Góp ý của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:15 19-12-2012


Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Chúng ta đã nghe rất nhiều đại biểu phát biểu, tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, tham nhũng đang thách thức sự tồn tại của chế độ, tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân. Có thể nói tham nhũng chúng ta nói rất nhiều và đặc biệt trong Nghị quyết của Đảng cũng đã nêu và Quốc hội chúng ta đã ban hành luật, đồng thời Chính phủ cũng ban hành rất nhiều văn bản dưới luật. Có thể nói chúng ta đã ban hành một rừng luật, nhưng vì sao tham nhũng chúng ta phát hiện và xử lý không được nhiều, có hai nguyên nhân:

Một, do tổ chức thực hiện.

Hai là do luật pháp của chúng ta có những cái chưa quy định chặt chẽ.

Chính vì vậy, trong đợt thảo luận hôm nay chúng ta đã phải sửa luật, theo tôi thấy đây là vấn đề hết sức cần thiết và bức xúc. Sửa luật lần này theo tôi thấy  như thế này:
Thứ nhất, quy định về phạm vi sửa đổi một số điều của luật chúng tôi đề nghị vì điều kiện nếu sửa chỉ trong một kỳ họp tôi thấy rất khó khăn. Theo tôi phải sửa toàn diện, nếu chúng ta chỉ sửa một phần thì rất khó. Quan điểm của tôi về sửa toàn diện như thế nào?

Thứ nhất, chúng tôi đồng ý Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ sẽ chuyển lại cho bên Đảng, việc này chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi vì cử tri cho rằng những đối tượng nguy cơ tham nhũng cao nhất hiện nay nằm trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, vì vậy phải chuyển đổi ban này sang bên kia là hợp lý và hợp lòng dân.

Thứ hai, theo tôi phải sửa đổi một số hành vi tham nhũng, hiện nay chúng ta chỉ quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng có 12 hành vi nhưng thực tế cố ý làm trái thì chúng ta lại bỏ ra ngoài. Rõ ràng hành vi cố ý làm trái và tất cả các vụ án tham nhũng vừa rồi chúng ta đều chuyển sang xử cố ý làm trái. Tôi cho rằng phải bổ sung hành vi này là hành vi tham nhũng, bởi vì tôi nói ví dụ mua một con tàu 100 tỷ nhưng mua 200 tỷ, chênh lệch đến 100 tỷ nhưng chúng ta chỉ xử được hành  vi đó là cố ý làm trái thì rất không công bằng và rõ ràng chúng ta đã bỏ lọt hành vi này. Hoặc như chúng ta thấy một con đường rất dài nhà nước có thể làm hàng trăm tỷ nhưng lại cho tư nhân đầu tư một cầu con con để bán vé, tôi cho rằng đó là dấu hiện tham nhũng rất rõ. Những dự án chúng ta làm quy hoạch dự án này nhưng khi thu hồi đất xong chúng ta lại chuyển đổi sang làm việc khác. Tôi cho rằng những việc đó là hành vi tham nhũng, chúng ta phải được cụ thể hóa trong luật thì chúng ta mới chống được, còn mấy đồng chí cảnh sát có nhận mấy đồng của nhân dân thực ra chỉ gây bức xúc cho dư luận nhưng tham nhũng về chính sách, về chế độ này nó mới lớn. Tôi đề nghị lần này sửa thì phải bổ sung hành vi cố ý làn trái vào hành vi tham nhũng còn nếu không sửa được theo tôi nghĩ cũng không đảm bảo việc xử lý.

Thứ hai, xử lý về tội chống tham nhũng này tôi đề nghị tới đây phải sửa tất cả các văn bản có liên quan, đại biểu Nhã hôm trước đã phát biểu là:

Thứ nhất là không được đặc xá.

Thứ hai là không được giảm án.

Thứ ba là không được cho hưởng án treo.

Chúng ta phải coi tham nhũng như ma túy, như tội phản quốc và chúng ta phải tuyên chiến với tham nhũng bởi tham nhũng đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng. Tôi đề nghị phải làm thế này, nếu không làm thì chúng ta thấy được chống tham nhũng của chúng ta không có hiệu quả.

Thứ ba, vấn đề kê khai tài sản tôi đề nghị phải kê khai cả những con cái thành niên, hiện nay tôi biết rằng tất nhiên các đồng chí lãnh đạo có con cái thì rất trưởng thành và cũng rất nhiều người thành đạt chứ không phải ai cũng gian dối trong việc kê khai tài sản. Nhưng nhiều cán bộ của chúng ta là con cái tự nhiên giàu lên một cách bất hợp pháp. Mà trong kê khai tài sản thì lại không có kê khai con thành niên, cho nên chúng ta thấy được lãnh đạo chúng ta kê khai tài sản rất ít. Như đại biểu Dương Trung Quốc nói là tôi rất thương cán bộ mình có khi lại còn nghèo hơn cả tôi, một nhà sử học thấy tội quá, lại không phải. Cho nên vấn đề bởi vì chúng ta không kê khai tài sản của con cái thành niên để kiểm soát, tôi cho rằng phải kê khai tài sản quy định về con thành niên vào đây để chứng minh được rằng con anh làm như thế, kinh doanh thế này một tháng nộp thuế bao nhiêu, thu nhập bao nhiêu và mấy năm đó được bao nhiêu tiền, tại sao tiền nhiều thế?

Thứ hai, phải có cơ chế, phải thu hồi tài sản, ví dụ anh kê khai như rất nhiều vụ án khi kiểm tra nhà cán bộ nhưng không kê khai thì chúng ta không có cơ chế tịch thu. Tôi nghĩ rằng đã cán bộ mà đối tượng phải kê khai nhưng khi khám nhà anh nhiều vàng, nhiều USD thì đó là tiền bất hợp pháp chúng ta phải tịch thu. Trong luật này phải bổ sung hành vi là nếu không chứng minh được, không giải trình được hoặc không kê khai thì phải tịch thu tài sản đó, nhiều nước người ta làm việc này. Ví dụ anh mua gì đó mà quá khả năng thu nhập của anh thì anh phải chứng minh nguồn gốc tài sản đó ở đâu, còn nếu không được chúng ta tịch thu. Trong luật này phải bổ sung là nếu như tài sản đó không chứng minh được hoặc các anh đáng nhẽ đối tượng phải kê khai mà không kê khai thì chúng ta phải có cơ chế tịch thu tài sản này thì mới công bằng. Còn nếu chúng ta thấy chúng ta không làm được việc này thì kê khai không có ý nghĩa gì.

Cho nên tôi đề nghị khi kê khai tài sản phải kê khai tất cả và nếu những gì không kê khai là bất hợp pháp, nếu khám nhà kiểm tra mà phát hiện thấy thì phải tịch thu.

Về công khai tài sản theo tôi nghĩ nếu chúng ta làm thì phải công khai cả cơ quan và nơi cư trú để nhân dân giám sát. Tất nhiên cũng có người ngại là ở nơi cư trú thì sợ nhân dân không có điều kiện tham gia nhưng theo tôi nghĩ phải công khai ở cơ quan và nơi cư trú để quá trình hiểu biết anh cán bộ này từ khi vào ngành đến nay tài sản như thế này và do thu nhập của mình nên có khối tài sản này là hợp pháp và để nhân dân giám sát. Nếu chúng ta không quy định vấn đề này thì không công khai, rõ ràng chúng ta chỉ để hồ sơ trong cán bộ và trong nội bộ chúng ta xem xét thì không có ý nghĩa. Cho nên phải công khai hóa tài sản của mình.

Về xác định vị trí của người đứng đầu, theo tôi nghĩ phải quy định cho rõ chứ không để cho những người tích cực đấu tranh, có khi phát hiện ra nhiều tham nhũng trong cơ quan bây giờ chúng ta xử lý thì cũng khó. Bây giờ chúng ta chỉ quy định trách nhiệm người đứng đầu anh không phát hiện mà người khác phát hiện được tham nhũng thì tôi mới xử anh, còn anh tự điều tra phát hiện tham nhũng trong cơ quan anh thì tích cực rồi, anh phải xem xét cho họ. Thời gian không còn, tôi xin để kỳ sau. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan