Góp ý của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hoá đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 16:00 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Qua thảo luận Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, chúng ta thấy rằng khung pháp luật đất đai hiện hành của chúng ta bao gồm rất nhiều các quy định hành chính chồng chéo, thiếu nhất quán, hạn chế hiệu lực và tính minh bạch của quá trình tổ chức thực hiện của chúng ta. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục đánh giá một cách hệ thống toàn diện các luật, các quy định dưới luật có liên quan và tôi xin nhấn mạnh 4 luật có mối quan hệ chặt chẽ với Luật đất đai, đó là Bộ luật dân sự năm 2005, Luật quy hoạch, Luật Nhà ở và Luật thị trường bất động sản đều năm 2008 và chúng tôi thấy khi chúng ta xem xét lại như thế này để chúng ta đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của chúng ta.

Theo gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin tham gia thêm 3 vấn đề và ý kiến của tôi cũng có những điểm nằm ở thiểu số. Nhưng chúng tôi xin nêu để Quốc hội nghiên cứu xem xét và lấy ý kiến thêm của cử tri cả nước. Về Nhà nước quyết định quyền thu hồi đất ở Điều 17, tôi cũng tán thành một phần với đại biểu Y Thông và đại biểu Nguyễn Thị Hải, bởi vì tại Khoản 1, Điều 17 quyền hạn thu hồi đất của Nhà nước, chúng ta quy định như vậy là quá rộng và chúng tôi cũng thấy nên thu hẹp mức độ lại, chúng ta thấy rằng chỉ nên thu hồi đất giới hạn trong trường hợp cần thiết của quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Còn việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế-xã hội thì cần phải thông qua hình thức thương lượng, thỏa thuận dân sự không nên có sự ép buộc đối với người sử dụng đất. Đồng thời chúng tôi thấy phải quy định rõ quy trình thu hồi, phải tuân theo thủ tục minh bạch như quy định rõ thu hồi để làm gì, công khai kế hoạch thu hồi và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trước khi thu hồi. Phải nói rằng chúng ta phải thực hiện một quy ước là chỉ thu hồi sau khi giải quyết xong thủ tục và cơ bản không có các khiếu kiện. Tôi cho rằng lâu nay việc thu hồi đất của chúng ta còn vướng vấn đề này.

Về đền bù đất thu hồi theo tôi phải phản ánh được tổn thất về sinh kế như nhiều đại biểu đã nêu và các chi phí tái định cư của đồng bào dân tộc, nhất là tái định cư vùng thủy điện. Cũng nên lưu ý đến giá trị của thị trường đất đai khi chúng ta thu hồi đất, chúng tôi nghĩ rằng giá trị thị trường phải được xác định bằng cách sử dụng các cơ quan có chuyên môn độc lập khách quan và phải do hai bên lựa chọn. Chúng tôi cũng thống nhất như đại biểu Nguyễn Thị Hải là quyền sử dụng đất phải được đối xử như các quyền về tài sản theo quy định tại Điều 181 Bộ luật dân sự.

Vấn đề thứ hai, về thời hạn quyền sử dụng đất ở Điều 111, tôi thấy đây là vấn đề hết sức đơn giản nhưng lại là căn nguyên của các khiếu kiện lâu nay của chúng ta. Hiến pháp 1992 quy định: nhà nước trao quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định và lâu dài nhưng Luật đất đai năm 2003 chúng ta lại phản ánh điều này với đất ở thôi. Còn lại những quyền sử dụng đất nông nghiệp được cấp trong thời hạn 20 năm chúng ta quy định đối với đất trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản, 50 năm đối với cây lâu năm và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên trong luật của chúng ta quy định là hết thời hạn sử dụng nếu người sử dụng đất có hiệu quả phải tuân thủ các mục đích thì vẫn có quyền tiếp tục sử dụng đất nhưng chúng ta không quy định thời hạn kéo dài bao nhiêu hay như thế nào do chúng ta không quy định tiêu chí cụ thể để dẫn đến căng thẳng xã hội và cũng dẫn đến sự lạm dụng của các cơ quan hành chính và dẫn đến khiếu kiện. Nếu dự thảo mới của chúng ta quy định 50 năm và nếu sử dụng đất có hiệu quả và tuân thủ mục đích và có nhu cầu thì tiếp tục được nhà nước giao thêm 50 năm.

Tôi nghĩ thời hạn này nó không có ý nghĩa lớn, tôi hơi khác với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tôi thấy thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của chúng ta ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của người sử dụng đất khi người ta thực hiện quyền quyết định đầu tư. Hiện nay tổng đầu tư cho nông nghiệp của chúng ta trong tổng mức đầu tư của chúng ta có xu hướng giảm đi. Tôi lấy đơn cử năm 2000 chúng ta đầu tư cho nông nghiệp trong tổng đầu tư là 13,2%, nhưng đến năm 2009 chúng ta còn 6,9% như vậy xu thế người ta không quan tâm đầu tư cả phần địa tô chênh lệch 1 và địa tô chênh lệch 2. Tôi cho rằng để đạt được một nền nông nghiệp cạnh tranh hơn và bền vững về môi trường và chúng ta phải quyết tâm giữ cho được 3,82 hecta đất lúa thì Nhà nước nên giao đất nông nghiệp cho các gia đình theo hướng: tổ chức hoặc cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất để sử dụng cho đến khi phải thu hồi lại do thay đổi quy hoạch đất đai hoặc do tổ chức, cá nhân sử dụng đất đai không đúng mục đích hoặc hiệu quả không cao. Chúng ta để nhằm khuyến khích người dân bảo tồn giá trị vốn của đất đai và gia tăng giá trị mới.

Vấn đề cuối cùng tôi xin nói về hạn mức giao đất và hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân ở Điều 114 và Điều 115 tôi thấy nhiều ý kiến các đại biểu đã nêu. Ý kiến của tôi tức là đất nông nghiệp của nước ta hiện nay đánh giá chung là bị chia nhỏ thành những mảnh ruộng rất hẹp. Theo Tổng cục thống kê là 10,4 triệu hộ gia đình nông dân, chúng ta 70% là có dưới 0,5 ha, chỉ có 3% là hơn 3 ha, có nơi hộ gia đình sở hữu từ 4 - 6 mảnh đất không liền nhau. Điều này cho thấy giới hạn hiện tại về diện tích sử dụng đất là quá thấp. Cho nên sinh kế không bền vững và đang như là một rào cản nỗ lực của sự cố gắng của các hộ gia đình để thoát nghèo, đói. Tôi đề nghị bỏ bớt các hạn mức sử dụng đất, chúng ta hạn chế lại, tạo điều kiện thuận lợi để cho tích tụ đất đai trên quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình nông dân cá thể để khuyến khích điều chỉnh nông thôn bằng cách tạo điều kiện cho nông dân làm ăn hiệu quả, tích tụ đất và cũng tạo cơ hội cho những nông dân làm ăn kém hiệu quả, người ta chuyển giao đất, tìm kiếm con đường làm ăn mới. Tuy nhiên, phải đi cùng với chính sách để sử dụng các công cụ thuế, công cụ chính sách để tránh bóc lột công dân. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan