Góp ý của ĐBQH Nguyễn Minh Kha – TP Cần Thơ đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:25 19-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua hơn 8 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã tạo ra hành lang pháp luật rất quan trọng làm diễn biến theo hướng tích cực, trên phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ, công chức Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập làm giảm hiệu lực phòng, chống tham nhũng. Việc sửa đổi, bổ sung phòng, chống tham nhũng lần này nhằm nâng cao tính kỷ cương, sắc bén, phát hiện những vấn đề không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống trong thời gian tới.

Theo Báo cáo của Chính phủ từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 8 năm 2012 chỉ trong 1 năm lực lượng phòng, chống tham nhũng, cả nước đã thụ lý 551 vụ, 1277 bị can, trong đó có khởi tố 222 vụ, 469 bị can, so cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can, đã kết luận điều tra 197.521 bị can, đáng chú ý tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, chiếm 41,1%. Từ số liệu nêu trên có thể đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng thực sự chưa đạt yêu cầu đã đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn, ngày càng tinh vi, xảo quyệt trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội và thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và nhân dân. Tôi xin đóng góp những nội dung cụ thể sau:

Điều 42, nghĩa vụ báo cáo về xử lý tham nhũng, Khoản 1 quy định "cơ quan, tổ chức, nơi làm việc khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan. Trường hợp người đứng đầu cơ quan tham nhũng thì báo cáo lên cấp trên". Tôi đề nghị bổ sung "đồng thời báo cáo với thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương mình đang công tác", vì cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Điều 48 đến Điều 65 quy định việc kê khai, kiểm kê, xác minh, giải trình tài sản, 16 điều quy định cụ thể nhưng chưa an tâm, vì các lẽ: Việc kê khai tài sản cán bộ, công chức nhiều năm qua vẫn thực hiện, nhưng thử hỏi có bao nhiêu trường hợp phát hiện dấu hiệu tham nhũng qua kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản gần như không tác dụng. Dự thảo luật lần này quy định cũng khá chi tiết nhưng vẫn không nêu được ai kiểm kê tài sản, tính tự giác, công khai, minh bạch. Khái niệm tham nhũng nêu rất cụ thể, dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này là người có chức, có quyền, làm việc trong bộ máy Nhà nước hoặc hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Như vậy có thể khẳng định muốn chống tham nhũng hiệu quả luật cần kiểm kê, kê khai tài sản minh bạch của người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước thực hiện tại nơi họ đang làm việc, không nhất thiết phải kê khai tài sản tại nơi cư trú, việc làm này vừa không khả thi, khó thực hiện. Theo tôi không kê khai tài sản cán bộ, công chức không giữ chức vụ, quyền hạn vì họ không phải là đối tượng của dự luật này điều chỉnh.

Điều 65, xử lý người có trách nhiệm, đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trực tiếp quản lý ở Khoản 1, 2 và 3, mình đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp, chịu trách nhiệm liên đới và miễn, giảm chịu trách nhiệm pháp lý, luật cần quy định rõ hơn khái niệm về người đứng đầu. Ví dụ ở cơ quan nếu xảy ra tham nhũng ở khâu kế toán, thủ quỹ thì Chánh văn phòng quản lý trực tiếp hay giám đốc sở phải chịu trách nhiệm. Nếu quy định người đứng đầu chung chung như hiện nay thì rất khó thực hiện.

Điều 78 trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo ở Khoản 2, tôi đề nghị quy định cụ thể áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người tố cáo, gia đình và người thân của họ, vì họ dám đứng ra tố cáo các hành vi tham nhũng, không như dự luật là có dấu hiệu đe dọa, trả thù mới tính đến việc bảo vệ người tố cáo, ai cũng biết tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn khi tai họa đến họ tính toán rất kỹ bằng mọi cách có thể để che giấu hành vi phạm tội, không từ một thủ đoạn nào, từ mua chuộc, lôi kéo, đe dọa, trả thù.

Điều 80, về khen thưởng người tố cáo, luật quy định người tố cáo tích cực cộng tác với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền  trong việc phát hiện xử lý, ngăn chặn hành vi tham nhũng thì được khen thưởng bằng vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật, tôi cho rằng như vậy chưa cơ bản và chung chung, chưa thực sự khuyến khích người phát hiện tố cáo tham nhũng, cần quy định mức thưởng xứng đáng. Đề cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả như nhân dân mong đợi, tôi đề xuất một số nội dung cụ thể sau đây:

Một là quan tâm đúng mức công tác giáo dục đạo đức, nhân cách của người cán bộ công chức, viên chức, nhất là những người có chức, có quyền họ phải thực sự là người có tầm gương sáng cho nhân viên cấp dưới làm theo, phải xem hành vi tham nhũng là tội ác với Đảng, với dân, với nước.

Hai là để nghiêm khắc hơn những hành vi tham nhũng, trong luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định lực lượng công an, đơn vị chịu trách nhiệm tội phạm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát trong phòng, chống tội phạm tham nhũng. Nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cho công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt hơn.

Ba là đề nghị dự luật xác định rõ hơn nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng quy định tại Điều 102, trong đó bổ sung nội dung quản lý hoạt động phòng ngừa đấu tranh với hành vi tham nhũng từ khâu phát hiện, điều tra, kết luận và chuyển cơ quan thẩm tra xử lý.

Tôi đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cần xem xét, sửa đổi hướng tăng mức hình phạt liên quan đến tham nhũng, hạn chế án treo thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Bốn là tham nhũng thực chất là một loại tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, do vậy để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh loại tội phạm này đề nghị sửa đổi Khoản 2, Điều 103 theo hướng giao cho Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Xin chân thành cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan