Góp ý của ĐBQH Trần Văn Độ – An Giang đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:25 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Về Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tôi có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất là về phạm vi sửa đổi, tôi nhất trí ban hành Luật sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng như Ban Soạn thảo đã đề xuất. Nhiều quy định của Luật Phòng chống tham nhũng cần được sửa đổi, nhiều vấn đề cần được bổ sung để cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta có hiệu quả hơn, thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 và khắc phục được bất cập hạn chế của luật hiện hành. Từ đó tôi đề nghị luật phải được thông qua tại hai kỳ họp theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mỗi luật thì ta phải được qua 2 kỳ họp và nếu được thì đối với dự thảo luật này có thể công bố rộng rãi để lấy ý kiến của nhân dân thì càng tốt.

Thứ hai, về quan điểm phòng chống tham nhũng, tôi đồng ý gọi đây là Luật Phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên tôi đề nghị trong dự thảo cần tập trung nhiều hơn vào các quy định chống tham nhũng. Bởi vì:

Thứ nhất, phòng ngừa tham nhũng là việc làm quan trọng quyết định nhưng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong quản lý điều hành đất nước, trong công tác tổ chức cán bộ, trong giáo dục đạo đức lối sống và tất cả những mặt đó thuộc trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân. Các biện pháp phòng ngừa phải được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, chủ trương, chính sách của nhà nước cần phải đặt ra được mục đích phòng ngừa tham nhũng. Vì thế trong phạm vi của một luật thì chúng ta không thể nêu được hết.

Thứ hai, trong luật này cần tập trung nhiều và quy định các biện pháp làm thế nào để phát hiện đưa ra xử lý các hành vi tham nhũng dù nhỏ hay lớn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Theo tôi đây là mấu chốt để thể hiện hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay trong luật này. Một trong những biện pháp đó tôi đồng tình với rất nhiều đại biểu phát biểu hôm nay là ngoài Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng mà không cần thiết phải quy định trong dự thảo luật thì cần tổ chức một cơ quan chống tham nhũng như ủy ban chống tham nhũng ở một số nước. Đó là một cơ quan mang thiết chế Nhà nước, một công cụ đặc biệt. Cơ quan này được thành lập ở Trung ương và các văn phòng ở một số tỉnh có quyền hạn thực sự độc lập, không phụ thuộc vào lãnh đạo chính quyền địa phương, chỉ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị thông qua Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Đồng thời luật quy định có biện pháp bảo vệ hữu hiệu các thành viên về mặt chính trị, về mặt pháp lý các thành viên của các ủy ban này.

Trong luật hiện hành, mặc dù Điều 88 và trong dự thảo đã quy định về các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng của Bộ Công an, của Viện Kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, chúng tôi thấy tổ chức này chưa đủ mạnh để chúng ta tuyên chiến với cuộc chiến chống tham nhũng như một số đại biểu đã phát biểu. Và tổ chức nhiệm vụ có quyền hạn của các đơn vị này do Quốc hội quy định chứ không nên để Chính phủ quy định.

Vấn đề thứ ba, về kê khai minh bạch tài sản. Tôi rất phân vân đối với các quy định về kê khai minh bạch tài sản. Tôi e rằng các quy định này dù là luật hiện hành hay là luật dự thảo sửa đổi thì cũng chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.

Bởi vì, thứ nhất, không phải cán bộ, nhân viên trong cơ quan đơn vị không biết ai trong cơ quan, không biết ai là người lãnh đạo, ai là người có chức vụ là tham nhũng hay không mà phải qua kê khai tài sản mà vấn đề quan trọng là nhân viên không muốn và không dám tố cáo hành vi tham nhũng.

Tại sao tuyệt đối các vụ tham nhũng của chúng ta phải do báo chí, do tố cáo của người dân mà không phải do các cơ quan, từ nhân viên các cơ quan phát hiện ra. Vì thế Điều 77, theo tôi nghĩ cần được sửa đổi theo hướng khuyến khích tố cáo tham nhũng, trừ trường hợp cố tình tố cáo sai trượt mang tính vu khống.

Thứ hai là người tham nhũng thì rất tinh vi, ngay hành vi tham nhũng vẫn che chắn được thì việc kê khai tài sản, minh bạch tài sản đặc biệt là kê khai minh bạch là những người lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan đơn vị thì người ta còn dễ che chắn hơn, nên thực ra việc kê khai minh bạch cũng không có tác dụng.

Vấn đề thứ ba là vấn đề thực tế, trong thời gian qua, trong luật 7 năm nay chúng ta đã có kê khai minh bạch tài sản nhưng theo tôi biết được chưa có một vụ án tham nhũng nào được phát hiện do trong quá trình kê khai không đúng không minh bạch tài sản mà được. Vì thế cho nên tôi đề nghị đồng thời việc kê khai minh bạch cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ khẩn trương ban hành các biện pháp quản lý thu nhập qua thẻ tín dụng, quản lý thanh toán qua tài khoản, góp vốn đầu tư phải chứng minh sự hợp pháp của vốn được góp vốn v.v… như vậy chúng ta mới có khả năng thực tế để phát hiện tham nhũng và có thể phòng ngừa được tham nhũng tốt hơn.

Hiện nay trong dự thảo luật chỉ có một điều thôi là giao cho Chính phủ làm những vấn đề này nhưng không có quy định cụ thể mà Chính phủ vấn đề này triển khai cũng rất lâu rồi, tôi thấy cũng không đâu đến đâu và cho rằng khó quá, chúng ta không làm hoặc làm chậm đi một tý cũng được. Tôi nghĩ những vấn đề này cần phải được khẩn trương, ban hành chính sách, biện pháp này cần phải được khẩn trương thực hiện.

Bốn, về đường lối xử lý chống tham nhũng tôi không đồng ý với một số đại biểu khi cho rằng đối với các tội phạm chống tham nhũng mà tham nhũng thì phải được xử lý nghiêm khắc ví dụ không cho hưởng án treo, không giảm án v.v…

Tôi thấy rằng tính nghiêm khắc của pháp luật đối với tội tham nhũng đã được quy định trong Bộ Luật hình sự rất rõ. Trong tất cả các tội chiếm đoạt tài sản chưa có tội tham ô, nhận hối lộ là có tử hình và tội tham ô còn quy định nặng hơn là tội cướp tài sản, tương đương với tội giết người, vậy chúng ta làm gì và chúng ta phải nghiêm khắc hơn nữa. Vấn đề quan trọng ở đây là tính nghiêm minh của pháp luật chứ không phải là tính nghiêm khắc, không cần thiết mà nghiêm minh ở đây là tất cả các vụ việc tham nhũng, chúng ta phải có biện pháp để phát hiện và đưa ra xử lý, kỷ luật là phải kỷ luật, hình sự là phải xử lý về hình sự thì như vậy chúng ta mới răn đe được, 100 vụ mà chúng ta chỉ đưa ra 2 vụ xử thật nặng thì như vậy không công bằng, không bình đẳng với người được phát hiện, còn những người khác vẫn ở trong bóng tối. Tôi nghĩ đó không phải là tính răn đe.

Vì thế, tôi đề nghị 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là Điều 68 tức là xử lý trách nhiệm đối với người để xảy ra tham nhũng. Nếu người có trách nhiệm mà thiếu trách nhiệm thì có tội thiếu trách nhiệm, đồng phạm tham nhũng thì có đồng phạm về tội tham nhũng.

Vấn đề thứ hai, Khoản 2, Điều 83 quy định thêm một số tình tiết giảm nhẹ ngoài Bộ luật hình sự. Tôi đề nghị không đưa vào trong này, nếu cần thiết thì sau này hoàn thiện Bộ luật hình sự, chúng ta mới quy định trong Bộ luật hình sự, tất cả văn bản pháp luật khác ngoài Bộ luật hình sự không được quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc tội phạm và hình phạt phải được quy định trong Bộ luật hình sự. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan