Góp ý của ĐBQH Nguyễn Trung Thu – Long An đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:24 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng nhằm khắc phục những hạn chế bất cập hiện nay. Đồng thời thực hiện chủ trương Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Theo gợi ý của đoàn thư ký và chủ tọa phiên họp, sau đây tôi có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo luật.

Vấn đề thứ nhất, về phạm vi sửa đổi luật. Qua nghiên cứu Tờ trình và dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tôi nhận thấy Chính phủ đề nghị sửa đổi luật cơ bản toàn diện trong một thời gian rất ngắn để cụ thể hóa nghị quyết Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nhưng với cách làm như hiện nay, theo tôi chưa bao quát toàn diện và chưa sát với thực tiễn vì Chính phủ chưa tổ chức tổng kết toàn diện luật mà chỉ có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Các nội dung trong báo cáo sơ kết chưa đánh giá được công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng một cách sâu sắc từ đó mới có cơ sở đánh giá khắc phục những hạn chế vướng mắc, khắc phục hiện nay để đưa vào luật sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Vì vậy, theo tôi phạm vi sửa đổi luật lần này chỉ tập trung sửa đổi một số điều thực sự đang gặp khó khăn vướng mắc bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt cần tập trung sửa đổi về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành và phối hợp trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Ngoài việc hình thành Ban chỉ đạo Trung ương và các tổ chức chuyên trách về phòng, chống tham nhũng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XI. Khi nào tổng kết đánh giá có thời gian chuẩn bị kỹ hơn thì mới sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng.

Vấn đề thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng Điều 6. Tại điều này tôi đề nghị bổ sung cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo, cần quy định rõ ràng về bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân khi thực hiện tố cáo tham nhũng. Trong thực tế nhiều người dân cho rằng tố cáo tham nhũng là việc làm có thể bị trả thù, bị xâm phạm đến tính mạng, đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm tài sản không chỉ đối với người tố cáo mà còn đối với cả người thân và gia đình họ, do đó tạo tâm lý chung của người dân, ngay cả cán bộ, công chức, viên chức coi phòng, chống tham nhũng là việc của Nhà nước, ít quan tâm tới việc phát hiện, tố cáo tham nhũng một khi chưa có cơ chế khuyến khích và đảm bảo an toàn cho họ.

Vấn đề thứ ba, việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập ở Điều 48, Điều 52. Tôi đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Vì hiện nay quy định này thực hiện chưa có hiệu quả nên việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai vẫn mang tính hình thức và không khả thi.

Theo tôi vấn đề chính trong việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập là nhằm kiểm soát những người có điều kiện tham nhũng để phòng, chống, ngăn chặn. Nếu không thì dù có kê khai thế nào đi nữa vẫn là hình thức. Vì vậy, không nên mở rộng đối tượng kê khai tới tất cả đảng viên. Vì có nhiều đảng viên chỉ là công chức, viên chức bình thường, không có điều kiện tham nhũng thì không cần phải kê khai.

Vì vậy, đối tượng kê khai chỉ cần theo đúng quy định hiện hành áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn là đủ. Đồng thời dự thảo cần có cơ chế, cách thức để kiểm soát thu nhập, tài sản của các đối tượng gồm phạm vi điều chỉnh của luật để tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý tài sản tư.

Tôi tán thành với quy định của dự thảo luật về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập thường xuyên làm việc, công tác. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại Khoản 4 Điều 52 về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập quy định như dự thảo là quá rộng. Thành viên của tổ chức chính trị, xã hội không chỉ bao gồm cán bộ, công chức, viên chức mà còn có các thành phần xã hội tiêu biểu khác như tôn giáo, dân tộc, doanh nghiệp, v.v., do đó chỉ nên quy định trong phạm vi Ủy ban thường vụ hoặc Ban thường vụ chuyên trách của tổ chức chính trị xã hội.

Vấn đề thứ tư, về xác định trách nhiệm của người đứng đầu thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị Điều 66, đề nghị quy định rõ, cụ thể ngay trong luật khái niệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu để dễ dàng phân định trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng.

Dự thảo luật còn thiếu cơ chế cụ thể việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cơ chế từ chức, thiếu quy định cụ thể về miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với người đứng đầu thiếu trách nhiệm còn để xảy ra nhiều tham nhũng. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung những vấn đề trên để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Vấn đề thứ năm là về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và đơn vị chuyên trách và phòng chống tham nhũng Điều 88. Dự thảo luật (sửa đổi) lần này đã bỏ các quy định về Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tôi nhất trí như dự thảo luật là không quy định trong luật về Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định. Tôi đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội có thể là Ủy ban Phòng, chống tham nhũng để có thể chế phù hợp, đủ mạnh, tổ chức  thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Cuối cùng tôi kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ là để các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng thực sự có hiệu quả trong quá trình thi hành. Bên cạnh việc rà soát hệ thống pháp luật để có những sửa đổi phù hợp thì vấn đề cần đặc biệt quan tâm khắc phục là phải có quy định cụ thể để xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ. Cần thực hiện nghiêm chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức kèm theo đó là chính sách về tiền lương thỏa đáng chứ không chỉ chú trọng quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chung chung. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan