Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 tại Hội thảo VCCI TP.HCM ngày 17/3/2015

Thứ Ba 11:42 07-04-2015

Vấn đề nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong nghành in Việt nam

I.                   Đầu tư trang thiết bị trong nghành công nghiệp in Việt nam.

   Các trang thiết bị, máy móc sử dụng trong nghành công nghiệp in Việt nam tuyệt đại đa số là nhập khẩu, công nghiệp chế tạo trong nước không có bất cứ một sản phẩm nào đáng kể có thể cung cấp cho ngành cồng nghiệp in.

   Trên thế giới thiết bị dùng trong nhành công nghiệp in được cung cấp bởi hai nguồn với sự khác biệt căn bản về chất lượng của thiết bị, máy móc. Nguồn chính thống là các máy móc thiết bị dùng cho nghành in được cung cấp bởi các hãng có danh tiếng, có uy tín và có kinh nghiệm lâu năm trên thế giới trong lĩnh vực chế tạo thiết bị cho ngành công nghiệp in. Sản phẩm của họ được sử dụng rộng rãi trong nghành công nghiệp in trên toàn thế giới bất kể là ở nước công nghiệp phát triển như nước Đức hay các nước có trình độ phát triển kém hơn như Việt nam. Nguồn này chiếm đại đa số các thiết bị được sử dụng trên thế giới.

   Nguồn thứ hai đến từ các nước kém phát triển hơn và có xu hướng copy các thiết kế của các nhà sản xuất hàng đầu. Đại diện cho xu hướng này là các nhà sản xuất máy móc thiết bị cho ngành công nghiệp in của Trung hoa lục địa. Các  thiết bị của họ sao chép thiết kế của các nhà sản xuất nổi tiếng nhưng chất lượng chế tạo cũng như độ ổn định và độ bền sử dụng là vấn đề cần phải xem xét một cách tỷ mỉ và thận trọng. Nguồn này tuy chiếm phần không lớn trong tổng lượng cung của máy móc thiết bị cho ngành in trên thế giới nhưng nó đặc biệt nhạy cảm với các thị trường cần các máy móc thiết bị giá rẻ như Việt nam. Cùng với quá trình toàn cầu hóa trong kinh tế các nhà sản xuất nổi tiếng đã có những điều chỉnh đáng kể về nơi sản xuất các thiết bị máy móc của mình. Các cơ sỏ sản xuất được chuyển về các nước đang phát triển nơi có nguồn nhân công rẻ và các chi phí chế tạo thấp hơn do vậy xuất hiện các thiết bị, máy móc  dùng cho nghành công nghiệp in của các nhà sản xuất Đức, Nhật Bản, Hoa kỳ, Italia… được sản xuất hoặc lắp rắp tại Trung quôc, Ấn độ, Brasil… và như ta đã biết khi sản xuất ở nước sở tại thì việc nội địa hóa là điều tất yếu, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các thiết bị , máy móc đó có nhiều chi tiết linh kiện được cung cấp bới các công ty của nước sở tại.

  Về giá cả: giá của các thiết bị mới dùng cho nghành công nghiệp in của các nhà sản xuất danh tiếng nói chung là cao so với giá công in và giá vốn tại Việt nam. Giá công in thấp kéo theo chi phí dành cho khấu hao thiết bị thấp, lãi suất cao đẩy chi phí vốn vay cao. Với tác động kép như vậy, việc các cơ sở in đi tìm các giải pháp đầu tư với chi phí hợp lý là điều tất yếu. Giá của các thiết bị máy móc mới được sản xuất tại các nước đang phát triển và đặc biệt là tại Trung Quốc có giá tốt hơn nhiều so với các thiết bị máy móc tạm gọi là “xịn”. Tuy nhiên như đã nói ở trên vấn đề chất lượng của các thiết bị máy móc này cần phải được xem xét tỷ mỉ cẩn thận. Thưòng thì các thông số kỹ thuật cũng như các đặc trưng công nghệ của các máy móc, thiết bị này không khác so với các thiết bị “xịn” cùng loại tuy nhiên trong quá trình sử dụng các thiết bị không “xịn” này bộc lộ hàng loạt các vấn đề, thậm chí xuống cấp sau một thời gian sử dụng rất ngắn.

  Bên cạnh nguồn cung là các máy móc mới còn phải kể đến một nguồn cung tương đối lớn là thị trường máy móc, thiết bị ngành in đã qua sử dụng mà ta quen gọi là máy “second hand”. Theo một đánh giá không chính thức, thị trường máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của ngành công nghiệp in có qui mô vào khoảng 3 tỷ đôla Mỹ, lưu ý rằng doanh số  của hãng chế tạo thiết bị in lớn nhất thế giới Heidelberg là 2 tỷ Euro vào năm 2013. Các thiết bị nghành in đã qua sử dụng đại đa số là các thiết bị “xịn” (do các hãng danh tiếng chế tạo) có cấu hình rất đa dạng và cũng ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới.Giá cả của các thiết bị máy móc đã qua sử dụng cũng rất khác nhau từ rất thấp đến rất cao tùy thuộc vào một số yếu tố chính: cấu hinh và mức độ trang bị, thương hiệu, năm sản xuất, tình trang kỹ thuật của thiết bị, mức độ hoạt động của thiết bị. Nguồn này được kiểm soát bởi các công ty chuyên buôn bán các thiết bị ngành in đã qua sử dụng. Việc mua trực tiếp các máy móc thiết bị này từ người sử dụng là không phổ biến.

  -  Đầu tư thiết bị của các doanh nghiệp in tại Việt nam:   Việc đầu tư thiết bị là hoạt động không thể thiếu trong quá trình tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp in tại Viêt nam. Khi đầu tư thiết bị, các doanh nghiệp in sẽ phải lựa chọn máy móc thiết bị từ một trong ba nguồn : 1) máy móc thiết bị mới và “xịn” - giá cao; 2) máy móc thiết bị mới không “xịn” – giá thấp; 3) máy móc thiết bị “xịn” đã qua sử dụng – giá hợp lý.

  -  Phương án 1 lựa chọn các thiết bị mới và “xịn”. Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có nguồn công việc đòi hỏi chất lượng cao, có giá tốt và ổn định thường lựa chọn phương án 1, với việc lựa chọn này họ tránh được các rủi ro do chất lượng không bảo đảm của các thiết bị không “ xịn” hay hỏng hóc bất thường của các thiết bị máy móc “xịn” đã qua sử dụng.  Tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp như vậy ở Viêt nam là không nhiều. Điều này có thể được làm rõ hơn khi có số liệu về lượng máy móc thiết bị “xịn” mới và đã qua sử dụng được nhập về trong năm 2013.

  -  Phương án 2 lựa chọn các thiết bị mới và không “xịn”. Phương án này dành cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nhỏ, tận dụng các cơ hội mở ra trên thị trường (thường mang tính ngắn hạn) và có khả năng kiểm soát rủi ro tốt. Khá nhiều các doanh nghiệp in tại Việt nam lựa chọn cách này tuy nhiên số lượng thành công không nhiều do không kiểm soát được rủi ro và có xu hướng quay sang phương án 3.

 -  Phương án 3 lựa chọn các thiết bị “xịn” đã qua sử dụng: Đây là lựa chọn của đa số các doanh nghiệp in tại Việt nam với tiềm lực tài chính từ nhỏ cho đến vừa phải và phải giải bài toán đầu từ với hai giới hạn khấu hao thấp và chi phí vốn đầu tư cao và một điều kiện mở là chất lượng in ở mức độ mà các thiết bị Second hand có thể hoàn toàn đáp ứng. Với các điều kiện như đã nêu trên thì việc các doanh nghiệp in chọn phương án 3 là điều tự nhiên do nếu khéo léo lựa chọn họ có thẻ tìm được thiết bị  ưng ý với chi phí hợp lý.

 -  Các tiêu chí khi đầu tư  thiết bị Second hand của các doanh nghiệp in tại Việt nam: 1) Tiêu chí kỹ thuật công nghệ, khi đã xác định loại  thiết bị cụ thể cần đầu tư, doanh nghiệp cần phải tự xác định các thông số kỹ thuật căn bản cũng như cấu hinh của thiết bị máy móc mà mình cần đầu tư . 2) Nhà sản xuất và model cụ thể của thiết bị. Có thể có nhiều nhà sản xuất và nhiều model máy móc thiết bị đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và cấu hình đề ra. 3)” Khả năng còn lại” của  thiết bị định mua. Tiêu chuẩn này tuy hơi trừu tượng nhưng có thể lượng hóa bằng hai đơn vị sau: tuổi của máy móc thiết bị (năm sản xuất cho đến hiện tại) và mức độ hoạt động của thiết bị từ ngày xuất xưởng đến thời điểm tìm hiểu (mức độ hoạt động có thể đo bằng một số đơn vị đặc thù khác nhau tùy thuộc vào chủng loại thiết bị, thí dụ đối với máy in offset tờ rời mức độ làm việc được đo bằng số lượt in mà máy đã in, đối với dây chuyền đóng sách kỵ mã liên hợp là số quyển sách đã được đóng trên dây chuyền hoặc số giờ máy chạy, đối với thiết bị ghi bản CTP là số bản đã được ghi…các số liệu này được các bộ nhớ của các máy móc thiết bị tự động lưu lại).Không một nhà sản xuất nào đưa ra khung thời gian tối đa cho sự tồn tại của các máy móc thiết bị do họ chế tạo cũng như khả năng hoạt động tối đa của thiết bị cho đến khi không sử dụng được nữa, tuy nhiên dựa trên các số liệu sử dụng thực tiễn có thể đưa ra các mốc ước tính thời gian phục vụ và khả năng hoạt động của máy móc thiết bị. Hai thí dụ sau đây sẽ minh họa phần nào cho cách đánh giá các thiết bị máy móc đã qua sử dụng mà khá nhiều doanh nghiệp đang áp dụng. Thí dụ thứ nhất : thông thường các máy in offset tờ ròi có thể in được 500 triệu lượt in trong vòng đời 25 năm của mình kể từ ngày xuất xưởng, trung bình mỗi năm máy in này sẽ in được 20 triệu lượt in, nếu có một máy in có tuổi là 15 năm  và in được 150 triệu lượt in thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể chọn vì trong 10 năm tiếp theo mà doanh nghiệp sử dụng thì tổng số lượt in mà máy đã in mới là 350 triệu lượt vẫn còn có thể tiếp tục dùng nữa. Ngược lại nếu có một máy in 10 tuổi mà đã in được 350 triệu lượt in (có các nhà in ở nước ngoài có thể in 40 triệu lượt in trong 1năm) thì các doanh nghiệp sẽ cân nhắc vì máy này sẽ khó sử dụng thêm 10 năm nữa do sẽ vượt quá ngưỡng 500 triệu lượt in. Thí dụ thứ hai: các máy kỵ mã liên hợp thường có niên hạn phục vụ là 30 năm với chế độ với số giờ hoạt động tối đa là 90.000 giờ. Nếu một doanh nghiệp định mua máy kỵ mã liên hợp có tuổi là 15 và có số giờ hoạt động 45.000 giờ thì mọi việc sẽ ổn và máy sẽ phục vụ ít nhất them 15 năm nữa với điều kiện mỗi ngày máy hoạt động không quá 10 giờ và một năm không quá 300 ngày làm việc, chỉ tiêu này là thừa thãi với các doanh nghiệp in Việt nam.

  - Không phải doanh nghiệp in nào tại Việt nam cũng thành công trong việc đầu tư bằng thiết bị đã qua sử dụng nhưng nhìn chung đầu tư thiết bị second hand là một kênh đầu tư chính mà các doanh nghiệp in tại Việt nam lựa chọn khi giải bài toán đầu tư cho doanh nghiệp của mình. Không chỉ các doanh nghiệp in trong nước mà cả các doanh nghiệp in có vốn nước ngoài đầu tư vào Việt nam  cũng đưa hoặc đầu tư các dây chuyền, máy móc thiết bị in đã qua sử dụng. Các dây chuyền như vậy vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các công ty nước ngoài làm hàng xuất khẩu.

 - Việc đầu tư các máy móc “xịn “đã qua sử dụng cho phép các doanh nghiệp tránh việc phải đầu tư vào các máy móc thiết bị không “xịn” đặc biệt là máy móc thiết bị sao chép có nguồn gốc từ  Trung quốc

II.               Thông tư 20

  -  Thông tư 20 đưa ra hai giới hạn cho việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng một là thời gian sử dụng của máy móc thiết bị hai là chất lượng còn lại của thiết bị phải đạt 80 % trở lên so với chất lượng ban đầu.

  -  Chất lượng còn lại (tính theo %) so với chất lượng ban đầu là mức độ đạt được của các thông số kỹ thuật của máy móc thiết bị đã qua sử dụng so với các thông số kỹ thuật của máy móc thiết bị mới.

  -   Tài liệu kỹ thuật thể hiện năm sản xuất của máy móc thiết bị nhập khẩu

  -   Chứng thư giám định chất lượng do tổ chức giám định đủ điều kiện cấp

                  

III.           Kiến nghị với thông tư 20

 Các thiết bị gia công như máy bế, máy cắt (máy dao xén giấy) các loại, máy gấp, dây chuyền đóng sách dung keo nhiệt, máy đóng sách bằng ghim thép, dây chuyền đóng sách bằng ghim thép (máy kỵ mã liên hợp) có hàm lượng cơ khí cao, hoạt động với tải trọng nhẹ ở tốc độ thấp vì thế mà độ có tuổi thọ cao. Có những thiết bị xén giấy làm việc bền bỉ 40 năm vẫn đạt độ chính xác cần thiết. Các máy gấp 30 tuổi vẫn có thể hoạt động tốt. Với giả thiết các doanh nghiệp khấu hao trong vòng 10 năm thì các thiết bị máy móc kể trên vẫn ở trong trạng thái hoạt động bình thường nếu được chăm sóc bảo dưỡng đúng cách.

-  Thông thường không có tài liệu kỹ thuật thể hiện năm sản xuất của thiết bị. Năm sản xuất của thiết bị thường được ghi trên tấm biển nhỏ (name plate) gắn theo máy móc thiết bị, ngoài năm sản xuất trên tấm biển đó còn ghi số sê ri hoặc số máy của máy móc thiết bị (serial number hoặc machine number). Trong trường hợp không ghi năm sản xuất có thể dùng dữ liệu này để xác định năm sản xuất của máy móc thiết bị đó. Như vậy yêu cầu xuất trình các tài liệu kỹ thuật thể hiện năm sản xuất là không thực tế.

-  Không qui định chất lượng còn lại của thiết bị đã qua sử dụng bởi hai lẽ. Thứ nhất quan niệm về chất lượng được giải thích trong thông tư 20 là không khả thi. Lấy một thí dụ cụ thể như sau: thông số kỹ thuật của một máy in offset   do nhà sản xuất công bố thường là tốc độ in tối đa khổ giấy lớn nhất, khổ giấy nhỏ nhất, độ dày của giấy in, diện in tối đa, độ cao tối đa của chồng giấy, độ cao tối đa của chồng sản phẩm, kích thước và trọng lượng máy v.v…

    Các thông số kỹ thuật trên không thay đổi trong suốt thời gian tồn tại của máy và như cách giải thích về thông số chất lượng của thông tư 20 thì máy cũ 20 năm có chất lượng còn lại là 100% so với máy mới. Thứ hai  không thể giám định chất lượng còn lại của máy móc thiết bị khi nó chưa hoạt động và như vậy nếu các tổ chức giám định trong nước thực hiện điều này thì phải thực hiện ở nước bán máy móc thiết bị, nếu không doanh nghiệp không thể có chứng thư giám định chất lượng để nộp cho cơ quan hải quan. Việc tổ chức giám định cử người ra nước ngoài để giám định thì chi phí do doanh nghiệp trả sẽ là một thử thách thực sự với các doanh nghiệp có ý định nhập các thiết bị  đã qua sử dụng. Đa số doanh nghiệp sẽ nản chí mà từ bỏ cách đầu tư này do chi phí bị đội cao và tinh thời sự không được đảm bảo vì như ta đã biết các nhà buôn máy sẽ không có thời gian chờ đợi chúng ta hoàn thành các thủ tục kiểm định vốn tiêu tốn khá nhiều thời gian mà không chắc chắn là có bán được thiết bị đó hay không. Có vẻ như tiêu chí 80 % chất lượng còn lại không phổ biến trong các dịch vụ giám định theo thông lệ quốc tế, thông thường có các công ty cung cấp các dịch vụ kiểm tra kỹ thuật máy móc thiết bị và cung cấp cho khách hàng một bản báo cáo việc kiểm tra kỹ thuật chi tiết các máy móc thiết bị đó nhưng sẽ không có mục chất lượng còn lại. nếu như qui đinh này được thực thi nhà nước sẽ đẩy doanh nghiệp ngả sang việc mua sắm đầu tư hàng nhái của Trung quốc do có chi phí ban đầu tương tự và vì là hàng mới 100% nên không chịu sự điều chỉnh của thông tư này, hậu quả của quá trình này phần nào chúng ta đã cảm nhận được.

   Hãy để cho người mua tự chịu trách nhiệm về chất lượng còn lại của máy móc thiết bị mà họ định mua. Người mua sẽ có trách nhiệm với đông tiền của họ, có lẽ qui định này nên áp dụng với các dự án mua sắm thiết bị sử dụng ngân sách nhà nước.

    Với những phân tích trên Hiệp hội in Việt Nam xin đề nghị điều chỉnh Thông tư 20 như sau :

 1. Đối với máy móc, thiết bị, phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in, tại Nghị định 187/2013/NĐ - CP ngày 20/11/2013 cũng như Nghị định  60/2014/NĐ - CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in đều có các điều khoản cụ thể cho việc nhập khẩu thiết bị ngành in, vì thế nên để Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ quản lý chuyên ngành sẽ xây dựng và ban hành Thông tư quy định cụ thể. Như vậy sẽ tránh cho doanh nghiệp  phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản chồng chéo giữa nhiều Bộ khác nhau.

  2. Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn đưa máy móc thiết bị ngành in là đối tượng điều chỉnh của Thông tư này thì đề nghị điều chỉnh và quy định như sau :

- Bỏ tiêu chí “ chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên ” vì không thể xác định các tiêu chí đánh giá chính xác .

- Đối với máy móc thiết bị khâu trước in ( máy ghi phim, ghi kẽm, máy tạo khuôn in ) và máy in kỹ thuật số chỉ được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 7 năm.

- Đối với máy móc, thiết bị khâu in ( máy in offset, in ống đồng, in flexo, in letterpress …ngoại trừ máy in kỹ thuật số ) không quá 20 năm.

- Đối với máy móc, thiết bị khâu sau in ( máy dao xén, máy khâu chỉ, khâu thép, máy gấp, máy vào bìa, máy bế …) không quá 25 năm.

  3. Nên quy định về chỉ tiêu năng lượng cũng như các chỉ tiêu về môi trường của thiết bị đã qua sử dụng.

Các văn bản liên quan