Góp ý của ĐBQH Mã Điền Cư – Quảng Ngãi đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:14 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tham gia thảo luận Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, tôi xin phát biểu 2 vấn đề sau:

Một, về công khai bản kê khai tài sản thu nhập. Về vấn đề này, trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về công khai tài sản thu nhập mà chỉ quy định việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản thu nhập. Do đó những quy định này chỉ mang tính hình thức, tính hiệu quả và tính khả thi không cao. Không kiểm soát được tài sản thu nhập cũng như không phát huy được tác dụng trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.

Tuy nhiên, tôi không tán thành với nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng với cơ chế quản lý kiểm soát tài sản thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn, cán bộ công chức như hiện nay nếu không có mối quan hệ công tác thì người dân tại nơi cư trú chỉ thuần túy căn cứ vào bản kê khai tài sản thu nhập để giám sát phát hiện ra việc kê khai không trung thực, phát hiện tham nhũng là rất khó khả thi. Đồng thời, tôi không đồng tình với lập luận như Tờ trình của Chính phủ cho rằng việc quy định công khai bản kê khai tài sản nơi cư trú đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn của việc công khai tài sản thu nhập. Theo nhận thức của tôi, những lập luận trên đây của Chính phủ và của Ủy ban Tư pháp không phải là nguyên nhân chính không đưa chế định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập nơi cư trú quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng.

Theo tôi nghĩ rằng đây có phải chăng là những lập luận ngụy biện cho sự yếu kém của các cơ quan hữu quan trong việc tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề tham nhũng. Ở đây tôi muốn nói rằng thời gian qua thực tế cuộc sống cho thấy những vụ tham nhũng không được phát hiện nhiều tại nơi làm việc mà đa số từ phía nhân dân và giới báo chí, nguyên nhân của nó là gì? chắc có lẽ các đại biểu biết nhiều hơn tôi. Hơn nữa tại sao 5 năm qua Chính phủ không tổ chức tổng kết hoặc sơ kết việc công khai tài sản nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X của Đảng và cụ thể hóa Điều 8 của Hiến pháp phục vụ cho công tác sửa đổi pháp luật. Như vậy, trách nhiệm của Ban soạn thảo và Chính phủ về vấn đề này như thế nào?

Từ những phân tích trên tôi đề nghị, cần đưa chế định về công khai bảng kê khai tài sản thu nhập cả nơi người có nghĩa vụ thường xuyên làm việc công tác và nơi cư trú. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó cần có những quy định về quy trình, thủ tục công khai nơi cư trú thật chặt chẽ, tránh lạm dụng vào mục đích tiêu cực.

Thứ hai, về việc thành lập tổ chức phòng, chống tham nhũng. Tôi hoàn toàn nhất trí với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ được quy định trong Văn kiện của Đảng. Còn luật sửa đổi sẽ không quy định về vấn đề này, đồng thời tán thành với việc bỏ các quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong luật hiện hành.

Theo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ bên cạnh sự khẳng định về những kết quả đạt được báo cáo cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với các biểu hiện tinh vi, phức tạp diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc bất bình trong xã hội, là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Với tính chất mức độ của tình trạng tham nhũng hiện nay nhằm đẩy mạnh nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tôi xin kiến nghị: Bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thì Quốc hội cần thành lập Ủy ban độc lập phòng, chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến vấn đề tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tiếp nhận và xem xét các kiến nghị của công, dân công chức, viên chức về tham nhũng. Ủy ban này có quyền đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố các bị can về các tội danh tham nhũng, nó độc lập với Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của mình. Người đứng đầu ủy ban do Quốc hội phê chuẩn, ngân sách hoạt động của ủy ban do Quốc hội phê duyệt. Trên đây là một số ý kiến của tôi tham gia thảo luật Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan