Góp ý của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:06 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Tôi ủng hộ việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc sửa đổi lần này ban đầu xuất phát từ việc thực hiện Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 5 liên quan đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nhưng có lẽ khi nghiên cứu Chính phủ nhận thấy cần phải sửa đổi một số điều trong luật nhân tiện thì sửa luôn.

Chúng ta ai cũng biết việc chống tham nhũng phải nhờ đến cả hệ thống pháp luật chứ không chỉ có Luật Phòng, chống tham nhũng, nhưng vẫn cần đến những chế định cơ bản của luật này. Tôi nhận thấy dự thảo luật trình Quốc hội lần này không có gì thực sự mới và đột phá, các quy định hầu như chỉ là mới trong Luật Phòng, chống tham nhũng, chứ thực chất đã được quy định ở trong các văn bản dưới luật như đại biểu Nguyễn Văn Hiến vừa đề cập.

Ví dụ như việc kê khai tài sản, thu nhập trước đây đã được quy định rất đầy đủ trong nghị định và thông tư rồi. Giờ biến nghị định và thông tư thành quy định của luật để tăng tính hiệu lực của các quy định đó cũng là việc làm tốt, nhưng rất tiếc là những vấn đề khó, những hình thức ở nghị định và thông tư lại không được khắc phục. Nhiều cơ chế đã không được tạo ra để các quy định khó thực hiện trước đây được thực hiện một cách dễ dàng hơn.

Tôi lấy làm tiếc là những quy định làm tăng tính hiệu lực, hiệu quả của luật chẳng hạn như việc xử lý trong việc kê khai tài sản lại không được bổ sung, sửa đổi. Trong Báo cáo đánh giá tác động lại có đoạn viết, tôi xin trích nguyên văn: "Về xử lý đối với phần tài sản tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý. Thanh tra Chính phủ cho rằng đây là vấn đề phức tạp cả về pháp luật và thực tiễn, cần có thời gian nghiên cứu thêm cùng với quá trình sửa đổi một số đạo luật khác có liên quan nên chưa thể hiện trong dự thảo luật". Điều đó chứng tỏ việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật lần này là chưa thấu đáo. Vậy phải nghiên cứu cho kỹ đi rồi sửa đổi bổ sung và ban hành. Vì vậy, tôi đồng tình với ý kiến của một số đại biểu là chưa nên thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng trong kỳ họp lần này.

Về một số nội dung cụ thể, một là việc kê khai tài sản thu nhập. Việc quy định trong luật các quy định cụ thể về kê khai tài sản thu nhập là cần thiết. Cứ mỗi lần sửa đổi luật, nghị định là mỗi lần mở rộng thêm đối tượng phải kê khai. Nhưng việc mở rộng kê khai đó lại không đồng nghĩa với việc tăng thêm tính hiệu quả phòng, chống tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức.

Theo tôi không cần phải mở rộng đối tượng kê khai, nhất là không nên chỉ mở rộng đối tượng là cán bộ công chức là Đảng viên. Đối với Đảng viên thì Đảng cần có quy định riêng và có cơ chế để thực hiện đối với Đảng viên. Còn không nên phân biệt ở trong luật, mà luật chỉ nên quy định đối với cán bộ chủ chốt. Còn việc mở rộng đối với đối tượng kê khai nên quy định theo hướng giao cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định những đối tượng khác. Hơn ai hết người đứng đầu biết cán bộ của mình ở vị trí nào cần phải kê khai tài sản thu nhập. Luật cứ quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong khi quyền yêu cầu của cán bộ cấp dưới phải kê khai cũng không có. Đây chính là việc làm tăng thêm trách nhiệm của người đứng đầu và nó cũng là công cụ để người đứng đầu thực hiện trong việc quản lý cán bộ công chức của mình.

Trong kê khai tài sản, thu nhập thì việc xác định khối tài sản của cán bộ công chức mang tính quyết định, do vậy việc kê khai lần đầu và xác minh tính trung thực của kê khai lần đầu là quan trọng nhất, nó là gốc để xác định việc tham nhũng hay có tham nhũng hay không khi mà khối tài sản của cán bộ công chức đó tăng lên. Không nên chỉ dừng ở việc kê khai đúng mẫu rồi lưu hồ sơ. Nếu việc này không được làm nghiêm túc thì khi xảy ra và có phát hiện được thì cũng rất khó xác định và khó xử lý.

Việc kê khai trước đây nó vẫn được thực hiện như một thủ tục hành chính, tôi chưa từng thấy ai bị làm sao khi kê khai, chưa từng thấy ai bị từ chối bổ nhiệm khi kê khai tài sản thu nhập không đúng. Thế mới có chuyện anh em  cán, bộ công chức nói đùa với nhau là cứ kê khai vống lên, chỉ phải giải trình khi tài sản tăng lên, chứ không ai phải giải trình khi tài sản giảm đi so với kê khai lần đầu. Đây là một kẽ hở, một cơ chế theo tôi những quy định trước đây làm cho nhiều cơ quan phải lúng túng mà luật thì cần phải có cơ chế thật rõ ràng để việc xác minh cũng như việc xác nhận không đúng của người có thẩm quyền cũng phải bị xử lý.

Thứ hai, tôi cũng đồng ý với ý kiến của một số đại biểu và đề nghị sửa Khoản 2 của Điều 48 là phải kê khai tài sản thu nhập thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con, kể cả con dâu và con rể, chứ không thể chỉ là của con chưa thành niên.

Thứ ba, việc xử lý hành vi tham nhũng, mặc dù tôi đồng tình với quan điểm là phải coi việc tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng, tôi nhất trí với ý kiến của đại biểu Trần Văn Độ là muốn tăng sức răn đe thì phải tăng cường sự phát hiện và xử lý, chứ cứ để tình trạng tham nhũng như Báo cáo tổng kết của Đảng, của Chính phủ, hết năm này đến năm khác, lúc nào cũng nhận định rằng tình trạng tham nhũng là nghiêm trọng, tình trạng tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng mà không phát hiện hay xử lý được bao nhiêu thì không thể nói là tăng được tính răn đe. Không phải hành vi tham nhũng nào cũng có thể phát hiện được, nhưng chừng nào mà nhận thức của cán bộ, công chức là nếu cứ tham nhũng là có thể bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc thì lúc đó mới có thể nói là pháp luật có hiệu quả.

Việc xử lý đối với cán bộ, công chức tham nhũng, tôi đề nghị không nên ghi như ở Điều 83 là tùy mức độ mà bị xử lý, kỷ luật và cũng không xử lý theo 4 mức mà trước đây nghị định đã quy định. Tôi đề nghị đối với cán bộ, công chức đã tham nhũng thì buộc thôi việc, không có khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch. Thật trớ trêu khi tôi chứng kiến có những trường hợp công chức bị truy tố, đi tù vì hành vi liên quan đến tham nhũng về lại được cơ quan tiếp nhận lại để làm việc.

Nếu chúng ta thất bại trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng, điều này có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của Đảng và sự sụp đổ của Nhà nước. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan