LS. Lương Thanh Quang – Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT Lawyers góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 tại Hội thảo VCCI TP.HCM ngày 17/3/2015

Thứ Ba 11:40 07-04-2015

THAM LUẬN GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ

ĐÃ QUA SỬ DỤNG

                                                                                                                                                      

Lương Thanh Quang

Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT Lawyers

MỤC LỤC

1.    Đối với quy định về điều kiện nhập khẩu....................................................................... ..

1.1       Điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng….…………………………………

1.2       Điều kiện nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng….…………………………..

1.3       Điều kiện đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế……………………………............

2.    Đối với quy định về hồ sơ, thủ tục, chứng thư giám định...............................................

2.1       Yêu cầu về bản chính tài liệu kỹ thuật, catalogue…………………………………..............

2.2       Yêu cầu về chứng thư giám định chất lượng………………………………………...............

3.    Kết luận...............................................................................................................................

A-    DẪN NHẬP

So với các quy định tại Thông tư 20 ngày 15/7/2014 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, nội dung dự thảo Thông tư sửa đổi lần này (Dự thảo lần 3) đã nới lỏng một số quy định và có một số điểm khác biệt so với Thông tư 20. Tuy nhiên, dường như sự thay đổi này là không đáng kể, chưa làm yên lòng các doanh nghiệp và đặc biệt là vẫn chưa phù hợp với thực tiễn nhập khẩu máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng – vốn là một trong các hoạt động thường xuyên mang tính đặc thù cao của một số ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí, chế tạo máy; xây dựng cơ sở hạ tầng, luyện kim, giấy, bao bì, dệt may v.v… Đồng ý là không được phép biến Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ” bằng việc hạn chế nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc quá cũ, bởi đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy vậy, là quốc gia đang phát triển, việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng nhưng có chất lượng phù hợp cũng là điều các nhà làm luật cần cân nhắc.

B-    NỘI DUNG GÓP Ý CHO DỰ THẢO

1-      Đối với quy định về điều kiện nhập khẩu

1.1  Điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng

a)      Điều kiện liên quan đến tuổi thọ thiết bị :

Điều 6 Dự thảo quy định :

Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu đáp ứng các điều kiện sau:

4. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu: thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

5. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do tổ chức ngoài doanh nghiệp nhà nước, cá nhân (dưới đây gọi chung là doanh nghiệp khác) nhập khẩu, đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

a) Thời gian sử dụng không quá 10 năm, hoặc

b) Chất lượng còn lại từ 80% trở lên.

Như vậy, nếu như tại Thông tư 20 trước đây quy định điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng phải có thời gian sử dụng không quá 05 năm, thì ta thấy dự thảo Thông tư sửa đổi lần này đã có một bước tiến khá đáng kể khi quy định chỉ không được nhập khẩu máy, móc thiết bị đã sử dụng trên 10 năm (tức tăng thêm 05 năm so với Thông tư 20).

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quy định như trên vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Theo chúng tôi, nếu mục đích của Thông tư này là nhằm hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị có chất lượng, tính năng không tốt, không đạt các yêu cầu tối thiểu về chất lượng, an toàn tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường thì chỉ nên quy định thực hiện giám định chất lượng và tính năng là đủ, không cần thiết phải quy định thời gian sử dụng vì tuổi thọ của các chủng loại máy móc chuyên dụng rất khác nhau, thậm chí là cùng loại nhưng nếu được sản xuất ở các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển, thì việc tuổi thọ của chúng cao hơn gấp 4-5 lần, thậm chí hàng chục lần so với các quốc gia đang phát triển khác là điều bình thường. Chúng ta không thể cào bằng tất cả bởi tư duy làm luật còn khô cứng như hiện nay.

Kiến nghị : Nên loại bỏ quy định điều kiện về thời gian sử dụng, bất kể đó là 5, 10 năm hay 15 năm vốn mang tính định lượng chủ quan, cào bằng như hiện nay. Như vậy, chỉ cần giữ lại quy định về chất lượng thiết bị nhập khẩu là đủ.

b)      Điều kiện liên quan đến chất lượng thiết bị:

Điều 6 Dự thảo quy định :

Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu đáp ứng các điều kiện sau:

4. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu: thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

5. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do tổ chức ngoài doanh nghiệp nhà nước, cá nhân (dưới đây gọi chung là doanh nghiệp khác) nhập khẩu, đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

a) Thời gian sử dụng không quá 10 năm, hoặc

b) Chất lượng còn lại từ 80% trở lên.

Nếu như Thông tư 20 quy định về chất lượng các loại máy móc nhập khẩu phải từ 80% trở lên, và trước đây, tại Dự thảo lần 2, đã được điều chỉnh giảm xuống còn từ 70% trở lên (giảm được 10% so với Thông tư 20) dựa trên việc tiếp thu ý kiến phản ánh của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội ngành nghề có liên quan, thì không hiểu sao đến Dự thảo 3 lần này mọi việc quay trở lại… như cũ (tức giữ nguyên mức 80%)?

Cũng cần được nhắc lại, đây là nội dung gây bức xúc và bị phản ánh nhiều nhất chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn khi Thông tư 20 được thông qua và áp dụng trên thực tế. Điều đó cho thấy đây là một vấn đề hết sức bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. Cơ sở khoa học nào để đưa ra mức “chất lượng còn 80% là phù hợp” chứ không phải là 70% hay thấp hơn? Liệu các cơ quan, chuyên gia đăng kiểm của Việt Nam có đủ năng lực, máy móc thiết bị để có thể khẳng định rằng số máy móc, thiết bị cần kiểm tra còn đạt tối thiểu “80% chất lượng” hay đó chỉ là cái cớ, là điều kiện để phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu? Đó là chưa kể chúng ta đã có Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các hướng dẫn (Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Thông tư 63/2011/TT-BGTVT về danh mục sản phẩm, hàng hóa mất an toàn trong lĩnh vực xây dựng). Do đó, nếu đưa nội dung này vào Thông tư sẽ gây ra chồng chéo về đối tượng quản lý, gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Kiến nghị : Theo chúng tôi, chỉ nên giữ lại tiêu chí về chất lượng thiết bị (ưu tiên các cơ sở định tính), tuy nhiên, các tỷ lệ phần trăm tương ứng cần được nghiên cứu phân bổ sao cho hợp lý, phù hợp theo từng nhóm máy móc, thiết bị thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau dựa trên cơ sở khoa học nhất định, đồng thời cũng cần đảm bảo sự tương thích với thông lệ chung trên thế giới. Ngoài ra các Bộ, ngành cần có hướng dẫn chi tiết về cách thức, tiêu chí đánh giá chất lượng cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

1.2  Điều kiện nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

Điều 7 Dự thảo quy định :

4. Có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Có thể thấy, ngoài những bất cập về tỷ lệ định lượng chủ quan, thiếu cơ sở bảo đảm thực thi như đã phân tích ở trên, đối với việc nhập khẩu các dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng còn gặp phải một bất cập khác là việc Bộ Khoa học Công nghệ hiện vẫn chưa nêu rõ cơ quan nào được phép giám định các dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đạt chuẩn nhập khẩu. Bởi từ trước đến nay, tình trạng chung phổ biến là các cơ quan hải quan chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải tự cam kết dây chuyền công nghệ nhập khẩu dự định nhập về không gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường một cách chiếu lệ rồi cho nhập ngay, vì trên thực tế, việc thẩm định một dây chuyền công nghệ thuộc loại “cũ người nhưng mới ta” tại Việt Nam là điều không đơn giản.

Mặt khác còn có những dây chuyền công nghệ sản xuất khép kín của những tập đoàn viễn thông, chế tạo ô tô, xe máy lớn trên thế giới trước đây đặt ở nước ngoài nhưng nay muốn chuyển đến Việt Nam như Samsung, Microsoft, Nokia, Toyota, Honda… Các dây chuyền này do chính các tập đoàn này lắp ráp, phục vụ cho hoạt động sản xuất, phân phối tại các công ty thành viên của họ ở nước ngoài, nay đưa về Việt Nam thì gần như chắc chắn sẽ không có cơ quan nào có đủ năng lực để giám định, đánh giá giá trị còn lại của những dây chuyền trên.

Kiến nghị : Quy định trên chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm hạn chế nhập khẩu các dây chuyền công nghệ quá cũ, lạc hậu. Riêng đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì không cần thiết áp dụng quy định này.

1.3  Điều kiện đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế

Điều 8 Dự thảo quy định :

“Linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:

3. Có chất lượng đạt từ 70% trở lên.

Như trên đã phân tích, việc thẩm định đưa ra đánh giá một thiết bị, máy móc hay dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh còn đạt 70-80% chất lượng hay không đã là một việc khó. Nay các nhà làm luật lại đưa ra quy định giám định chất lượng còn lại đối với các linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế, theo chúng tôi, là không khả thi vì sẽ không có tiêu chí nào để xem xét, đánh giá.

Kiến nghị: Đề nghị bỏ nội dung này.

2-      Đối với quy định về hồ sơ, thủ tục, chứng thư giám định

2.1 Yêu cầu về bản chính tài liệu kỹ thuật, catalogue

Việc Dự thảo quy định DN ngoài nhà nước muốn nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng phải cung cấp bản chính tài liệu sử dụng có ghi năm sản xuất, catalogue hoặc giấy xác nhận năm sản xuất từ nhà sản xuất, theo chúng tôi, là không khả thi trong bối cảnh các máy móc, thiết bị này đã sử dụng được 10 năm. Để tránh rắc rối, gần như chắc chắn các DN sẽ chuyển sang lựa chọn tiêu chí “chất lượng còn lại” (chỉ cần cung cấp chứng thư giám định chất lượng là đủ). Và như vậy, một lần nữa, ta thấy việc quy định thêm tiêu chí về “thời gian sử dụng” tại Điều 6 là vô ích.

Kiến nghị: Chỉ nên quy định yêu cầu cung cấp bản chính chứng thư giám định chất lượng là đủ.

2.2 Yêu cầu về chứng thư giám định chất lượng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 và khoản 3 Điều 13 Dự thảo thì chỉ đối với dây chuyền công nghệ thì việc giám định chất lượng mới phải được thực hiện tại nước xuất khẩu. Máy móc, thiết bị có thể được giám định tại Việt Nam bởi các tổ chức giám định trong nước có đủ điều kiện và được Bộ KH-CN công nhận. Như vậy có thể hiểu rằng các tổ chức giám định đang hoạt động trong nước trực thuộc các Bộ, ngành khác mặc dù hội đủ các điều kiện quy định tại Điều 14 Dự thảo nhưng nếu không “đăng ký” và được “công nhận” bởi Bộ KH-CN thì chứng thư giám định của các đơn vị này vẫn được xem như không “hợp lệ”. Đây là quy định bất bình đẳng bởi lẽ các tổ chức giám định nước ngoài được các DN nhập khẩu lựa chọn để thực hiện giám định tại nước xuất khẩu không cần đáp ứng yêu cầu này (đăng ký) vẫn mặc nhiên được công nhận (khoản 5 Điều 14 Dự thảo).

Kiến nghị: Đề nghị bỏ quy định về “đăng ký” và “công nhận” bởi Bộ KH-CN đối với các tổ chức giám định trong nước đã đáp ứng các yêu cầu tại Điều 14 Dự thảo.

3-      Kết luận

Nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng từ các nước là một nhu cầu thực tế cấp bách của doanh nghiệp. Mặc dù các quy định kiểm soát chất lượng máy móc đã qua sử dụng nhập khẩu vào thị trường trong nước là để hạn chế bớt những công nghệ, dây chuyền sản xuất đã quá lạc hậu, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường, hệ sinh thái, an toàn tiết kiệm năng lượng… song cần có sự nghiên cứu phù hợp với thực tiễn để doanh nghiệp không gặp khó trong việc ổn định và cải thiện năng lực sản xuất, không gây xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của họ. Nếu mục đích của Thông tư này nhằm hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị có chất lượng, tính năng không tốt, bảo vệ môi trường thì thiết nghĩ chỉ nên quy định thực hiện giám định chất lượng và tính năng là đủ, không cần thiết phải quy định thời gian sử dụng nhu hiện nay./.

Các văn bản liên quan