Góp ý của ông Phạm Xuân Hoàng – ĐHQG Hà Nội

Thứ Sáu 10:39 26-05-2006
[size=18]Góp ý của ông Phạm Xuân Hoàng - Đại học Quốc gia Hà Nội

Xin góp ý 2 mục: Mục 7 và 14. Mục 7, bác Thái góp ý về tiêu chuẩn người được uỷ quyền. Tôi góp ý trái điều đó. Theo tôi không cần đặt ra tiêu chuẩn người được uỷ quyền. Cần phân biệt tôi thuê ai đó (uỷ quyền) với việc thuê một công nhân bởi vì người được uỷ quyền tự do trong hoạt động vì lợi ích của người uỷ quyền. Lợi ích của người được uỷ quyền và người uỷ quyền gắn bó với nhau nên chỉ có người uỷ quyền biết được tiêu chuẩn đó, tin ai giao cho ai. Nếu luật chỉ tay cho ông ta phải uỷ quyền cho anh 21 tuổi trở lên chưa chắc đã hiệu quả, mà khi lợi ích của người được uỷ quyền đặt ra, họ sẽ biết chọn ai. Vì vậy không cần đặt ra tiêu chuẩn.

Thứ hai về Mục 14, “công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân”. Tôi chỉ nói một nửa, về doanh nghiệp tư nhân. Tôi thấy các quy định về doanh nghiệp tư nhân trong này không khác gì so với Luật Doanh nghiệp 1999. Doanh nghiệp tư nhân chẳng khác gì hộ kinh doanh cá thể. Nếu vẫn để trong Luật Doanh nghiệp thống nhất thì điểm cần sửa là Khoản 2 Điều 101 quy định chủ doanh nghiệp tư nhân luôn luôn là nguyên đơn, bị đơn trước toà, cơ quan trọng tài trong mọi trường hợp. Điều này sẽ rất khó trong trường hợp cho thuê doanh nghiệp. Vì nếu có việc gì xảy ra trong hoạt động sau khi cho thuê, chủ doanh nghiệp phải là người ra trước toà. Không biết có hợp lí không. Ban soạn thảo đã làm thống kê trong thực tế có bao nhiêu trường hợp cho thuê doanh nghiệp tư nhân không. Tôi e rằng không được. Việc này có xẩy ra trong một vụ kiện cụ thể mà báo Lao Động số 127 ngày 20/5/2002 có đăng. Bố thành lập doanh nghiệp tư nhân Sông Hồng, doanh nghiệp kí hợp đồng mua bán xăng dầu với công ty xăng dầu quân đội. Ông uỷ quyền cho con trai là Hùng thay mặt quản lý công ty. Uỷ quyền xong mấy ngày thì ông ta chết. Sau đó Sông Hồng không thanh toán tiền, công ty xăng dầu quân đội khởi kiện ra toà án Hưng Yên, toà đã xử. Nếu theo luật, xác định bị đơn rất khó vì chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết mất rồi. Ông Hùng là người được uỷ quyền nhưng luật không thừa nhận tư cách trước toà. Dù luật nội dung quy định như thế, nhưng ngoài thực tiễn toà án vẫn cứ gọi bị đơn là doanh nghiệp tư nhân Sông Hồng, báo này ghi là buộc bị đon là Sông Hồng trả cho Công ty xăng dầu bao nhiêu. Thử hỏi việc doanh nghiệp tư nhân gắn với ông chủ, ông ta tồn tại nó tồn tại. Nếu ông ta chết nó có chết ngay lập tức không? Nếu chết thì rất vô lý vì doanh nghiệp tư nhân hình thành từ quyết định pháp lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, tôi thấy khoản 2 Điều 101 để lại là vô lý.

Các văn bản liên quan