Góp ý về sửa đổi Luật Hải quan – Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đào và Đồng nghiệp kiêm Phó Gíam đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư Việt Nam

Thứ Bảy 21:28 03-09-2011

THAM LUẬN GÓP Ý TẠI  HỘI THẢO VỀ SỬA ĐỔI LUẬT HẢI QUAN

Luật sư: Đào Ngọc Chuyền [1]

Luật Hải quan ra đời năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đầy đủ cho việc thực hiện thủ tục hải quan và các quy định về quản lý hải quan; bảo đảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật. Những quy định của Luật Hải quan về cơ bản cũng đã đảm bảo tốt được quyền lợi của các Doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục Hải quan, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu nói riêng và kinh tế nói chung, đưa đất nước đạt được một số thành tựu to lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, từ khi Luật Hải quan ra đời cho đến nay, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động và cũng ảnh hưởng lớn đến kinh tế các quốc gia trong đó có Việt Nam. Do đó, những quy định pháp luật phần nào chưa kịp thời bắt nhịp với sự thay đổi nhanh chóng đó. Các tình huống phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế cũng như các mặt hoạt động của thủ tục hải quan chưa được pháp luật điều chỉnh đầy đủ nên đã còn những “lỗ hổng” pháp lý; đó là các quy định còn mâu thuẫn, thiếu đồng bộ nên dẫn đến tình trạng việc áp dụng văn bản trên thực tế không thống nhất; hay một số quy định còn chưa phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế hoặc bất cập trước đòi hỏi của thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và hải quan.

Nhận định về bản Báo cáo rà soát :  về cơ bản đã chỉ ra những kết quả có ý nghĩa to lớn không thể phủ nhận, đồng thời chỉ ra các bất cập, vướng mắc nổi cộm trong quá trình thực hiện Luật hải quan. Những bất cập chủ yếu thuộc những quy định về thủ tục Hải quan, việc kiểm tra giám sát hải quan. Cụ thể,tổng hợp lại ở một số điểm như sau:

1.      Quy định về hồ sơ hải quan còn chưa đơn giản, rõ ràng

     Cho đến thời điểm này, theo Nghị quyết 45 của Chính phủ thì những vấn đề về thủ tục hải quan mặc dù đã có những cải cách đáng kể so với thủ tục hành chính của chúng ta nhưng chúng tôi thấy có những điểm mà chỉ có những người liên quan đến hoạt động hải quan mới thấy có nhiều khó khăn.

   Đồng ý với những phân tích và nhận định của Dự thảo rà soát Luật hải qua rằng : Quy định về hồ sơ hải quan còn chưa đơn giản, rõ ràng. Khoản 1 Điều 22 Luật Hải quan quy định về hồ sơ hải quan, tại điểm đ có đề cập đến "các chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan". Nghị định 154 và Thông tư 194 cũng đều đề cập đến "chứng từ khác" trong hồ sơ hải quan mà không quy định chi tiết là những chứng từ gì. Để xác định được "chứng từ khác" là gì, các doanh nghiệp XNK phải tra cứu rất nhiều Luật, Nghị định, Thông tư... liên quan đến nhiều Bộ, Ngành, nhiều khi còn chồng chéo nhau. Báo cáo đưa ra khuyến nghị cần có một văn bản chung cấp Chính phủ, quy định chính sách và chế độ quản lý đối với tất cả các loại hàng hoá XNK theo hướng chuẩn hóa các yêu cầu điều kiện. Văn bản của các Bộ Ngành chỉ quy định danh mục hàng hoá và yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể. Tuy nhiên, cần thấy rằng, việc quy định định chuẩn hóa tất cả các loại giấy tờ, yêu cầu điều kiện đối với tất cả các loại hàng hóa trong một văn bản pháp lý duy nhất là không khả thi. 

Bởi vì : Thứ nhất, như trong báo cáo đã phân tích, hàng hóa xuất nhập khẩu rất phong phú và đa đạng, được quy định trong nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau, có nhiều tiêu chí xác định nên nếu chúng ta dùng từ “các loại khác” thì rất khó khăn. Mỗi hàng hóa khác nhau mang một đăc trưng riêng yêu cầu có sự điều chỉnh riêng phù hợp với tính chất và yêu cầu quản lý hàng hóa đó. Điều đó đòi hỏi phải có pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Để có thể tập hợp được hàng chục văn bản chuyên ngành đó trong một văn bản cấp chính phủ duy nhất là điều rất khó thực hiện. Thứ hai, trường hợp tập hợp được tất cả các giấy tờ, yêu cầu, điều kiện đối với tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu trong một văn bản pháp luật riêng do Chính phủ ban hành, thì mỗi khi luật chuyên ngành thay đổi về yêu cầu, điều kiện đối với hàng hóa chuyên biệt lại kéo theo việc phải sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chung như trên đã phân tích. Trong khi đó, số lượng văn bản chuyên ngành rất lớn và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nếu pháp luật không cẩn thận sẽ bị đi sau, dẫn đến việc cản trợ sự phát triển nền kinh tế. Vì vậy, việc tập hợp yêu cầu, điều kiện đối với tất cả các loại hàng hóa trong cùng một văn bản sẽ là không khả thi.

Như vậy, nên chẳng cần có một biện pháp khác để hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này để họ hiểu biết rõ các quy định của pháp luật về các yêu cầu, điều kiện, giấy tờ phải chuẩn bị khi thực hiện xuất, nhập khẩu một loại hàng hóa nhất định. Hoặc có thể thực hiện bằng các biện pháp khác như: thiết lập các website trao đổi thông tin, niêm yết các thông báo, hướng dẫn tại các địa điểm thích hợp cho việc theo dõi của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thiết lập các đường dây nóng trực tiếp giải đáp các thắc mắc của người nộp thuế…

Về quy định “giải phóng hàng”

Vấn đề giải phóng hàng cần xem lại các quy định. Bởi vì không phải đến bây giờ chúng ta ngồi ở đây để mà rà soát lại, hàng bao nhiêu năm trời chúng ta đọc trên báo, ti vi về giải phóng hàng rồi. còn chúng tôi đề xuất ở đây là cơ chế, tập trung vào chỗ đó để thảo luận tại sao giải phóng hàng – nguyên nhân do chủ hàng, do doanh nghiệp, do người làm thủ tục hải quan hay là do cơ quan hải quan; gồm những cái gì. Và tôi đồng tình với quan điểm là quản lý là chúng ta sử dụng phương pháp và công cụ quản lý chứ chúng ta không quản lý một cách liệt kê rồi ôm nó vào đến không giải quyết nổi, gây ra sự trì hoãn.

     Liên quan đến các công ước quốc tế thì chúng tôi cho rằng chúng ta mới đặt ra vấn đề với công ước Kyoto liên quan trực tiếp đến hải quan, còn khi chúng ta tham gia WTO thì có rất nhiều điều kiện chúng ta đã tham gia và phê chuẩn, thì đề nghị rà soát lại và cam kết cùng với họ đảm bảo tự do hóa thương mại theo hướng đã cam kết. Nếu cơ quan đảm bảo rằng cơ quan hải quan hoàn thành tất cả những thủ tục liên quan về giải phóng hàng, đề nghị làm rõ thủ tục liên quan thông qua, đảm bảo thế nào là hoàn thành. Để khi người làm thủ tục biết rõ mình đã hoàn thành để còn đấu tranh trong trường hợp bị ách lại. như nhiều khi hàng đưa về đến bây giờ thì sử dụng được nhưng đến 5 tháng nữa là không còn giá trị vì chúng ta tham gia sân chơi bị sự điều tiết của quan hệ cung cầu, nguồn hàng và giá cả trên thế giới thay đổi nên chuyện đê hàng tháng, tháng ngày là không được.

Việc quy định theo công ước Kyoto về cung cấp thông tin chủ yếu của lô hàng có liên quan và chấp nhận được cần phải quy định rõ ràng. Theo tôi có những chuyện chúng ta không nên đi quá về mặt câu chữ, tôi thích cụm từ mô tả và đặc tả kỹ thuật – nó thế nào thì đưa vào mã đấy và chịu thuế suất, kiểm soát như thế này. Nên nhiều khi chúng ta không bám vào cái đó. Nên đề nghị rà soát lại theo hướng đó.

Tại bản báo cáo đã đưa ra khuyến nghị về vấn đề quy định “giải phóng hàng”, theo đó, đề nghị sửa đổi Luật Hải quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành (Nghị định 154/2005/NĐ-CP, Thông tư 194/2010/TT-BTC) theo hướng bổ sung quy định cơ chế giải phóng hàng trước như quy định tại Công ước Kyoto để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp. Cụ thể, Công ước Kyoto quy định : "Nếu cơ quan hải quan đảm bảo được rằng người khai hải quan hoàn thành tất cả các thủ tục liên quan đến việc thông quan thì phải giải phóng hàng ngay, với điều kiện người khai hải quan xuất trình được các chứng từ thương mại hay công vụ cung cấp các thông tin chủ yếu của lô hàng có liên quan và chấp nhận được đối với cơ quan hải quan, và nếu có yêu cầu, các biện pháp bảo đảm đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho việc thu các loại thuế hải quan và thuế khác hiện hành". Tuy nhiên, quy định này chỉ là quy định chung mang tính chất mở của Công ước Kyoto. Còn khi áp dụng quy định này vào từng quốc gia cụ thể, tùy thuộc vào từng điều kiện, pháp luật của mỗi quốc gia mà các quy định về điều kiện giải phóng hàng được quy định sẽ khác nhau. Đồng thời, phải quy định các điều kiện giải phóng hàng cụ thể là như thế nào chứ không thể dừng lại ở quy định một cách chung chung như Công ước Kyoto. Thế nào là “cung cấp các thông tin chủ yếu của lô hàng có liên quan và chấp nhận được cần phải được quy định rõ ràng.

Đối với khuyến nghị thứ tư về đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 154/2005/NĐ-CP theo hướng chỉ yêu cầu người khai hải quan nộp hợp đồng mua bán đối với trường hợp cần thiết cho việc xác định thuế xuất khẩu hoặc theo yêu cầu của chế độ quản lý xuất khẩu. Tuy nhiên, cần lưu ý hợp đồng mua bán hàng hóa là văn bản quan trọng và cơ bản nhất phát sinh quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các bên, là căn cứ để xác định doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa có thuộc lĩnh vực ưu đãi nào không. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đơn vị hoạt động rất tốt nhưng họ không để ý đến hợp đồng ngoài, nên ngay cả trong mô tả cũng không có những thông tin cần thiết để hải quan đáp ứng được. Vì vậy trong trường hợp này chi có hợp đồng thì liệu có ổn không? Do đó, hiện nay còn quan điểm cho rằng hợp đồng mua bán hàng hóa là tài liệu không thể thiếu được trong hồ sơ khai hải quan.

2. Cần đơn giản thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất.

Theo quy định tại Điều 15 Luật Thuế xuất nhập khẩu 2005, Điều 42 Luật quản lý thuế 2006, thời hạn nộp thuế đối với hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập là mười lăm (15) ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập. Tuy nhiên, để được áp dụng thời hạn này, người nộp thuế phải đáp ứng một trong hai điều kiện. Đó là: có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất là ba trăm sáu lăm ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, không nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt; chấp hành tốt chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật hoặc người nộp thuế được tổ chức tín dụng, tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập hàng hóa mà không đáp ứng các điều kiện trên. Do đó, người nộp thuế sẽ phải nộp thuế ngay trước khi nhận hàng. Đặc biệt đối với hàng hóa không có hợp đồng mua bán, không nhằm mục đích thương mại tạm nhập, tái xuất để cung ứng cho tàu biển nước ngoài dang neo đậu tại cảng Việt Nam, thì với quy định như trên, doanh nghiệp phải nộp thuế ngay trước khi doanh nghiệp nhận hàng. Sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục tái xuất chính lô hàng đã tạm nhập nêu trên để cung ứng cho tàu biển thì doanh nghệp sẽ được cơ quan Hải quan hoàn số tiền thuế đã nộp khi tạm nhập hàng hoá theo quy định tại Điều 19 Luật thuế xuất nhập khẩu. Thủ tục nộp thuế khi tạm nhập và hoàn thuế khi tái xuất có khi chỉ cách nhau 1 đến 2 ngày. Doanh nghiệp phải nộp thuế ngay khi tạm nhập và cơ quan Hải quan phải hoàn thuế ngay khi hàng hóa được tái xuất. Trong khi đó, ùn tắc trong việc giải quyết các thủ tục hải quan đang là vấn đề cần được giải quyết tại thời điểm hiện tại. Việc thực hiện thủ tục như trên gây vướng mắc cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Do vậy, có thể sửa đổi, bổ sung đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất, hoặc tạm xuất, tái nhập thì thời hạn nhập hàng và xuất hàng do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan khi làm thủ tục tạm nhập hoặc tạm xuất. Nếu quá thời hạn đăng ký mà doanh nghiệp không làm thủ tục tái xuất hoặc tái nhập thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp hoàn thành xuất nhập khẩu mà phải đảm bảo những điều kiện về thời gian là 365 ngày, đến đăng ký không có hành vi gian lận , không trốn thuế, nợ tiền… nếu chúng ta không làm tốt chỗ này, không làm rõ về kỹ thuật lập pháp  sẽ sinh ra hàng loạt những điều kiện con, giấy phép con. Ai sẽ chứng nhận cho rằng tôi không trốn thuế, không vi phạm?... Đặc biệt có những trường hợp chúng ta làm thủ tục tạm nhập xong lại làm  thủ tục tái xuất trong thời gian rất là ngắn, đối với lô hàng và những lĩnh vực mà có loại công việc và hàng hóa dịch vụ xuất khẩu rất ngắn thì đòi hỏi phải có quy định.

3. Thời hạn bổ sung, sửa chữa, huỷ tờ khai hải quan, nộp tờ khai tạm chưa thống nhất và hợp lý

Tại vấn đề 4 của bản Báo cáo khuyến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 22 Luật Hải quan theo hướng cho phép khai bổ sung, sửa chữa tờ khai đối với mọi trường hợp; kéo dài thời hạn được khai bổ sung, sửa chữa tờ khai đến 1 năm. Nếu điều này được quy định trong luật thì sẽ giảm được thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp trong việc nộp tiền phạt do chậm bổ sung, sữa chữa tờ khai hải quan. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian như vậy cũng tạo ra tâm lý chủ quan, bất cẩn trong việc kê khai thông tin hải quan của các doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp có kê khai sai thì họ vẫn có 01 năm để khắc phục. Đồng thời, việc kéo dài thời gian như vậy còn gây ra sự phức tạp trong việc quản lý xuất nhập khẩu của cơ quan quản lý nhà nước bởi các thông tin chưa chắc đã là đúng thực tế do sự chậm chễ bổ sung, sửa chữa thông tin hải quan của các doanh nghiệp.

Thấy có sự phân biệt rằng ở các cửa khẩu khác nhau, mặc dù có các hướng dẫn nhưng được hiểu khác nhau về thủ tục. Mặc dù ở chỗ một cửa có sự công khai nhưng lại hiểu khác nhau. Tôi đề nghị nếu trong điều kiện nào luật pháp giải thích được thì phải giải thích cho rõ ràng. Thực ra chúng ta đã làm rất trúng rồi nhưng chỉ có mỗi một dấu chấm phẩy với thêm một câu “kể từ ngày có hồ sơ hợp lệ” là chết rồi. Ta đi nộp hồ sơ tờ khai người ta nói chưa hợp lệ vì đúng ra dấu chấm phẩy phải đánh xuống dưới chỗ này chứ ai bảo khai thế này. Tôi cho rằng chỗ đó nên có sự thống nhất.

4. Cơ chế kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa thống nhất và hợp lý, chưa có cơ chế phối hợp kiểm tra giữa các ngành

        Báo cáo có khuyến nghị sửa Điều 29, Điều 30 Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng: Có chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan và hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp này chỉ kiểm tra khi có hải quan có cơ sở cho rằng có vi phạm. Tuy nhiên việc sửa đổi theo hướng trên cũng chưa giải quyết được các mặt của vấn đề. Bởi thực hiện chế đọ ưu tiên như vậy sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chắc chắn một điều rằng, doanh nghiệp đã từng vi phạm không có nghĩa là sẽ tiếp tục vi phạm, ngược lại, doanh nghiệp trước đây luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật không có nghĩa là sau này sẽ không vi phạm, do vậy không thể bỏ qua thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu. Mà thay vào đó, việc kiểm tra có thể được thực hiện đơn giản, nhanh chóng hơn so với các doanh nghiệp khác. Một trường hợp nữa đó là doanh nghiệp mới thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu thì không thể nói đến việc vi phạm hay tuân thủ pháp luật trước đây được. Do vậy, áp dụng chế độ ưu tiên đối với những doanh nghiệp trước đây tuân thủ pháp luật so với doanh nghiệp mới hoạt động xuất nhập khẩu là thiếu cơ sở. Thay vào đó nên thực hiện các biện pháp khác nhằm đẩy nhanh thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật thì có thể áp dụng các thủ tục kiểm tra đơn giản, nhanh chóng hơn. Còn đối với các doanh nghiệp đã từng vi phạm pháp luật về thuế thì việc kiểm tra cần được thực hiện nghiêm ngặt, kỹ lưỡng hơn.

Chúng ta có khái niệm hàng hóa chuyển qua biên giới rất nhiều loại cửa khẩu. nếu mỗi chỗ có những đặc thù khác nhau thì chúng ta phải có cơ chế phù hợp khác nhau. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật.

Nếu như chúng ta chỉ gắn với kiểm tra thực tiễn, kiểm tra xem vi phạm đến đâu rồi tuýt còi đưa biên lai nộp thì là kiểu kiểm tra thực tế. Nhưng đối với những lĩnh vực hoạt động có ảnh hưởng lớn đến an ninh kinh tế, về chủ quyền kinh tế của đất nước, bảo hộ sản xuất trong nước và đảm bảo chính sách xuất khẩu thì chúng ta phải có chính sách về vấn đề này. Tôi được biết ngành hải quan hiện nay đang hiện đại hóa rất là nhiều, đã dùng công nghệ số IT để làm việc. nhưng tôi cảm giác hệ thống theo dõi chưa được quy định. Tôi cho rằng cần có một hệ thống dữ liệu luật, phải theo dõi đưa vào sổ đen, sổ da cam để theo dõi. Tất nhiên là do chúng ta không công bố nên cứ để cho ngành tự làm, tôi ái ngại là nó sẽ không đảm bảo tính minh bạch.

Chúng ta chỉ dặt vấn đề là tại của khẩu đó có những thủ tục như thế nào để đưa hàng ra khỏi biên giới một cách hợp pháp, nhập hàng từ nước ngoài nào vào thị trường, nhưng chúng ta không đặt vấn đề cụ thể là làm thế nào để đánh giá lại hiệu quả hoạt động hải quan ở các cửa khẩu thông qua hàng hóa còn đang trôi nổi trên thị trường. Tôi thấy nói đi nói lại, báo chí đưa tin nhiều về hàng chúng ta đang bị hàng nước ngoài ngay bên cạch đánh rồi, thiệt hại rồi, nhái hàng mình vậy mà tôi không thấy đưa vào luật quan. Nên chăng chúng ta nên thiết kế, còn thiết kế thế nào thì tôi chưa nghĩ ra nhưng tôi nghĩ phải làm được việc đó. Cả nước này giao trọng trách cho ngành vậy mà tại sao cứ để nó tràn ngập thế này, cũng không thấy trách nhiệm đâu.  Tôi cho rằng phải làm rõ trách nhiệm. nếu được đề xuất tôi sẽ đề xuất phải có sự phối hợp giữa các bộ trong đó đặc biệt là Bộ tài chính và Bộ công thương. Bộ công thương đang quản lý một đội ngũ rà soát hàng hóa, xuất xứ, nguồn gốc, điều kiện của nó – là kiểm tra thị trường. Còn hải quan là xác định liệu có thống nhất được với nhau. Khi chúng tôi đi xử lý biết rằng nhiều doanh nghiệp làm không đúng thủ tục nhưng rõ ràng trong này có phát hiện ra những cái sơ suất về vấn đề quản lý thị trường và của hải quan.

5. Chưa có cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn địa điểm và thời giờ làm thủ tục hải quan

Tại vấn đề 7 bản báo cáo rà soát khuyến nghị sửa đổi Điều 17 Luật Hải quan theo hướng: Quy định các trường hợp thực hiện thủ tục hải quan ngoài trụ sở hải quan (tại trụ sở của người khai hải quan hoặc tại các địa điểm khác); quy định việc thực hiện thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính. Có thể nhận thấy, việc khuyến nghị trên cũng chưa đạt được tính khả thi. Vì có một thực tế hiện nay nguồn nhân lực ngành hải quan hiện tại của nước ta chưa đáp ứng được các yêu cầu cả về lượng và chất để thực hiện thủ tục hải quan ngoài trụ sở và ngoài giờ hành chính. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/6/2011 của Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011 - 2015 đã xác định rõ mục tiêu: đến năm 2015, về cơ bản, thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm; từng bước áp dụng xử lý dữ liệu thông quan tập trung tại cấp Cục Hải quan từ năm 2012. Như vậy, theo chiến lược phát triển ngành Hải quan đã được phê duyệt, địa điểm thực hiện thủ tục hải quan như quy định tại Điều 17 Luật Hải quan hiện hành cơ bản là phù hợp đáp ứng được yêu cầu thực tế, không cần thiết phải sửa đổi.

Như vậy, qua những khuyến nghị tại bản báo cáo này có thể nhận thấy bất cập, vướng mắc hiện nay trong thực hiện luật Hải quan xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Phải nhìn nhận nguyên nhân này một phần từ vấn đề chất lượng và số lượng cán bộ làm hải quan chưa được đào tạo nghiệp vụ và đào tạo chuyên sâu đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất với văn bản pháp luật liên quan trong nước và văn bản quốc tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập, rườm rà, tạo ra nhiều lỗ hổng pháp luật tạo điều kiên cho các hành vi vi phạm pháp luật từ phía doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và tham nhũng từ các cơ quan có chức năng hải quan.

Do đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hải quan để bảo đảm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế- xã hội nhưng đồng thời phải bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ của Nhà nuớc trong toàn bộ hoạt động về hải quan theo yêu cầu của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Bên cạnh đó, việc sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải phải bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết số 45/2010/NQ-CP ngày 16/11/2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính./.

Liên quan đến hoạt động kiểm hóa, liên quan đến các lợi ích vật chất, đến quyền năng của các cán bộ công chức mà được giao nhiệm vụ này. Chúng ta có cơ chế gì để kiểm soát cái này? ở những nơi đầy đủ các loại thiết bị, các loại kính soi mà còn có nhiều vấn đề. Thế thì bây giờ chúng ta không rõ chỗ này thì tôi cho rằng sau này không cẩn thận thì chúng nó lại sinh ra những thiệt hại cho đất nước, làm hỏng cán bộ của chúng ta.

Về sửa đổi thủ tục đảm bảo bám vào Nghị quyết của CHính phủ theo đề án 30 vừa rà soát. Tránh tình trạng: vì chúng ta bỏ những cái không đáng bỏ thì mất sự kiểm soát; lo không kiểm soát được mà lại tăng thêm những cái khác thì cuối cùng một mặt đưa ra chủ trương phải cải cách hành chính, một mặt lại cứ đưa vào những thủ tục.

Có 2 ngành chúng tôi quan tâm là ngành thuế và hải quan – 2 ngành có liên quan đến các khoản thu cho đất nước. Nếu chúng ta không làm tốt quản lý, không xác định được quyền của người tham gia thì chắc chắn sẽ phát sinh cơ chế xin cho. CHúng ta có một cơ chế giải quyết mà thay đổi hẳn về chất là giải quyết thông qua sự phán xét của cơ quan tài phán là tòa án. Trước đây có những vấn đề thì chúng ta khiếu nại hết chỗ này đến chỗ nọ. Nên chúng ta đã phải đưa ra luật Tố tụng hành chính để đảm bảo nếu làm không đúng thủ tục hải quan sẽ bị kiện ra tòa. Khi có cơ chế về xây dựng pháp luật, tổ chức thực tế trên thực tế để kiểm nghiệm những cái bất cập và  bình luận các bản án. Trong hải quan thì chúng ta không đặt ra vấn đề bình luận  các vụ án về hình sự trong lĩnh vực hải quan mà nên nói về những lĩnh vữ hàng ngày này. Tôi cho rằng nên đưa được vấn đề này vào luật hải quan.

 

Các văn bản liên quan