nghị
 
Về nguyên lý mà nói thì Luật đầu tư mới muốn thay đổi cái Gốc 3. Muốn làm thế phải thay đổi giữa nó với Gốc 2 dựa trên Gốc 1. Đấy là nguyên lý của đề nghị. Tuy nhiên trước khi đưa ra đề nghị chúng ta cần xác nhận với nhau một thực tại là không có “dự án đầu tư trong nước” và “dự án đầu tư nước ngoài” mà chỉ có người trong nước hay người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Chúng ta không còn ở năm 1987 để mà nói theo cách trước. Cần thay đổi cách tiếp cận. Và thay đổi như thế này.
                       
Nền tảng: Nhà đầu tư có thể lựa chọn cách bỏ vốn khác nhau để lập ra 5 loại hình tổ chức qui định trong Luật doanh nghiệp để thực hiện các dự án.
 
Trên cơ sở này ta có:
 
  1. Các dự án của các tổ chức kinh tế cố vốn đơn thuần của người trong nước.
  2. Các dự án của các tổ chức kinh tế cố vốn đơn thuần của người nước ngoài.
  3. Các dự án của các tổ chức kinh tế cố vốn hỗn hợp thành lập lần đầu.
  4. Các dự án của các tổ chức kinh tế cố vốn hỗn hợp đã từng hoạt động.
  5. Các dự án hợp tác kinh doanh.
  6. Các dự án có điều kiện và không có điều kiện.
 
Sự tiếp cận, hay phân loại, như  thế:
 
  • sẽ dẫn ngay đến các loại hình tổ chức mà Luật doanh nghiệp ấn định;
  • phù hợp với sự phân loại có sẵn trong Luật đầu tư như thấy ở loại 6 ở trên;
  • cách phân loại như thế thuần nhất và xuyên suốt, phù hợp với người trong nứoc và ngòai nước.   

Xin thí dụ. Với các dự án của các tổ chức kinh tế cố vốn đơn thuần của người nước ngoài thì chủ đầu tư phải đăng ký dự án hay thẩm tra dự án và lập hồ sơ đăng ký kinh doanh. Viết như thế nghe nó hợp hơn là “thủ tục đăng ký đầu tư với dự án đầu tư nước ngoài”. Hơn nữa ta cũng thấy ngay dự án hợp tác kinh doanh nó không tạo ra pháp nhân mới, tức là trước kia nó là của công ty A (một loại hình) thì nay theo Luật đầu tư mới nó vẫn như thế. Đâu có cần phải thay đổi nó theo điều 81 làm gì? Vì  phân loại dự án theo gốc trong nước, ngoài nước, trong khi cùng ở một chỗ người ta đã lẫn lộn luôn giữa dự án và tổ chức.    
 
Đến đây sẽ nẩy sinh đề nghị thứ hai là về từ ngữ “vốn đơn thuần” “vốn hỗn hợp” chúng có thể chấp nhận được không? Vốn đơn thuần của người trong nước sẽ dẫn đến hợp đồng góp vốn lập công ty giữa những người trong nước với nhau; trong khi “vốn hỗn hợp” sẽ dẫn đến việc hùn vốn với người nước ngoài. Nên chăng dùng từ “liên doanh” để chỉ sự làm ăn lâu dài giữa hai công ty; còn giữa các cá nhân với nhau hay cá nhân với pháp nhân là hùn vốn hay góp vốn? Dầu sao đi nữa đây là vấn đề danh từ. Điều quan trọng là cách tiếp cận, cách phân loại và cách nhìn vấn đề của Dự thảo. Dự thảo nên sửa đổi cách tiếp cận để phụ vụ mục đích của Luật đầu tư, kết gắn nó với Luật doanh nghiệp.
 
Nếu đề nghị của tôi được chấp thuận cho chương 6.2 thì vấn đề sửa chữa danh từ trong chương 2 sẽ dễ dàng.

Các văn bản liên quan