Góp ý của ĐBQH Hồ Trọng Ngũ – Vĩnh Long đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:05 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thứ nhất, tôi thể hiện quan điểm ủng hộ việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, tuy nhiên nếu sửa đổi ở một kỳ thì chỉ nên dành cho thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5 về Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Còn nếu chúng ta muốn quán triệt sâu sắc nghị quyết này và sửa chữa một cách toàn diện thì theo tôi đồng ý với một số đại biểu đã nêu là chúng ta phải tiến hành 2 kỳ trên cơ sở tổng kết sâu sắc 6 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Nếu sửa một cách toàn diện theo tôi phải tính đến thiết chế theo hướng là luật này phải chú trọng cho việc lấy “phòng” làm chính và kiên quyết “chống” nhưng “chống” ở đây chỉ là tạo những điều kiện cơ sở pháp lý cho hệ thống đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn. Theo tôi nhu cầu hiện nay cần phải sửa một cách toàn diện, thống nhất các nguyên tắc xử lý với Bộ luật Hình sự.

Thật ra về nguyên tắc không thể xác định những nguyên tắc của trách nhiệm hình sự trong luật này được. Nhưng chúng ta có thể tính bằng kỹ thuật lập pháp để ngay từ bây giờ đã tính cho việc sửa đổi những nguyên tắc của Bộ luật hình sự trong lần chúng ta sửa Bộ luật hình sự sắp tới.

Ví dụ như có thể nêu nguyên tắc là cùng loại hành vi nhưng chức vụ càng lớn thì trách nhiệm càng cao, có thể ghi trong luật này được, chúng ta không ghi rõ là trách nhiệm hình sự hoặc là cũng có thể bổ sung nguyên tắc tham nhũng trong các lĩnh vực thực hiện chính sách nhân đạo, chính sách xã hội, chính sách với người có công với nước thì trách nhiệm càng cao, trách nhiệm càng nặng, ví dụ như vậy thì chúng ta có thể mai mốt tiếp tục thể chế hóa trong Bộ luật hình sự.

Điều tôi quan tâm ở đây là vấn đề công khai minh bạch, thực ra yếu tố quyết định của việc đấu tranh phòng chống tham nhũng chính là chúng ta có công khai minh bạch được không. Hiện nay trong dự luật này nói rất nhiều về công khai minh bạch nhưng quy định thế nào để thực hiện được minh bạch là cả một vấn đề tôi thấy trí tuệ của nhân loại cũng đầu tư rất nhiều nhưng không dễ dàng chút nào.

Tôi đồng ý với cách xử lý vấn đề như một số đại biểu nêu là vấn đề cơ chế bảo đảm thực hiện việc kê khai, công khai tài sản và trách nhiệm giải trình là phải được giải trình xử lý dễ dàng, nếu chúng ta xử lý không kỹ và vẫn với điệp khúc như lâu nay là coi kê khai là phương tiện đa năng thì chúng ta vẫn trở lại vòng như cũ bởi kê khai như vậy chưa phải là mình và cái bạch thì không minh, để làm rõ cái minh thì phải bằng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ điều tra, xác minh cho kỹ, kê khai như thế nào, đến những ai và kê khai đến đâu, không thể chỉ dựa trên tình cảm pháp lý để thỏa mãn sự bức xúc của quần chúng, mặc dù điều này rất quan trọng.

Theo tôi các đại biểu không chỉ mang tình cảm pháp lý chuyển tải đến tâm tư nguyện vọng của cử tri về đấu tranh diệt trừ tham nhũng mà phải bằng cả thái độ, không chỉ thái độ kiên quyết mà phải tính đến việc đấu tranh với tham nhũng là việc khó và phải tính toán căn cơ, phải bằng giải pháp khoa học, phải kỹ càng thì chúng ta mới giải quyết được. Vì vậy, tôi ủng hộ quan điểm của một số đại biểu nêu sáng nay là phải tính toán đến thiết chế, đến tài chính, làm sao chúng ta kiểm soát được tài chính. Nếu chúng ta vẫn thực hiện cơ chế tài chính như hiện nay, cách quản lý thu nhập của mọi người như hiện nay thì không những chúng ta không chống được tham nhũng mà hiện tượng bất bình đẳng trong việc đóng góp với xã hội. Ví dụ Luật thuế thu nhập cá nhân hiện nay, người lương cao nhưng thu nhập thấp, còn có người lương thấp nhưng thu nhập cao, như vậy trách nhiệm của họ trong việc đóng thuế là không công bằng.

Theo tôi Điều 65 phải xử lý bằng được vấn đề thu nhập cá nhân, không phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát thu nhập cá nhân mà phải giao cho Chính phủ triển khai sớm hệ thống kiểm soát lưu thông tiền mặt bằng công nghệ thông tin hiện đại để kiểm soát thu nhập của mọi công dân. Như vậy chúng ta mới làm được. Đây là cuộc chiến với kẻ thù rất nguy hiểm, rất tinh vi, gian ngoan xảo quyệt mà ở gần chúng ta lại đầy đủ những thủ đoạn tinh vi để che giấu cho nên theo tôi nhà nước phải dốc hết nhân tài vật lực cho cuộc chiến này bằng một giải pháp cải thiện cơ chế kiểm soát thu nhập có thể rất tốn kém bước đầu nhưng chúng ta sẽ được hiệu quả lâu dài. Tập trung khắc phục chế độ chi tiêu tiền mặt phổ biến như hiện nay, mọi công dân đều có mã số thuế và mọi thanh toán chi trả đều qua mã số thuế thì không khó khăn lắm để chúng ta chống tham nhũng. Khi tất cả sự vận hành của đồng tiền được kiểm soát, khi mọi khoản chi tiêu khoảng hơn 1 triệu đồng tôi ước lệ như vậy, đều được dùng bằng tiền mặt thì chắc là chống tham nhũng không khó khăn như hiện nay.

Vấn đề cuối cùng, tôi muốn góp ý kiến về cơ quan phòng, chống tham nhũng. Tôi cho rằng chúng ta cũng không nên xáo trộn hệ thống của chúng ta hiện nay và không phải cơ quan nào tiến hành điều tra tội phạm tham nhũng thì chúng ta mới xử lý được tham nhũng. Vấn đề ở chỗ là cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng đó có được kiểm sát kỹ không, chọn những người đứng đầu hệ thống đó, những người tốt đúng theo nghĩa của chúng ta chọn không, trung thành với chế độ không và giao cho họ quyền hạn đến đâu, cơ chế giám sát những người này như thế nào để làm sao kiểm soát được chính những thu nhập của họ, kiểm soát được việc thực thi pháp luật của họ. Còn nếu không phải là người tốt và cơ chế không kiểm soát được thì tham nhũng vẫn nguyên như vậy, bởi vì cơ chế này thường xuyên có nguy cơ tham nhũng.

Tôi đề nghị có một cơ chế công khai minh bạch trong việc kiểm soát lãnh đạo của cơ quan này và tôi không tin rằng nếu đưa cơ quan điều tra chống tham nhũng sang Quốc hội hay một cơ quan nào đó của Trung ương Đảng thì chất lượng điều tra chống tham nhũng tốt hơn. Vấn đề là hãy buộc các cơ quan này làm đúng pháp luật và tôi đồng ý là Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phải do Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo, chứ không phải điều tra và vì thế Quốc hội phải có một cơ chế để chọn người đứng đầu cơ quan điều tra, cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp đặc biệt để phát hiện, điều tra chứng minh tội phạm tham nhũng, đặt thiết chế giám sát thường xuyên đối với cơ quan này, hiện nay chúng ta mới để Ủy ban tư pháp giám sát điều tra chống tham nhũng, tôi cho là chưa đủ, các Ủy ban của Quốc hội đều có trách nhiệm giám sát tham nhũng trong lĩnh vực mình theo dõi, quản lý thì chúng ta có thể chống được tham nhũng.

Kinh nghiệm ở Bungary, tôi thấy người ta có một Ủy ban về giám sát tình báo và những đại biểu Quốc hội, nguyên là những sỹ quan tình báo giám sát hoạt động tình báo, chúng ta cũng có thể làm như vậy và phải xử lý nghiêm khắc hiện tượng can thiệp vào hoạt động điều tra, cũng như những người cố tình áp dụng pháp luật trong điều tra không đúng đắn, có như vậy thì chúng ta sẽ không xáo trộn hệ thống, không phải sửa toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự, xáo trộn tố tụng hình sự và chúng ta vẫn thực hiện được cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân thông qua Quốc hội vẫn làm chủ. Theo tôi cần phải tính bài toán đó trong điều kiện chúng ta đã bỏ chức năng kiểm sát chung của viện kiểm sát. Chúng ta chuyển những việc này cho các ủy ban của Quốc hội để tiến hành.

Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan