Góp ý Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền – Khánh Hoà

Thứ Tư 14:15 27-10-2010

Kính thưa Đoàn chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Cơ bản tôi nhất trí với bản Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tố tụng hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi thấy Luật tố tụng hành chính chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tôi xin góp ý thêm một số ý kiến đối với dự án luật này.

Vấn đề thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Điều 3 trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau, tôi xin không nêu lại quyết định hành chính. Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành đã nghiêm cấm việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng thông báo, biên bản, công văn thay cho quyết định giải quyết khiếu nại. Nhưng thực tế, nhiều cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện việc ban hành quyết định mà luật đã quy định, gây khó khăn cho người dân trong thủ tục tố tụng hành chính phải cung cấp quyết định giải quyết khiếu nại. Do đó, dự thảo cần giải thích chuẩn xác "thế nào là quyết định hành chính" và không nên có quy định hợp thức hóa cho việc sai phạm khi ban hành quyết định hành chính, không tuân thủ hình thức mà luật đã quy định. Có như vậy mới hạn chế được việc ban hành dưới hình thức nào cũng được. Vì vậy, tôi đề nghị việc giải thích từ ngữ này phải phù hợp với Luật khiếu nại, cụ thể như sau: quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính.

Vấn đề thứ hai, đối thoại trong tố tụng hành chính ở Điều 12. Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính có những vụ án các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Nhưng pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về thủ tục, về việc công nhận kết quả thỏa thuận của các đương sự mà chỉ có quy định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án ở tại Điều 3. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, Tòa án rất lúng túng về cách giải quyết trong trường hợp này, thường chỉ hướng dẫn các đương sự khi nào người bị kiện thực hiện xong sự thỏa thuận thì người khởi kiện rút đơn khởi kiện, nên việc giải quyết vụ án lại phải chờ đợi việc thực hiện kết quả của các đương sự hoặc vẫn mở phiên tòa xét xử theo thủ tục chung.

Chính vì vậy, các thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thường không thực hiện quy định, tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận giải quyết vụ án. Dự thảo luật hiện nay quy định, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các bên đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án quy định như trên mang tính chất khuyến nghị, không mang tính bắt buộc, thực hiện cũng được, không thực hiện cũng được. Theo chúng tôi nên chăng cần quy định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án như một thủ tục bắt buộc, việc đối thoại phải lập thành văn bản như biên bản hòa giải trong vụ án dân sự để làm căn cứ cho các bước giải quyết tiếp theo của quá trình tố tụng hành chính, tùy theo vào từng trường hợp cụ thể khi người khởi kiện đồng ý với quyết định sửa đổi đó thì Tòa án quyết định công nhận sự thỏa thuận. Từ đó hạn chế những vụ việc không cần thiết phải thông qua con đường tố tụng của Tòa án.

Vấn đề thứ ba, về phát biểu của Kiểm sát viên, theo dự thảo 3, Điều 116 quy định: "Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Chủ tọa phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của kiểm sát về việc giải quyết vụ án" Theo Điều 161 của dự thảo luật trình Quốc hội ngày hôm nay: "Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án" Theo quy định tại Điều 47 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện nay: "Sau khi Hội đồng xét xử kết thúc việc xét hỏi các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tranh luận, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc giải quyết vụ án". Thực tiễn 14 năm thi hành Pháp lệnh cho thấy, mặc dù Pháp lệnh chưa quy định cụ thể nội dung phát biểu và căn cứ phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa nhưng Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa hành chính thường phát biểu kết luận của Viện kiểm sát về đường lối giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện, nay dự thảo chỉ quy định Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

Như vậy Viện kiểm sát không có nghĩa vụ phải phát biểu quan điểm cụ thể về đường lối yêu cầu khởi kiện. Ví dụ, bác yêu cầu khởi kiện, chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị khởi kiện. Hơn nữa quy định quyền hạn của Kiểm sát viên tại Điều 14 cũng đã bỏ quy định Kiểm sát viên tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án hành chính ở Khoản 4, Điều 37 của dự thảo 3. Nếu Luật tố tụng hành chính không quy định cụ thể về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên sẽ dẫn đến tình trạng Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa thiếu căn cứ để nêu quan điểm cụ thể về đường lối giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện, trong trường hợp vụ án có kháng cáo, kháng nghị hoặc khiếu nại thì việc xem xét giải quyết vụ án ở trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm sẽ khó khăn, các quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính thường là của người có thẩm quyền của các cơ quan hành chính ở tại địa phương. Vậy thì Viện kiểm sát cùng cấp khi tham gia phiên tòa không phát biểu quan điểm cụ thể đối với những hành vi vi phạm đó để Tòa án có phán quyết đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi của công dân và tổ chức, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa thì vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính được hiểu như thế nào. Thực tiễn thi hành tố tụng hành chính đã phát sinh những trường hợp ngay tại phiên Tòa Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa với nhiều lý do khác nhau, nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận đến khi kết thúc thẩm vấn phần tranh luận Hội đồng xét xử mời Kiểm sát viên phát biểu quan điểm thì Kiểm sát viên từ chối phát biểu, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành nghị án và tuyên án sau đó các bản án hành chính sơ thẩm này đã bị tuyên hủy theo thủ tục phúc thẩm với lý do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì vậy, đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể về nội dung phát biểu của Viện kiểm sát phải phát biểu trong phiên họp phiên Tòa hành chính là nội dung gì? cả về tố tụng cũng như nội dung hay chỉ phát biểu về thủ tục. Tôi xin gửi lại bài phát biểu cho Ban thư ký.

Các văn bản liên quan