Góp ý của Ths. Nguyễn Thị Thủy – Giảng viên khoa Luật Thương mại – ĐH Luật Tp. HCM.

Thứ Hai 09:42 09-07-2007


GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

          Ths. Nguyễn Thị Thủy - Giảng viên khoa Luật Thương mại – ĐH Luật Tp. HCM. 
                      

           1- Mục tiêu, yêu cầu của việc ban hành thuế thu nhập cá nhân.

            Khi Nhà nước quyết định ban hành một sắc thuế để áp dụng trên thực tế thì cắc thuế đó phải đảm đương những mục tiêu nhất định. Để đạt được những mục tiêu cốt lõi mà Nhà nước hướng đến, việc xây dựng các điều khoản quy định về sắc thuế phải rõ ràng, có cơ sở khoa học và đảm bảo các nguyên tắc chung khi xây dựng hệ thống pháp luật thuế. Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, việc ban hành sắc thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân đồng thời chủ thể nộp thuế của sắc thuế này rất rộng, do vậy, khi ban hành thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước phải hướng đến những mục tiêu, yêu cầu sau:

·        Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bất kỳ một sắc thuế nào cũng phải đảm đương trách nhiệm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đây chính là mục tiêu đầu tiên khi nhà nước quyết định ban hành một sắc thuế. Cơ sở cao nhất để nhà nước thu thuế đối với các nhân sống trong xã hội đó là khi khi một người sống trong một quốc gia, họ sẽ được quốc gia đó đảm bảo cho họ những quyền lợi nhất định như sự an toàn, quyền tự do đi lại, tự do cư trú, quyền được làm việc, học tập và chăm sóc sức khỏe…Để đảm bảo những quyền lợi trên cho cá nhân, Nhà nước phải bỏ ra những khoản chi phí để phục vụ cho các công việc này, vì vậy, khi đã sống trong một quốc gia, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp một phần nguồn tài chính mà người đó có được cho quốc gia đó. Như vậy, việc cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính cho nhà nước để nhà nước duy trì các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng là lẽ đương nhiên. Nhà nước ban hành thuế không chỉ để nhằm phục vụ cho người nộp thuế mà còn phục vụ cho lợi ích chung của toàn xã hội, vì vậy, nếu có sự xung đột về lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế thì về nguyên tắc, sẽ ưu tiên cho lợi ích của nhà nước. Tuy nhiên để đảm bảo tính thực thi của các sắc thuế, thì những khoản thu mà nhà nước đề ra phải hợp lý, không được mang tính tận thu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

·        Đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Mục tiêu chính của nhà nước khi ban hành các sắc thuế là tạo nguồn thu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Sống trong một quốc gia thì mọi người dân đều có các quyền và nghĩa vụ cơ bản như nhau, do vậy, việc đóng góp tài chính để phục vụ cho hoạt động của nhà nước nước cũng phải công bằng. Nếu một sắc thuế được ban hành không đảm bảo tính công bằng sẽ dẫn đến sự xung đột về lợi ích giữa những người nộp thuế và như vậy, tính thực thi của sắc thuế sẽ không được đảm bảo.

Thuế thu nhập các nhân là sắc thuế có đối tượng nộp thuế rất rộng là sắc thuế trực thu áp dụng đối với những cá nhân có thu nhập trong xã hội nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân vì vậy tính công bằng càng phải được đảm bảo. Tính công bằng ở đây thể hiện, mọi cá nhân có thu nhập đều phải nộp thuế, người có thu nhập thấp nộp thuế ít, người có thu nhập cao nộp thuế nhiều, phần thu nhập của người có thu nhập cao bằng phần thu nhập của người có thu nhập thấp thì nộp thuế như nhau, người có thu nhập cao hơn chỉ phải nộp thuế nhiều hơn cho phần thu nhập cao hơn của mình. Để đảm bảo tính công bằng, Nhà nước phải có cơ chế thu đúng, thu đủ các khoản thu nhập chịu thuế của cá nhân vào ngân sách nhà nước, những khoản thu nhập nào nhà nước chưa thể kiểm soátt chặt chẽ và đầy đủ thì không nên đưa vào diện chịu thuế.

·        Tính thực thi.

Một sắc thuế sau khi ban hành không đảm bảo được tính thực thi có nghĩa rằng các nội dung trong sắc thuế đó chưa phù hợp với thực tiễn, trái với lợi ích của người dân. Để một sắc thuế thực thi thì phải đảm bảo được tính công bằng, cách thức quản lý các khoản thu nhập phải rõ ràng, có hiệu quả, cơ chế xử lý các hành vi vi phạm quy định của sắc thuế phải minh bạch, mang tính trừng phạt và răn đe cao. Đối với thuế thu nhập cá nhân, là sắc thuế thu trực tiếp vào thu nhập của các cá nhân trong xã hội nên nếu không đảm bảo tính công bằng sẽ gây ra sự phản ứng trong nhân dân và như vậy nhà nước sẽ khó thu được thuế. Tuy nhiên, nếu các quy định của sắc thuế thể hiện sự công bằng nhưng nhà nước không quản lý tốt các khoản thu nhập thì tính công bằng sẽ bị phá vỡ. Ngoài ra, nếu cơ chế xử lý vi phạm sắc thuế không nghiêm sẽ dẫn đến sự coi thường pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân đối với nhà nước và tình trạng trốn thuế ắt sẽ xảy ra.

           2- Một số góp ý.

            Từ những mục tiêu, yêu cầu được phân tích trên đây, chúng tôi xin có một vài góp ý cho dự thảo thuế thu nhập cá nhân như sau:

            Thứ nhất, khoản thu nhập từ lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn khác không nên đưa vào diện thu nhập chịu thuế. Chúng tôi đưa ra kiến nghị trên vì hai lý do sau:
- Khoản thu nhập từ lợi tức cổ phần và lợi tức từ các hình thức góp vốn khác được trả sau khi doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, nhà đầu tư muốn nhận được khoản thu nhập này đã phải trả tiền thuế cho nhà nước thông qua việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu nhà nước thu thuế thu nhập cá nhân trên phần lợi tức cổ phần mà nhà đầu tư nhận được thì khoản thu nhập này phải chịu thuế hai lần. Lần thứ nhất chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, lần thứ hai chịu thuế thu nhập cá nhân. Điều này thể hiện sự bất hợp lý ở chỗ, cùng là khoản tiền đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng nếu là của chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân kinh doanh thì chỉ phải chịu thuế một lần, còn nếu đây là của các nhà đầu tư cổ phiếu, đầu tư dưới các hình thức góp vốn khác thì phải chịu thuế đến hai lần.

            - Nếu nhà nước thu thuế vào thu nhập từ lợi tức cổ phiếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trên thị trường khoán. Cụ thể, hiện nay, trên thị trường chứng khoán hiện đang có rất ít nhà đầu tư dài hạn và chuyên nghiệp, các chủ thể đầu tư trên thị trường đa số nhằm mục đích mua đi bán lại kiếm lời mà không quan tâm đến phần cổ tức được hưởng trên cổ phiếu. Những nhà đầu tư dài hạn là những nhà đầu tư gắn bó với công ty, họ quan tâm nhiều đến hiệu quả hoạt động của công ty để quyết định bỏ vốn đầu tư dài hạn, mục đích họ nhắm đến đầu tiên là tiền cổ tức họ được hưởng. Những trường hợp này chúng ta nên khuyến khích vì tạo tính ổn định cho thị trường chứng khoán. Nếu chúng ta không thu thuế vào lợi tức cổ phiếu sẽ vừa là sự ưu đãi cho nhà đầu tư dài hạn vừa là yếu tố góp phần tạo sự ổn định cho thị trường chứng khoán đang còn rất non trẻ của Việt nam.

            Thứ hai, khoản thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng đất ở, nhà ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một đất ở, nhà ở duy nhất đưa vào diện không chịu thuế theo chúng tôi là không khả thi. Tính không khả thi ở đây thể hiện, để chứng minh một người chỉ có một đất ở, nhà ở duy nhất buộc cơ quan nhà nước phải điều tra, nếu trong phạm vi một tỉnh, thành phố thì không khó nhưng nếu ở khác tỉnh thành phố thì khá phức tạp, mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí, hơn nữa lại không đảm bảo tính công bằng ở chỗ, cũng là nhà đất của người đó nhưng để người khác đứng tên thì không bị điều tiết thuế, trong khi đó chính người đó đứng tên thì lại bị điều tiết. Hơn nữa, nếu pháp luật quy định như trên, vô hình chung sẽ dẫn đến việc nhờ người khác đứng tên để lách thuế và điều này sẽ tạo ra tranh chấp về đất đai, nhà ở. Theo chúng tôi, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, nhà ở duy nhất vẫn chịu thuế, tuy nhiên nếu người này chuyển nhượng để chuyển nơi ở thì nên đưa vào diện miễn thuế. Với cách làm này, chúng ta vẫn đảm bảo ưu đãi cho người chuyển nhượng đất ở, nhà ở duy nhất để thay đổi chỗ ở, đồng thời tránh được sự phiền phức cũng như các chi phí mà nhà nước bỏ ra để chứng minh người đó chỉ có một đất ở, nhà ở duy nhất (khi đưa vào diện miễn thuế, tự các cá nhân phải chứng minh mình chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất và việc chuyển nhượng này chỉ nhằm mục đích thay đổi chỗ ở).

           Thứ ba, quy định về giá đất chuyển nhượng để tính thu nhập chịu thuế. Theo quy định của dự thảo, giá đất chuyển nhượng căn cứ vào giá thực tế chuyển nhượng, tức căn cứ vào giá thị trường theo hợp đồng mua bán giữa các bên, trường hợp giá chuyển nhượng đất trong hợp đồng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định có hiệu lực tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định căn cứ vào giá đất do Ủy ban nhân nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành. Theo chúng tôi, quy định trên vừa không đảm bảo tính công bằng lại thiếu tính khả thi, cụ thể:
- Tính không công bằng thể hiện, với quy định trên đây, nếu người nào trung thực khai đúng giá trị đất thực tế chuyển nhượng thì phải đóng thuế cao, trong khi đó những người không khai thật giá thực tế chuyển nhượng thì chỉ phải nộp thuế theo giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mà giá này trên thực tế là thấp hơn nhiều so với giá thực tế giao dịch.

            - Tính không thực thi thể hiện, với cách lựa chọn giữa hai loại giá: giá thị trường và giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định thì Nhà nước hầu như sẽ không thu được thuế theo giá thị trường khi giá thị trường cao hơn.

            Chính vì lý do trên mà chúng tôi kiến nghị, Luật thuế thu nhập cá nhân chỉ nên quy định giá đất chuyển nhượng là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Quy định như vậy vừa đảm bảo tính công bằng, tính thực thi lại phù hợp với quy định của Luật đất đai “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý” vì vậy nhà nước được quyền đưa ra mức giá tính thuế mà không cần căn cứ vào giá giao dịch trên thực tế.

            Thứ tư, khoản thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, cụ thể là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nên chia làm hai trường hợp: chuyển nhượng trên sàn giao dịch tập trung và chuyển nhượng ở thị trường phi tập trung. Chúng tôi đưa ra kiến nghị trên vì hiệu quả quản lý thu nhập trong hai trường hợp trên là khác nhau. Cụ thể, các giao dịch chuyển nhượng chứng khoán trên sàn giao dịch tập trung bao giờ cũng phải thông qua công ty chứng khoán, do vậy nhà đầu tư sẽ không thể nào khai thấp thu nhập chuyển nhượng để trốn thuế. Trong trường hợp này, nhà nước quản lý được chính xác khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của nhà đầu tư nên chỉ cần thu trên khoản thu nhập thực tế mà các chủ thể này có được. Tuy nhiên, đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường phi tập trung là do các chủ thể trực tiếp chuyển nhượng với nhau và như vậy họ hoàn toàn có thể tự thỏa thuận với nhau hạ thấp giá chuyển nhượng để có lợi cho cả hai bên trong việc nộp thuế cho nhà nước. Với hình thức chuyển nhượng này nhà nước không thể nào quản lý được thu nhập phát sinh và như vậy sẽ bất công bằng trong trường hợp chuyển nhượng chứng khoán trên sàn giao dịch tập trung thì nhà nước thu thuế, trong khi hoạt động chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường phi tập trung thì nhà nước không thể thu được thuế. Theo chúng tôi, đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường phi tập trung, nhà nước sẽ thu thuế theo từng lần chuyển nhượng tính trên giá trị chuyển nhượng chứ không nên căn cứ vào thu nhập phát sinh, mức thu là 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng. Mặc dù với cách này có thể bất hợp lý ở chỗ, trong một số trường hợp, nhà đầu tư không phát sinh lợi nhuận mà nhà nước vẫn thu nhưng như vậy sẽ tạo được sự công bằng, nhà nước thu được thuế đồng thời khuyến khích các công ty niêm yết trên sàn.

Tóm lại, thuế thu nhập cá nhân là sắc thuế có phạm vi điều chỉnh rộng, cách thức quản lý thu nhập chịu thuế của sắc thuế này khá phức tạp, do vậy, để ban hành được một sắc thuế đảm bảo tính công bằng tuyệt đối và tính thực thi cao là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với sự quan tâm góp ý của đông đảo người dân, của các cơ quan, các tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực thuế… Quốc hội sẽ ban hành được một sắc thuế vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo tính công bằng và thực thi cao.

Tp. HCM ngày 24 tháng 6 năm 2007.

Các văn bản liên quan