Góp ý của ĐBQH Triệu Là Pham – Hà Giang đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:21 19-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp

Kính thưa Quốc hội.

Để tham gia góp phần hoàn thiện vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi xin tham gia một số ý kiến để làm cho Luật phòng, chống tham nhũng có tính khả thi cao khi luật có hiệu lực pháp luật, cụ thể như sau.

Thứ nhất, quy định về việc tặng quà và nhận quà của cán bộ công chức, viên chức tại Điều 44 quy định: cán bộ công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do chính mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi của mình. Quy định như vậy, tôi thấy không rõ ràng, có nghĩa là đối tượng không được nhận tiền khi có công việc liên quan vào trong phạm vi của mình giải quyết, nhưng lại được nhận tiền, tài sản khi không liên quan đến công việc và phạm vi của mình giải quyết. Quy định như vậy thiếu tính chặt chẽ, đương nhiên tạo kẽ hở cho các đối tượng lách luật khi thực hiện họ sẽ thông qua một người khác hay người thứ hai như vợ, con và bạn bè, anh em có công việc không thuộc phạm vi của mình để nhận tiền thay. Phương pháp này hiện nay đang được các đối tượng đưa hối lộ vận dụng rất phổ biến, do vậy, cần quy định lại cho hợp lý, cụ thể, rõ ràng, nghiêm cấm mọi hành vi đưa và nhận hối lộ dưới mọi hình thức có liên quan hay không đến công việc của mình để đảm bảo ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các hành vi đưa và nhận hối lộ.

Thứ hai, tài sản, thu nhập phải kê khai quy định tại Điều 49. Tài sản phải kê khai được quy định phải có mức giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Hàng năm, Chính phủ xem xét điều chỉnh giá trị tài sản tối thiểu phải kê khai.

Theo tôi, quy định về mức giá trị từ 100 triệu đồng trở lên như trên là quá cao, không phù hợp với các quy định về mức giá trị tài sản phạm tội bắt buộc phải khởi tố theo quy định trong Bộ luật Hình sự.

Ví dụ, tội tham ô tài sản Điều 278 quy định từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì phải chịu mức hình phạt tù từ 2-7 năm;

Điều 279 tôi nhận hối lộ, của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 7-15 năm;

Điều 280 tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 6-13 năm.

Nếu Điều 49 quy định mức giá trị tài sản từ 100 triệu đồng trở lên mới phải kê khai cao hơn mức quy định về các tội tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự dẫn đến nương nhẹ, bỏ lọt việc kê khai cũng có nghĩa là bỏ lọt tội phạm. Đối với số tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến 99,9 triệu đồng mà không bị coi là tài sản bất hợp pháp lẽ ra đã bị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu đó là tiền, tài sản do phạm tội mà có thì đương nhiên lại coi là tài sản hợp pháp.

Vô hình chung chúng ta đã tạo cho các luật đá nhau, mâu thuẫn nhau. Vậy, tôi đề nghị quy định lại mức giá trị tài sản tại Điều 49 và các điều luật khác trong dự thảo luật phải đảm bảo tương ứng với các quy định tại Bộ luật Hình sự, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất chung giữa các điều luật với nhau. Đồng thời bỏ Khoản 3 Điều 49 không giao cho Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức giá trị tài sản phải kê khai hàng năm vì các mức giá trị tài sản đã được quy định tương ứng, thống nhất với các mức hình phạt trong Bộ luật Hình sự và các luật khác tại Khoản 2 đã đăng trên.

Việc xử lý đối với người có hành vi tham nhũng. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị kết án có hành vi tham nhũng và bản án quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo tôi, nếu là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm các hành vi tham nhũng đã bị kết án, tức là bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì không nên áp dụng hình thức đương nhiên mất quyền đại biểu giống như việc đương nhiên thôi giữ các chức danh Ủy viên ban chấp hành không làm thủ tục bãi nhiệm như của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và hội nông dân v.v… mà nên quy định cụ thể phải áp dụng hình thức bãi nhiệm theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân vì đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đã có luật điều chỉnh riêng, vì vậy, tôi đề nghị nên tuân thủ theo luật.

Về xác minh tài khoản thu nhập, Điều 54 để đảm bảo đánh giá kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản thu nhập, theo tôi nên quy định rõ về thẩm quyền xác minh tài sản đối với các đối tượng phải kê khai tài sản theo mỗi cấp. Ví dụ cán bộ cấp huyện thuộc diện tỉnh quản lý thì thẩm quyền xác minh phải là do cấp tỉnh tiến hành xác minh. Các đối tượng cấp tỉnh thuộc diện Trung ương quản lý thì thẩm quyền xác minh phải do Trung ương, như vậy mới đảm bảo tính khách quan, tính dân chủ, mới đảm bảo tính minh bạch đối với các khoản thu nhập của các đối tượng được xác minh, vì nếu để các cơ quan cùng cấp đi xác minh tiền, tài sản của lãnh đạo cấp mình thì cũng chỉ là hình thức rồi đâu sẽ vào đó và không bao giờ giải quyết được tận cùng của vấn đề. Trên đây là ý kiến phát biểu của tôi, xin hết, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan