Góp ý của ĐBQH Phạm Xuân Thường – Thái Bình đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:15 19-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự án luật và nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tham gia cho Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tôi xin có một số ý kiến như sau:
Một là những vấn đề chung, trước hết tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu lại chủ trương thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại một kỳ họp. Vì đây là một đạo luật rất quan trọng nhưng phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu sâu hơn. Thực tế luật quy định mới ban hành có hiệu lực tháng 6/2006 nhưng đến nay đã sửa đổi 2 lần. Mặc khác trong dự án luật này qua thảo luận tại tổ còn rất nhiều ý kiến khác nhau của các vị đại biểu về nhiều nội dung như thành lập cơ quan độc lập điều tra, phòng, chống tham nhũng, thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không? Thành lập ở đâu? cơ quan độc lập phòng, chống tham nhũng trực thuộc cơ quan nào? Đối tượng kê khai tài sản là ai? Công khai tài sản ở đâu, với ai? Nếu không có thời gian thảo luận thấu đáo các nội dung này thì có thể 1-2 năm sau ta lại phải tiếp tục sửa dự án luật này.

Về hành vi tham nhũng quy định trong luật. Điều 3 dự thảo luật quy định 12 hành vi tham nhũng, nhưng 5/12 hành vi đó chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự nên trong thực tế khi phát hiện hành vi này, ví dụ hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi, giả mạo trong công tác vì vụ lợi, mặc dù rất nghiêm trọng nhưng không thể xử lý bằng hình sự mà xử lý bằng biện pháp hành chính nên tính răn đe, phòng, ngừa rất thấp.

Mặt khác luật pháp chưa quy định hành vi xâm phạm tài sản của tập thể, tài sản của khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp có phần vốn tài sản của Nhà nước. Các hành vi trốn, lậu thuế thực chất cũng là xâm phạm tài sản của Nhà nước, là hành vi tham nhũng nên phải xử lý bằng pháp luật tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, ngừa tham nhũng. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa các hành vi này vào dự án luật.

Đề nghị Quốc hội sớm tiến hành sửa Bộ luật Hình sự đưa các hành vi tham nhũng nhưng chưa bị coi là hành vi tội phạm vào trong Luật Hình sự.

Ba, về cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Dự án luật quy định thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Quy định như vậy là hợp lý nhưng chưa đủ. Tôi đề nghị cần thành lập đơn vị chuyên trách chống tham nhũng cả Bộ Quốc phòng.

Về thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập như nhiều đại biểu đề nghị, trong đó có thành lập cơ quan chống tham nhũng ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi cho rằng điều này không hợp lý. Đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, của cả người dân. Quốc hội là cơ quan lập pháp và có chức năng giám sát các hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ. Do vậy, việc thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không hợp lý.

Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập cơ quan điều tra tham nhũng độc lập với Chính phủ do Tổng thống điều hành, cơ quan này có quyền tiến hành phát hiện, khởi tố, điều tra ban đầu các hành vi tham nhũng và sau đó chuyển cho cơ quan chuyên trách để điều tra tiếp và truy tố trước Tòa án. Mô hình này rất hiệu quả, hành vi tham nhũng được phát hiện sớm được cơ quan tiến hành điều tra tham nhũng độc lập và cơ quan này đồng thời cũng là cơ quan giám sát hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra chuyên trách, đảm bảo xử lý kịp thời không bỏ lọt tội phạm, nên chăng Việt Nam cũng áp dụng mô hình này, thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng trực thuộc Chủ tịch nước.

Đại biểu Quốc hội và cử tri có nhiều ý kiến về việc cơ quan thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nhưng chuyển cơ quan điều tra truy tố rất ít. Tuyệt đại đa số cán bộ xử lý bằng biện pháp hành chính và muốn truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan điều tra cũng không nhỏ nhưng chưa có cơ chế giám sát, do vậy không ít trường hợp đã bỏ lọt tội phạm. Ví dụ theo báo cáo của Chính phủ ở một tỉnh phía Bắc sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo chống tham nhũng mới đưa sang cơ quan điều tra khởi tố truy tố 5 vụ. Để khắc phục tình trạng này, ngoài sự giám sát của cơ quan điều tra độc lập thuộc Chủ tịch nước, nếu phương án này được chấp nhận cần giao cho ngành kiểm sát, kiểm sát các vụ việc mà cơ quan khác xử lý hành chính, có cơ chế giám sát cho Viện Kiểm sát đối với các việc xử lý hành chính hành vi tham nhũng, tránh bỏ lọt tội phạm.

Về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, luật hiện hành có quy định về thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng ở Trung ương do Thủ tướng làm trưởng ban, ở tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Thực tế cho thấy thời gian qua hoạt động của ban chỉ đạo chống tham nhũng các cấp đạt hiệu quả thấp. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 dự thảo luật kỳ này không quy định thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng trong luật, như vậy là phù hợp, tôi ủng hộ phương án này.

Một số vấn đề cụ thể, đối tượng kê khai tài sản, Khoản 1 Điều 48 là không hợp lý, vừa thừa, vừa thiếu. Chẳng hạn bác sỹ chính, giảng viên chính phải kê khai tài sản nhưng chuyên viên chính, thẩm tra chính thì không kê khai tài sản. Tôi cho rằng đối tượng kê khai tài sản phải được mở rộng đến tất cả cán bộ, công nhân viên chức cả nước với các lý do sau đây.

Thứ nhất, cán bộ công chức, viên chức đều có thể liên quan đến quản lý tài sản, tiếp xúc giải quyết công việc của người dân, hôm nay là chuyên viên, ngày mai có thể được bổ nhiệm làm lãnh đạo, hôm nay chưa được giao quản lý tài sản, ngày mốt có thể được giao quản lý tài sản, trực tiếp giải quyết công việc cho người dân. Việc kê khai tài sản cũng như việc sử dụng thẻ trong giao dịch của cán bộ công chức sẽ tạo thành thói quen cho người sử dụng và đây là đòi hỏi tất yếu trong công khai minh bạch thu nhập là cơ sở phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, cán bộ công chức, viên chức thực hiện kê khai tài sản hàng năm giúp cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ các di biến động tài sản của người đó từ khi vào công tác cho đến khi nghỉ hưu, mọi biến động lớn tài sản như bố mẹ cho, tài sản tham nhũng, tài sản có được chính đáng, tất cả đều được cơ quan chức năng giám sát. Người có tài sản tăng thêm bất thường có nghĩa vụ giải trình tính hợp pháp tài sản mà mình có, tất nhiên muốn vậy phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Hiện nay có nhiều trường hợp học sinh mới ra trường, mới vào làm công chức Nhà nước chưa bao lâu, bố mẹ đều làm cán bộ công chức nhưng đã có khối tài sản lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng do cha mẹ hoặc người thân chuyển cho và rất nhiều trong số đó là tài sản không rõ nguồn gốc.

Thứ ba, việc kê khai tài sản cán bộ công chức, viên chức thực tế chỉ phức tạp và tốn thời gian lần đầu. Còn từ năm thứ hai trở đi cùng với bổ sung kê khai lý lịch thì khai tài sản tăng thêm hàng năm sẽ chắc chắn thuận lợi hơn nhiều.

Từ phân tích trên tôi đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản ở tất cả cán bộ công chức, viên chức bất kể họ giữ cương vị gì trong bộ máy Nhà nước. Việc kê khai phải được tiến hành thường xuyên hàng năm quy trách nhiệm ngay trong luật cho người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ công chức, viên chức trong việc nắm xác minh khi cần thiết tính hợp pháp của khối tài sản mà cán bộ công chức, viên chức kê khai. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan