Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Hải – Nghệ An đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:59 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Để góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này, tôi xin đi vào trọng tâm một số vấn đề sau đây.

Vấn đề thứ nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Chương IV, trong dự thảo sửa đổi lần này quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 3 cấp: quốc gia, tỉnh và huyện còn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã được lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên trong Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ vấn đề này, tại sao bỏ, những bất cập, hạn chế, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết ở cấp này là đâu, là sao, như thế nào trong việc thực hiện 4 cấp như hiện nay. Theo chúng tôi đây là một vấn đề lớn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc thật kỹ lưỡng việc bỏ hay không bỏ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã bởi những lý do cơ bản sau đây.

Thứ nhất là tính đa dạng, phức tạp của thực trạng đất đai từng xã, tính cụ thể, trực tiếp thiết thực của phạm vi, nội dung quy hoạch của mỗi xã. Thực tế của nước ta có xã chỉ có 11 - 12 xã, thị trấn, có huyện lên đến 39 - 43 xã, thị trấn, vậy thì việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch sẽ như thế nào, liệu có rút ngắn được thời gian, giảm được chi phí như Tờ trình của Chính phủ trình hay không. Hơn nữa theo tôi được biết tỷ lệ bản đồ gốc lập quy hoạch cấp huyện và cấp xã hoàn toàn khác nhau. Thông thường cấp huyện tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000, xã là 1/500, 1/200, vậy trong lập tỷ lệ bản đồ gốc sẽ lồng ghép như thế nào và hơn nữa hiện tại chúng ta đang thực hiện chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia. Một trong 19 tiêu chí đó là quy hoạch ba trong một. Vậy, khi thực hiện bỏ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã liệu chương trình này có còn ý nghĩa hay không? Do đó tôi đề nghị cần nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này bỏ hay không bỏ?

Vấn đề thứ hai, tại Chương V thu hồi đất, từ sáng đến giờ tôi thấy nhiều đại biểu phát biểu có hai chiều ý kiến: Chiều thứ nhất là đồng tình với quan điểm của dự thảo luật. Chiều thứ hai không đồng tình với quan điểm trong dự thảo luật. Bởi vì thu hồi được quy định trong dự thảo luật sửa đổi lần này nó quá rộng, quyền của nhà nước thu hồi nó quá rộng so với quy định của Hiến pháp và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, từ góc độ chính sách theo tôi không cần thiết quy định quyền thu hồi đất bắt buộc phục vụ các mục đích kinh tế, các cơ chế thị trường tạo ra các yếu tố kích thích thỏa đáng cho những người sử dụng đất, bán các quyền sử dụng đất của họ cho các nhà đầu tư là những người có thể sử dụng đất có năng suất hơn. Mặt khác có những lý do xác đáng về chính sách để bỏ thu hồi đất bắt buộc.

Thứ nhất, không công bằng bởi mọi lợi ích kinh tế của việc chuyển đổi đất sẽ chuyển qua nhà đầu tư.

Thứ hai, gia tăng nguy cơ tham nhũng và thông đồng giữa các nhà đầu tư và quan chức nhà nước.

Thứ ba, gây bất mãn trong những người sử dụng đất bị thu hồi và trong mọi trường hợp đó là nông dân, dẫn đến bất ổn xã hội, khiếu kiện, khiếu nại.

Từ những lý do xác đáng trên, tôi đề nghị, kiến nghị thu hồi đất nên giới hạn ở các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như thế sẽ làm cho Luật Đất đai phù hợp với Hiến pháp 1992 và thông lệ quốc tế, đặc biệt trong tờ trình dự thảo Hiến pháp lần này tôi cũng thấy trong hướng sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định như Hiến pháp 1992.

Thứ hai, quy trình thu hồi đất nên tuân theo các thủ tục minh bạch, đền bù đất đai, đền bù đất bị thu hồi cần phải phản ánh được tổn thất về sinh kế, các chi phí tái định cư cũng như giá thị trường của đất bị thu hồi. Các quyền sử dụng đất cần được đối xử như các quyền về tài sản theo quy định Điều 181 Bộ luật dân sự. Vấn đề này tại phiên thảo luận Hiến pháp sửa đổi ngày 16, đại biểu Quyền ở Hà Nội đã phân tích rất rõ.

Vấn đề thứ ba, phân loại đất Chương X, như chúng ta đã biết đất phi nông nghiệp ngày càng gia tăng cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong tương lai đất xây dựng đô thị sẽ chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị trong phân loại đất của dự thảo sửa đổi lần này cần làm rõ, cơ cấu rõ thành phần của loại đất này, hiện tại trong dự thảo, trong nghiên cứu còn rất mờ nhạt, theo tôi đề nghị nên dành một mục riêng cho loại đất này.

Cuối cùng để dự thảo Luật đất đai thực hiện được sứ mệnh cũng như mục tiêu yêu cầu đề ra tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và quan tâm quy hoạch bảo vệ một số quỹ đất đặc biệt nhằm bảo vệ môi trường như rừng phòng hộ, giữ an ninh lương thực quốc gia như đất hai lúa hay những vùng đất tác động bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan