Góp ý của ĐBQH Phạm Văn Hổ – Phú Yên đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:17 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Qua nghiên cứu dự thảo luật tôi nhận thấy việc sửa đổi lần này luật đã tập trung quy định về nội dung kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức có chức vụ. Tuy nhiên dự thảo luật chưa quy định rõ những điều cần làm cụ thể để luật được đi vào cuộc sống. Hầu hết các điều ở Chương II về phòng, chống tham nhũng của dự thảo luật chỉ quy định yêu cầu phải công khai tài sản, công khai thu nhập nhưng chưa quy định rõ về vấn đề minh bạch, chưa xác định rõ về phạm vi công khai, công khai vào thời điểm nào, nội dung gì cần phải minh bạch.

Về hình thức đối tượng công khai và giải pháp tổ chức thực hiện được quy định khá chi tiết nhưng những điểm quan trọng nhất, chi tiết nhất của dự thảo luật lại giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành. Cụ thể công khai minh bạch trong mua sắm công, xây dựng cơ bản ở Điều 13, việc yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân ở Điều 36, trách nhiệm giải trình ở Điều 37, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức ở Điều 47, kiểm soát thu nhập ở Điều 65. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị khi đã xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý phục trách ở Điều 68, đổi mới phương thức thanh toán Điều 71, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng Điều 88. Do vậy, tôi đề nghị Ban Soạn thảo luật cần nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp hơn.

Về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật theo gợi ý của Đoàn Thư ký kỳ họp tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về hình thức  công khai tại Điều 12 của dự án luật, theo quy định 7 hình thức công khai nhưng lại vẫn viện dẫn hình thức công khai bắt buộc theo luật hiện hành. Hoặc giao việc lựa chọn hình thức công khai cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị. Thực tế cho thấy người đứng đầu thường chọn hình thức công khai dở nhất là tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị kể cả những vấn đề có liên quan đến việc và lợi ích hợp pháp của công dân của doanh nghiệp. Do đó chưa khắc phục được tính hình thức, tính hiệu quả còn thấp trong lĩnh vực hoạt động này.

Để tăng cường tính giám sát ngoài 7 hình thức trên tôi đề nghị bổ sung thêm hình thức bắt buộc công khai tại nơi đang sinh hoạt, sinh sống để cử tri và nhân dân tiện giám sát và theo dõi.

Thứ hai về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ công khai minh bạch tài sản ở Điều 48. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 48 có quy định cán bộ công chức được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương Phó trưởng phòng của ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức đơn vị phải kê khai minh bạch tài sản. Tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng là cán bộ công chức từ Phó trưởng phòng trở lên đang công tác tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể cũng phải có nghĩa vụ kê khai minh bạch tài sản vì quy định trong dự thảo luật còn thiếu các đối tượng trên.

Dù tại Điểm k, Khoản 1, Điều 48 có một điều quét quy định cán bộ công chức, viên chức là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải kê khai tài sản nhưng thực tế có những người giữ chức vụ trên chưa phải là đảng viên.

Thứ ba, về xác định trách nhiệm người đứng đầu được quy định tại Điều 56, Điều 66, Điều 67, Điều 68 của dự thảo luật. Dự thảo luật chưa quy định rõ về khái niệm người đứng đầu. Chẳng hạn khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu xác định là trưởng phòng, vụ trưởng, cục trưởng, tổng cục trưởng hay bộ trưởng. Tương tự như vậy ở địa phương khi có một hành vi tham nhũng xảy ra thì người đứng đầu là ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm của các vị trí quản lý có liên quan đến đâu thì chưa được quy định rõ.

Do vậy, tôi đề nghị quy định rõ, cụ thể hơn trong luật khái niệm về người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Quy định trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu và trách nhiệm liên đới đối với cấp trên một cấp của người đứng đầu.

Dự thảo quy định người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách nếu như chúng ta quy định trách nhiệm nặng nề thì có thể dẫn đến cấp trên bao che cho cấp dưới, người đứng đầu càng phát hiện được nhiều vụ việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì chính họ lại bị xử lý. Vì vậy, tôi đề nghị quy định lại theo hướng người đứng đầu được khen thưởng, biểu dương nếu họ phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng thì khi đó công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn.

Thứ tư, về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập ở Điều 55 và thẩm quyền xác minh tài sản thu nhập tại Điều 56, dự thảo luật chưa quy định rõ cơ quan nào, đơn vị nào có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, kiểm soát thu nhập đối với các đồng chí giữ chức vụ chủ chốt của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Do vậy, tôi đề nghị cần quy định rõ hơn việc cơ quan đơn vị có thẩm quyền yêu cầu xác minh, kiểm soát tài sản đối với các đồng chí  có chức vụ trên để dễ thực thi trong thực hiện nhiệm vụ. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan