Ông Nestor Scherbey - Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 tại Hội thảo VCCI TP.HCM ngày 17/3/2015
Bà Nguyễn Ngọc Biện Thùy Hương – Giảng viên Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 tại Hội thảo VCCI TP.HCM ngày 17/3/2015
PHÁT BIỂU HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO THÔNG TƯ THAY THẾ THÔNG TƯ SỐ 20/2014/TT-BKHCN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ ĐÃ QUA SỬ DỤNG
Nguyễn Ngọc Biện Thùy Hương - Giảng viên Khoa Luật học
Trường Đại học Bình Dương
Kính thưa Hội nghị, về Dự thảo lần 3 của Thông tư quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, tôi xin được phép có một số ý kiến sau:
Trước hết, phải thừa nhận rằng Dự thảo lần 3 thông tư thay thế thông tư số 20 của Bộ Khoa học công nghệ có những điểm tiến bộ nhất định. Cụ thể, Dự thảo lần này đã loại bỏ 02 chương 86 và 87 của Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2012 khỏi phạm vi điều chỉnh. Bên cạnh đó, Dự thảo đã loại bỏ một số lĩnh vưc, ngành nghề ra khỏi đối tượng điều chỉnh. Ví dụ máy xây dựng công trình đã không còn là đối tượng điều chỉnh của Thông tư vì máy móc, thiết bị thi công xây dựng đã qua sử dụng hiện nay đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định chất lượng trước khi cho phép hoạt động. Do đó, nếu vẫn để đối tượng này chịu sự điều chỉnh của Thông tư sẽ dẫn đến sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, Dự thảo thông tư lần này vẫn còn vấp phải những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, quy định về điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng bao gồm quy định về thời gian sử dụng và chất lượng còn lại là chưa thực sự hợp lý. Theo khoản 5 Điều 6 Dự thảo thông tư, điều kiện để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là thời gian sử dụng không quá 10 năm hoặc chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên; đối với doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu thì phải đảm bảo cả hai điều kiện trên. Điều 7 Dự thảo cũng quy định rằng để nhập khẩu dây chuyền công nghệ, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu phải từ 80% trở lên và đối với nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng thì phải có chất lượng đạt từ 70% trở lên (Điều 8). Cách quy định trên đây đã dẫn đến một số bất cập.
Một là,việc quy định thời gian sử dụng là một điều kiện nhập khẩu cũng như cách tính thời gian sử dụng từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu như vậy là không chặt chẽ vì qua sử dụng, có một số chi tiết, cụm chi tiết đã được thay thể nên không thể đồng nhất được về mặt thời gian.Thêm vào đó, mục đích của việc đặt ra điều kiện nhập khẩu là để hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị có chất lượng không tốt. Vì vậy, theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng chỉ cần quy định điều kiện về chất lượng là đủ mà không cần quy định điều kiện về thời gian.
Hai là, việc phân biệt điều kiện nhập khẩu khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước là chưa hợp lý. Theo khoản 4 Điều 6 Dự thảo, doanh nghiệp nhà nước muốn nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng phải đảm bảo cả điều kiện về thời gian sử dụng lẫn chất lượng còn lại so với ban đầu. Trong khi đó, theo khoản 5 Điều này, các doanh nghiệp khác chỉ cần một trong hai điều kiện là đã được nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có sự phân biệt này ? Nếu chỉ vì doanh nghiệp nhà nước cần được quản lý chặt chẽ hơn thì dường như câu trả lời này chưa thật sự thuyết phục. Mục đích của việc hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là để hạn chế việc đưa vào sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam những máy móc chất lượng không tốt, gây ô nhiễm môi trường. Với mục đích ấy thì dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nhà nước đều phải tuân thủ các điều kiện nhập khẩu như nhau. Vấn đề quan trọng là các điều kiện ấy phải hợp lý và khả thi.
Ba là, vì sao đối với dây chuyền công nghệ, phụ tùng, linh kiện đã qua sử dụng, điều kiện nhập khẩu chỉ có điều kiện về chất lượng còn lại từ 80% và 70% trở lên mà không có điều kiện về thời gian sử dụng trong khi nhập khẩu máy móc, thiết bị thì lại có điều kiện về thời gian? Phải chăng đang có một sự thiếu đồng bộ và thống nhất giữa các Điều luật trong cùng một văn bản? Thêm vào đó, Bộ Khoa học công nghệ dựa vào những cơ sở nào để quy định chất lượng còn lại từ 80% và 70% trở lên là một điều kiện nhập khẩu? Theo nghiên cứu của một số chuyên gia trong lĩnh vực này, tỷ lệ 80% như vậy gần như là thiết bị mới. Tỷ lệ này chỉ phù hợp với một số lĩnh vực (chẳng hạn lĩnh vực công nghệ thông tin), nếu áp dụng đồng loạt mức tỷ lệ này cho toàn bộ các máy móc, thiết bị thuộc các nhóm ngành khác dường như chưa hợp lý. Thực tế cho thấy, một số lĩnh vực như lĩnh vực sản xuất giấy, có những máy móc tuổi đời trên 20 năm, chất lượng còn lại so với ban đầu không đạt đến mức 80% nhưng hiệu suất vẫn rất cao và vẫn đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Những thiết bị này (ví dụ máy xeo giấy), dù là đã qua sử dụng nhưng các doanh nghiệp phải nhập về với giá cao ngất ngưởng và hằng năm vẫn tốn một khoản kinh phí khá cao để tu bổ, nâng cấp máy. Do đó, kiến nghị Bộ Khoa học công nghệ nên cân nhắc tỷ lệ chất lượng còn lại trong mối liên hệ với các tiêu chí về hiệu quả sản xuất lẫn chất lượng môi trường.
Thứ hai, quy định của Dự thảo thông tư về tổ chức giám định và phương pháp thực hiện giám định như hiện nay có khả năng ảnh hưởng và kéo dài thời gian thông quan đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu.Đặc biệt, đối với dây chuyền công nghệ, khoản 1 Điều 10 và khoản 5 Điều 13 đều quy định rằng việc giám định đối với dây chuyền công nghệ phải thực hiện tại nước xuất khẩu, trước khi dây chuyền công nghệ được đóng gói để nhập khẩu. Quy định này có thể sẽ gây ra một số trở ngại cho các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận và nhập khẩu các dây chuyền công nghệ vốn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho nền sản xuất trong nước. Đặc biệt,trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ các nước khác về Việt Nam và họ lo ngại những quy định trong Thông tư có thể cản trở quá trình này. Bên cạnh đó, phải chăng những quy định về thủ tục, hồ sơ giám định máy móc, thiết bị trước khi thông quan có khả năng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của những giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan mà chúng ta đã và đang cố gắng thực hiện trong thời gian qua? Những tiêu cực trong quá trình giám định và thông quan liệu có hoàn toàn bị loại bỏ nếu vẫn quy định thủ tục giám định rườm rà, phức tạp như vậy?
Thứ ba, Điều 9 Dự thảo thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục nhập khẩu chưa thực sự khả thi.Theo quy định tại Điều này, các doanh nghiệp phải có tài liệu kỹ thuật thể hiện năm sản xuất của máy móc, thiết bị nhập khẩu thông qua bản Hướng dẫn sử dụng (catalogue) của máy móc, thiết bị hoặc phải có giấy xác nhận năm sản xuất do nhà sản xuất cung cấp, bản chính. Chúng ta thấy, một mặt, Dự thảo quy định thời gian sử dụng không quá 10 năm mới cho nhập khẩu; mặt khác, Dự thảo lại quy định phải có bản chính giấy xác nhận số năm hoặc bản hướng dẫn sử dụng. Điều này dường như khó thực hiện vì qua 10 năm sử dụng, bản chính các giấy tờ này do nhà sản xuất cung cấp có thể đã bị thất lạc hoặc hư hại. Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng, nhiều phụ tùng, chi tiết hoặc cụm chi tiết đã bị thay thế (do hư hỏng, sửa chữa) nên việc xuất trình tài liệu gốc dường như bất khả thi, nếu có thể thì cũng mất rất nhiều thời gian. Do vậy, kiến nghị không nên quy định thủ tục này trong quá trình nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp về Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Xin trân trọng cảm ơn Hội nghị đã chú ý lắng nghe phần trình bày ý kiến góp ý của tôi !