Góp ý của ĐBQH Phạm Đức Châu – Quảng Trị đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:20 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng tôi cơ bản đồng ý giải trình của dự thảo luật và đặc biệt là tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì dự kiến luật thông qua tại kỳ họp này nên tôi xin được tham gia trực tiếp vào nội dung mà Đoàn thư ký đề nghị thảo luận và còn có ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh ở Điều 1, Khoản 3 quy định người có chức vụ bao gồm ở luật, tôi đề nghị bỏ Mục đ tức là người được giao nhiệm vụ, công vụ và quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ công vụ đó. Vì thực chất ở Khoản a đã quy định bao gồm cán bộ công chức, viên chức đã bao hàm cả những người này.

Hai, về những hành vi tham nhũng ở Điều 3. Tôi nhất trí với rất nhiều ý kiến cho rằng phạm vi quy định ghi 12 hành vi như vậy là chưa đầy đủ. Ví dụ có hành vi quyết định đầu tư hoặc mua sắm tài sản công trái với quy định của nhà nước nhằm trục lợi. Đó là loại hành vi tham nhũng rất phổ biến hiện nay.

Tại Điều 44 có quy định về việc nhận quà quá mức đối với cán bộ công chức và hiện nay nếu nhận quá mức như vậy cũng là thuộc hành vi tham nhũng hay không. Ví dụ có nhiều cán bộ nhận tặng quà là thẻ chơi Golf có trị giá cả tỷ đồng, có coi đó là hành vi tham nhũng hay không. Đồng thời bỏ Khoản 9 quy định những hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước để vụ lợi. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng trái phép tài sản của nhà nước không vì vụ lợi mà lại không bị coi là hành vi tham nhũng mà thực chất đây chỉ là sự lạm dụng.

Ba, về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng được quy định tại Điều 56, Điều 67 và Điều 68. Tôi nhất trí với đại biểu ở Phú Yên, tôi đồng tình rất cao. Nếu chúng ta quy định căng quá thì rất có thể hạn chế việc phát hiện, đất tranh chống tham nhũng của người đứng đầu vì sợ phải trách nhiệm. Cho nên về vấn đề này tôi thấy như sau:

Tham nhũng thường xảy ra với người có chức vụ đứng đầu trong sự buông lỏng hay dung túng của cấp trên. Cho nên, theo tôi cần phải có quy định trách nhiệm cấp trên trực tiếp hoặc người được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với cơ quan, doanh nghiệp có người đứng đầu thực hiện hành vi tham nhũng thì một mặt nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên, không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà cả trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời như vậy mới xử lý được triệt để trách nhiệm đối với những người có liên quan. Mặt khác để người đứng đầu quan tâm phòng, chống tham nhũng thì phải có quy định thưởng, phạt nghiêm minh theo hướng nếu người đứng đầu tự phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan mình và xử lý nghiêm thì được khen thưởng, nếu do người hoặc tổ chức khác phát hiện ra người tham nhũng ngay trong cơ quan thì người đứng đầu dù không tham nhũng vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bốn, về đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Có nhiều ý kiến đồng tình với Mục k Điều 48 nhưng tôi không đồng tình. Mục k quy định đối tượng là cán bộ, công chức là đảng viên phải kê khai tài sản. Tôi không đồng tình bởi lý do như sau.

Chúng ta biết hầu hết người có chức vụ là Đảng viên. Vì có chức vụ họ mới tham nhũng được, chứ không phải mọi đảng viên là có điều kiện tham nhũng. Luật này quy định kê khai tài sản là nằm trong mối quan hệ nhằm phòng, chống tham nhũng thì cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên không có chức vụ theo tôi không cần phải kê khai tài sản, thu nhập nếu không thuộc các trường hợp có chức vụ, quyền hạn như đã quy định ở trên.

Nếu dự thảo quy định như vậy người ta lầm tưởng rằng trong cán bộ, công chức, viên chức người nào là đảng viên dễ tham nhũng hơn nên phải kê khai tài sản, thu nhập thì thật là tai hại.

Mặt khác, nếu có quy định đảng viên phải kê khai tài sản thu nhập theo tôi nghĩ vấn đề này phải do Trung ương quy định. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Thường nếu mở rộng thế này thì mở rộng luôn tất cả các cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở các lĩnh vực nhạy cảm dễ tham nhũng cần phải kê khai tài sản chứ không phải là Đảng viên mới kê khai tài sản.

Năm, về công khai bảng kê khai tài sản thu nhập được quy định tại Điều 52. Theo tôi cần thiết phải có quy định bản kê khai tài sản thu nhập của người kê khai phải công khai cả nơi công tác và cả nơi cư trú của người đó. Vì Luật Cán bộ công chức có quy định cán bộ công chức chịu sự giám sát nhân dân. Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân quy định đại biểu chịu sự giám sát của nhân dân và sắp tới chúng ta sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Điều 4 có ghi tổ chức Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Nếu không công khai cho nhân dân nơi cư trú biết thì nhân dân lấy gì mà giám sát. Đồng thời, quy định như vậy cũng đã thể chế hóa và thực hiện trực tiếp kết luận Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI và cao hơn nữa quy định này sẽ nâng cao hơn lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta.

Điều 52, Khoản 4 đề nghị người là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thay bằng người được dự kiến bầu vào cơ quan lãnh đạo. Vì người được dự kiến bầu vào cơ quan lãnh đạo tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội mới phải kê khai tài sản công khai trước đại hội chứ không phải mọi thành viên.

Sáu, Điều 76 quy định việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát. Theo tôi quy định này việc phát hiện tham nhũng mới thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung cả thông qua hoạt động giám sát của tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cho bổ sung thêm một quy định về phát hiện tham nhũng thông qua phát hiện của báo chí.

Bảy, Điều 83 quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng, Khoản 2 có quy định nếu người có hành vi tham nhũng chủ động từ chức thì được giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý. Theo tôi quy định như vậy là trái với quy định của Luật hành chính và Luật Hình sự vì người vi phạm pháp luật tự nguyện từ chức không được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý. Theo tôi chỉ giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý cho những người có hành vi tham nhũng nhưng lại chủ động khai báo và khắc phục hậu quả.

Tám, Điều 99 quy định vai trò trách nhiệm của báo chí, đề nghị cần có quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc xử lý các thông tin phát hiện tham nhũng của báo chí và rất cần có thông tin trở lại kết quả xử lý công khai trên báo chí. Quy định này còn có ý nghĩa thanh minh cho người bị báo chí nêu nếu họ không có tham nhũng.

Cuối cùng, tại Điều 80 mới quy định khen thưởng, tố cáo cho người tố cáo là chưa đầy đủ, theo tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào Luật phòng, chống tham nhũng một số điều quy định về khen thưởng đối với cả người có thành tích trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và kỷ luật nghiêm đối với những người vi phạm các quy định trong luật này, ví dụ như không kê khai tài sản chẳng hạn.  Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan