Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Thuý Loan – Tiền Giang

Thứ Tư 14:17 27-10-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Về dự thảo Luật tố tụng hành chính, tôi xin phép tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất là việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo quy định của luật việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoàn toàn do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, luật cũng không quy định tiếp là trường hợp nếu Tòa án không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của đương sự mà đáng lẽ ra cần phải ra quyết định đó dẫn đến thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì cũng phải bồi thường. Bên cạnh đó luật cũng chưa đưa ra được căn cứ cụ thể nào của việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà trao trách nhiệm hoàn toàn cho Tòa án cân nhắc và quyết định, thậm chí còn quy định trách nhiệm cho cả đương sự trong trường hợp có yêu cầu đó, được quy định tại Khoản 1, Điều 68.

Mặt khác, dự luật cũng quy định: để có thể xem xét thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời trước khi Tòa án thụ lý vụ án thì Chánh án chỉ định ngay một thẩm phán thụ lý đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là một quy định mới trong Luật tố tụng hành chính, nhưng thật ra nó không mới trong thủ tục tố tụng dân sự, vì thủ tục tố tụng dân sự cũng có quy định. Điều bất cập là cho đến nay trong tố tụng dân sự vẫn chưa có hướng dẫn nào để đảm bảo tính khả thi của quy định này. Bởi lẽ hiện tại Tòa án của Việt Nam chúng ta chưa có chế độ làm việc ngoài giờ hoặc chế độ tiếp dân ngoài giờ hành chính trong ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ, vậy ai sẽ là người tiếp nhận đơn ngoài giờ làm việc, thậm chí trong cả ngày nghỉ. Chính vì thế tôi nghĩ rằng để quy định này có tính khả thi, luật cần phải có một cơ chế, thì mới có thể thực hiện được quy định này trong thực tế. Ví dụ cho phép người có yêu cầu không chỉ đến trụ sở của Tòa án vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính mà còn có thể đến nhà riêng của thẩm phán của Tòa án đó để yêu cầu xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thứ hai, về phân định thẩm quyền giữa các cấp Tòa án, luật không có khoản nào quy định rõ thẩm quyền của Tòa án tối cao mà chỉ quy định thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, điều này cũng sẽ gây ra sự hụt hẫng cho người đọc, mặc dù trong giới luật học người ta vẫn biết thẩm quyền đó của Tòa án tối cao, nhưng đối với người dân khi người ta đọc luật người ta sẽ cảm thấy trong toàn văn luật này không có quy định nào về thẩm quyền của Tòa án tối cao. Do đó luật này nên có một khoản chỉ rõ rằng Tòa án nhân dân tối cao không chỉ ngoài là cấp phúc thẩm còn là cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với các quyết định giải quyết vụ án hành chính của Tòa án nhân dân các cấp.

Thứ ba, về phân định thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan hành chính. Tôi kiến nghị dự thảo luật này nên kế thừa Pháp lệnh giải quyết thủ tục các vụ án hành chính hiện hành mà quy định rõ ngay trong luật này, chứ không nên giao thẩm quyền hướng dẫn cho Tòa án tối cao về việc phân định thẩm quyền đối với các trường hợp vừa có đơn khiếu nại hành chính, vừa có đơn khởi kiện vụ án hành chính về một vụ việc chỉ có một người hay một vụ việc có nhiều người. Như vậy sẽ rõ ràng và minh bạch hơn, đồng thời cũng phân biệt rõ một vụ việc có nhiều người khiếu kiện là trường hợp nhiều người cùng khiếu kiện đối với cùng một quyết định hành chính hay hành vi hành chính và có chung một mục đích, một yêu cầu và khác với trường hợp tuy nhiều người khiếu kiện đối với cùng một quyết định hành chính hay hành vi hành chính. Nhưng mục đích, yêu cầu khác nhau thì lại cấu thành những vụ việc khác nhau. Hiện nay pháp luật tố tụng hành chính hiện hành, kể cả nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao cũng không có hướng dẫn rõ về vấn đề này.

Thứ tư, về yêu cầu thi hành án hành chính và quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính. Theo tôi được biết một trong những đặc trưng của thủ tục tố tụng hành chính là không có cơ quan thi hành án hành chính chuyên trách, bởi xuất phát từ đặc thù của vụ án mà bị đơn là cơ quan hành chính Nhà nước. Tôi nghĩ rằng sở dĩ luật quy định như vậy là xuất phát từ lợi ích của người dân. Bởi do trong thực tế thời gian qua cơ quan hành chính Nhà nước vốn là bị đơn không tự giác thi hành bản án hành chính, cho nên buộc luật phải giao cho cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm thi hành án hành chính. Thật ra tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước khi có quyết định của Tòa án quyết định rằng quyết định của cơ quan hành chính là không đúng. Tuy nhiên, dù luật đã cố gắng đưa ra một cơ chế thể hiện trong luật thật sự có ý nghĩa bảo vệ tốt hơn cho người dân, nhưng vô hình chung đẩy trách nhiệm này lên cho cơ quan thi hành án dân sự. Chúng ta cũng nên thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế có rất nhiều trường hợp anh bị thi hành án hành chính cũng có chức vụ, quyền hạn to hơn anh thi hành án dân sự rất nhiều, cũng rất khó và nghịch lý khi anh nhỏ hơn bắt anh lớn hơn phải thi hành mệnh lệnh của mình.

Ở đây tôi nghĩ luật nên thiết kế cơ chế để thi hành, không nên giao cho ai quản lý, lĩnh vực nào cũng cần phải có quản lý Nhà nước và cũng không nên giao cho cơ quan thi hành án dân sự, bởi vì tính chất của thi hành án dân sự khác với hành chính. Chúng ta lưu ý đây là trách nhiệm công vụ, cho nên luật này nên đi theo hướng là bên cạnh việc quy định thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án trong trường hợp cần thiết thì có thể buộc phải chấp hành quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, trừ các quyết định về phần tài sản trong các bản án của Tòa án thì được thi hành theo Luật thi hành án dân sự.

Ở đây luật cũng nên quy định luôn trách nhiệm của người đứng đầu là phải chấp hành việc này. Nếu không chấp hành thì có hình thức gì để đảm bảo kỷ cương và gương mẫu của cơ quan Nhà nước trong mối quan hệ với người dân. Có như vậy thì người dân mới thêm tin tưởng vào bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời cũng góp phần tăng cường sự vận hành thông suốt của bộ máy hành chính.

Thứ năm là mối quan hệ của luật này với Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước tôi thấy chưa có sự nhất quán, cho nên có đặt vấn đề là sửa đổi, bổ sung Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước về vấn đề có liên quan khi chúng ta mở rộng thẩm quyền của dự thảo luật này hay không.

Cuối cùng tôi xin kiến nghị, kiến nghị này là của Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân và việc nới lỏng điều kiện khởi kiện vụ án hành chính là cần thiết, nhưng cần phải có lộ trình. Tôi nghĩ đây là một kiến nghị của Tòa án nhân dân tối cao mà Quốc hội cũng cần phải xem xét để quy định vào chương điều khoản thi hành của luật để luật này có tính khả thi hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan