Bài phát biểu của Ông Nguyễn Văn Phụng – Bộ Tài chính

Thứ Hai 09:25 09-07-2007


MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN


  Nguyễn Văn Phụng
 
Trước hết, với tư cách là một công dân của nước Việt Nam, tôi xin hoan nghênh và đánh giá rất cao việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đây không những thể hiện việc đề cao ý thức, trách nhiệm công dân, thúc đẩy dân chủ, tạo cơ hội cho công dân được tham gia vào quá trình lập pháp, mà còn thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm rất cao và sự thận trọng của UBTVQH khoá XI trước việc chuyển giao cho Quốc hội khoá XII xem xét thông qua một đạo luật thuế quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn.
Nhân dịp được dự cuộc hội thảo do Tạp chí Nghiên cứu lập pháp – Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổng cục thuế - Bộ Tài chính đồng tổ chức, tôi có nguyện vọng được bày tỏ với quý vị đại biểu (đặc biệt là các vị Đại biểu Quốc hội vừa trúng cử Quốc hội khoá XII, quý vị đại diện các Uỷ ban của Quốc hội, các nhà báo, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý và cơ quan soạn thảo) về một số ý kiến xung quanh dự thảo Luật thuế TNCN như sau:
 
1- Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng nộp thuế

Có thể nói, dự thảo Luật thuế TNCN được đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này khá tốt cả về nội dung, cấu trúc và văn phạm. Dự thảo luật đã bảo đảm được nguyên tắc chung của thuế TNCN theo đúng bản chất của nó và thông lệ quốc tế khi quy định đối tượng nộp thuế TNCN bao gồm tất cả các cá nhân có thu nhập từ những nguồn khác nhau. Theo đó, các cá nhân, chủ hộ kinh doanh đang nộp thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và cá nhân, chủ hộ gia đình có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đang nộp thuế theo quy định của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất sẽ được chuyển sang áp dụng Luật thuế TNCN.

Quy định như dự thảo ngoài việc bảo đảm được sự hợp lý, đồng bộ của hệ thống pháp luật thuế, bảo đảm tính thống nhất trong chính sách động viên, còn thể hiện rất rõ sự quán triệt tư tưởng khoan sức dân: Những người kinh doanh thay vì nộp thuế 28% ngay từ đồng thu nhập đầu tiên sẽ được áp dụng mức chiết giảm gia cảnh như người làm công ăn lương (nghĩa là, chỉ phải nộp thuế trên số thu nhập cao hơn mức chiết giảm gia cảnh với mức thuế suất 5%, 10%, 15%,... tính trên từng phần thu nhập). Đại bộ phận những người đang nộp thuế thu nhập cao sẽ được nộp thuế ít hơn trước; người Việt Nam [ở trong nước] nếu như lâu nay nộp thuế cao hơn người nước ngoài thì tới đây sẽ được bình đẳng hơn do cùng áp dụng biểu thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, một đối tượng cần được quan tâm xem xét kỹ hơn trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế TNCN và pháp luật thuế TNDN, đó là chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo pháp luật hiện hành, chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ phải nộp thuế TNDN (không phải nộp thuế thu nhập cao), trong đó tiền lương của anh ta không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế. Về ý nghĩa kinh tế, thu nhập của chủ hộ kinh doanh cá thể không có sự khác biệt với thu nhập của chủ DNTN nhưng nghĩa vụ thuế chắc chắn sẽ có sự khác biệt không nhỏ giữa quy định của Luật thuế TNDN và Luật thuế TNCN. Do đó, rất cần có sự lý giải cụ thể về vấn đề này, đồng thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN cần phải có những quy định thật cụ thể để giải quyết một số điểm sau đây:

- Thứ nhất, cùng là hoạt động kinh doanh nhưng DNTN có những thuận lợi hơn so với mô hình hộ kinh doanh do được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp. Hiện tại, chúng ta đã có Luật thuế TNDN điều chỉnh thu nhập của doanh nghiệp, trong đó có DNTN. Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 24/12/2004) thì Luật này cũng sẽ được sửa đổi toàn diện để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật thuế TNCN.

- Cần làm rõ chủ DNTN sẽ không phải nộp thuế TNCN đối với thu nhập còn lại của doanh nghiệp do anh ta làm chủ (sau khi đã nộp thuế TNDN) để người dân thật sự yên tâm. Bởi vì, cũng có ý kiến cho rằng chủ DNTN đồng thời là nhà đầu tư, bỏ vốn vào doanh nghiệp, khoản thu nhập sau thuế của doanh nghiệp này cũng chính là thu nhập từ đầu tư, tương tự như cổ tức được chia do mua cổ phần của doanh nghiệp khác.
 
2- Về thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế

Điều 4 của dự thảo Luật thuế TNCN quy định về thu nhập chịu thuế và sắp xếp thành 6 loại đã thể hiện sự bao quát khá toàn diện, bảo đảm sự tương thích và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, về thu nhập không chịu thuế (Điều 5), tôi đồng tình với nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Quang A về sự chưa thật tốt trong dự thảo. Riêng nội dung miễn thuế TNCN cho các khoản đóng góp từ thiện, các tổ chức phi vụ lợi, tôi xin được trao đổi ở nội dung điểm 5.

Nhiều chuyên gia thuế quốc tế cho rằng quy định quá nhiều khoản thu nhập không phải chịu thuế đưa đến thiệt hại kép: Vừa thu hẹp diện nộp thuế, vừa làm cho tăng tính phức tạp của Luật trong thực thi, tăng chi phí xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi nhận thức về thuế của người dân và không ít cán bộ còn chưa đạt được trình độ như các nước; tập quán, thói quen ỷ lại, suy bì, tỵ nạnh... chưa thể đổi thay ngay trong điều kiện mới của nền kinh tế xã hội; ngân sách nhà nước chưa đủ mạnh để giải quyết tất cả các chính xã hội,... thì việc kế thừa các chính sách ưu đãi hiện có [mặc dù không ít khoản rất bất hợp lý] để quy định trong Điều 5 là bước đi hợp lý nhất. Tuy nhiên, sẽ là tốt hơn rất nhiều nếu như sàng lọc kỹ 15 khoản thu nhập không chịu thuế để tách ra, đồng thời bổ sung một điều luật mới quy định về thu nhập tạm thời chưa thu thuế (thí dụ các khoản 6, 7, 9, 11 và 14 của Điều 5). Bởi vì, trong đời sống xã hội của nước ta qua thực tiễn cho thấy sau này khi nhận thức và thu nhập xã hội khá hơn thì việc chuyển từ quy định “tạm thời chưa thu” vào “thu nhập chịu thuế” sẽ dễ dàng đạt được sự đồng thuận cao hơn so với việc chuyển từ “thu nhập không chịu thuế”.
 
3- Về khoản giảm trừ gia cảnh

Hơn 1 năm qua, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về khoản giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế và những người phụ thuộc phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Có không ít ý kiến cho rằng việc Nhà nước quy định mức 4 triệu đồng hay 5 triệu đồng/tháng không bảo đảm mức sống trung bình của người nộp thuế vào năm 2009. Theo tôi, nhận định đó thực sự chưa thoả đáng vì việc quy định ra mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế không mang ý nghĩa Nhà nước định mức mức sống dân cư. Mức giảm trừ càng không phải là mức để thoả mãn nhu cầu riêng của từng cá nhân mà là mức thu nhập làm căn cứ để xem xét, cân nhắc thu nhập dân cư đến mức nào đó mới đặt vấn đề động viên một phần cho ngân sách (một phần nhỏ thôi) mà vẫn bảo đảm cho người nộp thuế nhu cầu chi tiêu để tái sản xuất sức lao động, thoả mãn nhu cầu ăn ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, hưởng thụ văn hoá,... Nói một cách khác, khoản giảm trừ cho cá nhân có tính đến chi phí sinh hoạt tối thiểu, có tính đến khả năng nộp thuế, do đó không thể không tính đến thu nhập bình quân xã hội hoặc GDP bình quân đầu người. Chúng ta sẽ xem ở các nước trên thế giới và xung quanh ta họ áp dụng như thế nào qua phân tích một vài số liệu trong tài liệu của dự án Luật thuế TNCN.

Đối với Trung Quốc, họ không áp dụng khẩu trừ gia cảnh mà quy định mức khởi điểm là 1.201 USD (mức khoán gọn áp dụng cho mọi cá nhân, không phân biệt theo gia cảnh), so với GDP bình quân đầu người (1.274 USD) tương đương với hệ số 0,94 lần. Ở Mã-lai-xi-a, hệ số so sánh giữa mức giảm trừ cá nhân (3.252 USD) và GDP bình quân đầu người (4.867 USD) là 0,66 lần; Thái Lan có hệ số 1,66 lần (4.339/2.623); In-đô-nê-xi-a có hệ số cao hơn: 1,88 lần (1.834/977). Trong khi đó ở Việt Nam ta, với dự kiến mức giảm trừ cơ bản cho cá nhân là 4 triệu đồng/tháng, GDP bình quân đầu người vào thời điểm 2009 là 1.000 USD thì mức giảm trừ cao gấp 3 lần GDP. Về phương diện này, một số chuyên gia quốc tế cho rằng chúng ta đã “xài sang hơn cái mà mình có được”. Đương nhiên, với mức giảm trừ này, cộng thêm khoản giảm trừ cho những người phụ thuộc mà người nộp thuế phải cấp dưỡng, nuôi dưỡng thì diện nộp thuế TNCN sẽ rất hẹp. Theo ước tính của cá nhân tôi, số người làm công ăn lương thuộc diện nộp thuế có thể sẽ giảm tới 20% so với hiện nay; Đối với các hộ kinh doanh công thương nghiệp, trong tổng số hộ kinh doanh có môn bài dự kiến khoảng 2 triệu vào thời điểm 2009 (theo thống kê năm 2006 là 1,7 triệu hộ), mặc dù đã tính đến yếu tố tăng trưởng, ước tính vẫn có tới 80% số hộ ở mức thu nhập thấp hơn mức giảm trừ cá nhân và do đó, không phải nộp thuế TNCN. Như vậy, với mức giảm trừ nêu trên, số lượng người nộp thuế không nhiều, dẫn đến khả năng giảm thu ngân sách nhà nước mỗi năm dăm ba trăm tỷ đồng (so với thực hiện theo quy định của Luật thuế TNDN hiện hành) là điều khó tránh khỏi, ít ra là trong vài ba năm đầu thực hiện Luật thuế TNCN.

Với cách nhìn nhận từ thực tế đời sống xã hội trên cơ sở những số liệu trên đây, có so sánh với các nước trong khu vực có điều kiện tương tự như nước ta, tôi xin mạnh dạn đề xuất với Quốc hội cho hạ mức giảm trừ cho cá nhân xuống khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, yêu cầu động viên thuế TNCN cần được xây dựng trên cơ sở xem xét mức sống phổ biến của xã hội chứ không thể và không bao giờ có thể thoả mãn với mức sống đầy đủ theo nhu cầu riêng của cá nhân. Sau khi nộp một phần nhỏ tiền thuế, với đại bộ phận thu nhập còn lại [là niềm mơ ước của hàng vài chục triệu người] thiết nghĩ vẫn không thể để người nộp thuế nghèo đi. Xin hãy tham khảo vài số liệu trong bảng tính đơn giản dưới đây mô tả về một người nộp thuế độc thân, với mức giảm trừ cá nhân 3 triệu đồng/tháng, áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần theo dự thảo Luật thuế TNCN.

Đơn vị: đồng


Thu nhập phát sinh

Thu nhập tính thuế (đã trừ 3 tr.đ)

Số thuế phải nộp theo biểu luỹ tiến

Thuế suất thực ( % trên thu nhập)

Thu nhập còn lại sau khi nộp thuế

(1)

(2)

(3)

(4 = 3/1)

(5 = 1- 3)

4.000.000

1.000.000

50.000

1,25

3.950.000

5.000.000

2.000.000

100.000

2,00

4.900.000

6.000.000

3.000.000

150.000

2,50

5.850.000

7.000.000

4.000.000

200.000

2,85

6.800.000

8.000.000

5.000.000

250.000

3,12

7.750.000

9.000.000

6.000.000

300.000

3,33

8.700.000

10.000.000

7.000.000

350.000

3,50

9.650.000

 
          Nếu người nộp thuế có người phụ thuộc phải nuôi dưỡng, mức giảm trừ cần áp dụng bằng 40% mức trừ cho cá nhân (1,2 triệu đồng/tháng/người), khi đó, số thuế phải nộp sẽ còn thấp hơn số liệu ở bảng trên.
 
          4- Về biểu thuế luỹ tiến từng phần

Có một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định một biểu thuế luỹ tiến từng phần với 7 bậc thuế suất dường như đi ngược lại với trào lưu chung của thế giới. Về nội dung này, tôi xin được trao đổi như sau:

- Thứ nhất, về số lượng và khoảng cách giữa các bậc thuế của biểu thuế luỹ tiến từng phần tại Điều 20 (áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh): Xét về mặt lý luận và thực tiễn thì một biểu thuế càng ít số lượng mức thuế suất và khoảng cách giữa các bậc càng xa thì càng đơn giản, càng dễ quản lý nên sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn cho công tác quản lý của cơ quan thuế. Trái lại, việc lựa chọn phương án nhiều thuế suất và giữ khoảng cách ngắn hơn giữa các bậc thu nhập sẽ cho phép thực hiện được yêu cầu công bằng hơn. Thực tế các nước trong khu vực cho thấy: Mã-lai-xi-a và Trung Quốc áp dụng 9 bậc thuế suất (riêng thu nhập từ kinh doanh, Trung Quốc áp dụng biểu thuế suất 5 bậc) biểu thuế của Nhật Bản gồm có thuế Trung ương 4 bậc, thuế địa phương 3 bậc; biểu thuế của Phi-lip-pin có 7 bậc, Thái Lan có 6 bậc và In-đô-nê-xi-a có 5 bậc.[1]

Ở nước ta, Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành đang có 4 bậc thuế suất là 10%, 20%, 30% và 40%. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện cụ thể của nước ta cho thấy dự thảo Luật áp dụng biểu thuế luỹ tiến gồm 7 bậc với thuế suất thấp nhất 5%, khoảng cách giữa các bậc thuế 5% và thuế suất cao nhất 35% là phù hợp vì đạt được những ưu điểm sau đây:

+ Cùng với việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc (thay cho mức khởi điểm mang nặng tính bình quân cào bằng) việc hạ thuế suất ở bậc thấp nhất từ 10% xuống 5%, bậc cao nhất từ 40% giảm xuống 35%, khoảng cách giữa bậc trên với bậc dưới là 10% cũng được rút ngắn hơn 5%,... vừa thể hiện tư tưởng khoan sức dân, vừa bảo đảm sự quan tâm, chiếu cố đến người có thu nhập thấp hơn trong số những người nộp thuế.

+ Mức thuế suất tối đa 35% đạt được các yêu cầu: bảo đảm được sự hợp lý so với thuế thu nhập doanh nghiệp (28%), bảo đảm sự tương đồng với các nước trong khu vực nhằm tạo sự cạnh tranh về thu hút lao động tay nghề cao (thuế suất cao nhất của Trung Quốc là 45%, Thái Lan: 37%, In-đô-nê-xi-a: 35%).

+ Số lượng thuế suất (7 bậc) và khoảng cách giữa các bậc là 5% như dự thảo tuy có làm cho công tác quản lý thuế phức tạp hơn biểu thuế 4 bậc hiện hành nhưng bù lại, sẽ đạt được yêu cầu công bằng hơn và những mục đích như trên, vì thế trong thời gian đầu thực hiện, Nhà nước cần nhận lấy sự khó khăn trong quản lý thuế để tạo thuận lợi hơn cho người nộp.

- Thứ hai, về tính hợp lý của các mức bằng tiền tại mỗi bậc thuế trong biểu thuế luỹ tiến từng phần: Về mặt kỹ thuật, khoảng cách của mức thu nhập bằng tiền tại mỗi bậc thuế (hoặc mức cận trên của thu nhập tại mỗi bậc so với bậc trước đó) cần phải bảo đảm tính hợp lý so với hệ số tăng của thuế suất. Theo dự thảo luật thì thuế suất tại bậc 2 là 10%, gấp 2 lần thuế suất tại bậc 1 (5%), thuế suất tại bậc 3 (15%) gấp 1,5 lần bậc 2, thuế suất tại bậc 4 gấp 1,333 lần bậc 3, các hệ số tiếp theo là 1,25 lần, 1,20 lần và 1,166 lần. Trong khi đó, mức cận trên của thu nhập tại bậc 2 là 120 triệu đồng (gấp 2 lần tại bậc 1), mức trên tại bậc 3 là 216 triệu đồng (gấp 1,8 lần bậc 2), bậc 4 gấp 1,778 tại bậc 3, bậc 5 gấp 1,625 lần bậc 4,... Như vậy, nếu như khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế trong biểu được điều chỉnh hẹp lại để không có sự cách biệt khá xa so với hệ số tăng thuế suất thì sẽ hợp lý, công bằng hơn và phù hợp hơn với điều kiện của nước ta trong thời gian đầu.
 
5- Về việc giảm trừ vào thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp, ủng hộ cho các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi vụ lợi

Tại bài tham luận của Tiến sỹ Nguyễn Quang A có đề cập đến việc xem xét cho trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế khoản đóng góp mà người nộp thuế đã ủng hộ cho các tổ chức từ thiện. Liên quan đến việc này, năm 2005 tôi đã phối hợp  với các đồng nghiệp đang công tác tại Bộ Nội vụ và một số tổ chức hội (tổ chức phi chính phủ) thực hiện một nghiên cứu khá sâu về chính sách thuế đối với tổ chức phi vụ lợi. Dưới đây xin được báo cáo trước các quý vị đại biểu một số thông tin ở các nước[2] được nghiên cứu để tham khảo, giúp cho việc cân nhắc được toàn diện và phù hợp với thực tế của nước ta.

Tại nhiều nước trên thế giới, các tổ chức hội, tổ chức xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận (gọi tắt là các tổ chức phi vụ lợi - NPOs)[3] là những đối tác quan trọng của chính phủ trong các nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Trong vài thập kỷ gần đây, quá trình cải cách kinh tế xã hội diễn ra trên thế giới cho thấy một xu thế chung là: cùng với việc cải cách thể chế nhà nước, xác định rõ hơn vai trò, chức năng và nhiệm vụ của chính phủ trong tổ chức quản lý, điều hành xã hội, nhiều quốc gia đã dành sự quan tâm ngày càng nhiều đến việc tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm tạo cơ hội cho NPOs hoạt động và tham gia ngày càng nhiều vào việc cung cấp dịch vụ công cộng, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện, giáo dục, phát triển khoa học, nghệ thuật, bảo vệ môi trường,... hướng tới các mô hình xã hội dân chủ và phát triển bền vững. Về mặt tài chính, để tạo điều kiện cho các NPOs được pháp luật thừa nhận có thể hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ và phát triển phù hợp với các thiết chế xã hội, luật pháp của các nước quy định và điều chỉnh các quan hệ về kinh tế, tài chính giữa các tổ chức với chính phủ, giữa các tổ chức với nhau, giữa các tổ chức với thành viên của họ (bao gồm cả thành viên là pháp nhân và thể nhân), quan hệ với các đối tác nước ngoài, giữa các tổ chức với các nhà tài trợ, giữa tổ chức với các thành viên trong xã hội được thụ hưởng dịch vụ hoặc lợi ích nhất định do các tổ chức thực hiện. Pháp luật thuế cũng có những quy định rất chặt chẽ để kiểm soát cả các tổ chức NPOs và các nhà tài trợ nhằm ngăn ngừa các hành vi lạm dụng quyên góp, cụ thể như sau:

- Quy định đối với nhà tài trợ: Nhiều nước cho phép doanh nghiệp và cá nhân được trừ vào thu nhập chịu thuế khoản đóng góp, tài trợ cho các tổ chức NPOs, tuy nhiên không phải việc tài trợ cho bất kỳ tổ chức nào cũng được chấp nhận mà phải thoả mãn các điều kiện: Tổ chức nhận tài trợ phải có tên trong “Danh sách được chỉ định”[4], thực hiện chuyển tiền qua ngân hàng, có mã số thuế để nhà chức trách thuế hoặc cơ quan kiểm toán có thể kiểm soát. Cá biệt cũng có nước áp dụng quy định cho giảm trừ vào số thuế phải nộp (giảm thuế) hoặc hoàn lại thuế (Anh) đối với số đóng góp; riêng Hungary năm 1996 có ban hành luật cho phép người nộp thuế được quyền yêu cầu chuyển 1 phần trăm (1%) số thuế phải trả sang cho các NPOs do họ tự chỉ định thay vì phải nộp toàn bộ tiền thuế vào ngân khố.[5] Dù bằng phương thức khấu trừ vào thu nhập hay giảm thuế tương ứng với số đóng góp từ thiện, tất cả các nước đều không chế mức tiền tối đa được pháp luật quy định. Người nào có lòng hảo tâm hơn, hoặc muốn “nổi danh” hơn mà đóng góp từ thiện nhiều hơn thì xin vui lòng tự móc “hầu bao” của anh ta ra.

- Quy định ràng buộc đối với tổ chức NPOs: Một tổ chức NPO muốn được nhận tài trợ phải thoả mãn đủ các điều kiện: Đăng ký hoạt động trong lĩnh vực từ thiện do pháp luật quy định; đăng ký và được cấp mã số thuế; có sổ sách kế toán được kiểm toán (bắt buộc) hàng năm; thực hiện khai thuế, quyết toán thuế hàng năm; công bố ra công chúng báo cáo hoạt động và báo cáo tài chính hàng năm,... Đặc biệt, nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng quá đáng thông qua hoạt động từ thiện, rất nhiều nước có quy định việc trả lương cho nhân viên của tổ chức NPOs không được cao hơn mức bình quân xã hội, hoặc có các quy định chặt chẽ để kiểm soát các hạng mục chi tiêu của NPOs. Đồng thời, pháp luật cũng có quy định việc truy thu thuế, xử phạt thuế rất nặng đối với những hạng mục chi tiêu của NPOs không đúng với mục đích từ thiện được miễn thuế. Trường hợp tái phạm các quy định về thuế, về chi tiêu tài chính, kiểm toán, công khai,... thì tổ chức NPOs có thể bị xoá sổ.[6]

Những thông tin về thực tế một số nước trên đây được đặt trong bối cảnh, điều kiện luật pháp thể chế của nước ta hiện nay cho thấy rất khó có thể áp dụng ngay những kinh nghiệm của các nước khi chưa được nghiên cứu hết sức nghiêm túc và bài bản. Đặc biệt, khi chưa có các quy định pháp luật rõ ràng và đầy đủ về hoạt động của các tổ chức phi vụ lợi, Luật về hội chưa được Quốc hội ban hành,... thì các quy định về ưu đãi thuế đối với khoản đóng góp, ủng hộ nếu được quy định ngay trong Luật thuế TNCN có thể đưa đến kết quả “lợi bất cập hại” đối với chính thể này.

Trên đây là một vài ý kiến các nhân xin được tham gia đóng góp với quý vị đại biểu./.

[1] Xem The Global Executive, Ernst & Young (2003).

[2]  Các nước trong phạm vi nghiên cứu gồm Hoa Kỳ, các nước Trung và Đông Âu: Albania, Bosnia & Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Cộng hoà Séc, Estonia, Hungary, Lithuania, Latvia, Macedonia, Ba Lan, Romania, Slovakia, và Yugoslavia.

[3] Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định chính thống về Tổ chức phi vụ lợi trong khi thuật ngữ “tổ chức Hội” thường được hiểu theo phạm vi rất rộng, bao gồm cả các tổ chức hội nghề nghiệp, hội tương hỗ (hoạt động chủ yếu vì lợi ích của các thành viên), hội từ thiện, hội hoạt động vì mục tiêu cộng đồng. Thực tế cũng có một số tổ chức hoạt động không vì mục tiêu kiếm lời nhưng không sử dụng tên gọi là “hội”. Do đó, để có thể bao quát được tất cả các Tổ chức không vì mục tiêu lợi nhuận được hiểu theo tập quán quốc tế và không bị hiểu lầm với “tổ chức Hội” nói chung theo ngữ cảnh của Việt Nam hiện nay, báo cáo này sử dụng từ viết tắt tiếng Anh với ngụ ý đề cập đến Tổ chức không vì mục tiêu lợi nhuận.

[4]  Pháp luật của nhiều nước có quy định phải công bố hàng năm danh sách các tổ chức NPOs được phép nhận tài trợ mà người đóng góp cho tổ chức này được khấu trừ vào thu nhập trước thuế khoản từ thiện; cũng có nước chỉ đưa ra tiêu chí. Hầu hết các nước có quy định nghiêm cấm việc tài trợ cho các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước (như Uỷ ban nhân dân, cơ quan công an địa phương,...).

[5] Bằng cơ chế này đã tạo nên một nguồn quỹ đáng kể tới 9 triệu đô la trong năm đầu tiên để hỗ trợ cho các hoạt động vì lợi ích xã hội. Slovakia gần đây cũng đã ban hành luật tương tự, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002.
 

[6]  Hoa Kỳ ban hành Bộ luật Tổng Thu nhập Quốc dân năm 1986 (gọi tắt là Bộ luật), trong đó có điều khoản 501 (c) (3) quy định về thuế đối với các tổ chức từ thiện, sau khi được sửa đổi Bộ luật bao gồm các luật thuế thu nhập liên bang của Hoa Kỳ. Các điều khoản của Bộ luật này được áp dụng theo Quy định về Ngân khố của Hoa Kỳ (gọi tắt là Quy định). Bộ luật và Quy định này cho phép miễn thuế thu nhập cho nhiều loại hình tổ chức khác nhau trong đó có NPOs.
 

Các văn bản liên quan