Góp ý của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hoá đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:19 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Theo bảng xếp hạng năm 2011 của tổ chức minh bạch thế giới Việt Nam của chúng ta hiện nay đang đứng thứ 112/183 quốc gia và vùng lãnh thổ với 2,9 điểm thuộc 3 nhóm tham nhũng cao nhất thế giới. Đó là vấn đề rất đáng báo động và đáng suy nghĩ.

Ở nước ta Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua từ năm 2005. Cùng với việc triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần nhất định vào việc minh bạch hóa và hạn chế những tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài nguyên, tài sản.

Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta chưa thực sự hiệu quả. Hiện tượng tham nhũng vẫn tồn tại nhiều  lĩnh vực quan trọng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, Đảng viên và bộ máy nhà nước, nhất là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, nhiều lợi ích về kinh tế như ngân hàng, tài chính, doanh nghiệp nhà nước, đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Mặc dù luật pháp không phải là một phương thuốc vạn năng, nhưng việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng lần này là hết sức cấp thiết. Theo tôi Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau đây:

Một, làm thế nào góp phần cùng với cơ chế khác để kiểm soát, giám sát tính minh bạch, trong sạch hóa được các khoản chi có khả năng tiếp ứng và thực hiện các hành vi tiêu cực và tham nhũng của các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, tài nguyên, đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu thực hiện các dự án lớn của nhà nước. Phải có cơ chế giám sát một cách đặc biệt và thường xuyên, khách quan, cụ thể kể cả ở biện pháp và tần suất kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ thực hiện hành vi hối lộ, chạy dự án, chạy thầu cho tổ chức và doanh nghiệp đó.

Hai, việc phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt, đúng pháp luật, đồng thời phải bảo đảm sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc và sự thống nhất trong bộ máy nhà nước. Tuyệt đối tránh hiềm thù, co cụm, bảo vệ lợi ích nhóm, trong bộ máy nhà nước lợi dụng phòng, chống tham nhũng để xâm phạm đời tư cũng như các quyền tự do cá nhân và xâm phạm đến quyền dân chủ của nhân dân.

Ba, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5 không cản trở việc kiện toàn bộ máy nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng do đồng chí Tổng bí thư đứng đầu không phải là cơ quan có thể làm thay được cho nhà nước mà cơ quan đó chỉ giúp việc cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư lãnh đạo, chỉ đạo về đường lối, chiến lược phòng, chống tham nhũng của đất nước chúng ta. Để bảo đảm khách quan, hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, bảo đảm thực hiện đúng vị trí, vai trò của Quốc hội, tôi đề nghị thành lập Ủy ban phòng, chống tham nhũng của Quốc hội để giám sát thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước.

Bốn, xác lập cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc  và các thành viên của Mặt trận trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Nhất là cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo thẩm phán, hội thẩm nhân dân, điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên, thanh tra viên và kiểm toán viên. Cần có cơ chế pháp lỹ rõ ràng nhằm tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của báo chí và cơ quan ngôn luận trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng như quy định tại Điều 9 và Điều 99. Để đảm bảo phóng viên, nhà báo có điều kiện thuận lợi tác nghiệp và phải được bảo vệ tối đa khi tiến hành điều tra đưa tin tức về cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng. Về những vấn đề cụ thể theo gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin có hai ý kiến như sau:

Về phạm vi, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập ở Điều 48, tôi thống nhất giữ nguyên như luật hiện hành và bổ sung thêm: cán bộ công chức và viên chức là Đảng viên cũng thuộc đối tượng kê khai. Với ba lý do sau đây:

Lý do thứ nhất, quy định này thực tế vừa qua không hiệu quả là do quá trình tổ chức triển khai thực hiện không phải là cơ chế của pháp luật vì chúng ta còn quá hình thức. Nếu chúng ta tiếp tục mở rộng thì tính khả thi không cao và tôi đề nghị cần có đánh giá cụ thể để khi có đủ điều kiện thì chúng ta sẽ mở rộng đối tượng.

Lý do thứ hai, để thực hiện có hiệu quả thì cần phải gắn liền biện pháp kiểm soát tài sản và thu nhập với việc kê khai công khai.

Lý do thứ ba, vấn đề này Quốc hội chúng ta đã thảo luận rất kỹ và thống nhất cao khi chúng ta quyết định đối tượng kê khai khi chúng ta thông qua Luật 2005.

Vấn đề thứ hai, về công khai bảng kê khai tài sản và thu nhập ở Điều 52, đề nghị nên công khai bảng kê khai tài sản và thu nhập kể cả nơi công tác và nơi cư trú để tránh hình thức vì hai lý do sau đây:

Lý do thứ nhất, hiện nay theo quy định thì tất cả Đảng viên của chúng ta đều sinh hoạt hai chiều tại nơi cư trú. Do đó việc công khai tài sản thu nhập cũng là cơ sở để nhân dân nơi cư trú giám sát về việc thu nhập và cấp ủy Đảng cơ sở đánh giá nhận xét hàng năm đối với Đảng viên của chúng ta sinh hoạt hai chiều. Tuy nhiên tôi đề nghị mức độ phạm vi công khai đến đâu, chúng ta cũng cần phải tính toán một cách cụ thể.

Lý do thứ hai, nếu không công khai tại nơi cư trú thì Điều 52 hoàn toàn mâu thuẫn với Điều 6 quy định quyền và nhiệm vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng nhưng lại không công khai minh bạch về tài sản và thu nhập. Điều 5 trách nhiệm của mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên không có cơ sở để giám sát phát hiện cung cấp thông tin và vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng. Cuối cùng, tôi đề nghị một số điều khoản có thể quy định cụ thể. Trong luật này chúng ta có 12 nội dung, 12 điều/108 điều phải hướng dẫn, đề nghị quy định cụ thể. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan