Bản tổng hợp ý kiến góp ý của VCCI về Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ Hai 10:07 18-04-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:  0865  /PTM-PC

V/v: tổng hợp ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết

 Luật An toàn thực phẩm

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày  18  tháng 04 năm 2011

 

Kính gửi: BỘ Y TẾ

 

Ngày 07 và 08 tháng 04 năm 2011, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo[1] lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định). Hội thảo đã thu hút được đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, là đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự thảo Nghị định, các hiệp hội, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu và thu nhận được nhiều góp ý có chất lượng. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin gửi tới Quý Cơ quan những ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định của các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia có mặt tại Hội thảo như sau:

  1. Về phạm vi điều chỉnh

-         Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định đã được xác định tại Điều 1. Tuy nhiên, các điều sau đó của Dự thảo Nghị định đã quy định vượt quá phạm vi đã xác định tại Điều 1. Cụ thể, trong Điều 3 Chương II Dự thảo Nghị định có quy định yêu cầu về đăng ký lưu hành đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng (nhưng lại hẹp hơn so với yêu cầu về đăng ký lưu hành trong Luật An tòan thực phẩm bao gồm cả thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm qua chiếu xạ), trong khi đó, lại có những nội dung dường như bị thu hẹp lại so với phạm vi tại Điều 1: cụ thể là Điều 1 bao gồm cả vấn đề công bố hợp quy đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng nhưng sau đó, tại Chương II lại chỉ có quy định về thực phẩm;

-         Điều 1 Dự thảo Nghị định quy định về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 12; khoản 2 Điều 15; khoản 4 Điều 17; khoản 3 Điều 18; khoản 3 Điều 34; khoản 3 Điều 39; khoản 2 Điều 44; Điều 61, 62, 63, 64 và Điều 65 của Luật an toàn thực phẩm về 6 vấn đề được quy định tại khoản 1 đến khoản 6 Điều 1 của dự thảo Nghị định. Đề nghị Dự thảo Nghị định bổ sung vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 về vấn đề quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật An toàn thực phẩm Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể về ghi nhãn thực phẩm, thời hạn sử dụng thực phẩm; quy định cụ thể thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn mức tỉ lệ thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn”. Tương tự, đề nghị Dự thảo Nghị định bổ sung thêm hướng dẫn khoản 2 Điều 66 Luật An toàn thực phẩm quy định về “Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm”;

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định rà soát để các quy định đảm bảo thống nhất đối với các văn bản liên quan như: Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen (hướng dẫn thi hành các điều khoản liên quan đến sinh vật biến đổi gen của Luật Đa dạng sinh học), Luật về Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật về Chất lượng sản phẩm và hàng hóa, Luật Thương mại cũng như các văn bản hướng dẫn kèm theo.

  1. Về công bố hợp quy (Chương II)

2.1.     Công bố hợp quy bắt buộc trước khi lưu thông sản phẩm thực phẩm trên thị trường

a.        Khoản 3 Điều 12 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường ”. Có ý kiến cho rằng, thực tế các quy định này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi, chi phí để thực hiện là quá lớn và giấy tờ rất phức tạp. Biểu hiện:

Theo quy định, đối với thực phẩm nhập khẩu (cũng như thực phẩm sản xuất trong nước) phải có Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng thực phẩm do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế cấp. Để được cấp Giấy Chứng nhận này, các tài liệu cung cấp đã gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp, đó là Giấy chứng nhận phân tích liệt kê các thành phần quan trọng bao gồm thử nghiệm vật lý (mùi vị, màu sắc, mùi, vị); thử nghiệm hóa học (kim loại nặng, chất phụ gia, nồng độ hợp chất lưu huỳnh, phẩm màu, chất bảo quản, chất chống ôxi hóa, …); thử nghiệm nghiệm sinh học (một số loại vi khuẩn nhất định, số lượng vi khuẩn …). Việc này đã gây chi phí tốn kém cho sản xuất thực phẩm (và nhà nhập khẩu thực phẩm). Thực tiễn, các nhà sản xuất thực phẩm “không thiện chí” cung cấp những thông tin này vì lí do vi phạm bí mật về công thức sản phẩm thực phẩm của họ.

Hơn nữa, trong trường hợp lô hàng hỗn hợp gồm nhiều loại thực phẩm, tất cả các loại thực phẩm đều có Giấy chứng nhận đăng ký Chất lượng thực phẩm, yêu cầu này đối với từng mặt hàng thực phẩm gần như khó thực hiện vì chi phí cao và tài liệu yêu cầu quá nhiều phức tạp. Điều này có thể dẫn tới việc một số siêu thị ngừng mua số lượng đa dạng các thực phẩm chế biến trong các lô hàng chứa hỗn hợp các loại sản phẩm bởi việc tuân thủ các yêu cầu về thủ tục sẽ gây chi phí lớn. Vô hình trung, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng vì không có nhiều lựa chọn đối với sản phẩm thực phẩm chế biến với giá cả hợp lý.

Do vậy, đề nghị, hệ thống đăng ký trước đối với công bố hợp quy cho thực phẩm chế biến chỉ nên giới hạn ở những sản phẩm được xác định là có khả năng rủi ro gây bệnh cao dựa trên đánh giá khoa học về rủi ro.

b.      Quy định tại Chương II Dự thảo Nghị định chưa phản ánh đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm quy định tại Chương III Luật An toàn thực phẩm. Theo quy định tại Điều 10 Dự thảo Nghị định và các điều liên quan khác thì điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm ngoài “đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật” còn phải đáp ứng các điều kiện khác về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm. Trong khi đó, tại Dự thảo Nghị định này, yêu cầu công bố hợp quy được áp dụng đối với sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật; sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải công bố phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Như vậy, phạm vi phải công bố phù hợp điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật sẽ rộng hơn sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật, trong khi quy chuẩn kỹ thuật lại chưa thể hiện hết yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét lại vấn đề này.

c.          Về hồ sơ công bố hợp quy (Điều 6 Dự thảo Nghị định)

-         Hồ sơ công bố hợp quy chưa phù hợp (khoản 1) vì:

+ Hồ sơ của sản phẩm được cấp chứng nhận hợp quy cũng tương tự như sản phẩm tự đánh giá hợp quy, trong khi đó, theo Quyết định số 24/2007/QĐ-KHCN về việc ban hành “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” thì những sản phẩm đã được cấp chứng nhận hợp quy chỉ cần có 3 loại giấy tờ trong hồ sơ là: Bản công bố hợp quy theo mẫu quy định tại Phụ lục XI của Quy định; Bản sao chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức chứng nhận hợp quy cấp; Bản mô tả chung về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường (đặc điểm, tính năng, công dụng....). Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét đến quy định này để đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi áp dụng;

+ Sử dụng khái niệm “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm” trong khi Luật An toàn thực phẩm không có giấy này mà chỉ có quy định về đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định bỏ một số loại giấy tờ trong hồ sơ công bố hợp quy:

+ Báo cáo đánh giá hợp quy do tổ chức chứng nhận hợp quy cấp (đoạn 2 điểm a khoản 1 Điều 6) bởi vì, trước khi cấp chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp của thực phẩm thì tổ chức chứng nhận hợp quy đã thực hiện việc kiểm tra, báo cáo đánh giá và chứng chỉ là kết quả cuối cùng. Trong hồ sơ đã có Chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp rồi thì việc kèm theo Báo cáo đánh giá hợp quy là không cần thiết;

+ Kế hoạch giám sát định kỳ (đoạn 6 điểm a, b khoản 1 Điều 6), vì trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tổ chức cá nhân đã phải thường xuyên kiểm tra chất lượng của sản phẩm, mặt khác, đây cũng là quyền của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật An toàn thực phẩm.

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định lưu ý đến quy định tại Điều 14 Luật An toàn thực phẩm, về một trong các điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm chức năng là “có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố” trong Hồ sơ công bố hợp quy;

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định thay cụm từ “phòng kiểm nghiệm được chỉ định” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 thành “các phòng kiểm nghiệm được công nhận của quốc gia hoặc quốc tế, hoặc các phòng kiểm nghiệm của nhà sản xuất nếu có một trong các chứng chỉ sau: GMP, HACCP, ISO 9001” để tránh cơ chế xin cho;

-         Khoản 2 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định các loại giấy tờ phải có đối với thực phẩm nhập khẩu đối với công bố hợp quy. Đề nghị Dự thảo Nghị định tham chiếu đến những tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế cần phải được áp dụng đối với thực phẩm hay nguyên liệu khi Việt Nam chưa có những quy chuẩn kỹ thuật phù hợp để áp dụng. Điều này là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn thực phẩm (Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên) và Hiệp định SPS của WTO (Nếu một thành viên của nước nhập khẩu có hệ thống chấp thuận việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm hoặc định ra dung sai cho tạp chất trong thực phẩm, đồ uống hoặc thức ăn cho động vật mà hệ thống đó cấm hoặc hạn chế xâm nhập thị trường nọi địa của các sản phẩm do thiếu sự chấp thuận, thì Thành viên Nhập khẩu sẽ xem xét việc sử dụng một tiêu chuẩn quốc tế liên quan làm cơ sở xâm nhập thị trường cho đến khi có quyết định cuối cùng);

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ trường hợp nào được công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định và trường hợp nào được công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh?

d.     Thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (Điều 9 Dự thảo Nghị định)

-         Có ý kiến cho răng, căn cứ để quy định thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là chưa rõ ràng vì quy trình cấp giấy xác nhận hợp quy chủ yếu dựa vào hồ sơ và dựa vào kết quả kiểm nghiệm, kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức khác. Quy trình xem xét này không có ý nghĩa về thời hạn nên việc quy định thời hạn như vậy là chưa thích hợp;

-         Có ý kiến cho rằng, cần phải kéo dài thời hạn giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm bởi, theo thời gian quy định tại Dự thảo Nghị định 5 năm, 3 năm, 2 năm là quá ngắn, khi hết thời hạn doanh nghiệp lại phải thực hiện các thủ tục với nhiều giấy tờ theo quy định như cấp lần đầu, điều này rất mất thời gian cũng như chi phí trong khi Luật An toàn thực phẩm có quy định rất nhiều biện pháp thanh kiểm tra định kỳ các đối tượng này cũng như có các chế tài áp dụng đối với đối tượng vi phạm. Hơn nữa, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét đến quy định về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, GMP và ISO 9001 để làm căn cứ xác định thời hạn quy định tại điểm a khoản 1, bởi, thực tế nhiều ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm sử dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến, nhưng không hoàn toàn giống HACCP hoặc GMP, hoặc tương lai sẽ có những hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến hơn, việc quy định bó hẹp ở ba hệ thống quản lý chất lượng trên có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai thực hiện và tính ổn định của quy định này không cao. Dự thảo Nghị định nên thống nhất với nguyên tắc “tương đương” trong SPS, những hệ thống tương tự có thể thay thế này nên được thừa nhận như những hệ thống cung cấp cùng một mức độ bảo vệ an toàn thực phẩm;

-         Khoản 2 Điều 9 Dự thảo Nghị định quy định, “trước khi hết thời hạn 3 tháng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy xác nhận. Hồ sơ, thủ tục xin cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 6, 7 của Nghị định này” tức là như cấp mới ban đầu. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Dự thảo Nghị định chia thành hai trường hợp như sau:

+ Đối với các trường hợp gia hạn mà không có thay đổi gì về công thức, mẫu mã sản phẩm cũng như quy chuẩn áp dụng thì chỉ cần nộp:

Thực phẩm sản xuất trong nước: i) Đơn xin gia hạn xác nhận công bố kèm cam kết không có bất cứ thay đổi gì; ii) Phiếu kiểm nghiệm của phòng thí nghiệm có thẩm quyền trong vòng 1 năm trở lại về các chỉ tiêu trong quy chuẩn; iii) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm (nếu bắt buộc);

Thực phẩm nhập khẩu: i) Đơn xin gia hạn xác nhận công bố kèm cam kết không có bất cứ thay đổi gì; ii) Giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của 3 lô hàng gần nhất; iii) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm (nếu bắt buộc); iv) Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc các Giấy tờ khác có nội dung xác nhận sản phẩm thực phẩm an toàn cho người sử dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất xứ.

+ Đối với các trường hợp gia hạn mà có thay đổi về công thức, mẫu mã sản phẩm, cũng như quy chuẩn áp dụng thì phải công bố lại như sản phẩm mới.

  1. Về quy định bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường của thực phẩm biến đổi gen (Chương III Dự thảo Nghị định)

3.1.  Điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thành phần từ sinh vật biến đổi gen (Điều 10)

-         Khoản 1 Điều 10 Dự thảo Nghị định quy định “Sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sử dụng làm thực phẩm phải được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm hoặc có tên trong Danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm theo quy định của pháp luật”. Quy định này được hiểu là Giấy xác nhận chỉ được cấp cho sinh vật biến đổi gen hay cấp cho cả sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen? Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ. Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ hoạt động: công bố Danh mục sinh vật biến đổi gen đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm (định kỳ, do cơ quan nhà nước thực hiện), thay đổi, cập nhật Danh mục này (do cơ quan nhà nước thực hiện khi có phát sinh) và xin cấp giấy chứng nhận đối với sinh vật chưa có trong Danh mục (do tổ chức, cá nhân thực hiện);

-         Khoản 2 Điều 10 quy định về việc sinh vật biến đổi gen phải tuân thủ các quy định của pháp luật về vận chuyển, lưu giữ. Theo quy định này thì sinh vật biến đổi gen phải tuân theo quy định riêng trong vận chuyển và lưu giữ. Liệu quy định này có hợp lý và thống nhất với khoản 1 Điều 10 không khi một sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen đã được đánh giá an toàn và được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm thì cần được đối xử công bằng như các loại thực phẩm an toàn khác;

-         Khoản 3 Điều 10 quy định, các lô hàng sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen nhập khẩu vào Việt Nam cho mục đích sử dụng làm thực phẩm hoặc chế biến làm thực phẩm phải kèm theo Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu và các giấy chứng nhận khác về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Việc yêu cầu cung cấp thêm “Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu” đối với sinh vật biến đổi gen có cần thiết khi sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm hoặc có tên trong Danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm? Việc yêu cầu thêm giấy tờ sẽ gây phiền phức lớn cho doanh nghiệp trong thực tế triển khai, hơn nữa, về mặt cơ sở khoa học, việc đánh giá an toàn thực phẩm biến đổi gen được tiến hành đối với từng “sự kiện chuyển gen” (transformation event) cụ thể mà không thể thực hiện được đối với các sản phẩm đã qua chế biến;

-         Khoản 4 Điều 10 quy định về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong quản lý an toàn thực phẩm đối với sinh vật biến đổi gen. Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét quy định này để thống nhất với quy định phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định về đa dạng sinh học (văn bản quy định toàn diện về sinh vật biến đổi gen).

3.2.  Ghi nhãn đối với hàng hóa chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sử dụng làm thực phẩm (Điều 11)

-         Khoản 1 Điều 11 quy định, “tổ chức, cá nhân lưu thông thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì ngòai việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa”. Tỷ lệ 5% là áp dụng cho từng thành phần hay chỉ một thành phần trong vật liệu sản xuất? Căn cứ để đưa ra tỷ lệ 5%. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ;

-         Điểm d khoản 2 Điều 44 Luật An toàn thực phẩm quy định, ngoài các điều kiện phải đáp ứng tại khoản 1 Điều 44 (theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa) thì “đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen”. Trong khi đó khoản 1 Điều 11 Dự thảo Nghị định đã quy định bổ sung dường như vượt ra ngoài yêu cầu của Luật An toàn thực phẩm đó là có “các thông tin có liên quan đến sinh vật biến đổi gen” trên nhãn. Hơn nữa, theo Luật An toàn thực phẩm thì “một số” chứ không phải “tất cả” thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen” ở trên nhãn và Chính phủ “quy định cụ thể về thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn”, tuy nhiên, Điều 11 Dự thảo Nghị định không xác định loại sản phẩm nào sẽ phải tuân thủ ghi nhãn về sinh vật biến đổi gen;

-         Có ý kiến cho rằng, về ghi nhãn bắt buộc đối với thực phẩm biến đổi gen, cần phân tích đầy đủ các khía cạnh liên quan đến an toàn và chi phí phát sinh khi thực thi quy định này, như:

+ Chi phí đối với doanh nghiệp: khó khăn trước tiên sẽ đến với các công ty xuất khẩu sang Việt Nam, vì nhãn hàng hóa nơi xuất không được nhà nhập khẩu chấp nhận. Doanh nghiệp sẽ phải quyết định: có phải di dời sản xuất? Loại hàng hóa đó khỏi thị trường? Hay phải thay đổi thành phần sản phẩm? Các thành phần hay sản phẩm không chứa sinh vật biến đi gen có thay đưc mà không thay đổi sản phẩm không (thí dụ, lúa mì bằng ngô)? Có tìm được nguồn nguyên liệu không chứa sinh vật biến đổi gen dù là ở giá cao hơn không? Dù doanh nghiệp chọn phương án nào đi nữa, thì đều phải thử và phân tích các thành phần với chi phí rất cao. Chi phí in nhãn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các chi phí khác như nêu trên.

+ Chí phí đối với cơ quan quản lý: Chính phủ phải thực thi quy định ghi nhãn mới đ đảm bảo sự tuân thủ. Phải xây dựng các phòng xét nghiệm và đào to con ngưi để thực thi và giám sát. Những nguồn lực lẽ ra nên dành để giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm chính đáng, nay lại phải dành để thực thi những quy định về ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen, loại thực phẩm đã được đánh giá là an toàn. Về dài hạn Việt Nam sẽ chịu tổn thất rất lớn về nông nghiệp bền vững do không áp dụng thích đáng công nghệ sinh học.

+ Chi phí đối với người tiêu dùng: Nếu không có giáo dục truyền thông sâu rộng đến người tiêu dùng, thì ngưi tiêu dùng đơn giản hiểu nhãn biến đổi gen là một cảnh báo gây ra sự hiểu lầm về an toàn thực phẩm. Các nhà bán lẻ sẽ thu hồi các sản phẩm đó trên th trường tạo ra sự hạn chế về lựa chọn. Mọi chi phí về giá thực phẩm tăng lên s do người tiêu dùng gánh hoàn toàn.

  1. Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Chương VII Dự thảo Nghị định)

4.1.     Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Về nguyên tắc phân công quản lý.

Theo nguyên tắc chung của quốc tế:

-         Thực phẩm là: đồ ăn, thức uống

-         Trong chuỗi cung cấp thực phẩm, từ giai đoạn nào được gọi là thực phẩm?

Theo chiến lược toàn cầu của WHO về ATTP (2000) chia chuỗi thực phẩm thành 6 giai đoạn sau:

(1) Đầu vào của Nông nghiệp:

- Phân bón

- Chăn nuôi

- Thức ăn gia súc

- Thuốc thú y

- Giống

(2) Sản xuất ban đầu (nuôi - trồng):

- Trồng trọt

- Chăn nuôi

- Nuôi trồng thủy sản

- Đánh bắt

(3) Chế biến ban đầu (sơ chế):

- Thu hoạch

- Vắt sữa

- Lò mổ

- Nhà máy xay xát

(4) Chế biến tiếp theo (chế biến):

- Đóng hộp, đóng gói

- Đông lạnh

- Phơi sấy khô

- Sản xuất rượu

- Chế biến thành sản phẩm thực phẩm

(5) Phân phối:

- Bán buôn

- Bán lẻ

- Xuất khẩu

- Nhập khẩu

(6) Tiêu dùng:

- Ăn + uống

- Bếp ăn gia đình

- Ăn uống công cộng

- Bếp ăn tập thể

Như vậy: có thể chia chuỗi cung cấp thực phẩm ra 3 giai đoạn:

- Giai đoạn sản xuất: (1) + (2) + (3)

- Giai đoạn chế biến: (4)

- Giai đoạn tiêu dùng: (5) + (6)

Có 2 giai đoạn chính:

- Giai đoạn: (1) + (2) + (3) gọi là giai đoạn chưa thành thực phẩm.

- Giai đoạn tiếp theo: gọi là giai đoạn thành thực phẩm. Chỉ ở giai đoạn này con người mới ăn, uống được các sản phẩm thực phẩm.

Do vậy, phân công quản lý, phải đảm bảo 2 nguyên tắc cơ bản sau

- Chưa thành thực phẩm: Bộ sản xuất quản l‎ý

- Thành thực phẩm: Bộ quản lý an toàn thực phẩm quản lý

Từ đó có thể thấy, Bộ (cơ quan) quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng được các nguyên tắc chung sau đây:

1) Quản lý (kiểm soát) được tất cả các loại thực phẩm (đồ ăn, thức uống) cho nhân dân.

2) Đánh giá được:

Text Box: Của sản phẩm thực phẩm- Tính chất lượng

- Tính an toàn

- Tính hiệu quả

Cụ thể là:

-         Tính chất lượng:

+ Thành phần nguyên liệu

+ Hàm lượng

+ Độ tinh khiết

+ Tính ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng.

-         Tính an toàn:

+ Độc cấp tính

+ Độc mãn tính

+ Nguy cơ hình thành khối u

+ Nguy cơ đột biến gen

+ Nguy cơ quái thai

+ Nguy cơ dị ứng

-         Tính hiệu quả:

+ Cung cấp đủ các chất dinh dưỡng theo khẩu phần

+ Tác động vào cấu trúc, chức năng của tế bào

+ Tác động ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh

+ Tác động chức năng sinh lý cơ thể.

3) Đánh giá được giá trị dinh dưỡng của thực phẩm:

- Đường

- Đạm

- Mỡ

- Vitamin

- Nguyên tố vi lượng

- Nước.

4) Đánh giá được nguy cơ cấp tính (trước mắt) và độc mãn tính (lâu dài)

- Ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính

- Các bệnh nhiễm trùng thực phẩm

- Các bệnh truyền qua thực phẩm (khoảng 400 bệnh).

5) Đánh giá tác động của thực phẩm tới chu kỳ cuộc đời:

- Thực phẩm với thai nhi

- Thực phẩm với trẻ em

- Thực phẩm với thanh niên

- Thực phẩm với trung niên

- Thực phẩm với người già

- Thực phẩm với phụ nữ có thai.

6) Đánh giá tác động của thực phẩm tới phát triển giống nòi (thể lực, trí tuệ)

Thực tế:

7) Đánh giá tác động sinh học của thực phẩm tới sức khỏe:

- Thực phẩm và quá trình lão hóa

- Thực phẩm và sức khỏe sung mãn

- Thực phẩm và sức đề kháng cơ thể

- Thực phẩm và sắc đẹp con người

- Thực phẩm và nguy cơ bệnh tật

Ví dụ: Đánh giá nguy cơ gây ung thư của các thực phẩm:

·        Rau quả ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật

·        Thịt, cá nhiễm thuốc thú y, kim loại nặng

·        Thực phẩm chiên, nướng

·        Thực phẩm ướp muối

·        Thịt đỏ

·        Độc tố nấm mốc

Hoặc tác động tới sức khỏe của:

·        Các gốc tự do

·        Sữa bò

·        Dầu thực vật và mỡ động vật

·        Các vi chất dinh dưỡng

Thực hiện được 7 nội dung ở mục 3 này, đó chính là nhiệm vụ của cơ quan (Bộ) quản lý sức khỏe ở mỗi quốc gia.

Từ nguyên tắc trên, các Bộ nên được phân công quản lý theo Luật An toàn thực phẩm như sau:

-         Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Quản lý toàn bộ

+ Ngũ cốc

+ Thịt và sản phẩm thịt

+ Thủy sản và sản phẩm thủy sản

+ Rau, củ, quả và sản phẩm rau củ quả

+ Trứng và sản phẩm từ trứng

+ Sữa tươi nguyên liệu

+ Mật ong và các sản phẩm từ mật ong

+ Thực phẩm biến đổi gen

+ Muối

Các thực phẩm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ quản lý quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh.

-         Bộ Công Thương: Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với:

+ Các loại rượu, bia

+ Nước giải khát

+ Sữa chế biến

+ Dầu thực vật

+ Sản phẩm chế biến bột và tinh bột

Như vậy, hai Bộ này không quản lý quá trình tiêu dùng thực phẩm. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý tất cả các thực phẩm (đồ ăn, thức uống) – tức là các sản phẩm khi được tiêu dùng (được ăn, uống vào cơ thể) đều phải được Bộ Y tế chứng nhận an toàn thực phẩm (tức là xác nhận công bố hợp quy).

Có ý kiến cho rằng, thực tế nhiều năm qua, các cơ quan có chức năng quản lý chất lượng thuộc Bộ Y tế không được giao nhiệm vụ và cũng không có điều kiện tiếp xúc với quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản (nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hoặc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm rượu, bia, sữa, sản phẩm dạng bột (nhiệm vụ của Bộ Công Thương). Do vậy, Dự thảo Nghị định này chưa sát, thậm chí là sai so với nguyên lý kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các đối tượng trên.

Có ý kiến lại cho rằng: Mặt hàng nào chủ đạo thì giao cho một Bộ chuyên ngành quản lý. Doanh nghiệp chỉ phải đến Bộ quản lý làm thủ tục, cơ quan được Bộ đó chỉ định để làm thủ tục. Còn sự liên thông như thế nào giữa các cơ quan nhà nước với nhau để anh có thể cấp Giấy cho mặt hàng, cho đối tượng hay cơ sở đó là trách nhiệm của những cơ quan nhà nước với nhau theo cơ chế một cửa hoặc một cửa liên thông.

4.2.   Các ý kiến khác trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

-         Điểm d khoản 2 Điều 20 Dự thảo Nghị định quy định, “Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” đối với “Thực phẩm biến đổi gen” và khoản 3, Điều 21 Dự thảo Nghị định quy định, “Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công thương” về “Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột và tinh bột và các thực phẩm khác có chứa thành phần chính, hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phâm từ các nhóm thực phẩm nêu trên”. Việc phân chia trách nhiệm quản lý đối với các sản phẩm cụ thể nêu trên giữa các bộ ngành liên quan đến thực phẩm biến đổi gen còn chưa rõ ràng và có thể dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý nhà nước. Trên thực tế, những sản phẩm như: dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột và tinh bột, sữa chế biến... rất có thể có chứa nguyên liệu có nguồn gốc từ sản phẩm biến đổi gen (ví dụ sữa đậu nành, sữa bột, tinh bột ngô, tinh bột sắn...). Như vậy, cần thiết phải có một định nghĩa rõ ràng về “thực phẩm biến đổi gen” trong phạm vi quản lý của Dự thảo Nghị định này;

-         Khoản 4 Điều 17 Dự thảo Nghị định quy định: “Các nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có chứa nhiều thành phần mà các thành phần đó thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ khác nhau thì trách nhiệm quản lý thuộc về Bộ quản lý thành phần chính, hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phẩm”, quy định này sẽ rất khó triển khai trên thực tế vì khó có thể xác định được thành phần chính hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng của sản phẩm có hỗn hợp nhiều chất. Hơn nữa, thành phần chính được xác định dựa trên tiêu chí nào?

-         Điểm d khoản 2 Điều 19 Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Khi tính đến tần suất xảy ra thường xuyên những dịch bệnh do thực phẩm gây ra được phục vụ tại  thức ăn đường phố, và tại căng tin của những nhà máy, nên đề nghị Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các loại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm để thẩm quyền của Bộ Y tế đối với các cơ sở này thật rõ ràng. Cả những người bán thức ăn đường phố và tại căng tin đều được coi là ‘nhà hàng’ nhưng để tránh sự mập mờ không cần thiết hay tranh chấp về thẩm quyền thì đề nghị Dự thảo Nghị định đề cập rõ ràng cụ thể về vấn đề này;

-         Khoản 2 Điều 20 Dự thảo Nghị định quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý chuỗi từ nông trại đến bàn ăn đối với phần lớn các sản phẩm thực phẩm “trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ ché, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh”. Khoản 4 Điều 21 Dự thảo Nghị định quy định Bộ Công Thương đối với an toàn thực phẩm của các “chợ, siêu thị, chợ đầu mối, hệ thống dự trữ và phân phối sản phẩm” không giới hạn thẩm quyền của Bộ Công Thương ở “các sản phẩm dưới quyền quản lý của Bộ Công thương” như quy định tại khoản 5 Điều 21, như vậy, có thể hình dung, khoản 4 Điều 21 rộng hơn, bao quát tất cả các loại sản phẩm thực phẩm. Đề nghị quy định rõ ràng hơn để tránh chồng chéo thẩm quyền của hai Bộ sau này. Đề nghị quy định cụ thể cơ quan quản lý nào có thẩm quyền quyết định đối với kiểm tra, thanh tra thực phẩm tại các chợ cóc và các loại chợ địa phương tạm thời khác vì những loại này vẫn còn chiếm ưu thế trong bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam;

-         Khoản 2 Điều 23 Dự thảo Nghị định về phối hợp giữa các Bộ quản lý ngành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định “Đối với những lô hàng thực phẩm nhập khẩu gồm nhiều loại thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý từ hai Bộ trở lên thì căn cứ vào mặt hàng thực phẩm chính, chiếm số lượng mặt hàng lớn trong lô hàng đó thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ nào thì Bộ đó chịu trách nhiệm kiểm soát”. Quy định này sẽ khó triển khai thực hiện trên thực tế trong việc xác định cái nào là chủ đạo, cái nào là đặc tính chủ yếu và tiêu chí để xác định mặt hàng chủ đạo, hay đặc tính chủ yếu. Trường hợp việc vi phạm an toàn thực phẩm không xảy ra đối với mặt hàng thực phẩm chính, chiếm số lượng mặt hàng lớn và rơi vào mặt hàng thực phẩm phụ, chiếm số lượng mặt hàng nhỏ thì Bộ ngành quản lý được quy định tại khoản 2 Điều 23 đó có chịu trách nhiệm không?

Tóm lại:

Tại Hội thảo nhận được nhiều ý kiến về phân công quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất, việc phân công quản lý phải rõ ràng, và các doanh nghiệp chỉ phải thực hiện các thủ tục hành chính tại một cơ quan nhà nước, nếu liên quan đến nhiều Bộ thì phải thực hiện cơ chế “một cửa” hoặc “một cửa liên thông”

  1. Các góp ý khác

5.1.    Ghi hạn sử dụng (Điều 16 Dự thảo Nghị định)

-          Về vấn đề ghi hạn sử dụng trên  nhãn thực phẩm, trước hết phải lưu ý rằng các cụm từ “ngày hết hạn sử dụng”, “hạn sử dụng cuối cùng” không phải là thuật ngữ được sử dụng trong Luật An toàn thực phẩm (“hạn sử dụng” hoặc “sử dụng đến ngày”). Bên cạnh đó, việc cho rằng “hạn sử dụng” được ghi đối với những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật và những thực phẩm khác có thể ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” là không hoàn toàn hợp lý vì đa phần thực phẩm là dễ bị  hư hỏng do vi sinh vật  Hơn nữa, đối với các loại thực phẩm nhập khẩu, thì điều quan tâm ở đây là lúc sản phẩm được bán ra thị trường (ví dụ sản phẩm phải được bảo quản đông lạnh hoặc để mát, vì tiết kiệm điện hay lý do nào khác, ban đêm họ tắt thiết bị làm lạnh đó đi và đến ngày hôm sau đã mốc meo hết, trong khi mác vẫn còn hạn sử dụng). Vậy thì trách nhiệm đó thuộc về ai khi người tiêu dùng mua phải một sản phẩm như vậy? Điều này sẽ làm mất uy tín của các nhà nhập khẩu. Do vậy, yêu cầu “sử dụng tốt nhất trước ngày” phải đi kèm điều kiện bảo quản đúng. Điều này được quy định ở đâu: trong Luật hay Dự thảo Nghị định này. Đề nghị làm rõ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi áp dụng, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu;

5.2.     Dự thảo Nghị định không nên đưa thêm các quy định khác về việc ghi nhãn thực phẩm để tránh chồng chéo và mâu thuẫn với Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa, nếu cần thiết chỉ hướng dẫn thêm về những quy định mà Nghị định 89 chưa có như: cách ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày”: loại hàng hóa nào được ghi (không nên nói chung chung là “thực phẩm dễ có khả năng hư hỏng do vi sinh vật”, cần có định nghĩa rõ ràng thế nào là “dễ có khả năng”), điều kiện để kéo dài thời điểm lưu hành trên thị trường: tài liệu chứng minh như thế nào, cơ quan nào xét duyệt, thủ tục như thế nào?; Có thể ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo tháng/năm hoặc ngày/tháng/năm cho các thực phẩm có hạn sử dụng dài trên 1 năm theo tiêu chuẩn Codex để hội nhập với quốc tế.

5.3.  Về chế độ thanh tra, nên phân cấp rõ ràng về thẩm quyền thanh tra của các Bộ, ngành và các lực lượng khác trong thanh tra an toàn thực phẩm, để tránh cho doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra của nhiều cơ quan.

5.4.  Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định: “Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định đến lần thứ ba hoặc có vi phạm nghiêm trọng phạm vi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì bị thu hồi giấy chứng nhận và bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Quy định đến ba lần vi phạm mới xử lý vi phạm hành chính là không tính đến thời hiệu mỗi lần vi phạm. Thời hiệu vi phạm hành chính là 01 năm, quy định đến lần thứ ba vi phạm mới xử lý là chưa phù hợp với các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ thế nào bị xem là “vi phạm nghiêm trọng”. Nội dung điều này không phù hợp với tiêu đề của Chương IV: Đối tượng sản xuất kinh doanh không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

5.5.  Các quy định tại Điều 12 Dự thảo Nghị định về phạm vi đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Đề nghị bỏ khái niệm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực phẩm vì không có khái niệm này và thay bằng khái niệm “có đăng ký kinh doanh thực phẩm”. Các khái niệm nhỏ lẻ, hộ gia đình không phải là khái niệm pháp lý và phải được giải thích rõ;

5.6.   Khoản 1 Điều 15 Dự thảo Nghị định quy định: “trước khi xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định”. Yêu cầu “theo quy định” là chưa rõ ràng, đề nghị Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về đăng ký mà các nhà nhập khẩu phải tuân thủ. Khoản 2 Điều 15 Dự thảo Nghị định trao quyền cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam …thực hiện kiểm tra hệ thống an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu và cơ sở sản xuất thực phẩm. Điều này nên được xem xét lại để quy định như sau: “trong trường hợp cần thiết, dựa trên đánh giá rủi ro về an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng một kế hoạch kiểm tra …”. Việc kiểm tra hệ thống an toàn thực phẩm nước ngoài và cơ sở sản xuất rất đắt đỏ và phức tạp cho cả Chính phủ Việt Nam và đối tác nước ngoài. Các hoạt động kiểm tra này chỉ nên thực hiện khi đánh giá rủi ro về an toàn thực  phẩm yêu cầu cần phải thực hiện.

Trên đây là những ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trong Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp gửi tới quý Cơ quan. Ngoài ra, lưu ý quý Cơ quan các ý kiến cụ thể được đăng tải trên trang web của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại địa chỉ www.vibonline.com.vn. Đề nghị quý Cơ quan có văn bản trả lời chấp nhận hay phản đối các góp ý đăng trên trang www.vibonline.com.vn để bảo đảm tính minh bạch, công khai của Dự thảo. Rất mong quý Cơ quan lưu ý xem xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên

-         Ban Thường trực (để báo cáo)

-         Lưu VT, PC

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Hội thảo được sự hỗ trợ của Dự án USAID/STAR và Liên hợp các nhà xuất khẩu thực phẩm và nông sản  Hoa Kỳ (FAEA)

Các văn bản liên quan