Một bước lùi

Thứ Sáu 14:07 26-05-2006
Một bước lùi

Hải Lý - Thời báo Kinh tế Sài gòn

“Dự thảo Luật Đầu tư (chung) mới chỉ là một tập hợp những quy định, giống như người ta gom góp sỏi, đá, cát nhưng không liên kết chúng để tạo nên một nền xi măng” - luật sư Nguyễn Ngọc Bích nhận xét tại buổi tọa đàm diễn ra vào cuối tuần trước tại TPHCM do Văn phòng Quốc hội, Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) phối hợp tổ chức. Nếu đối chiếu với hai mục tiêu đặt ra khi làm luật là thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài và đảm bảo quản lý nhà nước về đầu tư, thì chỉ thấy vế thứ hai nổi bật trên nền dự thảo. Sự lấn cấn hiện rõ ở chỗ về tổng thể chưa cho thấy một chính sách đầu tư đồng bộ, hấp dẫn, thông thoáng.

Đăng ký, cấp phép:cả hai

Ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, phát biểu: “Cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của luật là chính sách đầu tư hay cả quản lý đầu tư. Nếu đưa quản lý đầu tư vào thì đưa đến mức nào, nếu không Luật Đầu tư (chung) sẽ xung đột với vô số luật khác”. Ông dẫn chứng dự thảo có nhiều quy định về ưu đãi thuế, quy hoạch, đấu thầu - chọn thầu, thanh tra kiểm tra, mà tất cả những vấn đề này đều đã được đề cập chi tiết trong các luật chuyên ngành. “Nếu đưa quản lý đầu tư vào, dự thảo phải nêu bật được sự đổi mới cơ bản phương thức quản lý nhà nước. Thế nhưng sự đổi mới này chưa rõ, chưa thỏa mãn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi các bộ, ban, ngành” - ông Thanh nhấn mạnh.

Quản lý nhà nước bằng cơ chế xin - cho thể hiện ở những quy định trong dự thảo về phân loại dự án và thủ tục đầu tư. Tất cả những dự án phổ thông vốn dưới 5 tỉ đồng cần đăng ký (không cần giấy chứng nhận), còn trên mức này (từ 5 - 300 tỉ đồng) phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu vốn nhiều hơn, phải xin để được cấp giấy phép đầu tư. Ông Phạm Mạnh Dũng, Trưởng ban soạn thảo, lập luận rằng mức 5 tỉ đồng là hợp lý bởi “với 200.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn trung bình các dự án khoảng 1,8 - 1,9 tỉ đồng/dự án”. Nhưng theo ông Thanh, “5 tỉ đồng là quá thấp, chỉ bằng tiền xây một căn nhà ba tầng của dân”. Hơn nữa, đối với các nhà đầu tư trong nước, từ nay hễ cứ có dự án là họ phải đăng ký hoặc phải được cấp phép, trong khi theo thủ tục hiện hành, họ không phải làm thế. Đây rõ ràng là một bước lùi! Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cũng không đồng tình với quy định này: “Các dự án phổ thông phải đăng ký là một hình thức duy trì cơ chế xin - cho. Từ trước đến nay, theo luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư không phải xin giấy chứng nhận đầu tư từ cơ quan nhà nước. Thực hiện quy định mới, môi trường đầu tư sẽ bị bóp méo bởi nạn hành chính quan liêu. Về phía doanh nghiệp, họ cũng không cần giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để làm gì”.

Tiền tư nhân không giống tiền ngân sách

Quan điểm chỉ đạo khi soạn thảo Luật Đầu tư (chung) là xóa bỏ sự phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các nhà đầu tư. Trong khâu thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có quyền như nhau, nhưng riêng nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư tại Việt Nam thì phải có dự án cụ thể. Luật sư Phùng Anh Tuấn, Đoàn luật sư TPHCM, nói: “Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lập công ty holding (công ty sở hữu nhiều công ty khác) thì không lẽ không cấp giấy phép thành lập cho họ? Cấp giấy phép lập doanh nghiệp không nên gắn với dự án cụ thể. Doanh nghiệp thành lập với ý định bỏ chạy (doanh nghiệp “ma”), thì dù có dự án hay không họ vẫn bỏ chạy được. Cốt lõi là doanh nghiệp lập ra phải kê khai, quyết toán thuế, nộp thuế đầy đủ”.

Nhìn từ góc độ các bộ, ngành, việc đăng ký dự án cụ thể sẽ khiến cho quản lý trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có thể những nhà quản lý tham gia soạn thảo luật đã quên rằng doanh nghiệp thành lập ra thì phải làm sao kinh doanh được, dự án triển khai được và có lãi là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư vì đây là đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ. Thế nhưng trong dự thảo, các quy định về quản lý dự án tư nhân và dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước lại không rõ ràng. Nếu không cẩn thận, dự thảo sẽ “áp” cách quản lý các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách cho quản lý đầu tư tư nhân. “Quản lý đầu tư tư nhân nên bằng thủ tục, và thủ tục phải rõ ràng, nếu không cơ chế xin - cho trong quản lý đầu tư vốn ngân sách sẽ được chuyển sang quản lý đầu tư tư nhân. Khi đó, các cơ quan có quyền lực ở các bộ, các địa phương có thể lại ban hành các văn bản tạo ra giấy phép con trái với luật” - một luật sư nói. Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng phòng Pháp chế VCCI, nói: “Trong tương lai, đầu tư dân doanh sẽ là chủ yếu. Nếu cứ theo dự thảo luật, cơ quan có thẩm quyền có thể lạm dụng can thiệp vào đầu tư dân doanh”. Và ông kết luận: “Đầu tư dân doanh không được lợi gì từ dự thảo luật, mà toàn bất lợi. Nhà nước can thiệp quá sâu, kiểm soát từ ý định đến triển khai, kết thúc đầu tư. Nghĩa là Nhà nước kiểm soát cả quá trình. Tôi đầu tư trên 5 tỉ đồng là phải đăng ký, thông báo, mà thông báo về đâu? để làm gì?”. Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc công ty cổ phần Pacific Airlines, đề nghị làm rõ vai trò Nhà nước trong dự thảo ở hai phương diện: vai trò chủ sở hữu đối với các dự án vốn nhà nước; hạn chế can thiệp vào đầu tư dân doanh. “Nhà nước không nên buông lỏng quản lý đối với vốn nhà nước, như đã từng buông lỏng quản lý ở Pacific Ailines trước đây, rồi lại can thiệp quá sâu vào các dự án đầu tư tư nhân” - ông nói.

Hậu ưu đãi thay tiền ưu đãi

Có lẽ các nhà soạn thảo luật cho rằng ưu đãi đầu tư cần phải đưa ra trước và ghi vào giấy phép đầu tư như “mồi” mời gọi đầu tư. Song, trên thực tế nhiều năm qua, đầu tư cả trong và ngoài nước phần lớn vẫn tập trung ở các tỉnh, thành lớn, nơi không có ưu đãi. Do đó, để ưu đãi trở thành đòn bẩy đầu tư hiệu quả, các doanh nghiệp đề nghị thay cơ chế ưu đãi trước đầu tư bằng ưu đãi sau đầu tư. Ông Russell Muir, thuộc bộ phận tư vấn đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Thế giới, phân tích: “Ưu đãi đầu tư vẫn dựa trên kỳ vọng, chứ không phải trên kết quả hoạt động thực tế và vẫn chỉ sử dụng công cụ thuế, dù việc quản lý công cụ này vô cùng phức tạp. Hơn nữa, cấp phép đầu tư và cấp ưu đãi đầu tư vẫn gắn với nhau dù đây là hai vấn đề tách bạch”. Ông Thanh kể một câu chuyện trong lần đi thực tế ở Cà Mau, một doanh nghiệp nói với ông rằng họ “không thèm xin thưởng xuất khẩu nữa vì thưởng được một tỉ đồng, thì chi phí mất hơn một tỉ”. Ông Thanh đưa ra giải pháp: “Không ghi chế độ ưu đãi trong giấy phép đầu tư, mà để doanh nghiệp tự đăng ký, tự kê khai nếu họ nhận thấy có đủ điều kiện hưởng ưu đãi. Doanh nghiệp thường xuyên thay đổi quy mô, địa bàn, chức năng hoạt động. Không lẽ mỗi lần thay đổi lại đi xin ưu đãi mới?”

Những nhà làm luật đang lo lắng vì thời gian để hoàn thành dự thảo sắp hết, nên một số vấn đề phải gác lại đưa vào nghị định, thông tư hướng dẫn. Điều này sẽ khiến Luật Đầu tư không đầy đủ, không thuyết phục, thiếu tính khả thi. Nhưng nếu không tháo gỡ được những vấn đề cơ bản trong phạm vi điều chỉnh của luật như ghi nhận ở trên, thì ngay cả yếu tố thời gian cũng sẽ không giúp luật được thông qua đúng hạn định.

Các văn bản liên quan