Góp ý của ông Nguyễn Quang Vũ – VPLS Freshfields

Thứ Sáu 10:38 26-05-2006
[size=18][b]Góp ý của ông Nguyễn Quang Vũ, Văn phòng Luật sư Freshfields Hà Nội


Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Luật Doanh nghiệp quy định 4 loại hình doanh nghiệp. theo tôi cần đưa thêm một số loại hình doanh nghiệp vì trên thực tế có rất nhiều loại hình tổ chức kinh doanh ví dụ văn phòng luật sư theo Pháp lệnh luật sư. Bản chất văn phòng luật sư cũng là một tổ chức kinh doanh nhưng không được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp. Hoặc Bộ Tư pháp có Văn phòng môi giới nuôi con nuôi, trong dầu khí có công ty liên doanh điều hành chung, trong lĩnh vực giáo dục có trường tư thục, bệnh viện tư thục. Tất cả những thứ này về bản chất là tổ chức có hoạt động kinh doanh. Chúng ta nên đưa tất cả vào Luật Doanh nghiệp hoặc hạn chế các tổ chức kinh doanh không có luật điều chỉnh. Trong Luật Đầu tư nước ngoài có hình thức đầu tư quan trọng là hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) nếu Luật Doanh nghiệp thống nhất không có BCC thì sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư trong dự án đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn dưới hình thức BCC. Kể cả đầu tư trong nước trên thực tế, cũng có nhiều dự án liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp với nhau, trong lĩnh vực bất động sản chủ yếu là đất Nhà nước, tư nhân bỏ tiền xây căn hộ bán lại cho người tiêu dùng. Tất cả về bản chất là hợp đồng BCC. Theo tôi cần có Chương về BCC để bảo vệ các bên trong hợp đồng BCC chứ để chế định hợp đồng điều chỉnh thì không đủ đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Dự thảo có định nghĩa doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp có hơn 50% vốn góp của nước ngoài bao gồm cả doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam. Điều này rõ ràng thay đổi hẳn so với các hiệp định đầu tư. Luật Đầu tư nước ngoài cũng quy định mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều là pháp nhân Việt Nam.

Trong quy định về hình thức công ty hợp danh, nên chăng đưa thêm hình thức công ty hợp danh TNHH. Ví dụ trong công ty luật, luật sư tư vấn chịu trách nhiệm vô hạn trong vụ việc đó, các luật sư khác không liên quan đến vụ việc đó chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp vào công ty hợp danh. Như thế mới tạo ra điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực kế toán, luật phát triển được. Vì một khi công ty luật có 500-1000 luật sư hợp danh thì không thể biết và tin nhau được để có chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới. Nên chăng nghiên cứu để thêm công ty hợp danh TNHH.
Ngoài ra, quy định Chính phủ quy định danh mục ngành nghề cấm, hạn chế kinh doanh đối với người nước ngoài, theo tôi Luật này chỉ nên có hiệu lực khi danh mục đó đã sẵn sàng. Nếu không thì thực tiễn chúng ta cản trở đầu tư nước ngoài trong một thời gian nhất định.

Trong Điều 9 có thay đổi là hạn chế quyền góp vốn. Trước trong Luật Doanh nghiệp chỉ có hạn chế thành lập và quản lý doanh nghiệp đối với cán bộ công chức. Theo tôi không hợp lý, hạn chế góp vốn có mục tiêu là gì? Nếu là chống tham nhũng ta có thể có biện pháp khác hoặc buộc ai trong cơ quan công quyền góp vốn thì phải đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh và bất kì người dân nào cũng có thể yêu cầu cơ quan đăng kí kinh doanh tiết lộ thông tin đó cho họ. Đó là một cách đảm bảo người làm ăn trung thực có quyền góp vốn. Nhiều người có tiền mà không được bỏ vào kinh doanh là một thiệt thòi. Trong quy định về cung cấp thông tin đăng kí kinh doanh, cá nhân tổ chức chỉ được yêu cầu cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc trích lục bản sao. Theo tôi nên quy định bất kì cá nhân tổ chức nào cũng có quyền lấy được mọi thông tin đã có trong đơn đăng kí kinh doanh bao gồm điều lệ, danh sách thành viên sáng lập, xác nhận vốn pháp định nếu có. Việc công bố công khai thông tin cho mọi người sẽ giảm chi phí giao dịch với đối tác của doanh nghiệp. Bản thân tôi là luật sư khi tư vấn cho khách hành mất rất nhiều thời gian xin tài liệu từ đối tác kia. Nếu cơ quan đăng kí kinh doanh có thủ tục, cơ sở dữ liệu rõ ràng cho phép chúng tôi tiếp cận thông tin như điều lệ chứ không chỉ giấy chứng nhận.

Trong Mục “tên doanh nghiệp”, có quy định tên phải bằng tiếng Việt. Theo tôi không nên quá đề cao tiếng Việt trong việc đặt tên doanh nghiệp vì chúng ta đang quốc tế hoá, làm sao một tên tiềng Việt có thể trở thành thương hiệu nổi tiếng nếu mọi người không đọc được tiếng Việt. Thực ra lại hạn chế phát triển thương hiệu Việt Nam. ở Trung Quốc có công ty máy tính mua lại IBM phải đổi tên từ Hồng Kì thành Lenovo để tên họ nổi tiếng trên thế giới.

Điều 23 nói về định giá tài sản sai lệch giá thị trường trong 5 năm phải liên đới chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ phát sinh từ việc đó. Theo tôi chỉ nên hạn chế phạm vi chịu trách nhiệm trong phạm vi chênh lệch đó thôi. Nếu không thành ra trách nhiệm vô hạn mà giá thị trường lại khó xác định chính xác.

Trong quy định về con dấu, “không ai được mang con dấu ra khỏi trụ sở”. Quy định này là không cần thiết, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Về tính trách nhiệm hữu hạn, công ty TNHH và công ty cổ phần có điểm khác nhau. Công ty TNHH thì thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã cam kết, trong khi Điều 51 lại quy định cổ đông công ty cổ phần chịu trách nhiệm trong phần vốn đã góp. Tại sao lại có sự khác nhau? Theo tôi để hợp lý thì cả 2 nên chịu trách nhiệm trong phần vốn đã cam kết.

Trong Điều 30, “cổ đông không rút vốn ra khỏi công ty dưới mọi hình thức trừ trường hợp chuyển nhượng”. Nhưng ở điều khác, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại khi phản đối quyết định của đại hội đồng cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại. Cả 2 thực chất là cổ đông rút vốn. Không nên hạn chế rút vốn. Tôi có quyền rút ra khỏi khỏi công ty miễn là sau khi rút vốn ra công ty vẫn đảm bảo khả năng thanh toán cho các khoản nợ.

Trong quy định về bỏ phiếu Dự thảo đưa ra mức 51% cho các vấn đề thông thường và 71% cho vấn đề sửa đổi điều lệ và tái cơ cấu. Tôi thấy tỉ lệ như vậy như vậy quá bảo vệ cổ đông thiểu số mà hạn chế hoạt động của công ty. Nếu để 65% thì tỷ lệ trên 50% sẽ là công ty con là vô lý vì kể cả nắm 51% vẫn không thể kiểm soát được công ty thì sao là công ty mẹ của công ty con được. Như vậy các thông số 50% phải đưa lên thành 65% nhưng thế là quá cao. Nếu thế các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá bị hạn chế, Nhà nước chỉ dám bán 66%, không thể bán xuống 51% vì Nhà nước sẽ mất quyền quản lý.

Trong tiêu chí về giám đốc, quy định giám đốc không được dưới 21 tuổi. Theo Bộ luật Dân sự 18 tuổi đã đủ năng lực hành vi dân sự, sao để 21 tuổi. Để học hết đại học mới làm giám đốc chăng? Có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế là tiêu chí không định lượng được nên rất khó áp dụng.

Trong công ty cổ phần có Mục “quyền tra cứu thông tin” trong đó có quyền xem xét biên bản họp hội đồng quản trị, nghị quyết hội đồng quản trị. Theo tôi không hợp lý vì cổ đông không có quyền tham gia cuộc họp của hội đồng quản trị, sao có quyền xem biên bản và nghị quyết. Trên thực tế mọi nghị quyết hội đồng quản trị rất nhạy cảm với công ty về mặt kinh doanh. Nếu tiết lộ cho cổ đông thì hạn chế hoạt động kinh doanh. Về cổ phiếu có quy định cổ phiếu ghi tên, không ghi tên. Nhưng về bản chất của công ty cổ phần, cổ đông chỉ có quyền sở hữu khi đầy đủ chi tiết tên, địa chỉ cổ đông trong sổ đăng kí cổ đông của công ty. Như vậy đưa ra không có ý nghĩa.

Cuối cùng là một mục về bỏ phiếu, mức 65% là quá cao vì 51% đã là quá bán là đủ. Hiện nay trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp thông thường đều quy định 50% nếu đưa lên 65% là quá lớn.

Các văn bản liên quan