Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Anh – TP Hà Nội

Thứ Tư 14:14 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội.

Kính thưa Đoàn Chủ tọa.

Về dự án Luật tố tụng hành chính, tôi xin có hai ý kiến sau đây. Trước hết tôi tán thành với Ban soạn thảo trong việc đưa vào dự án Luật tố tụng hành chính qui định về cơ chế xử lý đối với bản án quyết định của Tòa án trong lĩnh vực hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nhưng hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc trong trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng phát hiện có sai lầm qui định ở các Điều 228, 229, 237 và 238. Tôi cho rằng qui định của luật hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Luật tổ chức Tòa án theo qui định của Điều 134 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trên cơ sở Hiến pháp Khoản 1, Điều 21 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 qui định: "Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm".

Như vậy mặc dù Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 qui định Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nhưng không có nghĩa là việc xét xử Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là duy nhất và là cuối cùng. Vì vậy các vụ án hành chính đã có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng phát hiện có sai lầm hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi căn bản nội dung của bản án thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoàn toàn có thể tự mình xem xét lại. Mặt khác việc trao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cũng không trái với nguyên tắc hay cách xét xử của Tòa án. Bởi lẽ xét về bản chất thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà là cơ chế sửa sai trong hoạt động xét xử của Tòa án, khi một vụ án mà bản án quyết định có sai lầm thì cần phải sửa chữa những sai lầm đó, bất luận việc sửa chữa đó được thực hiện một lần hay hai lần.

Tuy nhiên tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điều 228 vào Khoản 1, Điều 237, qui định Bộ trưởng Bộ tư pháp cũng có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vì lý do sau đây:

Thứ nhất, đây là cơ chế đặc biệt sửa sai quyết định bản án của Tòa án liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước có đối tượng xét xử là quyết định hành chính, hành vi hành chính.Bộ tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ trong việc bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ ban hành, trong đó có các quyết định hành chính.

Thứ hai, theo quy định của Khoản 2 Điều 229 và Khoản 2 Điều 238, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trong thành phần phiên họp của Hội đồng thẩm phán để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn là người lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính theo như quy định của Khoản 2 Điều 244 dự án luật này. Trên cương vị đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có điều kiện tiếp cận với bản án quyết định của Tòa án và khi phát hiện có sai lầm thì Bộ trưởng có thể kiến nghị ngay mà không cần phải thông qua đề nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc là đề nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thứ ba, quy định này bảo đảm cho người dân có thêm một địa chỉ gửi đơn thư trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vấn đề thứ hai, đối với nội dung phát biểu của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa sơ thẩm Điều 161. Với tư cách là người đại diện cơ quan kiểm sát đều tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của cơ quan tư pháp, Kiểm sát viên chỉ nên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án như quy định tại Điều 161 dự thảo luật, mà không nên phát biểu quan điểm về việc giải quyết nội dung vụ án. Quy định như vậy sẽ phù hợp với vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử cũng như tính khách quan của phiên tòa. Tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm việc Kiểm sát viên có thể phát biểu cả về nội dung vụ án, cả về việc tuân theo pháp luật của người thi hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Việc phát biểu của Kiểm sát viên lúc này một mặt để kiểm sát hoạt động tư pháp, tức là mặt chấp hành pháp luật trong quá trình xét xử của Tòa án cũng như nội dung các bản án quyết định của Tòa án; mặt khác bảo vệ quyết định, kháng nghị trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị.

Xin hết. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan