Thêm tự chủ cho nhà đầu tư

Thứ Sáu 14:05 26-05-2006
Thêm tự chủ cho nhà đầu tư

Đầu tư - 28/7/2005 - Bảo Duy

Bình luận lại những ý kiến trái chiều về những quy định mới liên quan đến hoạt động đầu tư tại dự án Luật Đầu tư chung (ĐTC) và Luật Doanh nghiệp thống nhất (DNTN) đang diễn ra trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, hiện đang tồn tại hai luồng tư tưởng liên quan đến vấn đề này.

Một luồng tư tưởng cho rằng, cần phải mở toang, không có giới hạn giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Luồng tư tưởng thứ hai, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thể hiện trong dự án Luật ĐTC và Luật DNTN trong tư cách là Ban soạn thảo hai dự luật trên, là mở cửa trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, tạo mặt bằng đầu tư chung, bình đẳng giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài, nhưng phải trong tầm quản lý, kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo mọi hoạt động đầu tư đều đúng mục tiêu.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây không phải là mở hay đóng cửa, mà là công cụ, phương thức quản lý của Nhà nước như thế nào để hấp dẫn các nhà đầu tư, không ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư hiện tại. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư hay không phụ thuộc rất lớn vào trình độ quản lý của Nhà nước. “Quản lý nhưng không quá bó buộc, vì nếu nhà đầu tư không vào thì cũng không ra luật để làm gì”, Chủ tịch Nguyễn Văn An khẳng định.

Đây cũng chính là nội dung được thảo luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí, trong cuộc hội thảo mới đây do Trung tâm Thư viện và Nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội và Chương trình phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) phối hợp tổ chức hồi đầu tuần, không ít ý kiến lo ngại về khả năng xuất hiện thêm những rào cản trong đầu tư do những quy định về thủ tục đầu tư đang được đề nghị trong dự án Luật ĐTC. Ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội còn lo ngại rằng, thủ tục đăng ký để được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay việc ghi các ưu đãi vào trong giấy phép đầu tư cũng có thể sẽ gây phiền hà cho các nhà đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định rằng, thủ tục đầu tư sẽ đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều. Đặc biệt, quy trình đầu tư được quy định rất rõ. Thay vì cấp phép cho tất cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay, các dự án dưới 300 tỷ đồng sẽ chỉ phải đăng ký để nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các dự án trên 300 tỷ đồng mới cần phải lập dự án để được cấp phép đầu tư. Các nhà đầu tư trong nước sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện các dự án phổ thông không thuộc diện ưu đãi đầu tư dưới 5 tỷ đồng sẽ chỉ cần đăng ký đầu tư theo mẫu...

Lý do để khống chế mức 5 tỷ đồng dành cho các nhà đầu tư trong nước như trên, hiện cũng nhận được nhiều ý kiến cho là thấp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, thực tế nghiên cứu các doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật DN, thì quy mô đầu tư của các DN này chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng/dự án, hay khoảng 1,8 tỷ đồng/dự án ở TP.HCM và Hà Nội. Các dự án đầu tư trên 5 tỷ đồng chỉ chiếm có 9,8% tổng số dự án của 200.000 DN hoạt động theo Luật DN. Thêm vào đó, ý kiến từ nhiều địa phương cho rằng, khống chế mức 5 tỷ đồng đối với các dự án phổ thông chỉ cần đăng ký là phù hợp với tình hình hiện nay...

Đặc biệt, tính chủ động của nhà đầu tư được coi là điểm nổi bật nhất trong cả hai dự luật đang được xem xét. Nếu như các hoạt động đầu tư từ nguồn vốn nhà nước cần được quản lý một cách chặt chẽ, thì các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đang được đề nghị toàn quyền quyết định dự án đầu tư của mình trên nguyên tắc đảm bảo các quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản... Bộ trưởng Phúc cho biết thêm, quan điểm của Ban soạn thảo là các quy hoạch phát triển ngành không được ràng buộc nhà đầu tư.

Các văn bản liên quan