Góp ý của ĐBQH Y Thông – Phú Yên đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 16:00 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa,

Thưa Quốc hội,

Sau đây tôi xin tham gia một số ý như sau:

Một là tại Khoản 1, Điều 114 về hạn mức giao đất trong này có quy định chúng ta phân ra làm hai hạn mức. Theo tôi nên quy định chỉ cần một hạn mức bởi vì quy định trong này là hạn mức tối đa cho nên mức sau này có 1 hay 2, hoặc 3 hécta thì giao cho văn bản dưới luật quy định tùy theo phụ thuộc vào tình hình quỹ đất của từng địa phương.

Thứ hai là tại Điều 115 về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trong này có quy định không quá 10 lần. Dẫn chiếu tại Khoản 2, Điều 114 hạn mức giao đất từ 10 - 30 hecta như vậy mỗi một người có thể nhận chuyển nhượng từ 100 - 300 ha. Theo tôi con số này quá cao sẽ phát sinh và dẫn đến tạo điều kiện cho di dân tự do ở các vùng có điều kiện có thể thu gom đất đai. Như chúng ta đã biết, hiện nay việc di dân tự do đến nay nước ta chưa có biện pháp khắc phục, tôi đề nghị sắp tới Chính phủ nên có hội nghị chuyên đề để bàn về công tác di dân giữa các vùng, đặc biệt là vùng miền Trung và Tây Nguyên, sự phối hợp giữa các tỉnh có dân đi và có dân đến để thống nhất quan điểm chỉ đạo.

Thứ ba, tại Mục a, Khoản 3, Điều 116 có quy định đất nông nghiệp được nhà nước giao công nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư sử dụng để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục tập quán của các dân tộc. Theo tôi tại Mục a nên viết lại như sau: Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số theo cộng đồng dân cư có sản xuất nông nghiệp, kết hợp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, trong này theo tôi nên cơ bản có sản xuất nông nghiệp, còn đồng bào dân tộc, khu dân cư sống ở thành phố, thành thị không nên áp dụng quy định này.

Mục b, Khoản 3, Điều 116, tôi xin bổ sung thêm như sau: cộng đồng dân cư được giao đất công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng đất kết hợp với mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản không được chuyển sang mục đích khác và cũng không được nhận chuyển nhượng đất của cộng đồng. Bởi vì quy định này mục đích là giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thì giao đất theo cộng đồng. Nếu như dẫn chiếu theo Điều 115 hạn mức nhận chuyển nhượng từ quá 10 thì nếu giao đất cộng đồng có một số đối tượng có tài sản lớn có thể thu gom đất đai, không khéo thì đẩy cả làng đồng bào dân tộc đi chỗ khác, do vậy việc chuyển nhượng đất cho cộng đồng không nên nhận chuyển nhượng.

Thứ tư, tại Khoản 1 Điều 17 về việc thu hồi đất, Khoản 1 có ghi: "Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội". Theo tôi khoản này nên chia thành 2 khoản, tức là thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công đồng riêng và thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội. Bởi vì trong mục đích phát triển kinh tế xã hội hiện nay trong luật chủ yếu quy định khi thu hồi đất thì chủ yếu đền bù bằng tiền, nhưng trong luật chưa quy định khi nhà nước thu hồi đất thì đền bù bằng đất có được không. Mình nói đất đai là tư liệu sản xuất, vấn đề này tôi thấy phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng còn kém phát triển thì đền bù bằng tiền nhưng việc sử dụng đồng tiền này vào mục đích tìm đất sản xuất thì rất khó.

Như chúng ta biết hiện nay tái định cư của mình còn tồn tại, hạn chế xuất phát từ việc thu hồi đất chúng ta đền bằng tiền làm cho người dân ở vùng này rất khó tìm đất sản xuất. Đặc biệt các công trình thủy điện của chúng ta thời gian qua xây dựng, tôi đề nghị trong trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ công thương cũng thống nhất hứa sẽ rà soát lại các điểm tái định cư để có chính sách phù hợp để giải quyết những tồn tại, hạn chế của những điểm tái định cư này.

Theo tôi Chính phủ giao cho địa phương rà soát lại những khu tái định cư mà hiện nay các công trình chúng ta đã xây dựng trước đây, đồng thời Chính phủ tạo cơ chế cho các địa phương sử dụng từ nguồn thu thuế tài nguyên nước hoặc thuế giá trị gia tăng mà các nhà sản xuất điện để lại cho địa phương tái đầu tư cho các điểm tái định cư. Để chờ các bộ, ngành rà soát lại rồi tìm nguồn lực để khắc phục thì rất lâu. Xin hết.

Các văn bản liên quan