Góp ý của TS Nguyễn Văn Tuyến – Đại học Luật Hà Nội

Thứ Hai 09:28 09-07-2007


MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ NỘI DUNG
 DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN


 TS. Nguyễn Văn Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội

Ở bất cứ quốc gia nào, thuế thu nhập cá nhân luôn có một vai trò không thể phủ nhận trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO và ngày càng tham gia một cách sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, việc ban hành một đạo luật về thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thông lệ quốc tế là điều cần thiết và cấp bách.

Bài viết này của chúng tôi xin tham góp một vài ý kiến nhằm vào những vấn đề còn nhiều tranh luận trong Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, với hy vọng góp phần làm sáng rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam. Trên cơ sở đó góp phần đảm bảo tính hợp lý, khả thi cho đạo luật này trong thực tiễn.

1. Về đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân

Trên nguyên tắc, loại thuế này chỉ áp dụng đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế, bao gồm thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh và thu nhập phát sinh ngoài hoạt động kinh doanh của cá nhân.

Để đảm bảo nguyên tắc này, theo chúng tôi cần lưu ý hai vấn đề sau đây liên quan đến đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân:
- Cần xem xét lại tính hợp lý và chính xác của việc dự thảo Luật quy định áp dụng loại thuế này đối với chủ thể là chủ hộ gia đình, vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, đối với khoản thu nhập từ kinh doanh hoặc từ chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, về bản chất đó là thu nhập chung của hộ gia đình trong đó mỗi thành viên của hộ gia đình đều được hưởng chứ không riêng gì chủ hộ. Vì vậy, nếu muốn áp dụng thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thu nhập này thì nhất thiết phải cá thể hóa nghĩa vụ thuế cho từng cá nhân là thành viên trong hộ gia đình, bằng cách xác định rõ phần thu nhập thực tế mà mỗi cá nhân thành viên trong hộ gia đình được hưởng để tính thuế cho từng cá nhân đó, chứ không thể đòi hỏi chủ hộ gia đình phải chịu thuế chung thay cho tất cả các thành viên khác. Nếu có chăng, để thuận tiện cho việc quản lý thuế thì Nhà nước có thể yêu cầu chủ hộ gia đình thay mặt cho các thành viên trong hộ tiến hành việc kê khai thu nhập của từng cá nhân thành viên để tính thuế và nộp thuế cho các thành viên đó, với tư cách là người được ủy quyền đại diện. Nói cách khác, cần xác định rằng chủ thể nộp thuế thu nhập cá nhân chính là mỗi cá nhân thành viên trong hộ gia đình (trong đó có cá nhân là chủ hộ) chứ không phải người nộp thuế là hộ gia đình mà chủ hộ là người đại diện.

Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh trên khoản thu nhập chịu thuế của từng cá nhân và việc chế tài sự vi phạm pháp luật thuế cũng nhằm vào mỗi cá nhân là người nộp thuế. Chẳng hạn, nếu một trong các thành viên của hộ gia đình có hành vi vi phạm pháp luật thuế thu nhập cá nhân thì chỉ riêng cá nhân thành viên đó phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình, chứ không thể quy trách nhiệm cho chủ hộ gia đình phải chịu. Vì vậy, nếu quy định rằng chủ hộ gia đình là người phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thu nhập từ sản xuất kinh doanh của hộ gia đình hay từ việc chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình là không hợp lý và không thỏa đáng.

Từ các lý do nêu trên, chúng tôi cho rằng chỉ cần quy định chủ thể nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân có thu nhập chịu thuế là đủ và chính xác. Trong trường hợp thu nhập chịu thuế là thu nhập chung của các thành viên trong hộ gia đình thì pháp luật có thể quy định chủ hộ là người đại diện cho các thành viên trong việc tiến hành các thủ tục đăng ký, kê khai, tính thuế và nộp thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng nghĩa vụ thuế vẫn là nghĩa vụ riêng biệt và độc lập của mỗi thành viên trong hộ gia đình đó đối với Nhà nước. Trong trường hợp các cá nhân là thành viên của hộ gia đình có thu nhập riêng nhưng chưa đến tuổi thành niên hoặc bị tàn tật, hoặc là người được nuôi dưỡng bởi thành viên khác và cùng sống chung một nhà với thành viên này thì khoản thu nhập đó được cộng vào tổng thu nhập chịu thuế của thành viên có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự tương đồng với pháp luật các nước về thuế thu nhập cá nhân1.

- Cần đưa thêm đối tượng cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân vào diện là chủ thể nộp thuế thu nhập cá nhân chứ không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện nay, vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, theo thông lệ quốc tế, pháp luật các nước hầu như chia thuế thu nhập thành hai loại: thuế thu nhập công ty đánh vào các công ty có thu nhập; còn thuế thu nhập cá nhân đánh vào cá nhân có thu nhập, không phân biệt nguồn phát sinh thu nhập là từ hoạt động kinh doanh hay không phải kinh doanh. Việc đưa đối tượng cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân sang nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện nay là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, xét về bản chất, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng có thể xem như là một cá nhân kinh doanh (mặc dù có thành lập doanh nghiệp của riêng mình), vì toàn bộ khối tài sản đưa vào kinh doanh vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân chứ không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân với tài sản của chủ doanh nghiệp (giống như trường hợp doanh nghiệp là công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn); đồng thời, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân bằng toàn bộ tài sản của mình. Mặt khác, thu nhập mà doanh nghiệp tư nhân tạo ra từ hoạt động kinh doanh thực chất là thu nhập của cá nhân chủ doanh nghiệp và vì thế, cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân phải nộp thuế đối với khoản thu nhập này của mình.

Thứ ba, trong tương lai, có thể Việt Nam cũng cần phải đổi tên “thuế thu nhập doanh nghiệp” thành “thuế thu nhập công ty” cho phù hợp với thông lệ quốc tế, vì bản thân “doanh nghiệp” là khái niệm không rõ ràng và không hoàn toàn chính xác, không được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Trong khi đó, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 của Việt Nam thì “doanh nghiệp tư nhân” cũng không được coi là một loại công ty, vì thế việc chuyển đối tượng cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân sang nộp thuế thu nhập cá nhân là hợp lý và có cơ sở khoa học.

2. Về thu nhập chịu thuế

Để phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế thu nhập cá nhân, chúng tôi cho rằng giải pháp mở rộng đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân là hợp lý. Giải pháp này không những góp phần làm tăng khả năng thu cho ngân sách nhà nước mà còn đảm bảo cho chính sách thuế thu nhập được công bằng hơn, dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến chúng tôi, để đảm bảo tính hợp lý và khả thi của Luật thuế thu nhập cá nhân, cần cân nhắc một số vấn đề sau đây liên quan đến thu nhập chịu thuế:

- Cần cân nhắc đến tính hợp pháp của các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, vì theo thông lệ chung, các nước hầu như chỉ đánh thuế vào những khoản thu nhập hợp pháp của cá nhân, còn những khoản thu nhập bất hợp pháp của cá nhân thì không chịu thuế mà bị xử lý bằng các biện pháp khác (ví dụ như tịch thu sung công quỹ…). Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành không đề cập gì đến tính hợp pháp của các khoản thu nhập chịu thuế. Cách quy định như vậy có thể tạo nên sự thuận lợi, dễ dàng cho quá trình thu thuế của cơ quan thuế vì họ không phải chứng minh tính hợp pháp của các khoản thu nhập chịu thuế của người nộp thuế nhưng mặt khác, việc không đòi hỏi tính hợp pháp của các khoản thu nhập chịu thuế có thể dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý hậu quả vi phạm pháp luật của cá nhân, chẳng hạn như trường hợp cá nhân có thu nhập bất hợp pháp nhưng vẫn kê khai thuế thu nhập để nộp thuế nhằm lẩn tránh trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của họ. Ngoài ra, đối với những khoản thu nhập bất hợp pháp của cá nhân, việc kê khai, tính thuế và nộp thuế thu nhập cá nhân có thể vô tình tạo điều kiện cho cá nhân thực hiện hành vi “rửa tiền” bằng thủ đoạn nộp thuế thu nhập, trong khi đáng lý ra những khoản thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị tịch thu sung công quỹ toàn bộ, chứ không phải nộp một phần vào ngân sách nhà nước dưới dạng thuế thu nhập cá nhân.

- Cần cân nhắc đến những tác động bất lợi của việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào khoản thu nhập về chuyển nhượng chứng khoán đối với thị trường chứng khoán nói chung và quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân nói riêng. Trong thời gian qua, mặc dù có khá nhiều nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam giàu lên nhanh chóng nhờ khoản thu nhập từ đầu tư chứng khoán nhưng hiện tượng đó chỉ là nhất thời chứ không phải thường xuyên và ổn định. Vì vậy, theo ý kiến chúng tôi, tuy có thể vẫn đưa khoản thu nhập này vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân nhưng cần giảm thiểu những hiệu ứng tiêu cực của quy định này đối với giới đầu tư cá nhân và đối với thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam bằng cách quy định một lộ trình hợp lý về áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Mặt khác, cũng cần xem xét lại mức thuế suất đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán sao cho phù hợp với nhu cầu thu hút giới đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán.

- Cần xem xét lại quy định về việc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập về lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh. Theo chúng tôi, việc đánh thuế đối với khoản thu nhập này là không hợp lý (ngoại trừ trường hợp đánh thuế vào khoản thu nhập về lãi được chia từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức), vì thông thường trước khi chia lợi tức cổ phần hoặc lợi tức góp vốn kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức là người góp vốn thì tổ chức kinh tế nhận vốn góp đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế thu nhập công ty) trên toàn bộ số thu nhập mà tổ chức này có được trong kỳ tính thuế. Như vậy, nếu tiếp tục đánh thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập được chia cho cá nhân là người góp vốn sẽ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật thuế như: nguyên tắc công bằng, nguyên tắc đánh thuế phù hợp với khả năng của người nộp thuế, đặc biệt là nguyên tắc không đánh thuế thu nhập hai lần đối với một khoản thu nhập chịu thuế của người nộp thuế.  

Hơn nữa, việc loại bỏ khoản thu nhập này trong danh mục thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ đảm bảo sự tương đồng với quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó “Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận được khoản thu nhập từ các hoạt động góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, liên kết kinh tế mà khoản thu nhập đó đã được cơ sở kinh doanh nhận vốn cổ phần, vốn liên doanh, liên kết kinh tế nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chia cho thì khoản thu nhập này không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, nếu muốn đánh thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này của cá nhân thì pháp luật cần phải quy định việc cho phép cá nhân đó được khấu trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp mà tổ chức nhận vốn góp đã nộp cho Nhà nước, trước khi chia lãi theo tỷ lệ vốn góp cho những người góp vốn2.

- Cần bổ sung thêm khoản thu nhập về cho thuê tài sản của cá nhân (không phải là hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp) vào danh mục các khoản thu nhập chịu thuế tại Điều 4 Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Chúng tôi cho rằng việc bổ sung thêm khoản thu nhập này vào diện thu nhập chịu thuế là hợp lý và cần thiết, bởi vì hiện nay khoản thu nhập này của cá nhân đang phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi đó Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành lại “bỏ sót” khoản thu nhập này, có lẽ vì Ban soạn thảo cho rằng nó đã thuộc về khoản thu nhập từ sản xuất, kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, quan niệm như vậy là không hợp lý, bởi vì trong thực tế không phải mọi hành vi cho thuê tài sản của cá nhân đều là hành vi kinh doanh và do đó cũng không phải mọi thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản đều là thu nhập từ sản xuất kinh doanh để phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân.

3. Về thu nhập không chịu thuế

Điều 5 của Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân quy định 15 loại thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Về cơ bản, chúng tôi đồng ý với phương án được nêu trong Dự thảo Luật nhưng xét thấy cần cân nhắc thêm về một số khoản thu nhập sau đây khi đưa vào diện không chịu thuế thu nhập cá nhân:

- Cần cân nhắc thêm về việc không đánh thuế đối với khoản thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất. Theo ý kiến chúng tôi, quy định như vậy tuy thể hiện được mục tiêu nhân đạo của chính sách thuế thu nhập nhưng có thể là “lỗ hổng” để cho một số cá nhân lợi dụng trốn thuế và tránh thuế, bằng cách chỉ kê khai một chỗ ở duy nhất, mặc dù trên thực tế họ có quyền sở hữu đối với nhiều nhà ở và có quyền sử dụng đối với nhiều lô đất ở khác nhau.

Tuy nhiên, nếu muốn đạt mục tiêu nhân đạo như trên thì có thể lựa chọn giải pháp chuyển trường hợp này sang diện được xét miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, theo kinh nghiệm của một số nước như Cộng hòa Pháp3.

- Cần cân nhắc thêm về việc không đánh thuế đối với khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, vì điều này có thể dẫn đến sự đối xử không công bằng về nghĩa vụ thuế giữa cá nhân và tổ chức có thu nhập từ lãi tiền gửi4.

Theo ý kiến chúng tôi, nên đưa khoản thu nhập này vào danh mục chịu thuế thu nhập cá nhân vì đây là loại thu nhập rất dễ quản lý, thông qua việc cung cấp thông tin từ hệ thống tài khoản tiền gửi tiết kiệm của cá nhân mở tại ngân hàng. Hơn nữa, trên thực tế do khoản tiền gửi tiết kiệm của cá nhân tại ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu vốn huy động của một ngân hàng thương mại nên dù có bị đánh thuế đối với khoản thu nhập này thì mức độ ảnh hưởng đối với khả năng huy động vốn của các ngân hàng cũng là không lớn. Mặt khác, việc đưa khoản thu nhập về lãi tiền gửi tiết kiệm vào diện thu nhập chịu thuế sẽ đảm bảo sự điều tiết công bằng giữa thu nhập của cá nhân với thu nhập của tổ chức kinh doanh đang chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể cân nhắc lựa chọn một giải pháp dung hòa để khuyến khích việc cá nhân gửi tiền tiết kiệm mà vẫn đảm bảo việc đối xử công bằng về thuế thu nhập giữa các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ lãi tiền gửi, bằng cách chỉ đánh thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập về lãi tiền gửi tiết kiệm bình quân hàng tháng trên 5 triệu đồng, với mức thuế suất thấp nhất nên là 5% số thu nhập vượt quá 5 triệu đồng/tháng (tương đương với mức thuế suất áp dụng đối với khoản thu nhập về đầu tư vốn theo Dự thảo hiện nay). Điều này có nghĩa là chỉ những cá nhân có khoản tiền gửi lớn và có thu nhập cao (không còn có tính chất là khoản “tiết kiệm”) mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn những cá nhân có thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm bình quân đạt 5 triệu đồng/tháng thì không phải chịu thuế và vẫn thỏa mãn nhu cầu “tiết kiệm” của họ.

4. Về khoản giảm trừ gia cảnh

Quy định về chiết trừ hay giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế thu nhập cá nhân là vấn để mang tính phổ biến trong Luật thuế thu nhập cá nhân ở hầu hết các nước trên thế giới, tuy rằng nội dung cụ thể của chế độ này có thể khác nhau theo pháp luật từng nước.

Theo ý kiến chúng tôi, để phù hợp với hoàn cảnh thu nhập thực tế của người Việt Nam, Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân nên quy định mức giảm trừ gia cảnh như sau:

a) Phần giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế nên là 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm);

b) Phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc nên là 2 triệu đồng/tháng cho phù hợp với mức sống bình quân tối thiểu của người Việt Nam trong thời điểm áp dụng Luật thuế (năm 2009).

c) Tổng số giảm trừ đối với người phụ thuộc cho mỗi cá nhân nộp thuế không quá 12 triệu đồng/tháng.

5. Về Biểu thuế đối với cá nhân cư trú

Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân quy định có tính chất phân biệt hai loại Biểu thuế thu nhập, bao gồm Biểu thuế lũy tiến từng phần và Biểu thuế toàn phần là hợp lý và tương đồng với thông lệ quốc tế.

Về Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với khoản thu nhập chính của cá nhân từ hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công, theo chúng tôi là phù hợp với hoàn cảnh thực tế của người dân Việt Nam về thu nhập hiện nay và cũng tương đồng với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, có trình độ phát triển kinh tế, xã hội tương tự như Việt Nam.
Về Biểu thuế toàn phần, theo ý kiến chúng tôi cần xem xét lại phương án nêu trong Dự thảo Luật vì có một vài mức thuế suất theo dự kiến là không hợp lý với điều kiện thực tế ở Việt Nam và có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía người nộp thuế. Cụ thể là:

- Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, nên quy định thuế suất là 15% tổng thu nhập mỗi lần phát sinh.

- Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (trong đó bao gồm cả thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán), nên quy định áp dụng mức thuế suất là 15% tổng thu nhập phát sinh trong kỳ tính thuế theo quy định của pháp luật đối với từng loại thu nhập.
Việc điều chỉnh thuế suất trong Biểu thuế toàn phần theo hướng nêu trên chính là nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng đóng thuế của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, không làm giảm khát vọng làm giàu chính đáng của mỗi cá nhân khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản.

6. Về quản lý thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định của Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân thì việc quản lý thuế bao gồm các hoạt động đăng ký thuế, kê khai thuế, tính thuế, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế được thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế. Tuy nhiên, có một thực tế là, hiện nay có rất nhiều đơn vị khi chi trả thu nhập cho cá nhân (ví dụ tiền thù lao giảng dạy, tiền thù lao nghiên cứu khoa học và thù lao hướng dẫn nghiên cứu khoa học, tiền nhuận bút…) đã công khai tuyên bố tạm khấu trừ số thuế thu nhập cá nhân (thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao) trước khi trả cho người thụ hưởng, với lý do là tuân thủ quy định của Bộ Tài chính, nhưng không hề cấp biên lai thuế cho người nộp thuế. Cuối năm, cả người nộp thuế và cơ quan, đơn vị chi trả thu nhập có khấu trừ thuế không hề thực hiện việc quyết toán thuế để xác định số thuế phải nộp, số thuế được hoàn trả cho người nộp thuế nên hầu như người nộp thuế không biết được rằng số tiền thuế mà họ đã tạm nộp khi nhận thu nhập có được nộp vào Kho bạc Nhà nước hay không và nếu muốn nhận lại số tiền thuế mà họ đã tạm nộp khi chứng minh rằng tổng thu nhập trong năm của họ chưa phải chịu thuế thì sẽ nhận lại từ cơ quan nào? Chúng tôi thiết nghĩ, cách quản lý thuế như vậy là chưa chặt chẽ và không khoa học, có thể tạo điều kiện cho một số cơ quan, đơn vị, cá nhân lợi dụng để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước mà cả Nhà nước và chính người nộp thuế không thể kiểm soát, giám sát được.

 Theo ý kiến chúng tôi, việc cơ quan thuế ủy quyền thu thuế thu nhập cá nhân cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp chi trả thu nhập là cách quản lý thuế thu nhập rất hiện đại và hiệu quả. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ về cơ chế ủy quyền và nội dung ủy quyền (chỉ ủy quyền thu thuế hay cả ủy quyền cấp biên lai thuế và quyết toán thuế) và các thông tin này phải được công bố công khai cho người nộp thuế biết để họ tuân thủ và thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan, đơn vị trực tiếp khấu trừ thuế tại nguồn khi chi trả thu nhập. Có như vậy mới đảm bảo tính công khai, minh bạch của chính sách thuế và đảm bảo được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người nộp thuế.

7. Về thời điểm có hiệu lực của Luật thuế thu nhập cá nhân

Chúng tôi cho rằng việc Dự thảo Luật quy định thời điểm có hiệu lực của Luật thuế thu nhập cá nhân kể từ 01/01/2009 là hợp lý, đảm bảo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc thực thi Luật trên thực tế.

Trên đây là ý kiến trao đổi của chúng tôi về một số vấn đề được nêu trong Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, theo hướng gợi ý của Ban soạn thảo. Chúng tôi hy vọng rằng những ý kiến này sẽ được Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc một cách thỏa đáng khi tham khảo để góp phần hoàn thiện hơn nội dung của Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân trong thời gian tới./.


1 Giải pháp này đã được áp dụng tại Cộng hòa Pháp và được quy định trong Bộ luật thuế của quốc gia này. Nguồn: Michel Bouvier - Nhập môn Luật thuế đại cương và lý thuyết thuế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, trang 91, 92.

2 Giải pháp này cũng đã từng được áp dụng tại Pháp, dưới tên gọi là “tín dụng thuế”. Có thể xem thêm các thông tin về vấn đề này tại Nguồn: Michel Bouvier - Nhập môn Luật thuế đại cương và lý thuyết thuế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, trang 109.

3 Theo kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp, có nhiều trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng tài sản của cá nhân được miễn thuế, ví dụ như trường hợp chuyển nhượng tài sản là nhà ở chính hoặc nhà ở thứ hai nhưng người bán không phải là chủ sở hữu của nhà ở chính; thu nhập về chuyển nhượng đất nông nghiệp; thu nhập về tiền bồi thường bảo hiểm… Dẫn bởi nguồn: Michel Bouvier - Nhập môn Luật thuế đại cương và lý thuyết thuế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, trang 112.

4 Theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thì các cơ sở kinh doanh có thu nhập về lãi tiền gửi phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoản thu nhập đó .

Các văn bản liên quan