Góp ý của ĐBQH Trương Thái Hiền – Kiên Giang đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:24 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa đồng bào cử tri kính mến,

Tôi hoàn toàn nhất trí với một số đại biểu đã phát biểu trước tôi, sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Phòng, chống tham nhũng thông qua kỳ họp này.

Kính thưa Quốc hội.

Luật Phòng, chống tham nhũng nước ta mới vừa 7 tuổi vào đời, do vậy việc hạn chế cũng như một số vấn đề còn cần phải sửa đổi là điều tất nhiên. Tôi nhận thức rằng, tội phạm tham nhũng là giặc nội xâm nó rất tính vi đang tiềm ẩn, chung sống hòa bình với ta. Nếu ở đâu đó, ai đó thiếu vững vàng, thiếu bản lĩnh, có điều kiện sẽ bị tham nhũng tấn công gục ngã, nhất là trong giai đoạn cách mạng giao thời hiện nay.

Từ nhận thức trên, tôi xin bày tỏ sự đồng tình cao với Chính phủ trình Quốc hội để thông qua dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), mặc dù thời gian tổng kết rất cập rập ngoài dự kiến chương trình làm việc năm 2012 của Quốc hội nhưng trước yêu cầu đòi hỏi của xã hội sự quyết tâm chính trị của Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay. Tôi nhận thấy Quốc hội sớm biểu quyết thông qua để sớm đưa Luật Phòng, chống tham nhũng sớm đi vào cuộc sống.

Qua nghiên cứu dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này nhiều đại biểu đã phát biểu trùng với tôi, tôi xin quan tâm một số vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất, phạm vi điều chỉnh, theo khái niệm tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn để lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Trong cuộc sống ở con người luôn có hai mặt: thiện và ác; tốt và xấu. Một khi điều kiện môi trường công tác và sinh hoạt cũng như trong cuộc sống tốt lành mạnh thì được cái tốt lấn át cái xấu; cái thiện chiến thắng cái ác và ngược lại.

Do vậy, việc tham nhũng không loại trừ ai, mặc dù họ có chức hay không có chức, nhưng họ có quyền hạn, họ lợi dụng quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao, quản lý thì bất kể người đó ở cương vị nào, cao hay thấp, đều có thể bị tham nhũng tấn công. Nếu người đó không vững vàng, thiếu bản lĩnh. Do vậy, vấn đề cốt lõi, căn cơ là phải làm tốt công tác phòng ngừa. Những rào cản hữu hiệu bằng những cơ chế chính sách, chế độ tiền lương, tiêu chuẩn định mức thật rõ ràng, các khoản chi tiêu minh bạch, cụ thể sát với tình hình thực tế và luôn được cập nhật bổ sung. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, các ngành ở Trung ương, nhất là Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các quy định về chi tiêu, định mức, sớm cải cách tiền lương, đồng thời mạnh dạn phân cấp cho các ngành, địa phương, bỏ các quy định về xin cho bao cấp không phù hợp với biến động của cơ chế thị trường, đặc biệt sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự. Chẳng hạn Khoản 2, Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự về các hình thức giảm nhẹ đối với trường hợp vi phạm tội tham nhũng. Tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, đây là một vấn đề cần bổ sung.

Vấn đề thứ hai là tại Điều 33 dự án luật về công khai minh bạch trong lĩnh vực tư pháp. Vấn đề quy định trong dự thảo luật còn quá chung chung, chưa cụ thể sẽ gặp khó khăn cho cơ quan tư pháp trong quá trình nhiệm vụ của mình. Quá trình điều tra truy tố, xét xử, thi hành án là quá trình thu thập tài liệu chứng cứ đầy khó khăn phải được giữ kín và bí mật, nhất là khi có cáo trạng của Viện Kiểm sát, Tòa án phải có thời gian chuẩn bị xét xử nhằm kiểm tra, kiểm chứng vật chứng, xác định tội danh v.v… Trong giai đoạn này cần phải được bí mật tiết lộ để tránh lộ, lọt. Mặt khác danh mục nhà nước quy định các tài liệu của cơ quan tư pháp vẫn là tài liệu mật trừ bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét có quy định cụ thể việc công khai minh bạch ở khâu nào, giai đoạn nào, loại tài liệu nào trong dự án luật này để các cơ quan tư pháp dễ thực hiện trong thực tế hoặc giao cho Chính phủ quy định.

Vấn đề thứ ba, về mô hình tổ chức của cơ quan tại Khoản k, Điều 88, tôi thống nhất giữ như hiện nay, cơ quan phòng, chống tham nhũng trong lực lượng công an, Viện Kiểm sát cũng như thanh tra và của quân đội, đồng thời đề nghị Quốc hội cho thành lập cơ quan điều tra đặc biệt độc lập, tinh nhuệ để điều tra các vụ tham nhũng lớn liên ngành, liên tỉnh, đối tượng giữ chức vụ cao trong Đảng, nhà nước để làm mẫu, làm gương nhằm giáo dục răn đe những người đã và đang có ý định tham nhũng, cơ quan này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng bí thư Trung ương Đảng. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan