Góp ý của ĐBQH Nguyễn Viết Nhiên – TP Hải Phòng đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:16 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Sau 6 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được Luật phòng, chống tham nhũng còn bộc lộ một số hạn chế vướng mắc và bất cập. Tham nhũng hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và có biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng là cần thiết. Tôi nhất trí với nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi một số điều qua thực hiện thấy bất cập vướng mắc, đồng thời phải đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6 vào dự án luật. Sau đây, tôi xin tham gia một số vấn đề sau đây.

Vấn đề thứ nhất, về hành vi tham nhũng. Tôi thấy việc liệt kê 12 hành vi tham nhũng như dự thảo luật là chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các hành vi tham nhũng. Bởi tham nhũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự liên minh trong nước, ngoài nước, liên kết vùng, địa phương, biểu hiện lợi ích nhóm.

Do đó, tôi đề nghị bổ sung thêm các hành vi khác cũng là hành vi tham nhũng ngoài 12 hành vi đã được quy định trong dự thảo luật: Thứ nhất, hành vi của tập thể câu kết với nhau để tham nhũng; Thứ hai, hành vi tiếp tay, bao che, môi giới tham nhũng.

Vấn đề thứ hai, về phạm vi, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập. Tôi đề nghị sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng phải kê khai vì các lý do sau:

Thứ nhất, việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập trên thực tế vẫn còn là hình thức, hiệu quả ngăn chặn, phát hiện tham nhũng rất thấp.

Thứ hai, ta mới chỉ kê khai đối tượng phải kê khai bao gồm tài sản của vợ chồng và các con vị thành nhiên. Nhưng những người khác liên quan đến đối tượng phải kê khai như con đã thành niên, bố mẹ, anh chị em ruột thì không phải kê khai. Đây là một sơ hở để các đối tượng phải kê khai nếu có tài sản sẽ chuyển sang người thân của mình nắm giữ. Vì vậy phải mở rộng đối tượng phải kê khai.

Trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, kê khai minh bạch tài sản và thu nhập là một trong những biện pháp phòng, ngừa tham nhũng. Để làm tốt công tác kê khai minh bạch tài sản của các đối tượng gồm những người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai thì ngoài việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của gia đình người đó gồm vợ, chồng, các con vị thành niên còn phải kê khai minh bạch tài sản các con đã thành niên, của bố mẹ, anh chị em ruột và phải trung thực kê khai đối với cơ quan quản lý.

Cơ quan quản lý sẽ thẩm định, xác minh theo quy định của pháp luật. Nếu người kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Vấn đề thứ ba, việc công khai kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ phải kê khai tại nơi cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên làm việc, công tác để cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp giám sát tính trung thực trong việc kê khai, góp phần ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng, không nên công khai cả nơi cư trú vì lý do sau đây:

Thứ  nhất, có người do tài sản minh bạch của mình mà đối tượng xấu trong xã hội biết thì liên quan đến việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của họ như thế nào?

Thứ hai, tại nơi cư trú nếu chỉ căn cứ vào bảng kê khai tài sản thu nhập để giám sát phát hiện ra việc kê khai thiếu trung thực là khó thực hiện được.

Thứ tư, việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tôi đề nghị phải quy định ngay trong luật nội dung về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, dù là những quy định mang tính nguyên tắc.

Về việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức Điều 47 của dự thảo luật, tôi đề nghị nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó quy định một cách hợp lý về thẩm quyền, vị trí, điều kiện thời gian và cách thức chuyển đổi để đảm bảo tính chuyên môn hóa với từng vị trí công tác và biên chế đã được xác định.

Thứ năm, về xác định trách nhiệm của người đứng đầu, tôi đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng, có xác định như vậy thì người đứng đầu mới sử dụng mọi biện pháp để quản lý chặt chẽ cấp dưới thực hiện nhiệm vụ hiệu quả và ngăn ngừa được hành vi tham nhũng. Tuy nhiên theo tôi quy định như Khoản 1, Khoản 3, Điều 68 và Khoản 1, Điều 72 dự thảo luật thì khó cho người đứng đầu. Vì người đứng đầu càng tăng cường nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng xảy ra trong cơ quan tổ chức mình thì càng phải chịu trách nhiệm. Do đó, việc bao che, che dấu hành vi tham nhũng là khó tránh khỏi. Do vậy, trong dự án luật cần có chế tài đối với người đứng đầu tích cực phòng, chống tham nhũng chứ chỉ xét miễn hoặc giảm trách nhiệm pháp luật thì vẫn không phát huy được vai trò tích cực của người đứng đầu.

Thứ sáu, về các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, theo tôi phải có cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Ở Trung ương, theo tôi phải có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và đứng đầu là Tổng bí thư. Về các cơ quan gồm có Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ, các cơ quan này có bộ phận chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng và quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nói trên một cách cụ thể và chặt chẽ. Đối với Đảng đoàn của các cơ quan, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương.

Đối với ở địa phương, Ban nội chính có một bộ phận chuyên trách giúp đồng chí Bí thư chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Trên đây là một số ý kiến của tôi tham gia vào dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan