Luật chung chưa cùng nhất trí

Thứ Sáu 14:06 26-05-2006
Luật chung chưa cùng nhất trí

Nguyên Quân

VNECONOMY cập nhật: 28/07/2005

Với sự tham gia khá đầy đủ từ nhiều ngành, nhiều giới hữu quan, buổi toạ đàm "Dự án Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung" cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra thận trọng, thậm chí là khác biệt về một số vấn đề mang tính nguyên tắc trong xây dựng luật giữa nhiều đại biểu Quốc hội với Ban soạn thảo, Ban nghiên cứu Chính phủ, giới luật sư cũng như các tổ chức tư vấn nước ngoài.

Sự cần thiết trong việc ban hành của 2 luật mới và rất quan trọng này được sự thống nhất cao từ các đại biểu. Đó là việc tạo ra những khuôn khổ pháp lý về các loại hình pháp lý phổ biến của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường áp dụng chung thống nhất không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Đảm bảo chính sách đầu tư bình đẳng đối với các nhà đầu tư, phù hợp với yêu cầu nội tại đẩy mạnh cải cách kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Liệu có thống nhất được Luật Doanh nghiệp?

Dự án đạo luật lần này dù đã được chỉnh lý qua nhiều lần xin ý kiến, thảo luận nhưng vẫn tiếp tục gặp nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Từ phạm vi điều chỉnh, với 4 loại hình pháp lý là công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, Dự thảo tiếp tục bị tranh luận là có nên có một chương riêng về các công ty Nhà nước hay không.

Nhiều đại biểu nói thẳng ra rằng, phải đưa loại hình doanh nghiệp hiện được ưu đãi hơn này vào luật thì mới xứng với tên gọi "Luật thống nhất" và mới thực sự bình đẳng. Ngược lại, Ban soạn thảo vẫn cho rằng dù có đưa vào thành một chương riêng, thì thực chất vẫn phân biệt theo sở hữu và dự luật sẽ đơn thuần chỉ là sự gộp lại của 2 luật riêng lẻ khi công ty Nhà nước vẫn được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003.

Đây là vấn đề khó, khi ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đánh giá, đưa vào thì có thể không giải quyết được nhiều vấn đề, thậm chí có thể làm chậm lại quá trình cải cách và chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước. Nếu không đưa vào thì lại tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn và kém ổn định trong các quy định pháp luật có liên quan. Để quyết định vấn đề này, theo ông Thanh, cần giải quyết được quy định về vai trò sở hữu và quản lý Nhà nước, khi đó các vấn đề còn lại như hoạt động quản trị doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trở nên đơn giản.

Cả 2 vấn đề mà ông Thanh nêu ra ở trên cũng đang gặp nhiều ý kiến khác biệt trong quá trình xây dựng luật. Hướng đi mà các nhà soạn thảo đang kiên trì theo đuổi, đó là việc chuyển đổi, bỏ hành chính chủ quản và thay thế bằng 1 chế độ chủ quản mới vẫn bề bộn những ý kiến trái chiều. Đó là có nên tách chức năng chủ quản ra khỏi bộ máy thực hiện chức năng hành chính quản lý Nhà nước hay thay đổi cơ chế hành chính thực hiện chức năng chủ quản bằng cơ chế của người đầu tư kinh doanh hay không.

Những vấn đề "nóng" chưa thể giải quyết

Ông Nguyễn Đình Cung (CIEM) cho rằng, việc thành lập cơ quan quản lý tài sản là không dễ dàng trước áp lực tinh giản bộ máy trong hoàn cảnh Nhà nước vừa nhiều và thừa, vừa thiếu và chất lượng kém. Kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy sự chuyển đổi rất khó khăn khi trong 10 năm mới được 20% và từng bước mới chỉ làm "mờ dần" vai trò của bộ hành chính chủ quản.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập vào vấn đề "nóng" được quan tâm, đó là về giấy phép kinh doanh. Ông đưa ra một thực trạng đáng lo ngại: Kể từ khi Luật 1999 ra đời đã xoá bỏ được hơn 200 giấy phép con, nhưng cũng trong thời gian đó, 270 loại giấy phép khác bằng cách này cách khác được "mọc" thêm ra. Điều này chứng tỏ là các bên hữu quan đang không có quan niệm pháp lý thống nhất về giấy phép trong khi chế độ "đẻ" giấy phép vẫn còn tùy tiện.

Vì thế, hầu hết các ý kiến đại biểu đều nhất trí việc giải quyết vấn đề giấy phép kinh doanh với định nghĩa rõ hơn, chính xác hơn trong luật, đồng thời quản lý chặt ban hành gi y phép mới. Ngoài ra, những vấn đề cũng còn nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện như cơ chế đăng ký kinh doanh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thay vì cấp phép đầu tư như hiện nay, một số nghề đòi hỏi phải hợp danh, cơ chế nhóm công ty và hộ kinh doanh cá thể.

Trong khi Luật Doanh nghiệp thống nhất chủ yếu được tranh luận ở mức độ cân nhắc đối với một số vấn đề, thì nhiều đại biểu khi phát biểu về nội dung dự án Luật Đầu tư chung đã thẳng thừng nhận định: đạo luật mới này có nhiều nội dung không mới, thậm chí là "cải lùi" so với chính sách đầu tư hiện nay.

Luật Đầu tư chung: lùi hay tiến?

Ông Tào Hữu Phùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội nói: nội dung của dự án cho thấy Ban soạn thảo đang lúng túng ở một số vấn đề. Ông cho biết, dù sẽ thẩm định lại dự luật với tư cách của Uỷ ban chuyên trách của Quốc hội, nhưng trước mắt ông thấy có nhiều quy định "đang đi xa quan điểm xây dựng của Chính phủ và Quốc hội".

Ông nêu ví dụ nguyên tắc "được tự chủ quyết định hoạt động trong quá trình hoạt động đầu tư mà không có rào cản nào" là không rút được bài học của dự án Dung Quất mà Quốc hội vừa mổ xẻ. Ngoài ra, ông Phùng còn cho rằng, dự án Luật đầu tư đang có quá nhiều xung đột pháp lý đối với các luật chuyên ngành như Luật Thương mại, Luật Xây dựng, các luật thuế vừa được thông qua.

Tương tự, luật sư Trần Vũ Hải đưa ra 6 bất hợp lý trong dự án Luật Đầu tư, trong đó nhấn mạnh tới vấn đề "làm sao để đưa Luật Đầu tư mới không được "xấu" hơn so với trước" là thực tế đang có nhiều loại giấy phép hơn và việc mở cửa đầu tư đang đi theo hướng quá ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài mà ít chú ý tới các nhà đầu tư tư nhân trong nước.

Chung quan điểm, đại diện của Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam cho rằng nội dung luật mới không có sự thay đổi các ưu đãi đầu tư khi vẫn duy trì vai trò cấp bộ. Các dự án đầu tư vẫn 100% phải xin phép khi luật vẫn duy trì sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước khi thành lập, điều chỉnh đầu tư, chưa có được quy định bỏ giấy đăng ký chứng nhận đầu tư đối với những dự án thông thường.

Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng điều quan trọng của Luật đầu tư chung là phải toát lên được tinh thần coi đối tượng doanh nghiệp là đối tượng phục vụ trợ giúp của Nhà nước, xoá bỏ cơ chế xin - cho và minh bạch hoá, thủ tục đơn giản.

Một số đại biểu cũng tranh luận về việc có nên đưa hình thức đầu tư gián tiếp vào Luật mới hay không? Dù hình thức đầu tư này được nhà soạn thảo đưa vào Chương 5 của dự luật, nhằm mở rộng quyền đầu tư cho họ hơn, đặc biệt là mở rộng các hình thức mua cổ phần, nhưng nhiều đại biểu lại cho rằng, điều này có cần thiết không khi mà đầu tư gián tiếp còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng vốn đầu tư ở nước ta (xấp xỉ 2% mỗi năm), trong khi loại hình này ẩn chứa nhiều rủi ro, mà một bài học điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên trước, Việt Nam sở dĩ ít bị ảnh hưởng, một phần là hình thức đầu tư này không đáng kể.

Ngoài ra, một số vấn đề được các đại biểu quan tâm cho ý kiến là đầu tư vốn ngân sách Nhà nước vào mục đích công, quyền thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư FDI, cấp ưu đãi đầu tư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng và phân loại dự án.

Các văn bản liên quan