Góp ý của GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội – CHủ tịch Hội địa hóa Việt Nam

Thứ Sáu 14:06 22-04-2011

GÓP Ý HOÀN CHỈNH DỰ THẢO PHÁP LUẬT


GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội

Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam

I. NGHỊ ĐỊNH Quy định chi tiết thi hành Luật khoáng sản (dự thảo)

1. Về Điều 1 & Điều 2 của Nghị định

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (LKS) số 60/2010, nhưng Điều 2 của Nghị định về Điều kiện và tiêu chuẩn xuất khẩu khoáng sản lại không liên quan với bất cứ điều nào về chế biến và xuất khẩu khoáng sản trong LKS 2010 !, cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của LKS. Vì vậy đề nghị bỏ Điều 2 của Nghị định.

2. Về Điều 3 của Nghị định

Điều 3 quy định rằng Tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phục vụ hoạt động khoáng sản chỉ phải hoàn trả chi phí đánh giá khoáng sản là không đúng vì rằng:

(i) Theo khoản 3 điều 11 LKS thì Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải có các nội dung: a) Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản …b) Đánh giá tiềm năng khoáng sản; xác định vùng có triển vọng về khoáng sản. Từ trước đến nay, trong công tác điều tra địa chất, việc lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 cả nước; tỷ lệ 1:200.000 trên phần lớn diện tích và tỷ lệ 1:50.000 đối với những vùng có nhiều triển vọng về khoáng sản, thì bao giờ cũng gắn liền với tìm kiếm, đánh giá sơ bộ khoáng sản. Sản phẩm kết quả cuối cùng của điều tra cơ bản địa chất là bản đồ địa chất, trên đó có thể hiện các điểm khoáng sản, hoặc bản đồ khoáng sản cùng tỷ lệ đi kèm.

(ii) Tại khoản 3 điều 7 LKS đã quy địng rằng Tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về khoáng sản phục vụ thăm dò khoáng sản phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; trường hợp sử dụng thông tin về khoáng sản phục vụ khai thác khoáng sản phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản. Như vậy là rất rõ. Nghị định không có quyền quy định khác đi (sai) so với LKS.

(iii) Từ trước đến nay, công tác Địa chất đều do cơ quan nhà nước (Tổng cục Địa chất) đảm trách. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư một khoản kinh phí rấn lớn cho công tác điều tra cơ bản địa chất . Tại khoản 1 Điều 21 LKS cũng đã ghi rõ rằng, kinh phí cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước. Vì vậy, vốn đầu tư ban đầu này cho khoáng sản cần được thu hồi đầy đủ cả vốn lẫn lãi, tính cả hệ số trượt giá. Nếu quy định như Điều 3 của Nghị định, rằng chỉ phải hoàn trả chi phí đánh giá khoáng sản thì vô hình chung đã hợp thức hóa việc chuyển đổi một phần tiền đóng thuế của người dân cho các Ông chủ mỏ thăm dò và khai thác khoáng sản trong lòng đất Việt Nam, trong đó có cả chủ là người nước ngoài, thì thật là vô lý !! ( Theo khoản 1, Điều 34 LKS: Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam cũng có quyền kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản).

Tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định quy định rằng: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp xác định chi phí phải hoàn trả và phương thức, thủ tục hoàn trả chi phí đánh giá khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư. Nói vậy thì có khác gì khoản 4, Điều 7 của LKS: “Chính phủ quy định chi tiết việc hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản”, mà ngược lại còn rắm rối hơn và không biết đợi đến khi nào mới có một hướng dẫn cụ thể để thi hành LKS!! Đề nghị trong Nghị định cần chi tiết hóa vấn đề này.

3. Về Điều 5 của Nghị định

Khoáng sản độc hại gồm khoáng sản kim loại phóng xạ, khoáng sản có chứa các nguyên tố phóng xạ hoặc độc hại tác động xấu đến con người, hệ động thực vật, bao gồm: urani (U), thori (Th), …... selen và asbest. Liệt kê như vậy đã đủ chưa ? Liệu Than đá chứa xạ ở Nông Sơn; Graphit chứa xạ ở Tiên An, tỉnh Quảng Nam; Quặng Titan chứa nhiều khoáng vật xạ ở cồn cát đỏ Bình Thuận … có được liệt và danh sách Khoáng sản độc hại hay không ?

4. Về Điều 7 của Nghị định

Điều 7 đã phân công trách nhiệm cho các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương trong chủ trì lập, trình phê duyệt quy hoạch khoáng sản. Thoáng đọc qua thì đây là sự phân công khá rõ ràng theo công việc, nhưng nhìn lại thì sự phân chia này tỏ ra không rõ ràng trong trách nhiệm lập quy hoạch, thể hiện sự chồng chéo trong thực thi trách nhiệm được phân công, do đó điều 7 có rất ít tính khả thi.

Khoáng sản tuy có nhiều loại, nhưng gộp lại cũng chỉ là một đối tượng tự nhiên chịu sự điều chỉnh của Luật Khoáng sản. Theo Điều 7, trong lúc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước, thì Bộ Công thương chủ trì tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước. Rõ ràng rằng ở đây có sự chồng chéo, trùng lặp trong nhiệm vụ quy hoạch giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Công thương. Đó là quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước.

Lấy ví dụ một loại kháng sản quan trọng, giàu tiềm năng là quặng bauxit để xem xét. Theo quy định ở điều 7 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất; quy hoạch thăm dò, khai thác quặng bauxit cả nước. Mặt khác thì Bộ Công thương cũng có quyền lập quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng bauxit cả nước. Vậy giữa 2 bản quy hoạch đó có bao nhiêu nội dung trùng lặp, có bao nhiêu phần khác nhau, có bao nhiêu nội dung quy hoạch mâu thuẫn nhau ? Kiến nghị chỉnh sửa lại Điều 7 theo hướng quy về một mối trong quy hoạch khoáng sản. Tập trung mọi quy hoạch khoáng sản (trừ Khoáng sản vật liệu xây dựng) về Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phù hợp với tên gọi của Bộ này như là một Bộ có chức năng quản lý các dạng tài nguyên.

5. Về Điều 17 của Nghị định

Điều 17 quy định về Thăm dò nâng cấp các khối tài nguyên dự tính trong khu vực khai thác khoáng sản thành trữ lượng khoáng sản đã hướng dẫn đầy đủ những công việc cần làm. Tuy nhiên, xét thấy trong thực tế hiện nay trong giới khoa học, các nhà lãnh đạo, các cơ quan địa chất, mỏ, môi trường có sự nhầm lẫn vô tình hay cố ý về 2 khái niệm cơ bản là: Tài nguyên và Trữ lượng khoáng sản mà trong Điều 2, Giải thích từ ngữ của LKS không đề cập đến. Đề nghị trong Nghị định này, ở đầu Điều 17 (hoặc chỗ thích hợp) nên bổ sung định nghĩa chính xác về hai cụm từ Tài nguyên và Trữ lượng khoáng sản để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc khi lập quy hoạch khoáng sản, cũng như tiến hành hoạt động khoáng sản.

II. NGHỊ ĐỊNH Quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Về Tên gọi của Nghị định

Tên gọi của Nghị định không chuẩn vì rằng:

(i). Nghị định này điều chỉnh không chỉ nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản, mà còn hướng dẫn cả thủ tục đấu giá quyền thăm dò khoáng sản (tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 của Điều 7 Nghị định); điểm c, khoản 2 của Điều 15. Vì vậy tên gọi của Nghị định cần được chỉnh sử để phù hợp với nội dung Nghị định.

(ii). Mặc dù Điều 79 Luật Khoáng sản có tên gọi là “Hình thức, nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, đó chỉ là cách viết rút gọn, nhưng trong đó đã phân định ra 2 nội dung rõ rệt: a) Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; b) Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được phê duyệt.

Nghị định là văn bản chi tiết nên trước hết cần làm rõ hơn về khu vực khoáng sản để đưa ra đấu giá, sau đó mới bàn đến điều kiện, thủ tục đấu giá và các vấn đề khác liên quan. Song đơn giản hơn có thể chỉnh lại tên gọi theo phương án:1) Nghị định Quy định đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản; hoặc 2) Nghị định Quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bao gồm cả thăm dò khoáng sản.

2. Về Điều 3 của Nghị định

Tại khoản 2 của Điề 3: Bảo đảm nguyên tắc công khai,… nên thêm cụm từ minh bạch để tỏ rõ sự công tâm, liêm khiết trong tổ chức đấu giá tài sản của Nhà nước à Bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai,...

Tại khoản 3. “Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai (02) tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá”. Như thế thì ít quá, xác suất thắng lợi của mỗi bên lúc đó là 50%, phiên đấu giá sẽ không hấp dẫn vì thiếu tính cạnh tranh, dẫn đến kết quả đấu giá sẽ không cao so với giá khởi điểm, thiệt cho Nhà nước. Tốt nhất là “có ít nhất ba (03) tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá” thì cuộc đấu giá sẽ sôi nổi hơn, mang tính cạnh tranh và hiệu quả cao hơn.

3. Về Điều 4 của Nghị định

Điều 4 quy định rằng: Giá khởi điểm được xác định bằng giá trị phần trăm trữ lượng khoáng sản. Điều này không khả thi trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản (điểm c, khoản1 Điều 7) vì rằng khi chưa tiến hành thăm do thì lấy đâu ra trữ lượng khoáng sản để mà tính toán giá ?

4. Về Điều 7 của Nghị định

Điều 7 quy định khá mập mờ: Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản; b) Được tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt quy định tại Điều 37 Luật khoáng sản để lập đề án thăm dò trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản.

Như vậy, theo điểm a), khoản 1 của Điều 7 thì có thể hiểu rằng khi Tổ chức đã trúng đấu giá thì họ có quyền được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Nhưng theo khoản 5, Điều 2 của Luật Khoáng sản thì hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản. Từ đó suy ra, có thể hiểu rằng, giấy phép hoạt động khoáng sản được cấp nói ở điểm a) đương nhiên bao gồm giấy phép thăm dò khoáng sản và giấy phép khai thác khoáng sản !.

Mặt khác, theo điểm b), khoản 1 của Điều 7, khi Tổ chức đã trúng đấu giá thì họ có quyền thăm dò khoáng sản trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, nhưng tiếp theo thì làm thế nào, có được khai thác hay không thì không thấy quy định. Được biết, thăm dò khoáng sản là công việc chịu nhiều rủi ro, kết quả thăm dò có thể cho trữ lượng quặng đạt giá trị công nghiệp. Lúc đó liệu họ có quyền khai thác không ? hay là phải tham gia đấu giá lại ? Nếu kết quả thăm dò không cho trữ lượng quặng đạt giá trị công nghiệp thì sao ? Chẳng nhẽ người trúng đấu giá bị trắng tay thì thật là oan uổng ! Biết đâu lỗi không phải ở việc thăm dò, mà là sai sót do tài liệu điều tra cơ bản địa chất cung cấp không chính xác.

5. Về Điều 9 của Nghị định

Điều 9 quy định Chủ tịch, thành viên Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; lãnh đạo, chuyên viên thuộc Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường không được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản là đúng vì họ là người trong cuộc; mặt khác cũng là để phòng tránh việc lợi dụng chức quyền làm điều sai trái trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nhưng quy định cha, mẹ, con của những người nêu trên cũng không được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa hẵn đã là hợp lý. Trong thời đại ngày nay, cha mẹ, con cái hầu như không phụ thuộc nhau về kinh tế đối với cán bộ đương chức kể trên. Nếu họ không bị cấm theo quy định của Luật công chức, Luật viên chức, hay mất quyền công dân theo Luật định thì tại sao họ không được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản bởi một lẽ đơn giản là “mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”.

6. Về Điều 11 của Nghị định

Điều 11 quy định rằng Hội đồng đấu giá được thành lập theo từng phiên đấu giá. Chủ tịch Hội đồng là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Quy định như vậy là chặt chẽ, nhưng rất ít tính khả thi vì: (i) Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản rất bận công tác quản lý nhà nước, liệu có dành được nhiều thời gian cho họp Hội đồng đấu giá hay không ? (ii) Việt Nam có nhiều loại tài nguyên khoáng sản nằm trong diện quy hoạch khai thác, do vậy các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ thường xuyên hơn. Nếu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vì lý do bất khả kháng không làm chủ tịch Hội đồng được thì việc đấu giá ắt phải hoãn. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhiều bên liên quan trong hoạt động khoáng sản. Đề nghị tại Điều 11 nên bổ sung quy định người có thẩm quyền thay thế chức vụ Chủ tịch Hội đồng đấu giá để thuận lợi hơn cho công việc của Hội đồng đấu giá.

7. Về Điều 16 của Nghị định

Tại điểm b), khoản 2 của Điều 16 Nghị định quy định “Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải đáp ứng các quy định tại Điều 36 của Luật khoáng sản “, là vô nghĩa vì điểm b), khỏan 2, ở Điều 36 của Luật khoáng sản quy định về một vấn đề khác, cụ thể là về cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

8. Về Điều 17 của Nghị định

Khoản 1 và khoản 2 của Điều 17 dường như bị trùng lặp và lủng củng, thể hiện : 1) Người tham dự phiên đấu giá phải đem theo giấy giới thiệu của tổ chức tham dự đấu giá, giấy chứng minh nhân dân của người được giới thiệu tham dự phiên đấu giá và biên nhận tiền đặt trước hoặc giấy bảo lãnh dự đấu giá. 2) Cá nhân tham dự đấu giá phải xuất trình giấy chứng minh nhân dânbiên nhận tiền đặt trước hoặc giấy bảo lãnh dự đấu giá. Đề nghị tu chỉnh lại Điều này.

9. Về Điều 20 của Nghị định

Trong điều 20 quy định: Tiền trúng đấu giá được xác định căn cứ vào giá trị phần trăm trữ lượng mà tổ chức, cá nhân trúng đấu giá đã cam kết trả cho Nhà nước và giá khoáng sản thương phẩm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố. Tiền trúng đấu giá được xác định theo công thức G = Go x (K1 x Q ) x K2 x K3 (đồng), có nhiều chỗ chưa rõ:

(i) Trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản (điều 7 Nghị định) thì lấy đâu ra trữ lượng khoáng sản để làm căn cứ tính Tiền trúng đấu giá ? (ii) Giá khoáng sản thương phẩm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố dựa trên cơ sở nào ? Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường thì giá cả khoáng sản là do thị trường thế giới và thị trường trong nước chi phối và quyết định. (Thường người ta hay lấy giá khoáng sản ở thị trường Luân Đôn để tham khảo). (iii) Các chi phí về điều tra cơ bản địa chất, lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, đánh giá tiềm năng khoáng sản, xác định vùng có triển vọng về khoáng sản trước nay đã đã được đầu tư rất nhiều kinh phí để tiến hành có đưa và công thức tính giá khởi điểm, giá sàn khi đấu giá và tính Tiền trúng đấu giá hay không ?.

10. Về Điều 21 của Nghị định

Điều 21 quy định hạn nộp hồ sơ không quá 90 ngày; lựa chọn hồ sơ tham gia đấu giá tối đa là 30 ngày; phiên đấu giá phải được tổ chức trong thời hạn không quá 15 ngày. Quy định như vậy là quá kèo dài thời gian. Để tránh lãng phí thời gian, để đẩy nhanh các hoạt động khoáng sản, đề nghị rút các mốc thời gian lại tương ứng là 60-20-10 ngày.

Hà Nội ngày 20-04/2011

Các văn bản liên quan